| Hotline: 0983.970.780

Những giống bưởi cổ không có ở đâu ngoài Hoài Đức (Hà Nội)

Bài 2: Hai 'hoa hậu' xuất thân từ một làng

Thứ Hai 04/04/2022 , 15:03 (GMT+7)

Cùng với giống bưởi đường La Tinh, bưởi đường Quế Dương cũng đang được UBND huyện Hoài Đức cùng với Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội làm chỉ dẫn địa lý.

Những cây bưởi, quả bưởi khổng lồ

Vợ ông Nguyễn Như Hảo, Chủ tịch Hội Sản xuất - Kinh doanh Bưởi Quế Dương đồng thời là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất Bưởi an toàn Quế Dương khi thấy chúng tôi xuất hiện bất ngờ ở nhà đã bảo: “Tiếc quá không biết các anh đến chơi chứ cách đây mấy ngày quả bưởi để trên bàn thờ của gia đình, tôi với đứa con đem ra bổ, ăn vẫn còn ngon lắm!”...

Cứ như lời của người già kể lại thì bưởi Quế Dương vốn có nguồn gốc từ 1 cây bưởi được trồng thực sinh trong vườn của cụ Trần Thảo tại thôn Tháp Thượng, xã Cát Quế (huyện Hoài Đức) cách đây khoảng 100 năm. Năm 1954, bà Minh ở thôn Tam Hợp có chiết 1 nhánh từ cây bưởi tổ này về, đến giờ người đã mất nhưng cái cây vẫn còn cho quả đều mỗi năm 400 - 450kg, bán được trên dưới 10 triệu đồng.

Người dân lúc trước không biết kỹ thuật chăm sóc mà gần như để nó mọc hoang nhưng sức sống của bưởi Quế Dương rất mạnh. Nó có bộ lá to, xanh đậm che cho quả ít bị xém nắng và đặc biệt có hệ thân cành phát triển nên vừa có thể trồng lấy quả vừa lấy bóng mát. Cây ít bị sâu bệnh nên hầu như không cần phải phun thuốc như bưởi Diễn và có khả năng chịu úng cao - một đặc tính hiếm thấy ở các loài cây có múi. Được trồng ở vùng bãi sông Đáy, đã từng trải qua những trận lũ lịch sử vào năm 1945, 1969, 1971 nhưng bưởi Quế Dương vẫn còn tồn tại khỏe mạnh lạ thường.

Gốc bưởi cổ trong vườn của bà Minh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gốc bưởi cổ trong vườn của bà Minh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quỳnh ở Trung tâm Tài nguyên Thực vật, nhược điểm duy nhất của giống bưởi đặc sản này là do phát triển sớm nên lúc thu hoạch trúng vào mùa mưa. Năm nào mưa nhiều, hàm lượng đường trong quả thấp sẽ bị nhạt hay thu muộn, cây ra lộc quả cũng bị nhạt, không đạt độ brix trung bình 11-12 ngọt mát như lúc bình thường.

Còn theo anh Nguyễn Như Hảo, Chủ tịch Hội Sản xuất - Kinh doanh Bưởi Quế Dương đồng thời là Giám đốc HTX Sản xuất Bưởi an toàn Quế Dương, tuy không được ngọt sắc nhưng giống đặc sản quê anh có lợi thế là thu hoạch sớm, có thể bắt đầu ăn từ rằm tháng Tám, hợp với phá cỗ trông trăng nên từ xưa đã xếp vào hạng bưởi quý. Những cô gái trong làng đi lấy chồng thường được mẹ cho 1 - 2 cành bưởi chiết làm của hồi môn. Chỉ có dựng nhà, thiếu đất dân làng mới chịu chặt cây chứ bình thường không ai dám phá.

Hình dáng, màu sắc đặc trưng của bưởi Quế Dương. Ảnh: Tư liệu.

Hình dáng, màu sắc đặc trưng của bưởi Quế Dương. Ảnh: Tư liệu.

