| Hotline: 0983.970.780

Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi: 25 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ Hai 25/02/2019 , 18:09 (GMT+7)

Ngày 26/02/1994 Ban CPO Thủy lợi được thành lập. Từ đó đến nay, việc thu hút và sử dụng vốn ODA để phát triển thủy lợi liên tục phát triển và được duy trì ở mức cao, chiếm hơn 45 % tổng vốn ODA trong các lĩnh vực nông nghiệp...

Trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi (Ban CPO thủy lợi) đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển ngành nông nghiệp nói chung và nhất là lĩnh vực thủy lợi nói riêng; góp phần tích cực cải thiện đời sống của nông dân, phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu ... Nhân dịp này, NNVN đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hồng Phương – Q. Trưởng ban CPO Thủy lợi.

Ông Nguyễn Hồng Phương, Q. Trưởng ban CPO Thủy lợi

Hôm nay, ngày 26/2/2018, tròn 25 năm Ban CPO Thủy lợi ra đời, trước hết, thay mặt cho Báo NNVN và bạn đọc của Báo NNVN, xin được chúc mừng cá nhân ông và Ban CPO Thủy lợi!

Xin được cảm ơn Báo NNVN và bạn đọc của Báo NNVN khắp mọi miền! Có thể nói, ngành nông nghiệp Việt Nam là một trong những ngành sớm tiếp cận và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ngay từ khi quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế được nối lại vào năm 1993. Bộ NN-PTNT đã luôn chủ động và tích cực tham gia các hoạt động vận động và thu hút nguồn vốn ODA, vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại ở cấp quốc gia, được Chính phủ Việt Nam ưu tiên sử dụng để hỗ trợ ngành nông nghiệp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH của ngành và các chương trình, mục tiêu của quốc gia.
 

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA

Với riêng lĩnh vực thủy lợi, trong 25 năm qua, việc thu hút và sử dụng vốn ODA như thế nào, thưa ông?

Ngày 26/02/1994 Ban CPO Thủy lợi được thành lập. Từ đó đến nay, việc thu hút và sử dụng vốn ODA để phát triển thủy lợi liên tục phát triển và được duy trì ở mức cao, chiếm hơn 45 % tổng vốn ODA trong các lĩnh vực nông nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ. Hầu hết các dự án ODA đầu tư về lĩnh vực Thuỷ Lợi được Bộ NN-PTNT giao cho Ban CPO làm chủ dự án trực tiếp quản lý, điều hành thực hiện và tổng hợp toàn dự án theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế về ODA.

Trạm bơm Nghi Xuyên, tỉnh Hưng Yên - Dự án ADB5

Ông có thể cho biết rõ hơn kết quả vận động vốn ODA?

Từ năm 1994 đến nay, Ban CPO được Bộ NN-PTNT giao quản lý 22 dự án, với tổng nguồn vốn ODA của các chương trình, dự án phục vụ công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai, cấp nước sạch sinh hoạt và công nghiệp … là trên 2.765 triệu USD. Trong đó, có 5 nhà tài trợ đa phương và song phương chính gồm: WB, ADB, JICA, Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc thông qua Ngân hàng xuất nhập khẩu hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và vốn viện trợ không hoàn lại của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF).

Các nhà tài trợ chủ chốt

Tổng số vốn vay

(USD)

Tỷ lệ

(%)

WB

1.675.100.000

60,6

ADB

669.360.000

24,2

JICA

277.950.000

10,1

KEXIM

76.900.000

2,8

AFD

60.000.000

2,1

Vốn viện trợ không hoàn lại của GEF

6.091.000

0,2

Cộng

2.765.401.000

100

Tỷ trọng vốn ODA của các nhà tài trợ chính đầu tư cho Thủy lợi, phòng chống thiên tai

Giai đoạn 1994-2010 là giai đoạn mà Đảng và Nhà nước chủ trương huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để CNH, HĐH đất nước, thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ phát triển KT-XH, trong giai đoạn này, việc sử dụng vốn ODA được thực hiện như thế nào thưa ông?

