| Hotline: 0983.970.780

Ba Lan mong muốn xuất khẩu lúa mì, lúa mạch sang Việt Nam

Thứ Năm 23/02/2023 , 17:28 (GMT+7)

Ngày 23/2, Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến làm việc với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Phát triển và Nông thôn Ba Lan Lech Kolakowski về thúc đẩy hợp tác thương mai nông sản.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin, các công việc theo biên bản Phiên họp lần thứ nhất Tổ công tác về hợp tác nông nghiệp do hai Thứ trưởng ký tháng 6/2022 đang triển khai rất tích cực. Theo cam kết, Bộ NN-PTNT đã giao Cục Thú y cử đoàn thanh tra sang Ba Lan kiểm tra thực tế để đánh giá chuỗi sản xuất thịt bò, thịt ngỗng và thịt vịt. Ngày 14/2/2023, Cục Thú y đã hoàn thiện báo cáo đánh giá và thông báo với phía Ba Lan về việc đồng ý kiểm dịch nhập khẩu các sản phẩm này.

Về nhập khẩu các nông sản của Ba Lan sang Việt Nam và xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Ba Lan đang diễn ra khá thuận lợi.

Nhân chuyến thăm của ông Lech Kolakowski, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề xuất hai cơ quan Thú y cần thống nhất về quy trình với nội dung liên quan đến xuất khẩu thịt bò, thịt vịt và thịt ngỗng từ Ba Lan sang Việt Nam. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho rằng hai cơ quan về kiểm dịch thực vật cần xúc tiến tích cực hơn để sớm có sản phẩm trao đổi giữa hai bên, đặc biệt là phân tích nguy cơ dịch hại. Hai bên cũng cần tăng cường quan hệ hợp tác về kiểm soát chất lượng thực phẩm.

Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến làm việc với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Phát triển và Nông thôn Ba Lan Lech Kolakowski. 

Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến làm việc với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Phát triển và Nông thôn Ba Lan Lech Kolakowski. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu những điểm sáng của nông nghiệp Việt Nam những năm gần đây. Mặc dù điều kiện 2022 khó khăn, Việt Nam vẫn xuất khẩu được 53,53 tỷ USD. Thị trường nông sản Việt Nam rất rộng lớn với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tỷ lệ lô hàng trả về giảm sâu so với những năm trước, với khối lượng nông sản xuất khẩu lớn như lúa gạo đạt 7,17 triệu tấn và các mặt hàng khác như rau quả, gỗ, sản phẩm ngoài gỗ, thủy sản, cà phê, cao su, hạt điều...

Nông nghiệp Việt Nam đang chuyển hướng tích cực từ nâu sang xanh thể hiện tiêu chí như giảm sử dụng thuốc BVTV, áp dụng hướng tiếp cận Một sức khỏe đối với vật nuôi trên cạn và thủy sản. Hệ sinh thái giữa con người, môi trường và vật nuôi được cân bằng. Những năm gần đây, việc xảy ra dịch bệnh trên động vật, thủy sản, rất hạn chế.

Phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học đang được phát triển. Tỷ lệ nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp tuần hoàn được thúc đẩy. Trong khi đó,  nông nghiệp Việt Nam chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu, an toàn dịch bệnh chặt chẽ để đảm bảo nguyên liệu chế biến đưa vào xuất khẩu tốt.

Về phía Ba Lan, Thứ trưởng Lech Kolakowski cho biết thỏa thuận hợp tác kể từ Phiên hợp lần thứ nhất hồi tháng 6 năm ngoái đang được triển khai rất hiệu quả, đặc biệt với các sản phẩm thịt bò, thịt ngỗng và thịt vịt của Ba Lan. Đại diện Ba Lan cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT cũng như Cục Thú y trong tiến trình này.

Ông Kolakowski cho biết, kể từ sau chuyến thăm tới Viện Nuôi trồng Thủy sản Trung ương 1 năm ngoái, đoàn Bộ Nông nghiệp, Phát triển và Nông thôn Ba Lan đã làm cầu nối để xúc tiến hợp tác giữa đơn vị này và Viện Nuôi trồng cá của Ba Lan. Đại diện Ba Lan cho rằng, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản sẽ là vấn đề quan trọng tiếp theo trong Phiên họp lần 2 Tổ công tác về hợp tác nông nghiệp.

Hai Thứ trưởng và các cán bộ hai Bộ chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: Diệu Linh.

Hai Thứ trưởng và các cán bộ hai Bộ chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: Diệu Linh.

Nhân buổi làm việc, Thứ trưởng nông nghiệp Ba Lan gửi bộ tài liệu liên quan đến mở rộng tiếp cận thị trường Việt Nam của Ba Lan tới đại diện Bộ NN-PTNT Việt Nam, theo đó đề xuất Việt Nam mở cửa thị trường đối với lúa mạch và lúa mì của Ba Lan.

Ông Kolakowski mong muốn Việt Nam sẽ chấp thuận và đây là bước tiến để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác nông sản giữa hai bên.

Trong thương mại nông sản hai bên, Ba Lan xuất khẩu sang Việt Nam đạt 150 triệu Euro và nhập khẩu hơn 300 triệu Euro. Thứ trưởng Ba Lan kỳ vọng, xuất khẩu thịt bò, thịt vịt, thịt ngỗng và trong tương lai là lúa mì và lúa mạch của nước này sang Việt Nam sẽ giúp cân bằng cán cân thương mại nông sản của hai quốc gia.

Ông cũng khẳng định, tất cả sản phẩm nông sản của hai nước không có tính cạnh tranh mà bổ sung cho nhau. “Việt Nam chắc chắn có thể trở thành điểm quan trọng tại khu vực châu Á của nông sản Ba Lan và ở chiều ngược lại, Ba Lan sẵn sàng là điểm giới thiệu sản phẩm của Việt Nam tại Đông Âu và châu Âu”, ông Kolakowski cho biết,

Phản hồi đề xuất từ phía Ba Lan, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu danh mục các sản phẩm trong bộ tài liệu mở rộng thị trường tại Việt Nam của Ba Lan, đặc biệt với lúa mì và lúa mạch.

“Với nhu cầu của Việt Nam, lúa mì và lúa mạch Ba Lan có thể sớm được chấp thuận, quan trọng là chất lượng, an toàn dịch bệnh và giá cả. Hy vọng trao đổi thương mại hai chiều nông nghiệp Ba Lan - Việt Nam sẽ được tăng cường hơn, đúng với tiềm năng lợi thế của hai nước”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.