Bệnh thối đen là bệnh thường gặp trên các loại hoa lan. Tuy nhiên, bệnh thường gây hại trên các giống lan có nhiều thân như Dendro, Cattleya, địa lan…Trong mùa mưa, ẩm độ cao, bệnh thường nặng và lây lan nhanh, làm tăng chí phí phòng trừ và ảnh hưởng lớn đến nghề trồng lan.
Triệu chứng bệnh và tác hại
Bệnh thối đen hoa lan có thể gây hại ở các độ tuổi khác nhau của cây, từ khi cây còn nhỏ cho đến khi cây đã trưởng thành. Bệnh gây hại trên tất cả các bộ phận của cây hoa lan, từ rễ, thân, đến lá và hoa.
Ở thân rễ, có thể có các đốm đen trên thân, rễ. Vết bệnh mới có ranh giới không rõ giữa phần bệnh và phần khỏe. Vào buổi sáng với điều kiện ẩm độ cao, ta có thể thấy lớp nấm trắng mỏng trên thân. Thân chuyển dần sang màu nâu vàng, ướt, rồi teo tóp lại, sau đó chuyển sang màu đen, cây sẽ chết.
Trên lá, ban đầu vết bệnh là những đốm nhỏ có màu xanh tái sau đó chuyển màu nâu vàng, rồi nhanh chóng chuyển sang màu đen. Vết bệnh lan rộng dần, nếu bị bệnh nặng, lá sẽ rụng sớm, làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng hoa.
Tác nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh phát triển của bệnh: Bệnh do nấm Phythophthora sp gây ra.
- Bệnh thường phát sinh và phát triển mạnh trong mùa mưa, nhất là khi mưa kéo dài, khi nhiều sương mù làm ẩm độ không khí cao, giá thể luôn bị ẩm ướt.
- Vườn thường tưới nước theo kiểu phun mưa, tưới dư nước làm vườn ẩm thấp…thì bệnh thường nặng.
- Treo lan hoặc đặt chậu lan quá gần nhau, treo thấp gần mặt đất, làm đất bắn lên khi mưa hay tưới cũng rất dễ bị bệnh.
- Bón phân không cân đối, hoặc dùng loại phân giàu đạm và thiếu vi lượng, làm cây quá non mềm cũng rất dễ bị bệnh...
Những biện pháp phòng trừ có hiệu quả
- Sử dụng giống sạch bệnh. Không đặt chung cây lan bị nhiễm bệnh trong vườn.
- Hạn chế dùng các loại giá thể có khả năng hút nước nhiều và giữ nước quá lâu. Cần thay thế giá thể mới khi chúng có dấu hiệu bị mục.
- Trước khi trồng, cần xử lý chậu và giá thể bằng nhiệt hoặc hóa chất để đảm bảo sự vô trùng khi trồng lan.
- Cần treo hoặc đặt chậu lan cao để tránh đất bắn lên khi mưa hay tưới. Không đặt chậu lan quá gần nhau, để đảm bảo độ thông thoáng, hạn chế lây lan bệnh.
- Không tưới dư nước, hạn chế tưới kiểu phun mưa, nên tưới vào buổi sáng, không tưới vào buổi chiều tối vì dễ gây ẩm độ cao vào ban đêm.
- Bón phân cân đối, không dư đạm, bổ sung các loại vi lượng. Không dùng phân có đạm khi cây chớm bị bệnh.
- Kiểm tra vườn thường xuyên nhằm phát hiện cây bị bệnh, có thể cắt bỏ phần bị bệnh đem tiêu hủy, hoặc đem chậu cây bệnh ra khỏi vườn để cách ly và chữa trị.
- Trong mùa mưa, cần chủ động phun phòng ngừa bệnh để hạn chế thiệt hại và giảm chi phí phòng trừ.
- Khi phát hiện vườn cây có bị bệnh, cần áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa, và cần dùng một trong các loại thuốc sau để phun như: Alpin 80WG; hay Treppach bul 607SL. Phun lặp lại sau 3 - 5 ngày tùy điều kiện thời tiết mưa ẩm nhiều hay ít.