Trong giai đoạn này, Chính phủ đã công bố Chiến lược tăng trưởng toàn diện và xóa đói, giảm nghèo (CPRGS), tình hình lũ lụt diễn ra thường xuyên gây thiệt hại cho các công trình thủy lợi, đe dọa đời sống của người dân... Để đạt được mục tiêu phát triển ngành, nguồn vốn ODA đã được ưu tiên sử dụng cho những dự án, chương trình tăng năng suất nông nghiệp, phát triển hạ tầng nông thôn, tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững, tạo việc làm kết hợp xoá đói, giảm nghèo… Nguồn vốn ODA được huy động phục vụ cho công tác thủy lợi do Ban CPO quản lý trong giai đoạn này gồm 10 dự án như trạm bơm tưới, tiêu vừa và lớn, cảng cá, tránh trú bão, công trình cấp nước, nạo vét kênh..., với tổng nguồn vốn ODA khoảng 843,37 triệu USD.

Tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ban CPO

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả mà nguồn vốn này mang lại?

Nguồn vốn ODA cho thủy lợi đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn kết hợp xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh, từ mức 58% vào năm 1983 xuống còn 9,45% năm 2010. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua các dự án phát triển hệ thống thủy lợi, kết hợp xoá đói giảm nghèo, việc tập trung chính vào xây dựng hạ tầng cơ sở góp phần hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi với hàng ngàn hệ thống công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ để cấp nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cung cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, phòng chống lũ lụt, úng ngập, hạn hán…

STT

Nội dung

Đơn vị

Số lượng

1

Tưới

 triệu ha

1,060

2

Tiêu

triệu ha

0,716

3

Cấp nước sạch

triệu người

1,12

4

Số người hưởng lợi trực tiếp

triệu người

13,294

Hiệu quả cụ thể mà nguồn vốn ODA mang lại

Có thể nói, giai đoạn 1994 đến 2010 là giai đoạn mà việc huy động nguồn vốn ODA có ý nghĩa quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn... Vậy, còn giai đoạn từ 2010 đến nay thì có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Công cuộc đổi mới và sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là đạt được mục tiêu “giảm một nửa tỷ lệ hộ nghèo” ngay từ năm 2002 và một số chỉ tiêu khác đã đạt và vượt vào năm 2008. Có được những thành tựu đó là nhờ có chủ trương và chính sách phát triển KT-XH đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, sự nỗ lực của toàn dân, các ngành và các cấp, cũng như sự đồng tình và hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Ban CPO là cơ quan quản lý chuyên ngành nguồn vốn ODA thủy lợi do Bộ NN-PTNT giao. Trong quá trình vận động, thu hút, thực hiện, Ban đã thực hiện theo đúng cam kết, đúng mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ của các chương trình, dự án và quản lý nghiêm, tuân thủ quy định hiện hành của Chính phủ và nhà tài trợ; thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng vốn kết hợp với tăng cường công tác thanh, kiểm tra phòng chống tham nhũng nên cơ bản đã không xảy ra vi phạm lớn. Các dự thực hiện đã được Nhà tài trợ, các cơ quan quản lý của Chính phủ và địa phương đánh giá thiết thực và hiệu quả - Ông Nguyễn Hồng Phương, Q. Trưởng ban CPO Thủy lợi.

Để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020, bên cạnh việc phát huy nội lực là chủ yếu, Việt Nam cần tiếp tục chủ trương huy động ở mức cao nhất có thể mọi nguồn vốn ở trong và ngoài nước, trong đó nguồn vốn ODA của các nhà tài trợ có vị trí quan trọng và cam kết sử dụng có hiệu quả nhất nguồn vốn này.

Vì vậy, Chính phủ đã phê duyệt đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011 – 2015 và 2016 - 2020 trong bối cảnh mới khi Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp.

Cụ thể hơn, chúng ta tập trung ưu tiên những nội dung gì và đã đạt được những thành tựu thế nào, thưa ông?

