Bón phân cho cây sầu riêng thời kỳ ra hoa cần chú ý bón nhiều dưỡng chất lân (P) vì là dưỡng chất quan trọng nhất cho cây ở giai đoạn này. Có thể nói lân là chìa khóa để mở tiến trình ra hoa ở sầu riêng, nó xúc tác và thúc đẩy sự ra hoa ở sầu riêng thông qua những cơ chế sau:
Là thành phần quan trọng của chất dẫn truyền năng lượng cho các tiến trình biến dưỡng cần thiết cho sự ra hoa. Giúp cho bộ rễ phát triển khỏe mạnh hút đủ nước và dưỡng chất khoáng cần thiết cho tiến trình ra hoa.
Giúp cây tổng hợp nucleic acid (ADN và RNA) trong sự phân phân chia và giãn nở tế bào tạo hoa sầu riêng. Truyền tính hiệu và vận hành nhiều tiến trình sinh lý giúp cây tổng hợp ra những hormone cần thiết cho sự ra hoa. Giữ vai trò quan trọng trong quang tổng hợp và biến dưỡng đường là nguồn năng lượng cây sử dụng trong suốt tiến trình ra hoa.
Mặc dù lân có vai trò quan trọng như vậy ở thời kỳ ra hoa, nhưng đất ở miền Đông Nam bộ, nhất là đất xám bạc màu, có làm lượng lân hữu dụng ở mức nghèo, không đáp ứng đủ nhu cầu của cây. Đất bị nghèo lân hữu dụng là do đất chua có pH thấp mà nguyên nhân chính là do các nguyên tố base (còn gọi là ba-zơ) trong đất bị rửa trôi.
Khi đất có pH dưới 5,5 thì chất sắt (Fe) có trong đất trở nên hòa tan trong dịch đất, chúng có điện tích dương (Fe2+) cố định lân có điện tích âm (HPO42-, là thức ăn của cây) kết tủa thành P-Fe không hòa tan nên P không còn hữu dụng cho cây.
Ngoài ra, việc bón dư thừa đạm (N) gây mất cân đối dinh dưỡng làm cho việc thiếu hụt lân trong tiến trình ra hoa trở nên nghiêm trọng hơn.
Ở thời kỳ sầu riêng ra hoa, cần phải bón đủ cả 3 dưỡng chất đa lượng NPK, nhưng có tỷ lệ khác nhau. Để cho dễ nhớ, bón theo tỷ lệ như dấu mũ (^) nghĩa là chất lân (P2O5) có tỷ lệ cao nhất (ở đỉnh mũ), đạm và kali (K2O) có tỷ lệ thấp hơn lân (ở 2 nhánh phải và trái của dấu mũ).
Chẳng hạn như Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền có loại phân NPK chuyên dùng Đầu Trâu AT2 bón cho cây ăn trái ở giai đoạn ra hoa theo tỷ lệ như dấu mủ (^) như sau: P có tỷ lệ cao nhất 17%, N và K có tỷ lệ thấp hơn lần lượt là 7% và 12% và có cả trung, vi lượng nhất là Zn, B.
Lưu ý, ở thời kỳ ra hoa phải bón phân có tỷ lệ N thấp và không phun phân bón lá có nhiều đạm để hạn chế cây ra đọt ảnh hưởng đến tiến trình ra hoa.
Phân được bón ở thời điểm khi sầu riêng đã có đủ lá (cơi đọt cuối) hoặc từ 1,5-2 tháng trước khi xử lý ra hoa với liều lượng có thể từ 2-4 kg/cây, tùy theo tuổi và tình trạng sinh trưởng của cây. Đồng thời có thể phun phân qua lá có chứa lân cao và K + B.
Trước khí bón phân, đất cần xới đất thành băng xung quanh gốc theo hình chiếu của tán, dãi băng này có chiều rộng khoảng 50 cm và sâu khoảng 5-7cm.
Nếu cây được trồng hai hàng và đã giáp tán xới một băng dài giữa hai hàng và băng xương cá giữa 2 cây trên hàng. Bón phân vào những băng đã xới. Sau khi bón nếu không có mưa phải tưới nước cho tan phân, giúp cho cây hấp thụ phân tốt và tránh việc bay hơi, thất thoát lãng phí phân bón.