Những khách về làng vào đúng mùa bưởi chín bao giờ anh Hảo cũng mời thưởng thức bưởi Quế Dương trước, ăn xong khách gật gù: “Anh ơi, bưởi này ngon đấy!”. Tiếp đến anh mời bưởi siêu ngọt, ăn xong khách bảo nửa đùa nửa thật: “Anh ơi, thế này là hai hoa hậu ở chung một làng thì không được rồi”. Cả chủ lẫn khách đều cùng cười xòa…

Xã Cát Quế có khoảng 95ha bưởi thì riêng Quế Dương chiếm khoảng 15ha trong đó có 8 cây đầu dòng, còn bưởi siêu ngọt chiếm khoảng 5 - 7ha trong đó có 20 cây trồng ban đầu, đã lâu năm. Trực tiếp đi từng vườn để đánh giá đầu dòng, cây nào ngon anh Hảo đều hay biết.

“Có những quả bưởi tơ (quả của cây bưởi mới phát triển) nặng tới 4 - 4,5kg, nếu đi kèm cùng cành lá đẹp nữa, không có 1 triệu thì không thể mua được để lên bàn thờ đâu. Còn trọng lượng trung bình thì quả bưởi Quế Dương cũng to gấp rưỡi, gấp đôi so với quả bưởi Diễn”. Trong lời nói của anh Nguyễn Như Hảo không giấu nổi sự tự hào.

Cùng là dòng bưởi ngọt nhưng khác với bưởi Diễn quả nhỏ, bưởi Quế Dương to gấp rưỡi, gấp đôi nên dân làng thường bán theo kg chứ không mấy khi bán theo quả. Một điều đặc biệt là kích cỡ càng vượt trội, chất lượng của nó lại càng rõ nét.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quỳnh kiểm tra lá của một cây bưởi non. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quỳnh kiểm tra lá của một cây bưởi non. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bưởi quý nhưng bị ghép cải tạo với nhiều giống khác

Về sau, do miền Bắc có quá nhiều giống bưởi ngon, nhu cầu dần trở nên bão hòa, từ bán 20.000 - 25.000 đồng/kg xuống còn 5.000 - 10.000 đồng/kg nên một số bà con chán dần bưởi Quế Dương, tuy không chặt đi nhưng họ lại ghép cải tạo các giống khác vào như bưởi Diễn, bưởi Diễn sớm, bưởi đào đường.

“Đúng ra cây bưởi Quế Dương lâu năm mỗi vụ cho 4 tạ quả, bán 5.000 - 10.000 đồng/kg đã là được 2 - 4 triệu trong khi cũng cây đó ghép mắt bưởi Diễn vào năm thứ hai mới có lộc, năm thứ ba mới lác đác vài quả, năm thứ tư mới được cỡ 50 - 70 quả mà bán cũng chỉ được 10.000 đồng/quả tương đương 500.000 - 700.000 đồng.

Khi được chúng tôi phân tích như thế, có người nghe, có người không, ước chừng phải 30 - 35% gốc bưởi Quế Dương đã bị ghép mắt bưởi khác. Cứ chạy theo thị hiếu như thế thì suốt ngày đuổi theo giống mới. Giờ các anh về đây để làm chỉ dẫn địa lý cho bưởi Quế Dương, ý tốt ấy chúng tôi ghi nhận nhưng chỉ e  một số bà con, liệu họ có muốn duy trì nó nữa không? Ngay cả cây bưởi cao tuổi nhất của bà Minh, trước đây rất to, tán rợp cả một góc vườn giờ cũng bị chặt bớt cành đi vì phải làm nhà cho con cháu”, anh Nguyễn Như Hảo tâm sự.

Chọn cây đầu dòng. Ảnh: Tư liệu.

Chọn cây đầu dòng. Ảnh: Tư liệu.

