| Hotline: 0983.970.780

Đâu rồi hạt đậu tương ta

[Bài 2] Đậu phụ làng Chài, Võng La

Thứ Sáu 30/06/2023 , 06:26 (GMT+7)

Khác với đậu Mơ chỉ còn một số hộ giữ nghề, đậu phụ Võng La được công nhận là làng nghề truyền thống năm 2019 và có khá đông gia đình còn theo nghiệp.

Làng Chài, Võng La nơi có nhiều hộ sản xuất đậu phụ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Làng Chài, Võng La nơi có nhiều hộ sản xuất đậu phụ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chỉ có tiếng Anh mà quên tiếng Việt

Võng La (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) xưa là một làng chài nằm ven bờ sông Hồng. Bên bếp lò đỏ rực, người già vẫn kể cho con cháu rằng thời Hùng Vương có ba vị thánh đến giúp Tản Viên dẹp nạn hồng thủy, đi qua đây thấy phong cảnh hữu tình liền dừng lại, truyền cho nghề làm đậu phụ.

Dân Võng La học nghề từ tấm bé qua việc xem bố mẹ làm, rồi phụ việc ngâm đậu, xay đậu và cuối cùng là trực tiếp làm các công đoạn khó như pha nước chua, đổ khuôn đậu. Bìa đậu làng Chài ăn béo ngậy và dẻo thơm, do được sản xuất từ hạt đậu tương ta lòng vàng sáng bóng, xay bằng cối đá và vắt thủ công.  

Đã có thời làm đậu phụ thành nghề chính khi cả làng lên bờ, gác lại chài lưới. Khi khu công nghiệp Bắc Thăng Long được mở ra, đất ruộng của làng không còn nữa. Bãi bồi ven sông Hồng xưa trồng đậu tương giờ 15 năm nay cũng bỏ không nhưng Võng La vẫn còn giữ được nghề nhờ mua đậu từ nơi khác về, nay là đậu nhập khẩu.

Bài liên quan

Anh Nguyễn Quang Hiếu - trưởng thôn Võng La kể, cách đây 10 năm khoảng 70-80% hộ làm đậu, hồi công nhận làng nghề năm 2019 còn hơn 50 hộ, giờ chỉ khoảng hơn 20 hộ, cùng Công ty Mầm Xanh và HTX Thanh niên Võng La. Cũng như nhiều gia đình khác, trưởng thôn được bố mẹ nuôi đến đại học cũng nhờ nghề đậu phụ, đến năm 2018 họ mới nghỉ vì vất vả thức đêm thức hôm mà thu nhập lại chẳng được bao nhiêu.

1 kg đậu tương có giá 18.000-20.000đ sản xuất ra 3 kg đậu phụ, bán được cỡ 30.000-36.000đ, trong đó chưa kể điện, nước, công. Ngày làm 20-25 kg đậu tương cả hai vợ chồng mới lãi được khoảng 150.000-200.000đ. Bởi thế, cánh thanh niên đã bỏ nghề gần hết. Hộ làm đậu trẻ nhất cũng trên 40 tuổi, còn lại là phổ biến tầm trung và lớn tuổi. Từ khi có HTX Thanh niên Võng La, Công ty Mầm Xanh sản phẩm của làng bắt đầu được làm giấy tờ chứng nhận an toàn thực phẩm, bán vào được siêu thị, cửa hàng và các bếp ăn tập thể. Ngoài chủ lực là đậu phụ trắng, làng còn có đậu phụ nướng và đậu phụ nhân cháy.

Xưởng đậu phụ nhà bà Lê Thị Đoàn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xưởng đậu phụ nhà bà Lê Thị Đoàn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xưởng đậu nhà bà Lê Thị Đoàn có 4 lao động, chia ra 2 ca thay phiên nhau làm từ 3h sáng đến 3h chiều, mỗi ngày chế biến 1 bao 50 kg đậu tương hạt để cho ra 600 bìa đậu phụ. Với mỗi bìa bán 3.000đ, cả gia đình bà kiếm được khoảng 500.000 đ tiền công sau khi đã trừ hết chi phí.

Bà kể: “Làng có 3 cửa hàng bán đậu tương, tôi lấy của bà Tứ. Lúc bao bì này, lúc bao bì khác, nhưng đều là hàng Mỹ và Canada, giờ giá 19.000đ/kg nhưng có thời điểm lên tới 27.000đ/kg”. Khi được hỏi đây là đậu tương bình thường hay biến đổi gen GMO, bà trả lời không biết vì trên bao bì không ghi rõ bằng tiếng Việt, mà chỉ biết loại nào làm được đậu phụ thì lấy nhiều, không có thì lấy tạm vài bao.

