| Hotline: 0983.970.780

Biến nguy thành cơ trong nông nghiệp Hà Lan: Bài học cho Việt Nam

Thứ Tư 14/12/2022 , 12:15 (GMT+7)

Người Việt đã học và ý thức được từ người Hà Lan không coi biến đổi khí hậu là nguy cơ, thách thức đối với nền kinh tế, ngành nông nghiệp, mà còn nhìn nhận đó là cơ hội để tận dụng phát triển.

Từ 9-15/12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Luxembourg, Hà Lan và Bỉ.

Bên cạnh lịch trình làm việc cùng đoàn đại biểu Việt Nam tại Luxembourg do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có các hoạt động riêng tại Hà Lan và Bỉ, tập trung vào các vấn đề nông nghiệp của các quốc gia châu Âu này.

Tại Hà Lan, Bộ trưởng thăm mô hình bơm cát lấn biến giảm thiên tai, hàng rào chống lũ Maeslantkering, thăm Trung tâm nhà vườn Thế giới (WHC) tại Naaldwijk, Diễn đàn nhà vườn Việt Nam - Hà Lan, Làng cổ Giethoorn…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình bơm cát lần biển của Hà Lan. Ảnh: Trung Quân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình bơm cát lần biển của Hà Lan. Ảnh: Trung Quân.

Bài học ứng phó biến đổi khí hậu

Phát biểu tại Trung tâm nhà vườn Thế giới (WHC), Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đây là lần đầu tiên ông tới Hà Lan với cương vị là Bộ trưởng NN-PTNT, tuy nhiên hình ảnh về đất nước con người Hà Lan đã từ lâu in đậm trong tâm trí và trái tim người Việt Nam từ bông hoa tuy líp, chiếc cối xay gió, sữa cô gái Hà Lan và nổi bật là cách xây đập trị thủy để có được đất nước tươi đẹp ngày nay gắn liền với những thành phố, làng quê thơ mộng và trù phú.

Theo ông, người Việt đã học và ý thức được từ người Hà Lan không coi biến đổi khí hậu là nguy cơ, thách thức đối với nền kinh tế, ngành nông nghiệp, mà còn nhìn nhận đó là cơ hội để tận dụng phát triển, biến nguy thành cơ, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.

Được biết, đến nay đã có trên 10 sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao Hà Lan xuất khẩu đứng thứ nhất và thứ hai thế giới như: hoa tươi, cà chua, khoai tây, hành tây, trứng gà, pho mát, sữa đặc, bia đại mạch, bánh ca cao, dầu ca cao, thịt lợn, sô-cô-la và thuốc lá.

“Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu, mô hình phát triển nông nghiệp của Hà Lan có thể nói là rất phù hợp với Việt Nam trong điều kiện đất đai hạn hẹp bị giới hạn, dân số ngày càng đông và tác động từ biến đổi khí hậu không có chiều hướng giảm”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu.

Do vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải chuyển đổi hướng tới một nền nông nghiệp đa giá trị hay còn gọi là “nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân thông minh”.

“Chúng tôi cũng đang theo đuổi và phấn đấu có được nhiều làng quê giàu đẹp, hạnh phúc gắn với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng/OCOP, từ đó có sự lan tỏa cao đến các vùng nông thôn cả nước”, ông Lê Minh Hoan thông tin thêm.

Bên cạnh những đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng đưa ra một số đề xuất đối với phía Hà Lan.

Đầu tiên, ông hy vọng 2 bên tiếp tục tăng cường hợp tác để huy động thêm nguồn lực từ các nhà đầu tư/tài trợ/đối tác phát triển nhằm chung tay thực hiện Kế hoạch chuyển đổi nông nghiệp bền vững khu vực ĐBSCL và các khu vực khác của Việt Nam như Tây Nguyên và phía Bắc.

Ngoài ra, đề xuất Hà Lan hỗ trợ Việt Nam hệ thống kho lạnh, logistics vùng ĐBSCL để hoàn thiện chuỗi cung ứng nông sản, đặc biệt tại Cần Thơ tạo thành trung tâm trung chuyển, kết nối cho toàn vùng ĐBSCL. Mục tiêu là hướng ĐBSCL là trung tâm cung ứng nông sản thực phẩm bền vững cho Hà Lan và EU.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và đoàn công tác thăm hàng rào chống lũ của Hà Lan. Ảnh: Trung Quân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và đoàn công tác thăm hàng rào chống lũ của Hà Lan. Ảnh: Trung Quân.

