Nhà sập, tốc mái la liệt
Sau khi trời lặng gió, PV NNVN đến ngay khu vực tâm bão đi qua. Trên mọi ngả đường từ QL1A đến đường liên xã, liên thôn xóm ngổn ngang sắt thép, tôn, prô xi măng cơn bão hất tung từ các mái nhà rơi xuống. Từng tốp người túm tụm sụt sùi lo lắng chưa biết đêm nay và những ngày sau sẽ phải ăn ngủ ở đâu, bởi nhà của họ đã bị bão tốc bay toàn bộ mái, đồ đạc ướt đẫm, nồi niêu bát đũa vỡ vụn dưới những lớp tường xi măng.
Hình ảnh nhà sập, tốc mái la liệt vì bão số 10 |
Chị Trần Thị Giang, phường Sông Trí hốt hoảng nhìn ngôi nhà chỉ còn trơ lại những bức tường nói: “Lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến cơn bão mạnh như vậy. Trưa nay bão quật liên hồi, tôn và prôxin măng bay lả tả sang nhà hàng xóm. Tôi và con phải chạy sang trú nhà hàng xóm. Đêm nay còn có nhà hàng xóm mà ngủ nhờ nhưng mấy ngày sau nữa chưa biết phải làm sao”.
Bi đát hơn ngôi nhà của chị Giang, căn nhà lợp ngói làm chỗ trú mưa che nắng bà Nhự Thị Vân sinh sống vài chục năm nay bỗng nhiên bị đè bẹp bởi mái nhà của ông Bùi Quang Chín, nằm cách đó chừng vài ba chục mét. Bà Vân nhìn vào đống đồ đạc ướt khóc lóc: “Bão cướp hết rồi cô chú ơi. Bây giờ bốc mái nhà ông Chín ra thì nhà tôi chỉ còn đống ngói vụn. Đồ đạc trong nhà cũng hư hỏng hết rồi. Mai mốt biết sống sao đây”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến chiều tối 15/9 cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện đang tập trung xuống cơ sở động viên bà con, hỗ trợ lương thực, nước uống giúp dân vượt qua khó khăn. Đồng thời, thống kê thiệt hại, huy động lực lượng khắc phục hậu quả cơn bão.
Một lãnh đạo huyện Kỳ Anh lo lắng chia sẻ: “Mặc dù chưa có thống kê cụ thể nhưng qua đánh giá sơ bộ ban đầu cơn bão lịch sử này đã gây thiệt hại cực kỳ nặng nề cho người dân thị xã Kỳ Anh. Sau hàng loạt sự cố như môi trường biển, mất mùa vụ xuân nay bão số 10 đổ bộ vào nữa, khó khăn của bà con lại thêm chồng chất”.
Bão chưa qua, lũ đe dọa
Theo báo cáo mới nhất từ Ban chỉ huy PCLB và TKCN Hà Tĩnh, để đảm bảo an toàn cho công trình và hạn chế ngập lụt vùng hạ du, các địa phương, đơn vị đang đồng loạt xả lũ. Cụ thể, hồ Kẻ Gỗ bắt đầu xả từ 16h ngày 13/9 với lương lượng 50 – 150m3/s; từ 7h sáng 14/9 các hồ Bộc Nguyên, Sông Rác, Kim Sơn, Thượng Sông Trí, Tàu Voi đồng loạt xả điều tiết với lưu lượng từ 20 – 150m3/s; hồ thủy điện Hố Hô bắt đầu xả tràn từ sáng 15/9, đến 11h cùng ngày lưu lượng xả đã tăng lên 660m3/s.
Ảnh: Thanh Nga |
Bão số 10 đổ bộ cũng đã quật đổ hoàn toàn một cột tháp truyền hình (Đài truyền thanh – truyền hình thị xã Kỳ Anh) cao hơn 100m và 1 cột BTS của Viettel, 1 tháp của viễn thông Thị xã Kỳ Anh nằm cách đó 30m. |
“Hiện mực nước tại các sông đang lên, cụ thể, tại Hương Khê là 265mm; Hà Tĩnh 282mm; Chu Lễ 253,4mm..., trong khi mưa đang tiếp tục nặng hạt do đó, các huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; vùng có nguy cơ xảy ra ngập úng là thị xã Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh””, ông Ngô Đức Hợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh nhấn mạnh.
Thống kê sơ bộ bước đầu, bão số 10 quét qua đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản đối với Hà Tĩnh. Theo đó, hàng chục nghìn nhà dân ở thị xã Kỳ Anh, các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Can Lộc, Nghi Xuân bị tốc mái; hàng trăm ha nuôi tôm mất trắng; hệ thống điện bị đứt, tê liệt; các tuyến đường bị chi cắt do cây cối đổ gãy.
Một số hình ảnh thiệt hại chưa từng có do bão số 10 gây ra tại thị xã Kỳ Anh: