| Hotline: 0983.970.780

Bỉ chuyển đề nghị của Việt Nam đến EC xem xét gỡ 'thẻ vàng' IUU

Thứ Tư 14/12/2022 , 11:20 (GMT+7)

Việt Nam và Bỉ cam kết đẩy mạnh toàn diện hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về nông nghiệp và các lĩnh vực khác.

Hai Thủ tướng chụp ảnh chung trước khi hội đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hai Thủ tướng chụp ảnh chung trước khi hội đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hai nhà lãnh đạo đã thống nhất các phương hướng, biện pháp lớn để đẩy mạnh toàn diện hợp tác giữa hai nước, nhất là làm sâu sắc hợp tác trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về nông nghiệp, đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại và trên các lĩnh vực tiềm năng khác.

Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, và tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trân trọng mời Thủ tướng Alexander De Croo sang thăm Việt Nam trong năm 2023 nhân dịp 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, và trân trọng chuyển lời thăm hỏi của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến lãnh đạo cấp cao Bỉ.

Về Đối tác chiến lược về nông nghiệp, hai bên ghi nhận những kết quả hợp tác tích cực trong 5 năm đầu triển khai. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bỉ hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh; hỗ trợ các giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn và hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 hướng đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hai bên thúc đẩy cơ chế hợp tác ba bên với các nước châu Phi, với sự hỗ trợ về tài chính và hậu cần của Bỉ, để cùng ứng phó với vấn đề an ninh lương thực trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Alexander De Croo chứng kiến ký kết gia hạn bản ghi nhớ (MOU) về chất lượng, an toàn nông sản, thú y và bảo vệ thực vật giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Bỉ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Alexander De Croo chứng kiến ký kết gia hạn bản ghi nhớ (MOU) về chất lượng, an toàn nông sản, thú y và bảo vệ thực vật giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Bỉ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Phía Bỉ ủng hộ việc hai bên triển khai mạnh mẽ, hiệu quả Đối tác chiến lược về nông nghiệp, đề nghị lập Nhóm làm việc chung để sớm có các dự án hợp tác cụ thể.

Về hợp tác kinh tế - thương mại, hai Thủ tướng khuyến khích các cơ quan và doanh nghiệp hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bỉ sớm hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA); khuyến khích các doanh nghiệp Bỉ đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh như chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, hệ thống hậu cần, cảng biển, hạ tầng chiến lược; ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam.

Về phần mình, Thủ tướng Alexander De Croo khẳng định Hiệp định EVFTA là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên; chia sẻ sự quan tâm và sẽ thúc đẩy sớm thông qua Hiệp định EVIPA; đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong chuyển đổi nghề cá bền vững, sẽ chuyển đề nghị đến EC để xem xét gỡ "thẻ vàng" cho Việt Nam.

Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, giáo dục - đào tạo, văn hóa, nhất là tổ chức Ngày văn hóa ở mỗi nước để gia tăng hiểu biết, giao lưu nhân dân, du lịch và đẩy mạnh phối hợp cùng giải quyết các thách thức toàn cầu.

Về ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Bỉ bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về tài chính và công nghệ để thực hiện các cam kết quốc tế về khí hậu, đặc biệt là phát triển công nghệ năng lượng tái tạo và các ngành công nghiệp phụ trợ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Bỉ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ hội nhập thành công và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội Bỉ, coi đây là cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về dự án bình ổn giá trị sinh khối của phế phẩm nông nghiệp từ dừa hướng tới sản xuất than hoạt tính chất lượng cao giữa tỉnh Bến Tre và đối tác phía Bỉ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về dự án bình ổn giá trị sinh khối của phế phẩm nông nghiệp từ dừa hướng tới sản xuất than hoạt tính chất lượng cao giữa tỉnh Bến Tre và đối tác phía Bỉ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Hai Thủ tướng cũng đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm và khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, đặc biệt khi hai nước cùng là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Trao đổi về vấn đề Biển Đông, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; ủng hộ thượng tôn pháp luật, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến Lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, phát triển kinh tế biển xanh, an toàn thực phẩm, phát triển than hoạt tính…

Trong đó, Tập đoàn Hateco của Việt Nam và các đối tác phía Bỉ là Công ty Dredging International NV và Công ty Rent A Port đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác, khảo sát, nghiên cứu việc phát triển một trung tâm cảng và dịch vụ logistics tại phù hợp với quy hoạch cảng biển Việt Nam và qui định pháp luật Việt Nam liên quan.

Hạ tầng cảng biển, logistics là một trong những nội dung quan trọng trong chuyến công tác châu Âu lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Tại Hà Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tìm hiểu về mô hình phát triển của cảng Rotterdam - cảng lớn nhất châu Âu và là một trong những cảng sôi động hàng đầu thế giới.

Tại Bỉ, Thủ tướng đã tiếp lãnh đạo tập đoàn CMA-CGM - tập đoàn vận tải khổng lồ của Pháp với doanh thu 56 tỷ USD năm 2021 để tiếp tục thúc đẩy các dự án đầu tư các cảng biển tại Việt Nam.

Hiện Chính phủ Việt Nam đang tập trung phát triển kinh tế biển, hạ tầng cảng biển và logistic nhằm đưa Việt Nam trở thành một trung tâm logistics, trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế và trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển.

Xem thêm
Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.