Tổng số nguồn vốn ODA được huy động đầu tư cho công tác thủy lợi do Ban CPO quản lý trong giai đoạn này khoảng 1.922,03 triệu USD, gồm 12 dự án, tập trung đầu tư hạ tầng cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, các công trình phòng, chống thiên tai, hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG nước sạch và vệ sinh nông thôn; hỗ trợ phát triển hạ tầng KT-XH hội khu vực nông thôn phục vụ sản xuất, chuyển dịch cơ cấu trong các lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp.

Bên cạnh đó, tập trung nâng cao năng lực quản lý ngành; tăng cường tiến bộ KHKT; hỗ trợ bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục, đào tạo.

Hầu hết nguồn vốn vay ODA cho ngành thủy lợi đã được sử dụng cho các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai …

Bên cạnh đó, giúp cho việc xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, tăng cường năng lực cho ngành từ TƯ đến địa phương.

Cảng tránh trú bão Cửa Giang, tỉnh Quảng Bình - Dự án WB4

Các chương trình, dự án ODA và hỗ trợ kỹ thuật giai đoạn này đã góp phần quan trọng hỗ trợ ngành thủy lợi thực hiện được những nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ đã giao cho ngành.
 

Chuyển từ đầu tư công ích sang đầu tư mang lại lợi nhuận cạnh tranh, hiệu quả kinh tế

Có thể thấy, đến nay, chúng ta đã “tốt nghiệp ODA”, giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ODA sẽ giảm đáng kể do các tổ chức đa phương dừng cung cấp nguồn vốn IDA và Ngân hàng Phát triển Châu Á dừng cung cấp nguồn vốn ADF, làm thế nào để chúng ta vẫn tiếp tục huy động được nguồn vốn lớn cho phát triển trong những năm tới, thưa ông?

Đúng là chúng ta đã “tốt nghiệp ODA”, tuy nhiên nguồn vốn ODA do Ban CPO vận động, chuẩn bị và quản lý được chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025 còn khoảng trên 600 triệu USD. Ngoài ra, Ban CPO vẫn tiếp tục được Bộ giao vận động các dự án với giá trị khoảng 1.108 triệu USD, trong đó nguồn ODA của các tổ chức song phương (KEXIM, JICA): 428 triệu USD; viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức (GCF, GEF): 80 triệu USD và vốn vay ưu đãi OCR của ADB, IBRD của WB: 600 triệu USD.

Tổng giá trị giải ngân từ năm 1994-2017 là 1.644,8 triệu USD. Giá trị giải ngân ODA được tăng dần qua các năm, cao nhất là năm 2017 với giá trị khoảng 146,9 triệu USD.

Nhưng rõ ràng, việc huy động, quản lý và sử dụng ODA cũng như nguồn vốn vay đã và đang thay đổi rất nhiều do phương thức tiếp cận của các đối tác phát triển và các chính sách vĩ mô của đất nước. Nguồn vốn ODA giảm nhưng sẽ được thay thế bằng các nguồn vốn kém ưu đãi, đồng thời kết hợp với các khoản viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức quốc tế như GEF, GCF, UNDP…

Để tận dụng và phát huy hiệu quả của nguồn hỗ trợ quan trọng này trong lĩnh vực thủy lợi, đồng thời thích ứng với các thay đổi trong thời gian tới, việc huy động, sử dụng và quản lý nguồn vốn vay cũng cần có những điều chỉnh.

Cống Bào Chấu, tỉnh Cà Mau - Dự án WB6

Cụ thể hơn, chúng ta cần điều chỉnh những gì?

Các dự án vốn vay cần xây dựng theo hướng không đơn thuần là các dự án đầu tư công ích như trước đây mà phải hướng đến khả năng mang lại lợi nhuận cạnh tranh, hiệu quả kinh tế sẽ là thước đo chính thay cho giải quyết vấn đề an sinh xã hội đơn thuần, không chỉ bó hẹp trong phạm vi thủy lợi như truyền thống. Các nội dung đề xuất phải chủ yếu cần gắn với khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường và xóa đói giảm nghèo...

Bên cạnh đó, cần tập chung huy động vốn vay để thực hiện các chương trình, dự án phát triển hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi với quy mô lớn, có tính liên vùng, liên tỉnh nhằm nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân thông qua hình thức hợp tác công tư (PPP).

Và, quan trọng hơn nữa là cần sử dụng vốn vay ưu đãi vào các lĩnh vực có thể sinh lời cao, vốn viện trợ không hoàn lại được sử dụng vào mục đích hỗ trợ kỹ thuật, khoa học công nghệ, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, xây dựng thể chế chính sách. Các khoản viện trợ phi chính phủ phải được dùng chủ yếu vào mục đích hỗ trợ khẩn cấp, các hỗ trợ phát triển nhỏ ở các khu vực có tỷ lệ nghèo cao…

Trải qua 25 năm hoạt động, với bộ máy tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, những đóng góp của Ban CPO Thủy lợi cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn nước nhà là rất đáng ghi nhận. Với bề dày kinh nghiệp của mình, Ban CPO sẽ có những tham mưu, kiến nghị gì với Bộ, với Chính phủ trong thời gian tới để tiếp tục huy động nhiều hơn nữa nguồn lực từ bên ngoài phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn nước nhà, thưa ông?

Ban CPO kiến nghị Bộ tăng cường sử dụng tối đa tính chuyên nghiệp của Ban trong quản lý vốn vay, vốn viện trợ không hoàn lại. Cụ thể là cần sớm điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban; cho phép Ban CPO chủ động làm việc với các nhà tài trợ để vận động dự án cho ngành để đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai gia tăng do vậy cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và xây dựng kế hoạch, chiến lược phù hợp để vận động, thu hút vốn vay cho ngành.

Bên cạnh đó, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ cần phối hợp chặt chẽ với Ban CPO đẩy nhanh công tác xây dựng dự án tiềm năng sớm trình Thủ tướng phê duyệt đề xuất dự án, chủ trương đầu tư để kịp thời đưa dự án vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025; có cơ chế để các dự án vốn vay cần phải kết hợp với vốn viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức quốc tế như GEF, GCF, FAO, UNDP…

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi ý nghĩa này!

Hồ Kẻ Gỗ, tỉnh Hà Tĩnh - Dự án WB3.

Các dự án chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025

Có 06 dự án (WB8, WB9, JICA2, KEXIM1, ADB8, GEF-ICRSL) với tổng số vốn còn thực hiện trên 600 triệu USD: 

1. Dự án Cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi vùng ĐBSH quản lý nước hiệu quả phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn (KEXIM2): 178 triệu USD; 

2. Dự án Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ trong bối cảnh thiếu an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (SACCR-ADB8): 30 triệu USD từ nguồn Viện trợ không hoàn lại của Quỹ Khí hậu xanh (GCF) thông qua UNDP;

3. Dự án Chuyển đổi Đồng bằng sông Cửu Long: 50 triệu USD;

4. Dự án hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu (ADB9) vay vốn OCR của ADB: 100 triệu USD; 

5. Dự án Quản lý tổng hợp rủi ro lũ lụt thích ứng biến đổi khí hậu (ADB10) vay vốn OCR của ADB: 200 triệu USD; 

6. Dự án nâng cao năng lực ứng phó thiên tai vùng ven biển Việt Nam (WB10) vay vốn IBRL của WB: 250 triệu USD; 

7. Dự án Xây dựng, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi vùng ven biển tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng và Nghệ An (JICA4): 250 triệu USD, đang trong quá trình vận động dự án.

 

Xem thêm
Vua của các loài hoa Tây Bắc hút khách miền xuôi

Qua rằm tháng Chạp, những chậu địa lan Sa Pa giá hàng chục triệu đồng đã được khách miền xuôi lên mua. Trong khi, giá hoa lan Trung Quốc tăng giá nhẹ vì thời tiết. 

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.