| Hotline: 0983.970.780

Bão số 3 khiến 348 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế hơn 31.000 tỷ đồng

Chủ Nhật 15/09/2024 , 13:58 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão đến ngày 15/9.

Một góc thị trấn Cát Bà (TP Hải Phòng) sau khi cơn bão đi qua. Ảnh: Đinh Mười.

Một góc thị trấn Cát Bà (TP Hải Phòng) sau khi cơn bão đi qua. Ảnh: Đinh Mười.

Cả nước thiệt hại trên 31.000 tỷ đồng do bão số 3

Bão số 3 (bão Yagi) là cơn bão có cường độ mạnh nhất đổ bộ trực tiếp vào nước ta trong 30 năm qua và đạt cấp siêu bão trước khi vào Vịnh Bắc Bộ (gió cấp 16, giật trên cấp 17).

Mưa lớn kéo dài cũng gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, gây ngập lụt nghiêm trọng tại các khu vực thấp trũng ở cả miền núi, trung du và đồng bằng Bắc bộ.

Thống kê đến 6h00 ngày 15/9/2024, bão số 3 đã làm 348 người chết và mất tích (281 người chết, 67 người mất tích), 1.921 người bị thương, 231.851 ngôi nhà bị hư hỏng.

Bão số 3 cũng ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, làm ngập úng, thiệt hại 190.358 ha, 48.727 ha hoa màu, 31.745 ha cây ăn quả. 3.269 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hại; 21.786 con gia súc, 2.621.106 con gia cầm bị chết do bão.

Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội,…

Trong Bão số 3 đã xảy ra 305 sự cố về đê điều, với 182 sự cố xảy ra trên các tuyến đê từ cấp III và 123 sự cố xảy ra trên các tuyến đê dưới cấp III. 

Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 31.596 tỷ đồng. Hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, cập nhật thống kê thiệt hại.

Hàng trăm nghìn người được sơ tán khẩn cấp

Xác định đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở đã tích cực, chủ động chỉ đạo công tác ứng phó với bão, nên đã góp phần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại.

Thủ tướng đã ban hành 10 công điện, theo dõi sát tình hình kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó bão. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng trực tiếp tới tất cả các địa phương bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ để cùng với chính quyền địa phương kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó với bão, lũ.

Lực lượng chức năng hỗ trợ ngư dân neo đậu tàu thuyền. Ảnh: Thanh Nga.

Lực lượng chức năng hỗ trợ ngư dân neo đậu tàu thuyền. Ảnh: Thanh Nga.

Đặc biệt, lượng quân đội, công an, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ.

Nhờ đó, đã hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người và phương tiện, tàu vận tải hoạt động trên biển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú về nơi tránh trú; tổ chức sơ tán 52.979 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, nhà yếu đến nơi an toàn; sơ tán, di dời 74.526 hộ/130.246 người tại các vùng ngập sâu do lũ đến nơi an toàn.

Lực lượng quân đội đã huy động 438.275 người, 6.642 phương tiện ứng phó với bão; 107.911 lượt người và 2.142 lượt phương tiện ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét; lực lượng công an huy động hơn 150.000 cán bộ, chiến sỹ tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Các cấp chính quyền cơ sở, lực lượng xung kích, đoàn thanh niên được huy động tối đa ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ.

Chủ động các giải pháp ứng phó với ngập úng, lũ lụt, đảm bảo an toàn các trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu; tổ chức ứng trực vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

Các cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương đã vào cuộc rất tích cực, bám sát diễn biến, tăng thời lượng, tần suất đưa tin về thiên tai để kịp thời truyền tải đầy đủ các thông tin về diễn biến bão, mưa lũ và hướng dẫn kỹ năng ứng phó cho người dân.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức nhắn tin khẩn cấp đến người dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ. Trong đợt bão, lũ vừa qua đã triển khai 65,1 triệu lượt tin nhắn SMS và 115,3 triệu lượt tin nhắn Zalo nhằm cung cấp thông tin diễn biến cơn bão số 3, các nội dung cảnh báo mưa, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và các khuyến cáo kỹ năng ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân.

Cấp gạo và hóa chất khử khuẩn cho vùng lũ

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo theo sát tình hình bão và mưa lũ sau bão. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng của bão số 3, đồng thời đề nghị các địa phương tập trung khắc phục hậu quả cơn bão.

Ngay trong ngày 9/9/2024, Bộ Chính trị đã họp và kết luận chỉ đạo về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra công tác ứng phó thiên tai tại xã Vân Hà, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đang bị cô lập. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra công tác ứng phó thiên tai tại xã Vân Hà, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đang bị cô lập. Ảnh: VGP.

Thủ tướng kịp thời quyết định trích dự phòng ngân sách trung ương, xuất cấp gạo từ dự trữ quốc gia để các địa phương, cơ quan thực hiện các chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại và cứu trợ cho người dân có nguy cơ thiếu đói; hỗ trợ 13 tấn hóa chất khử khuẩn môi trường (Chloramin B) và 1,2 triệu viên khử khuẩn nước Aquatabs hỗ trợ người dân vùng lũ.   

Ủy  ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Tính đến hết ngày 14/9/2024, các tổ chức, cá nhân đã đăng ký và ủng hộ các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 gây ra tổng số tiền là 1.001 tỷ đồng đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương.