Trong cái kho tối om vì bóng đèn đã cháy, anh Phan Văn Hồng phải mở cái cửa sổ bé tẹo cho chút ánh sáng hắt vào lờ mờ để cho tôi xem hai loại đậu tương hạt xưởng mình đang dùng để chế biến đậu phụ. Tôi để ý hàng loạt bao màu xanh cốm chất đống lên nhau, trên đó có in dòng chữ Soybeans GMO tức đậu tương biến đổi gen nhưng không ghi rõ bằng tiếng Việt, nguồn gốc từ Canada, do Công ty TMV Việt Nam, có địa chỉ ở Đông Anh, Hà Nội phân phối.

Những bao đậu trong kho nhà anh Phan Văn Hồng có ghi GMO nhưng không ghi biến đổi gen bằng tiếng Việt theo quy định. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những bao đậu trong kho nhà anh Phan Văn Hồng có ghi GMO nhưng không ghi biến đổi gen bằng tiếng Việt theo quy định. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bên cái bếp lò nồng nặc mùi khói than, chị Nguyễn Thị Quỳnh - vợ anh Hồng vừa rời tay đặt những quả bê tông để ép đậu lại với cái gáo nhựa pha nước chua chuẩn bị cho mẻ mới. Hai vợ chồng chị phải thức dậy từ 11h đêm làm đến 11h sáng mới nghỉ. Mỗi ngày họ chế biến 50-60 kg đậu tương hạt.

“Đậu tương quê bao giờ cũng ngon hơn, trước đây đến mùa khoảng tháng 10, 11 có vài tháng. Nay người Việt không mấy ai muốn trồng đậu tương nữa bởi vất vả và không lãi mấy nên lâu rồi chúng tôi chỉ làm đậu Canada và Mỹ, nhập của bà Vân với giá 17.000-18.000đ/kg. Hai loại này tương đương chất lượng, giá cũng bằng nhau, chắc do hai công ty nhập. Cứ đậu tương đẹp, pha được ra nhiều đậu phụ là lấy. Thường tôi mua một lô làm xong, bán hết mới trả tiền lại lấy lô khác”.

Vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Bưởi - Nguyễn Thị Hiệp đã làm nghề đậu phụ từ 30 năm nay. Khi tôi đến, bà vừa đi chợ xã bán hàng về. Nhiều hôm chợ ế, bà phải đem đậu đi bán rong, gọi cho những người quen nài nỉ ăn hộ. Hỏi về chuyện đậu tương nguyên liệu, ông Bưởi lôi từ trong góc bếp ra một bao tải màu xanh cốm quen thuộc của Công ty TMV Việt Nam, có địa chỉ ở Đông Anh, Hà Nội trên đó có in dòng chữ Soybeans GMO tức đậu tương biến đổi gen, nhập Canada nhưng không có chú thích rõ bằng tiếng Việt theo như quy định.

Bao đậu nhà ông Nguyễn Văn Bưởi có ghi GMO nhưng không ghi biến đổi gen bằng tiếng Việt như quy định. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Bao đậu nhà ông Nguyễn Văn Bưởi có ghi GMO nhưng không ghi biến đổi gen bằng tiếng Việt như quy định. Ảnh: Dương Đình Tường

Bà Hiệp giải thích: “Trước đây thỉnh thoảng vẫn có đậu tương ta nhưng mấy năm nay không thấy nữa. Giá đậu tương ta bao giờ cũng hơn đậu tương nhập khẩu khoảng 10.000đ/kg, trong khi mua đậu phụ người ta vẫn chỉ trả giá như vậy nên không có lãi mấy. Do đó khi có hàng tôi phải trộn cả đậu ta lẫn đậu nhập khẩu theo tỷ lệ nửa này, nửa kia.

Mỗi ngày tôi làm 200 bìa đậu phụ và lấy đậu tương của nhà bà Vân với giá 18.000đ/kg. Những lúc giá lên 26.000-27.000đ/kg thì gần như làm không công. Làm đậu phụ giờ toàn những người quá độ tuổi đi khu công nghiệp, không còn sức để làm những việc khác. Nghề này nặng nhọc thì không nhưng có nhiều công đoạn tốn thời gian lắm!”.

Để tiếp nối nghề của tổ tiên, vợ chồng chị Đào Thị Loan ngày nào cũng phải dậy từ 12h đêm làm đến 5-6h sáng cho hết 25 kg đậu tương. Sau đó anh dọn dẹp xưởng, chị đem hàng đi chợ bán, tính toán chi li may ra lãi được tầm 400.000đ. Vục một tay vào trong cái bao tải màu xanh cốm của Công ty TMV Việt Nam mà trên đó có in dòng chữ Soybeans GMO tức đậu tương biến đổi gen, chị tãi ra những hạt đậu to tròn, có mày đen đặc trưng rồi bảo: “Đậu này em nhập của bà Vân, mỗi lần lấy 3 tạ, sản xuất hết thì lấy đợt khác. Đậu tương phải luôn mới thì làm đậu phụ mới ngon”.

