Trong một báo cáo dựa trên dữ liệu về dịch bệnh Covid-19, Tổ chức di cư quốc tế (IOM) cung cấp một cái nhìn tổng quan toàn cầu giúp hiểu rõ hơn về cách Covid-19 ảnh hưởng đến việc đi lại trên toàn thế giới.
Số liệu thống kê của IOM cho biết, tính đến tháng 7/2020, thế giới có 219 quốc gia ban bố 71.479 lệnh hạn chế đi lại.
Mặc dù, xu thế chung là hạn chế đi lại, bao hàm cả đi du lịch, tuy nhiên có đến 176 quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc khu vực đã ban hành 636 trường hợp ngoại lệ cho phép di chuyển.
Từ ngày 13-16/7/2020, 10 quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc các khu vực ban hành 17 trường hợp ngoại lệ mới, trong khi 7 quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc khu vực xóa 11 ngoại lệ.
Mặc dù mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ có quan điểm khác nhau về việc hạn chế đi lại nhưng điểm chung là đều thực hiện các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.
Một vài hạn chế đáng chú ý trên thế giới
Gần đây nhất, các nhà chức trách ở Hoa Kỳ và Mexico đã gia thời gian cấm đi lại du lịch, hoạt động không cần thiết tại biên giới đất liền trong vòng 1 tháng (đến hết 21/8/2020).
Các Quốc gia Thành viên Liên minh Châu Âu xóa Serbia và Montenegro khỏi danh sách các quốc gia an toàn, mà trước đây được phép đi du lịch, hành khách đến từ Serbia bị cấm nhập cảnh vào Síp, và các cư dân từ cả Serbia và Montenegro đều bị cấm vào Czechia.
Áo đã đình chỉ các chuyến bay từ Albania, Bosnia và Herzegovina, Bulgaria, Ai Cập, Kosovo, Cộng hòa Moldova, Montenegro, Bắc Macedonia, Romania và Serbia, tính đến 16/7/2020.
Tunisia chuyển từ việc đình chỉ hoàn toàn các chuyến bay sang hạn chế hành khách đến từ 87 quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc khu vực. Ngoài ra, đối với những hành khách đến từ danh sách 46 quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc khu vực cụ thể, hành khách phải để xuất trình giấy chứng nhận y tế với kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính, trải qua kiểm dịch bắt buộc trong 14 ngày kể từ ngày đến và cũng có một xác nhận hợp lệ của khách sạn.
Tương tự, Trung Quốc ban hành các yêu cầu kiểm tra y tế và cách ly 14 ngày đối với tất cả hành khách đến Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải, Thâm Quyến hoặc Hạ Môn.
Tuy nhiên, cũng có một số nơi dỡ bỏ hạn chế và các yêu cầu y tế khi nhập cảnh.
Chẳng hạn, Cộng hòa Dominica loại bỏ yêu cầu kiểm tra y tế khi đến và Đảo Guam loại bỏ yêu cầu bằng chứng về kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính.
Hay Na Uy dỡ bỏ hạn chế đi lại đối với hành khách đến từ Áo, Bỉ, Síp, Czechia, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Ý, Latvia, Liechtenstein, Lithuania, Malta, Hà Lan, Ba Lan,Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland…
Tình hình trong nước
Tại Đà Nẵng, từ 28/7, toàn bộ chuyến bay chở khách đến và xuất phát từ Đà Nẵng tạm dừng; vận tải đường sắt và xe buýt liên tỉnh không được dừng đón/trả khách tại Đà Nẵng.
Nhiều chốt chặn được thiết lập để rà soát người ra vào thành phố nhằm nhanh chóng phát hiện ca nhiễm Covid-19, và hành khác có thể bị yêu cầu trở về điểm xuất phát.
Ngoài ra, tuỳ theo diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam, nhiều địa phương có thể áp dụng trở lại các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt mà không cần báo trước, chẳng hạn như đưa người đến từ các vùng có nguy cơ cao đi cách ly tập trung trong ít nhất 14 ngày.
Thừa Thiên - Huế thông báo từ ngày 14/8 tỉnh này ngừng tiếp nhận những người đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, và Hải Dương. Người dân thường trú ở Thừa Thiên - Huế muốn quay về từ các tỉnh thành này phải đăng ký xin phép. Nếu được tiếp nhận, họ sẽ được xét nghiệm và đưa đi cách ly tập trung.
Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam ngày 28/7 thông báo toàn bộ hành khách sử dụng các phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, taxi, xe chở khách, tàu hỏa, tàu bay, tàu thủy…) phải khai báo y tế điện tử bắt buộc trước khi lên phương tiện và hạn chế nói chuyện, ăn uống trong chuyến đi.
Các Quy định Xuất Nhập cảnh tại Việt Nam
Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục ngừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài, kể cả người có Giấy miễn thị thực. Chỉ có công dân Việt Nam, người nước ngoài với mục đích ngoại giao hoặc công vụ, hoặc lao động kỹ thuật cao mới được phép nhập cảnh.
Chính phủ hiện đang tự động gia hạn tạm trú đến hết ngày 31/8/2020 cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo diện miễn thị thực, nhập cảnh bằng thị thực điện tử hoặc thị thực du lịch từ ngày 1/3/2020 đến nay, và có ý định xuất cảnh Việt Nam trong thời gian này. Các cá nhân thuộc diện này có thể xuất cảnh Việt Nam mà không phải làm thủ tục gia hạn tạm trú.
Do các biện pháp giãn cách xã hội hiện tại ở Đà Nẵng, phòng xuất nhập cảnh Đà Nẵng tạm thời đóng cửa cho tới khi có thông báo mới; phía Việt Nam cho hay công dân Hoa Kỳ tại Đà Nẵng bị hết hạn thị thực trong thời gian phòng xuất nhập cảnh Đà Nẵng đóng cửa sẽ không bị coi là ở quá hạn.
Chính phủ Việt Nam khuyến cáo các cá nhân nhập cảnh vào Việt Nam (gồm cả công dân Việt Nam lẫn người nước ngoài) từ ngày 1/3 đến nay nên:
1) Điền tờ khai y tế; 2) Thực hiện tự cách ly 14 ngày tại nhà (trừ khi đã được yêu cầu cách ly tập trung) và hạn chế tiếp xúc với người khác sau đó; 3) Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc cồn sát trùng, và áp dụng các biện pháp phòng ngừa khác; và 4) Liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
Mọi hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc bằng hình thức khai giấy khi nhập cảnh hoặc bằng hình thức điện tử ngay trước khi thực hiện chuyến đi đến Việt Nam.
Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ: Về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới nêu rõ: hạn chế nhập cảnh, kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, tất cả các trường hợp được nhập cảnh phải thực hiện cách ly theo đúng quy định.
Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn nhập cảnh trái phép
Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng, UBND các tỉnh biên giới (giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia) tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động nhập cảnh, ngăn chặn các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Bộ Quốc phòng rà soát việc kiểm soát nhập cảnh trên các tuyến biên giới, nhất là qua các tuyến đường mòn, lối mở; xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có sai phạm trong quản lý biên giới.
Bộ Công an tập trung chỉ đạo xử lý các vụ việc nhập cảnh trái phép; chỉ đạo rà soát, kiểm tra các trường hợp nhập cảnh tại thành phố Đà Nẵng, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, một số tỉnh miền Trung, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; phối hợp ngành y tế để tổ chức xét nghiệm đối với người nước ngoài nhập cảnh trong thời gian gần đây; có biện pháp điều tra tìm nguyên nhân cụ thể.