Bên cạnh đó, đề nghị Hà Lan hỗ trợ Việt Nam thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo thực phẩm cho vùng Đông Nam Á và 100 triệu nông dân canh tác phát thải thấp. Ông cũng đề nghị Hà Lan phối hợp, hỗ trợ tổ chức Hội nghị quốc tế năm 2023 về hệ thống thực phẩm tại Việt Nam nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực trước bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới và xung đột tại nhiều nơi làm đứt gãy nguồn cung ứng.

Vấn đề hỗ trợ kĩ thuật/thu hút đầu tư/ODA và các mô hình canh tác thuận thiên/nông nghiệp sinh thái để tăng cường cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp gắn với giảm phát thải theo cam kết của Việt Nam tại COP26 cũng được Bộ trưởng nhắc đến.

Lịch sử và quy mô của Trung tâm nhà vườn thế giới

Nghề làm vườn (nhà kính) của Hà Lan dẫn đầu thế giới về tính chuyên nghiệp, chất lượng và sự đổi mới và do đó là một phần của chiến lược ưu tiên ngành hàng quốc gia/Topsecorenbeleid (chính sách về các lĩnh vực hàng đầu).

Một phần quan trọng của nghề làm vườn (nhà kính) của Hà Lan tập trung ở các vùng Westland, Oostland và Barendrecht. Các công ty cùng nhau tạo thành brainport port Horti Campus/ điểm kết nối xanh về nghề vườn hoạt động trong chuỗi chăn nuôi, cung ứng, trồng trọt, thương mại, hậu cần, dịch vụ kinh doanh và kỹ thuật.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Trung tâm Nhà vườn thế giới. Ảnh: Trung Quân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Trung tâm Nhà vườn thế giới. Ảnh: Trung Quân.

Để đảm bảo vị thế kinh tế lâu dài của điểm kết nối xanh/Greenport và đón nhận các cơ hội mới (trong nước và quốc tế), Hà Lan đã vạch ra một kế hoạch hành động gọi là Kế hoạch Kinh doanh kết nối xanh nghề vườn 2012-2015, cũng như Chương trình nghị sự về nguồn nhân lực cho các vùng Westland, Oostland và Barendrecht.

Chương trình này cung cấp giáo dục và đào tạo cho sinh viên và nhân viên và cũng nhấn mạnh kiến thức và đổi mới, quốc tế hóa và cải thiện hình ảnh của ngành.

Một trong những mục tiêu của Kế hoạch là hình thành mạng lưới và khuôn viên với các chương trình nghị sự mạnh mẽ của địa phương và các cơ sở truyền cảm hứng ở Westland, Oostland và Barendrecht.

Trung tâm nhà vườn thế giới hình thành là một phần của Kế hoạch trên. Đây là cửa sổ quốc tế cho nghề làm vườn nhà kính/trong nhà của không những Hà Lan mà cả châu Âu và mạng lưới quốc tế.

Trung tâm nhà vườn thế giới là trung tâm kiến thức và đổi mới về làm vườn nhà kính quốc tế. Đây là nơi tạo ra nền tảng hàng đầu cho doanh nghiệp, hệ thống giáo dục, nghiên cứu và chính phủ cùng đổi mới, kết nối, truyền cảm hứng và chia sẻ kiến thức.

Hàng năm, Trung tâm nhà vườn Thế giới có 25.000 chuyên gia quốc tế đến thăm, những người đang tìm kiếm sự kết nối, kiến thức và đổi mới trong nghề làm vườn. Trung tâm kết nối các bên muốn đóng góp vào việc cung cấp thực phẩm bền vững và phủ xanh thế giới. Các công ty làm vườn và đổi mới hàng đầu được đại diện tại hội chợ thương mại quanh năm tại đây với đầy đủ công nghệ, nguồn cung cấp, nghề trồng hoa và nghề làm vườn thực phẩm.

Để tiếp tục đổi mới và duy trì vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực quốc tế, Trung tâm có một khu nghiên cứu hiện đại với 38 phòng ban nhà kính, nơi các nhà nghiên cứu, doanh nhân và các tổ chức giáo dục khác nhau cùng tiến hành nghiên cứu. Ngoài ra, Trung tâm cũng cung cấp môi trường học tập cho các tài năng toàn cầu và chúng tôi hợp tác với các trường đại học (xanh) hàng đầu.

