Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, mấy ngày gần đây gió chướng thổi mạnh, triều cường dâng cao dẫn đến nước mặn xâm nhập sâu vào các nhánh sông trên địa bàn.
Trên sông Cửa Đại, nước mặn 4‰ đã xâm nhập đến xã Giao Hòa, huyện Châu Thành cách cửa sông trên 41km. Độ mặn 1‰ xuất hiện tại xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, cách cửa sông 47km.
Trên sông Hàm Luông, nước mặn 4‰ đến xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, cách cửa sông trên 42km. Độ mặn 1‰ xuất hiện tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành; xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, cách cửa sông 56km.
Trên sông Cổ Chiên, nước mặn nồng độ 4‰ xâm nhập đến xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam, cách cửa sông 44,4km. Độ mặn 1‰ xuất hiện tại xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, cách cửa sông 55km.
Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn xấp xỉ cấp 2. Do đó, tại các địa phương đã và đang bị ảnh hưởng của nước mặn “tấn công” chính quyền, các ngành chức năng và người dân triển khai phương án đối phó. Trong đó, theo dõi sát diễn biến mặn để chủ động đóng cống đập ngăn mặn trữ ngọt, bơm tưới cho cây trồng đồng thời tăng cường khâu trữ nước ngọt bằng nhiều hình thức, dụng cụ, phương tiện.
Do bị ảnh hưởng của nước mặn xâm nhập sâu nhiều năm liền nên chính quyền và người dân xứ Dừa đã có kinh nghiệm ứng phó, không chủ quan, lơ là. Ông Lê Quốc Dũng, nông dân ở xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại cũng như nhiều người dân ở cù lao này hiện nay khá yên tâm vì hệ thống cống ngăn mặn ven sông đã đóng kín. Nước mặn dù có tăng cao nhưng vườn cây, ao cá nơi đây vẫn đảm bảo an toàn.
“Bây giờ đã có đê bao, cống được xây dựng hoàn thiện khép kín, nước mặn ít xâm nhập. Năm nay bà con mình chủ động lắm. Ở đây triều cường dâng cao, độ mặn lên 3-4‰ sẽ đóng cống. Khi triều rút thì độ mặn giảm còn 1‰, tôi lấy nước vì nồng độ này tưới được cho dừa, nhãn, bưởi. Nước sinh hoạt thì chứa đủ rồi. Không riêng tôi, mỗi gia đình ở đây hầu như đều mua thêm bình nhựa loại 3-5 m3, nói chung năm nay chuẩn bị ứng phó cũng tương đối kỹ lưỡng”, ông Dũng chia sẻ.
Tuy nhiên, ở nhiều xã của huyện Giồng Trôm, công tác phòng chống hạn mặn hiện rất khó khăn do hệ thống sông kênh, rạch chằng chịt, chưa có cống đập ngăn mặn khép kín. Nhiều địa bàn, nước mặn lên xuống tự do đe dọa vườn dừa và một số cây trồng khác như bưởi da xanh, quýt, chanh, cau...
Ông Ngô Tấn Quyền, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm chia sẻ: “Bây giờ đang bị xâm nhập mặn. Sông rạch chằn chịt nên việc đắp đập cục bộ rất khó. Trong sản xuất, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ bà con làm hồ nước, trữ bằng túi ni lông, chứ nói ngăn mặn cho cả khu vực thì ở đây không làm nổi, phải đành chịu. Ở xã cây dừa là chính, mặn thì nó không chết nhưng mà treo buồng, không có trái”.
Ở các huyện Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, Châu Thành người dân đang chăm sóc vườn cây ăn trái, cây giống nên rất tích cực ứng phó với hạn mặn. Trong đó, giải pháp đào ao lót bạt trữ nước tiếp tục thực hiện. Hệ thống cống ngăn mặn ven sông, rạch đã được đầu tư gần như khép kín, vận hành theo hướng trữ ngọt để phục vụ sản xuất.
Ông Trần Hữu Nghị, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Chợ Lách cho biết, theo dự báo xâm nhập mặn năm nay thấp hơn năm rồi, tuy nhiên từ tháng 2, tháng 3 là sẽ có nước mặn xâm nhập tới Chợ Lách. Từ đó, ngành nông nghiệp có nhiều giải pháp chủ động, trong đó trữ nước vẫn là quan trọng nhất. Đầu tiên là chủ động vận hành tốt các công trình thủy lợi của nhà nước. Thứ hai là các công trình trữ nước trong dân. Thứ ba là các giải pháp kỹ thuật để hạn chế ảnh hưởng của hạn mặn.