| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể: Mong các đại biểu và nhân dân thông cảm!

Thứ Hai 04/06/2018 , 18:16 (GMT+7)

Ngày 4/6, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn nóng ngay từ phiên đầu với phần trả lời của Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể - tập trung chủ yếu vào hệ lụy của các dự án giao thông BOT...

15-10-34_theBộ trưởng Thể: Xây dựng lên dự án BOT đã hỏi ý kiến các Bộ, ngành và địa phương nên cần đảm bảo quyền lợi của chủ đầu tư

Trả lời về giải pháp đảm bảo lợi ích của nhân dân khi xử lý những trạm thu phí BOT nằm sai vị trí, xử lý hệ lụy của đấu thầu, chỉ thầu dự án giao thông BOT…, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể luôn miệng nói: “Mong các đại biểu và nhân dân thông cảm!”. Liệu nhân dân có thể thông cảm với Bộ trưởng khi hàng ngày vẫn phải bỏ tiền túi để trả phí cho những đoạn đường mà mình không đi?

Kiểm toán đúng nhưng Bộ GT-VT cũng đúng

Liên quan đến các dự án BOT giao thông, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Bộ trưởng làm rõ sự chênh lệch số năm thu phí từ dự toán với kết quả kiểm toán.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải thích, giai đoạn vừa qua tổ chức đấu thầu dự án BOT trên cơ sở dự án được duyệt, có nhiều phần là dự phòng trượt giá, khối lượng và những vấn đề có thể phát sinh nên có giá trị lớn. Bộ ký hợp đồng với nhà đầu tư theo dự án được duyệt và để đảm bảo tính công khai, chủ động, Bộ đã kiến nghị kiểm toán trước khi Bộ quyết toán. Trong số 56 trạm đã kiểm toán 50 dự án, Bộ đã đàm phán với các nhà đầu tư và có điều khoản giá trị sau quyết toán là căn cứ để điều chỉnh thời gian thu phí nên việc có sự chênh lệch lớn như đại biểu nêu là điều hiển nhiên.

Ông Thể khẳng định, số liệu của kiểm toán và số quyết toán luôn tương đồng với nhau, nhiều dự án số quyết toán còn thấp hơn cả của kiểm toán. Kết quả kiểm toán rất đúng nhưng Bộ cũng đã làm đúng.

Phương án giảm giá không được đồng tình

Trả lời chất vấn của đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) về vị trí một số trạm thu phí trên địa bàn, ông Thể khẳng định đã làm đúng quy định. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng công nhận một số khu vực mật độ trạm thu phí còn dày đặc, ảnh hưởng đến người dân, bà con còn khó khăn, nhất là các hộ nghèo. Bộ trưởng xin đồng bào cử tri, nhất là cử tri tỉnh Bình Định hết sức thông cảm, Bộ sẽ cố gắng ưu tiên giảm giá tại một số trạm thu phí BOT.

Giơ biển tranh luận, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng Bộ trưởng nói giải quyết bất cập của dự án BOT trên phương án dựa trên lợi ích của người dân nhưng qua thông tin Bộ trưởng trả lời thì không thấy như thế. Theo ông Hàm thì trong 17 trạm đặt sai vị trí chỉ kiến nghị bỏ 1 trạm, ngoài ra có tới 3 dự án cao tốc dân không đi vẫn phải trả tiền. “Nếu cứ như Bộ trưởng trả lời thì thấy dân chịu thì thu, dân không chịu thì giảm giá, thế là vì lợi ích của dân chưa, tại sao dân không đi phải trả tiền trong khi hầu hết dự án là chỉ định thầu?”, ĐB Hàm chất vấn gay gắt.

ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cũng đề nghị Bộ trưởng GT-VT trả lời rõ, có phải do khả năng nhà đầu tư BOT có thể kiện lại Bộ GT-VT nên Bộ mới có dư duy "vá ổ gà” để xử lý những trạm BOT đặt sai vị trí không? “Tôi rất đồng tình với quan điểm của ĐB Hàm. Bộ trưởng nói rằng, tiếp tục giảm giá, giảm cước và kéo dài thời gian thu phí. Tôi nghĩ, đây là tư duy không thể chấp nhận được, đề nghị Bộ trưởng giải thích thêm”.