Chị Đào Thị Loan bên bao đậu có ghi chữ GMO nhưng không ghi biến đổi gen bằng tiếng Việt theo quy định. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Đào Thị Loan bên bao đậu có ghi chữ GMO nhưng không ghi biến đổi gen bằng tiếng Việt theo quy định. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hàng nhập của công ty, hàng tự đóng gói

Quá nửa không gian của cửa hàng bà Nguyễn Thị Vân xếp ngồn ngộn những bao đậu tương theo từng chủng loại trong đó có bao của công ty TMV Việt Nam ghi chữ Soybeans GMO, còn của các công ty khác thì không. Đang vắng khách, rỗi rãi nên bà tiếp chuyện tôi một cách niềm nở:

“Xưa 90% nhà trong làng làm đậu, giờ còn khoảng 10%, hầu như tồn tại được chỉ có mỗi nhà cô vì ký được hợp đồng với các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể, siêu thị, trường học bên Hà Nội. Công ty Mầm Xanh của hai đứa con trai, con gái nhà cô kết hợp với một anh ở dưới Phương Trạch lập ra, có 9-10 lao động, hôm nào sản xuất nhiều thì dùng 500 kg đậu hạt, còn trung bình dùng 300 kg đậu hạt”.

15 tuổi bà Vân đã đi buôn đậu tương rồi nhưng chỉ thực sự làm lớn bắt đầu khi gia đình mở công ty Mầm Xanh để sản xuất đậu phụ mấy năm về trước. Nhờ có công ty mà 70% sản lượng của cửa hàng là tự tiêu, còn lại 30% thì xuất ra ngoài cho các hộ dân trong làng, thường bán xong đậu phụ họ mới trả tiền hàng để nhập lô đậu tương mới.

Bà Nguyễn Thị Vân bên những bao đậu có ghi chữ GMO nhưng không ghi biến đổi gen bằng tiếng Việt theo quy định. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Nguyễn Thị Vân bên những bao đậu có ghi chữ GMO nhưng không ghi biến đổi gen bằng tiếng Việt theo quy định. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Khi xưa, có đậu tương ta bà con làm ăn rất phát triển vì lúc đó làm được đậu, tiêu thụ tốt. Đậu tương ta làm đậu phụ ăn béo và ngon hơn nhưng khoảng 20 năm nay không còn thấy nữa. Tất cả đậu tương giờ là Canada, Mỹ.

Ở đây có hai loại bao, nguyên của công ty như bao của Lam Sơn, TMV, Minh Khang mép có một đường chỉ và bao cũ cô mua lại của dân sau khi sử dụng, rồi mua đậu tương theo lô cũng của công ty nhập về đóng vào, có hai đường chỉ, không đẹp bằng. Sản lượng mỗi tháng của cửa hàng khoảng 20-30 tấn. Hàng rời dùng lại bao cũ sẽ có lãi hơn bao nguyên của công ty. Mỗi cân đậu rời bán lãi 500 đ, mỗi cân đậu nguyên của công ty lãi 300 đ”. Bà tâm sự.

Một người buôn đậu tương nhập khẩu có nói với tôi rằng, nếu chỉ phản ánh một, hai làng nghề đậu phụ ở Hà Nội có dùng đậu tương biến đổi gen (GMO) thì sẽ là không công bằng khi hầu hết các làng, cơ sở sản xuất đậu phụ nơi khác đều dùng như thế. Bởi vậy, tôi mới quyết định vượt sông Đuống để đến với một làng nghề nơi sản xuất ra những bìa đậu phụ to nhất cả nước.

Những công ty ghi trên bao bì đậu Soybeans GMO dù không ghi bằng tiếng Việt vẫn còn là khá tử tế so với nhiều công ty khác, lập lờ đánh lận con đen không ghi một dòng chữ nào. Trong khi đó hàng chục năm qua, các cơ quan chức năng có liên quan chẳng thấy kiểm tra việc thực hiện dán nhãn biến đổi gen theo quy định của pháp luật. 

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hợp tác xã chi tiền mua bảo hiểm cho lực lượng thủy nông viên

Dự báo nắng nóng gay gắt còn kéo dài, trong khi nước tích trữ trong các hồ chứa ngày càng suy giảm, Bình Định đang áp dụng nhiều giải pháp để tiết kiệm nước tưới…

[Bài 3] Những bài ca 'viết trên báng súng'

'Âm nhạc về Điện Biên Phủ không chỉ là những bài ca, ca khúc. Nó đã biến thành những hợp xướng, giao hưởng, trở thành một 'binh chủng âm nhạc hùng hậu...'.