Đến nay, thông tin liên lạc tại tại các tỉnh, thành phố đã cơ bản được khôi phục trở lại hoạt động bình thường; đã khôi phục mạng lưới cấp điện trở lại cho 92,5% khách hàng.

Công tác dọn vệ sinh môi trường, khôi phục nhà cửa, cơ sở vật chất phục vụ học tập, khám chữa bệnh đang được các địa phương và các lực lượng tích cực triển khai ngay sau bão, lũ nhằm sớm đưa học sinh trở lại trường, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho người dân.

Thiếu trang thiết bị cứu trợ, hạ tầng chưa đủ sức chống chịu

Bên cạnh những kết quả nổi bật trong triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả bão và mưa lũ sau bão, thiệt hại do bão, lũ gây ra vẫn còn rất lớn.

Đây là trận lũ lớn nhất kể từ năm 1971 trên toàn bộ lưu vực đồng bằng sông Hồng - Thái Bình là bài học cảnh tỉnh cho các địa phương cho việc khai thác, sử dụng bãi sông. 

Lũ lớn, đặc biệt lớn xảy ra trên toàn bộ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, tuy nhiên công tác tuần tra canh gác đê tại một số địa phương chưa nghiêm túc, còn chủ quan, lơ là hoặc có nơi chưa xây dựng lực lượng quản lý đê chuyên trách theo quy định của Luật Đê điều.

Việc cảnh báo tác động, nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ còn chưa cụ thể, người dân chưa hình dung được những thiệt hại to lớn khi bão đổ bộ cũng như tác động sau khi bão đã đổ bộ, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tư tưởng chủ quan trong ứng phó.

Lô hàng cứu trợ của Chính phủ Úc được vận chuyển từ sân bay Nội Bài liên Yên Bái. Ảnh: Tùng Đinh.

Lô hàng cứu trợ của Chính phủ Úc được vận chuyển từ sân bay Nội Bài liên Yên Bái. Ảnh: Tùng Đinh.

Vẫn còn tình trạng một số người dân chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo, khuyến cáo của cơ quan chức năng trong phòng, chống bão dẫn đến thiệt hại đáng tiếc về người như do tàu thuyền bị chìm và tham gia giao thông khi có gió bão.

Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là khi xảy ra tình huống vùng sâu, vùng xa, trong điều kiện thời tiết phức tạp như gió bão, mưa lũ lớn, sạt lở chia cắt..

Các công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng được thiết kế và xây dựng chưa đảm bảo sức chống chịu được với cường độ bão, lũ lịch sử như vừa qua.

Chưa có bản đồ nguy cơ sạt lở đất lũ quét tới từng thôn, bản để người dân biết cũng như phục vụ công tác di dời, tái định cư hay công tác chỉ đạo ứng phó.

Ngập lụt diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, trên diện rộng tại nhiều địa phương, kể cả đô thị miền núi do quá trình đô thị hoá, xây dựng công trình, lấn chiếm làm giảm khả năng thoát lũ các tuyến sông, suối gây ngập úng kéo dài.

Giải pháp bền vững để ứng phó thiên tai

Để ứng phó khẩn cấp với mưa lũ, sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất sau bão lũ, đồng thời có giải pháp căn cơ lâu dài, trước mắt, các địa phương vùng đồng bằng, ven biển cần tập trung chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều sông Hồng - Thái Bình.

Khu vực miền núi phía Bắc cần tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích tại sự cố cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và mất tích do lũ, lũ quét, sạt lở đất ở Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng,... Rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân tại khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Nguy cơ cao có thể xảy ra sạt lở sau thời gian mưa lớn kéo dài, đất bão hoà nước.

Các tỉnh, thành cần đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. 

Vận hành các trạm bơm và hệ thống công trình thuỷ lợi để tiêu úng cứu diện tích lúa và hoa màu bị ngập; chuẩn bị sẵn sàng nguồn giống để khôi phục sản xuất ngay sau bão.

Cơn bão số 3 ảnh hưởng nặng nề đến miền Bắc. Ảnh: Hùng Khang.

Cơn bão số 3 ảnh hưởng nặng nề đến miền Bắc. Ảnh: Hùng Khang.

Về lâu dài, cần tăng cường dự báo, cảnh báo, giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, trong đó tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo mưa định lượng mưa phục vụ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; hoàn thành phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, nhất là bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp thôn, bản.

Tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều, hồ chứa thuỷ lợi, nhất là các công trình xung yếu, bị thiệt hại trong đợt mưa lũ; củng cố, nâng cấp các tuyến đê biển.

Rà soát, bố trí sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi đến nơi an toàn, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân ở nơi ở mới.

Rà soát quy định về việc để người trên các tàu vận tải (nhất là tàu pha sông biển) trong các tình huống bão rất mạnh như bão số 3 để đảm bảo an toàn cho người trên phương tiện.

Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ.

Tăng cường công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Xem thêm
Năm 2024, số vụ án tham nhũng, chức vụ được phát hiện tăng hơn 20%

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, trong năm 2024, các vụ án tham nhũng, chức vụ được phát hiện, điều tra tăng hơn 20%.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Mưa lớn gây sạt lở cao tốc La Sơn - Túy Loan

THỪA THIÊN - HUẾ Do ảnh hưởng của mưa lớn, đã xảy ra sạt lở đất trên tuyến đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, đoạn qua địa bàn huyện Nam Đông.