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến cũng cho rằng cách nói như Bộ trưởng giống như ban phát, xin - cho. “Chúng ta cần thực hiện nguyên tắc cung - cầu theo cơ chế thị trường, quyền lợi của người dân, nhà đầu tư phải bình đẳng như nhau, không thể vì nhà đầu tư, áp lực của người dân thì giảm giá. Đơn giá mới đầu 10 đồng, sau giảm 8 đồng, 5 đồng, như thế thì không được. Bộ trưởng cho biết quan điểm giữa bình đẳng của người dân và BOT?”, ĐB tỉnh Thanh Hoá hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng khá ấp úng, cho rằng một số dự án do lịch sử để lại, khi chuyển về Bộ thì Bộ đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thu phí. Bộ trưởng phân trần nếu để mua lại các dự án này thì tốn rất nhiều tiền, trong khi ngân sách khó khăn.

Theo ông khi triển khai các dự án đều có ý kiến của các ban, ngành, địa phương đối với chủ đầu tư nên Chính phủ không thể bỏ. Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ đang phải huy động nhà đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam. Vậy nên, nếu Chính phủ có tiền, QH phê duyệt thì sẵn sàng mua lại. Nhưng trong thời điểm này nước ta chưa có điều kiện, mong đại biểu và cử tri thông cảm!

Đại biểu Hàm lại dùng quyền tranh luận. Trả lời của Bộ trưởng là chưa thuyết phục, khi làm thì dân không biết, sao giờ dân phải chịu?

Chỉ thầu BOT

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho biết ở một số địa phương chỉ có một hai doanh nghiệp hoặc công ty con của các doanh nghiệp đó được giao rất nhiều dự án thông qua hình thức chỉ định thầu, hoặc đấu thầu nhưng có hiện tượng dàn xếp nên doanh nghiệp khác không thể nào cạnh tranh được. Hiện tượng này đã kéo dài nhiều năm, tổng cộng các giá trị thầu lên đến nhiều chục nghìn tỷ đồng, tình trạng lạm quyền và độc quyền này khiến cho việc cạnh tranh bị vô hiệu, nhiều dự án bị kéo dài, đội vốn.

Việc xác định dự toán, quyết toán, quy định mức thu phí và thời gian thu phí cho các dự án BOT, việc định giá đầu tư hạ tầng và đổi cho nhà đầu tư trong dự án BT có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, một số dự án BT và BOT nghi vấn có thất thoát lớn, xin Chính phủ cho biết đã xử lý như thế nào và giải pháp sắp tới?

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng GT-VT cho biết, vừa qua Bộ GT-VT cho đấu thầu các dự án BOT và không có dự án nào mà không tổ chức đấu thầu cũng như công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật. Trong thời gian thông báo nếu các nhà đầu tư quan tâm họ sẽ nghiên cứu thông tin và hồ sơ để tham gia đấu thầu dự án. Với những dự án có từ hai nhà đầu tư tham gia trở lên thì Bộ GT-VT sẽ tiến hành đấu thầu dự án theo luật định.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua chúng ta triển khai rất nhiều dự án BOT, nhiều nhà đầu tư chưa am hiểu thủ tục của dự án BOT nên các dự án BOT chỉ có một nhà đầu tư tham gia dự án. “Do đó chúng tôi tiến hành chỉ định thầu theo quy định vì không thể nào đấu thầu được. Cá biệt, một số dự án kéo dài thời gian mời thầu nhưng vẫn không có thêm nhà đầu tư quan tâm tham gia. Do bức xúc của địa phương bởi sự cấp bách về hạ tầng nên Bộ GT-VT đã chỉ định thầu theo quy định của pháp luật nhằm đáp ứng sớm nhu cầu về hạ tầng giao thông cho các địa phương", Bộ trưởng thanh minh.

Trả lời về một số dự án kéo dài thời gian gây đội vốn, lãng phí Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đây là thực tế đang diễn ra trong các dự án giao thông. Tuy nhiên, khi đấu thầu thì các nhà thầu đều có mong muốn nhận được nhiều dự án và cũng đang tham gia nhiều dự án khác, do đó có sự chậm trễ trong các dự án về thiếu nhân lực, vật lực vì các dự án ở rải rác các địa phương, sự chậm trễ về tiến độ là sự phối hợp giữa các bộ ngành và địa phương chưa chặt chẽ dẫn đến chậm tiến độ dự án gây đội vốn, lãng phí.

Không thoả mãn với câu trả lời của Bộ trưởng GT-VT rằng do chỉ có 1 doanh nghiệp tham gia đấu thầu nên Bộ phải chỉ định thầu, các ĐB khẳng định có tình trạng doanh nghiệp trúng thầu xong lại bán thầu cho doanh nghiệp khác. Nghĩa là thực tế nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tham gia dự án chứ không hẳn như Bộ trưởng nói.

Xem thêm
Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.