Tìm hiểu về cảng lớn nhất châu Âu

Cũng trong chuyến thăm Hà Lan, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã tham gia cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban lãnh đạo cảng Rotterdam - cảng lớn nhất châu Âu, một trong những cảng bận rộn nhất thế giới.

Đại diện cảng Rotterdam cho biết, cảng có mô hình chính quyền cảng biển hiệu quả, với các yếu tố: Cảng thông minh (Smart port), Cảng an toàn (Safe port), Cảng bền vững môi trường (Sustainable port) và Cảng tiếp cận kết nối (Accessible port).

Cảng Rotterdam được quản lý bởi công ty công, nhưng có sự tham gia của các công ty tư nhân vừa để phát triển hạ tầng, vừa quản trị các hạng mục khác nhau. Cảng áp dụng cơ chế "Landlord port" - sự phối kết hợp giữa hoạt động cảng và khu vực đất hậu cần phía sau cảng để cho tư nhân khai thác tạo ra công ăn việc làm và nâng cao năng lực hoạt động của cảng. Ưu điểm của mô hình quản lý này là công ty công chia sẻ được gánh nặng tài chính đầu tư, quản lý với các công ty tư. Sự kết hợp khéo léo của mô hình công tư đã mang lại hiệu quả cao nhất cho quốc gia.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bên trái) đã tham gia cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban lãnh đạo cảng Rotterdam - cảng lớn nhất châu Âu. Ảnh: Nhật Bắc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bên trái) đã tham gia cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban lãnh đạo cảng Rotterdam - cảng lớn nhất châu Âu. Ảnh: Nhật Bắc.

Khu vực cảng cũng là một trung tâm công nghiệp lớn với các nhà máy lọc dầu, hoá chất, khí đốt… Tính chung, khu vực cảng tạo việc làm cho khoảng nửa triệu người và đóng góp khoảng 8% GDP của Hà Lan. Cảng Rotterdam cũng đang thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó có chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số để sử dụng trong vận hành cảng và cả trong vận tải biển.

Nhìn rộng hơn, hệ thống giao thông phát triển là một trong những điều kiện tiên quyết giúp Hà Lan trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường biển và logistics. Trong đó, với hệ thống giao thông hiện đại kết nối đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không thuận tiện đến các thành phố châu Âu khác, Rotterdam đã thành công khi phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn như năng lượng, hậu cần, công nghệ cao, hóa chất, khoa học đời sống và y tế, nông sản…

Sau khi lắng nghe giới thiệu về lịch sử, mô hình phát triển cảng Rotterdam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt 2 câu hỏi với đại diện cảng: Thứ nhất, Việt Nam có thể xây dựng cảng trung chuyển quốc tế được không? Thứ hai, cảng Rotterdam có thể hỗ trợ Việt Nam xây dựng cảng trung chuyển quốc tế không?

Thủ tướng cho biết thêm, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 đến thời điểm này đạt khoảng 700 tỷ USD. Việt Nam cũng nằm sát tuyến đường hàng hải quốc tế sôi động nhất thế giới, khoảng 60% lưu lượng hàng hóa toàn cầu đi qua Biển Đông mỗi năm.

Đại diện cảng Rotterdam khẳng định, Việt Nam có tiềm năng lớn để xây dựng các tổ hợp cảng công nghiệp-dịch vụ lớn và phía cảng Rotterdam sẵn sàng hợp tác với phía Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng cảng trung chuyển cũng có những rủi ro nhất định do cạnh tranh rất cao, nên cần được tính toán rất kỹ lưỡng.

Thời gian qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hà Lan phát triển rất tốt đẹp. Hai nước là Đối tác Chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước (năm 2010), Đối tác Chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực (năm 2014) và Đối tác Toàn diện (2019).

Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai và là nhà đầu tư lớn nhất của châu Âu tại Việt Nam. Việt Nam chú trọng đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện với Hà Lan và khuyến khích các thành phố, địa phương hai nước hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư.

Trong đó, cảng Rotterdam đã ủng hộ nhiệt tình đối với Việt Nam và các thành phố cảng Việt Nam như Đà Nẵng, TP. HCM; thể hiện sự đánh giá cao của cảng Rotterdam đối với tiềm năng của các thành phố và hệ thống cảng của Việt Nam, minh chứng cho vai trò, sự đóng góp và cam kết của Việt Nam trong việc chung tay với cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề về môi trường và kinh tế biển toàn cầu.

Xem thêm
Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.