| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam có thể xây dựng cảng trung chuyển quốc tế được không?

Thứ Ba 13/12/2022 , 17:20 (GMT+7)

Sáng 13/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc làm việc, tìm hiểu về cảng Rotterdam - cảng lớn nhất châu Âu, một trong những cảng bận rộn nhất thế giới.

Empty

Đại diện cảng Rotterdam khẳng định, Việt Nam có tiềm năng lớn để xây dựng các tổ hợp cảng công nghiệp - dịch vụ lớn và phía cảng Rotterdam sẵn sàng hợp tác với phía Việt Nam. Ảnh: VGP.

Đại diện cảng Rotterdam cho biết, cảng có mô hình chính quyền cảng biển hiệu quả, với các yếu tố: Cảng thông minh (Smart port), Cảng an toàn (Safe port), Cảng bền vững môi trường (Sustainable port) và Cảng tiếp cận kết nối (Accessible port).

Cảng Rotterdam được quản lý bởi công ty công, nhưng có sự tham gia của các công ty tư nhân vừa để phát triển hạ tầng, vừa quản trị các hạng mục khác nhau. Cảng áp dụng cơ chế "Landlord port" - sự phối kết hợp giữa hoạt động cảng và khu vực đất hậu cần phía sau cảng để cho tư nhân khai thác tạo ra công ăn việc làm và nâng cao năng lực hoạt động của cảng. Ưu điểm của mô hình quản lý này là công ty công chia sẻ được gánh nặng tài chính đầu tư, quản lý với các công ty tư. Sự kết hợp khéo léo của mô hình công tư đã mang lại hiệu quả cao nhất cho quốc gia.

Khu vực cảng cũng là một trung tâm công nghiệp lớn với các nhà máy lọc dầu, hoá chất, khí đốt… Tính chung, khu vực cảng tạo việc làm cho khoảng nửa triệu người và đóng góp khoảng 8% GDP của Hà Lan. Cảng Rotterdam cũng đang thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó có chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số để sử dụng trong vận hành cảng và cả trong vận tải biển.

Nhìn rộng hơn, hệ thống giao thông phát triển là một trong những điều kiện tiên quyết giúp Hà Lan trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường biển và logistics. Trong đó, với hệ thống giao thông hiện đại kết nối đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không thuận tiện đến các thành phố châu Âu khác, Rotterdam đã thành công khi phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn như năng lượng, hậu cần, công nghệ cao, hóa chất, khoa học đời sống và y tế, nông sản…

Empty

Thủ tướng đề nghị phía cảng Rotterdam tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tiềm năng xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại Việt Nam và khả năng cạnh tranh với các cảng trung chuyển quốc tế khác trong khu vực. Ảnh: VGP.

Sau khi lắng nghe giới thiệu về lịch sử, mô hình phát triển cảng Rotterdam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt 2 câu hỏi với đại diện cảng: Thứ nhất, Việt Nam có thể xây dựng cảng trung chuyển quốc tế được không? Thứ hai, cảng Rotterdam có thể hỗ trợ Việt Nam xây dựng cảng trung chuyển quốc tế không?

Thủ tướng cho biết thêm, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 đến thời điểm này đạt khoảng 700 tỷ USD. Việt Nam cũng nằm sát tuyến đường hàng hải quốc tế sôi động nhất thế giới, khoảng 60% lưu lượng hàng hóa toàn cầu đi qua Biển Đông mỗi năm.

Đại diện cảng Rotterdam khẳng định, Việt Nam có tiềm năng lớn để xây dựng các tổ hợp cảng công nghiệp-dịch vụ lớn và phía cảng Rotterdam sẵn sàng hợp tác với phía Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng cảng trung chuyển cũng có những rủi ro nhất định do cạnh tranh rất cao, nên cần được tính toán rất kỹ lưỡng.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn cuộc làm việc hôm nay sẽ là khởi đầu của sự hợp tác lâu dài giữa hai bên. Ông cho biết sẽ giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu, phối hợp, trao đổi với phía các đối tác phía Hà Lan để triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể, cùng có lợi. Thủ tướng đề nghị phía cảng Rotterdam tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tiềm năng xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại Việt Nam và khả năng cạnh tranh với các cảng trung chuyển quốc tế khác trong khu vực.

Thời gian qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hà Lan phát triển rất tốt đẹp. Hai nước là Đối tác Chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước (năm 2010), Đối tác Chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực (năm 2014) và Đối tác Toàn diện (2019).

Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai và là nhà đầu tư lớn nhất của châu Âu tại Việt Nam. Việt Nam chú trọng đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện với Hà Lan và khuyến khích các thành phố, địa phương hai nước hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư.

Trong đó, cảng Rotterdam đã ủng hộ nhiệt tình đối với Việt Nam và các thành phố cảng Việt Nam như Đà Nẵng, TP HCM; thể hiện sự đánh giá cao của cảng Rotterdam đối với tiềm năng của các thành phố và hệ thống cảng của Việt Nam, minh chứng cho vai trò, sự đóng góp và cam kết của Việt Nam trong việc chung tay với cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề về môi trường và kinh tế biển toàn cầu.

Xem thêm
Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.