| Hotline: 0983.970.780

Bộ GD-ĐT tiếp thu 5 chỉ đạo của Tổng Bí thư về Luật Nhà giáo

Thứ Bảy 09/11/2024 , 18:41 (GMT+7)

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Tổng Bí thư nhấn mạnh Luật Nhà giáo có vai trò quan trọng, đề nghị Bộ báo cáo Chính phủ nâng tầm 5 nội dung trọng điểm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024. Ảnh: VGP.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024. Ảnh: VGP.

Chiều 9/11 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024 dưới sự chủ trì, điều hành của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - người phát ngôn của Chính phủ.

Tại buổi họp báo, phóng viên Báo Lao động đặt câu hỏi về định hướng trong xây dựng Luật Nhà giáo và giải pháp nâng cao thu nhập cho các nhân viên y tế và kế toán trường học.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ sáng cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trình bày báo cáo tóm tắt dự thảo Luật Nhà giáo trước Quốc hội và sau đó Quốc hội đã thảo luận ở tổ về những nội dung chính của dự thảo luật này.

Đặc biệt, trong phiên thảo luận của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, ngành GD-ĐT rất vui mừng được Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp phát biểu chỉ đạo.

Tổng Bí thư nhấn mạnh 5 nội dung và đề nghị Bộ GD-ĐT báo cáo Chính phủ nâng tầm và làm sâu sắc các nội dung này. Thứ nhất, quán triệt vai trò mang tính chiến lược của các nhà giáo. Thứ hai, làm rõ quan hệ giữa người học và người thầy, cụ thể là đã có học trò, có người học thì phải có đủ thầy, đủ trường lớp.

Thứ ba, là làm rõ và làm sâu sắc hơn quan điểm người thầy, các nhà giáo cũng là các nhà khoa học. Ngoài việc truyền bá tri thức, họ cũng phải tự học, tự nghiên cứu để phát triển tri thức, thích ứng với những yêu cầu mới.

Thứ tư là yêu cầu về hội nhập quốc tế. Trong Kết luận 91 của Bộ Chính trị sơ kết Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đã có nội dung rất quan trọng là từng bước đưa Tiếng Anh thành ngoại ngữ thứ hai trong nhà trường. Người thầy cũng phải có cách tiếp cận để hội nhập quốc tế, trước hết là phải được trang bị năng lực ngoại ngữ, Tiếng Anh, năng lực khác để hội nhập quốc tế, năng lực số để sử dụng công cụ tiên tiến trong giáo dục.

Cuối cùng, Tổng Bí thư nhấn mạnh chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là chính sách để nhà giáo phục vụ học tập suốt đời. Vì vậy, một người thầy giỏi, có năng lực và trình độ cao thì cũng nên có chế độ chính sách để họ có thể cống hiến không kể tuổi tác. Đặc biệt cần quan tâm tới chế độ, chính sách đối với các nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Điều đó sẽ đóng góp vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở vùng sâu vùng xa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn giải đáp vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Nhà giáo và chế độ đối với đội ngũ nhân viên y tế và kế toán trường học. Ảnh: VGP.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn giải đáp vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Nhà giáo và chế độ đối với đội ngũ nhân viên y tế và kế toán trường học. Ảnh: VGP.

Với tinh thần đó, Bộ GD-ĐT tiếp thu nghiêm túc, cầu thị và đầy đủ ý kiến của Tổng Bí thư, của các đại biểu Quốc hội và xã hội để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, nâng tầm Luật Nhà giáo để thời gian tới báo cáo Chính phủ và có thể trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5 sắp tới.

Đối với các nhân viên y tế, kế toán tại các trường học, họ là viên chức nhưng không phải là nhà giáo nên không được hưởng chính sách ưu đãi hiện nay của nhà giáo. 

Để giải quyết khó khăn cho đội ngũ nhân viên y tế trường học, kế toán, Bộ đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ viên chức, nhân viên trường học theo quy định nhằm đảm bảo quyền lợi, góp phần cải thiện thu nhập cho đội ngũ này, đồng thời có chính sách đặc thù của từng địa phương hỗ trợ, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống để họ an tâm công tác.

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, trong buổi họp báo đã có 7 bộ, ngành nhận được câu hỏi của các nhà báo liên quan đến vấn đề xây dựng pháp luật, đầu tư công, sàn thương mại điện tử, phát triển GD-ĐT, y tế… Ông bày tỏ vui mừng về tiến độ giải quyết những vướng mắc liên quan đến 2 dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2. Các bệnh viện này sẽ tiếp tục xây dựng và đi vào hoạt động.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Trữ nước ngọt cho mùa khô

Tiền Giang Để chủ động sản xuất trong mùa khô, ngành chức năng và người dân tỉnh Tiền Giang bắt tay vào công tác tích trữ nước ngọt và các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.