Đắm đuối vì cây bưởi quê mình, từ năm 2013 anh đã có thói quen theo dõi dự báo thời tiết hàng ngày rồi ghi chép lại các sự kiện cụ thể: “Bây giờ đang biến đổi khí hậu rất nhanh, năm nay áp dụng kỹ thuật thế này thì đạt nhưng năm sau cứ bê nguyên kỹ thuật đó lại không đạt. Kỹ thuật hiện nay có quá nhiều nhưng cứ phải khảo sát, ghi chép thực tế rồi đúc rút ra các thời điểm thích hợp nhất để tưới nước, bón phân rồi là vệ sinh vườn đến phòng trừ sâu bệnh. Hiện tôi đang quản lý 4 vườn bưởi ở địa phương và 2 vườn bưởi ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Trong khi ở quê bưởi Quế Dương đang bị một số người thờ ơ thì đem đi trồng ở nơi khác lại được dân tại đó rất ưa chuộng, bán tới 20.000 - 25.000 đồng/quả…” 

Khi chúng tôi đến vườn của bà Đỗ Thị Thu ở đội 9 xã Yên Sở, những cây bưởi Quế Dương đứng nổi bật, to cao lừng lững bên cạnh những gốc bưởi Diễn thấp, bé hơn hẳn. 5 - 6 cây bưởi Quế Dương tán đã xòe ra đủ che kín 1 sào Bắc bộ. Ở dưới đất một thảm cánh hoa dày đặc phủ kín, ngan ngát hương đưa. Bà cười: “Mỗi loại bưởi mỗi điểm hay, mỗi vị ngon khác nhau nhưng khi tôi trồng xen thì chúng giúp nhau đều ra sai quả, không phải thụ phấn bổ sung nữa”.

Vườn vưởi nhà bà Thu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn vưởi nhà bà Thu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Thu có thời gian dạy học ở xã Cát Quế từ năm 1967, được một người bạn ở đó tặng cho mấy cành chiết của giống bưởi quý Quế Dương đem về trồng. Giờ đây sau hơn nửa thế kỷ, cây ra sai nhất nhiều vụ cho thu hoạch tới 900 quả, còn các cây khác cũng 500 - 700 quả. Một số người ăn bưởi của bà trồng rồi so sánh với bưởi Quế Dương trồng ở trên chính quê hương Cát Quế, bảo còn ngon hơn cả ở đất gốc. Bí quyết là nhờ bà bón bằng phân gà, đậu tương, ngô nghiền. Với 8 sào vườn trong đó có 10 cây bưởi Quế Dương mỗi vụ bà thu được khoảng 70 triệu, số còn lại hơn 100 gốc bưởi Diễn thu được 240 - 250 triệu, trừ tiền thuê đất, phân, tổng lãi gần 300 triệu. Đó là bà bán theo mớ chứ nếu bán theo cân như người ta thì còn được gấp rưỡi, gấp đôi bởi giống bưởi Quế Dương này có kích cỡ quả to lớn lạ thường.

Từ một “cô gái làng” chất phác, nhờ có mô hình, dự án của Trung tâm Phát triển Cây trồng Hà Nội mà sau này là Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội mà dần dần bưởi Quế Dương mới được nhiều người dân Thủ đô biết tiếng. Năm 2013 bưởi Quế Dương được Cục Đo lường và Chất lượng Sản phẩm cấp giấy đạt chuẩn VietGAP, năm 2014 được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp nhãn hiệu hàng hóa, năm 2020 được công nhận là OCOP 4 sao. Thời thịnh nhất những năm 2013 - 2017, Hội Sản xuất - Kinh doanh Bưởi Quế Dương bán được khá nhiều giống nhưng từ năm 2018 thì loại bưởi siêu ngọt của làng lại trỗi dậy, chiếm mất “vương miện”, quả của nó tuy nhỏ nhưng độ brix 14-15, giá bán tới 40.000 - 50.000 đồng.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.