| Hotline: 0983.970.780

Gặp gỡ một “Đầu tàu” ở HTX Sản xuất Bưởi an toàn Quế Dương

Thứ Năm 31/03/2022 , 15:33 (GMT+7)

HÀ NỘI Cùng một chế độ, chính sách như nhau nhưng sự thành công hay thất bại ở loại hình kinh tế tập thể phụ thuộc chính vào các “đầu tàu”.

“Đầu tàu” là người lãnh đạo dám xung phong đứng ra chịu trách nhiệm về tất cả mọi hoạt động của đơn vị và tạo “lực kéo” cho các thành viên khác cũng như định hướng phát triển trong tương lai một cách bền vững. Ông Nguyễn Như Hảo-Chủ tịch Hội Sản xuất-Kinh doanh Bưởi Quế Dương đồng thời là Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất Bưởi an toàn Quế Dương (xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) là một “đầu tàu” như vậy.

Ông đã cùng Hợp tác xã của mình tham gia vào chuỗi liên kết với các doanh nghiệp, cửa hàng để bán được sản phẩm. Các thành viên của Hợp tác xã cũng nhờ chuỗi liên kết đó mà tổ chức sản xuất theo tín hiệu của thị trường.

Ông kể: “Năm 2013 Hội Sản xuất-Kinh doanh Bưởi Quế Dương được thành lập cùng với hàng loạt các hội khác trong huyện như Hội Nhãn chín muộn Hoài Đức, Hội làng nghề Sơn Đồng…Sau này khi thấy các hội không phù hợp lắm với sự phát triển của cơ chế thị trường, UBND huyện mới định hướng chuyển đổi thành các Hợp tác xã. Hướng đi này cũng rất phù hợp với sự khuyến khích về kinh tế tập thể của Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội, nhưng chỉ có chúng tôi thành lập được Hợp tác xã Sản xuất Bưởi an toàn Quế Dương vào năm 2019 với 9 thành viên với tổng diện tích 3 ha bưởi trồng theo hướng hữu cơ, VIETGAP.

Ông Hảo bên cây bưởi đặc sản quê mình. Ảnh: Tư liệu.

Ông Hảo bên cây bưởi đặc sản quê mình. Ảnh: Tư liệu.

Hợp tác xã hơn Hội ngành nghề ở chỗ là có đầy đủ tư cách pháp nhân, đi giao dịch rất tiện, độ tin cậy của người tiêu dùng cao hơn. Quan trọng hơn là Hợp tác xã còn làm nhiệm vụ bao tiêu sản xuất cho bà con ở trong xã và ngoài xã. Hiện mỗi năm chúng tôi bán được 250.000-350.000 quả bưởi Quế Dương ra thị trường, tương đương với 150-200 tấn. Việc bao tiêu ấy chủ yếu do tôi và anh Phó giám đốc lo liệu, còn những hộ thành viên khác trong Hợp tác xã và các hộ dân liên kết chỉ cần chú tâm vào làm vườn, chăm sóc cây mà thôi.

Năm 2013 bưởi Quế Dương đã được Cục Đo lường và Chất lượng sản phẩm cấp giấy đạt tiêu chuẩn VietGAP, năm 2014 được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp nhãn hiệu hàng hóa, năm 2020 được công nhận thành phố Hà Nội công nhận đạt OCOP 4 sao, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Ngoài bán theo đơn đặt hàng, hiện tại sản phẩm đã vào được siêu thị Winmart. Kể cả khi khi nhiều loại bưởi khác trên thị trường bị rớt giá, tiêu thụ chậm thì chúng tôi vẫn bán được 40.000 – 50.000 đồng/quả.

Chăm sóc cho bưởi. Ảnh: Tư liệu.

Chăm sóc cho bưởi. Ảnh: Tư liệu.

Để đạt được điều đó, Hợp tác xã phải quan tâm cải thiện kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi cho bà con, kết hợp với cơ quan chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn, làm các mô hình, đầu tư theo trọng tâm, với mục tiêu những vườn của các thành viên phải đạt chuẩn về kỹ thuật để từ đó lan tỏa ra chứ ban đầu đơn vị không tham vọng diện tích lớn. Bởi thế mà chất lượng được đảm bảo, bao giờ cũng cỡ 20 tháng chạp chúng tôi đã không còn bưởi mà bán”.

Mới đây, ông Hảo còn cho khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc chương trình "Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đặt ngay tại gia đình mình, giới thiệu các sản phẩm OCOP bún, miến Minh Dương, miến Trung Kiên, gừng Trí Đức, gia vị Hùng Thắng và không thể thiếu là bưởi Quế Dương. Xã Cát Quế hiện có khoảng 95 ha bưởi thì riêng Quế Dương chiếm khoảng 15 ha.

Sống chết vì cây bưởi đặc sản của quê hương anh Hảo đã từng dẫn các đoàn đi từng vườn để khảo sát, đánh giá cây đầu dòng, gốc nào cho quả ngon anh đều biết và tìm hiểu những điều liên quan đến nó sao cho thật cặn kẽ nhằm rút ra kinh nghiệm. Tuy không được ngọt sắc như bưởi Diễn nhưng bưởi Quế Dương có lợi thế là thu hoạch từ rất sớm, có thể bắt đầu từ Tết Trung thu nên tiện cho việc rải vụ, tránh tình trạng thu hoạch dồn vào một thời điểm gây nên tình trạng cung vượt cầu, giá bán sụt giảm.

Một vườn bưởi Quế Dương. Ảnh: NNVN.

Một vườn bưởi Quế Dương. Ảnh: NNVN.

Bên cạnh các loại cây đặc sản, trên địa bàn huyện Hoài Đức hiện có nhiều làng nghề đã hàng trăm năm tuổi, sản phẩm rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, có khả năng cạnh tranh trên thị trường như đồ thờ, bún, miến, phở khô, bánh đa nem, kẹo bánh các loại. Hoài Đức cũng đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn, cây ăn quả có tiếng, được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể gồm: bưởi đường Quế Dương, nhãn chín muộn Hoài Đức, phật thủ Đắc Sở và rau an toàn Tiền Lệ. Để nâng cao giá trị kinh tế đồng thời hướng tới sự phát triển bền vững, giai đoạn từ năm 2019-2021 huyện đã vận động các chủ thể lập hồ sơ đề nghị Thành phố đánh giá, phân loại được 68 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

* Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.

Bình luận mới nhất