Hiệu quả kinh tế rõ rệt
Theo phòng NN-PTNT huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, diện tích cấy lúa bằng máy tiếp tục tăng so với vụ trước, tính đến nay đạt hơn 1.500ha, tăng hơn 60ha. Các xã đã chủ động nhiều biện pháp khuyến khích người dân mở rộng diện tích cấy máy.

Tại một số xã trọng điểm như Long Xuyên, diện tích cấy máy đạt tới 70-80%. Ảnh: Bảo Thắng.
Do thời tiết được dự báo duy trì rét đậm, rét hại trong 2 tháng đầu năm 2025, bên cạnh khâu chọn giống, tập trung lấy nước đổ ải sớm cho các chân ruộng cao, huyện Bình Giang xác định mở rộng tối đa diện tích cấy máy nhằm đảm bảo khung thời vụ mà tỉnh và ngành nông nghiệp đã đề ra.
Tại xã trọng điểm như Long Xuyên, diện tích cấy máy đạt 70-80%. Địa phương đã chuyển đổi đồng bộ cơ cấu giống lúa, gieo cấy trà xuân muộn 100%, tập trung vào các giống chất lượng như nếp 415, Bắc thơm 7... giúp người dân thuận lợi tiêu thụ ngay tại ruộng. Xã cũng hoàn thiện hệ thống đường giao thông nội đồng, giúp máy cấy thuận tiện di chuyển và có thể vào tận ruộng.
Dù vậy, diện tích cấy bằng máy vẫn chưa tăng mạnh dù nhu cầu sử dụng máy cấy hiện nay rất lớn, chiếm khoảng 50% tổng diện tích gieo cấy. Nguyên nhân chính là do áp lực về thời vụ quá ngắn, đặc biệt trong vụ mùa khi thời gian gieo cấy được quy định từ ngày 25/6 đến ngày 10/7, chỉ khoảng 15 ngày.
"Với thời gian gấp gáp như vậy, số lượng máy cấy hiện có không thể đáp ứng kịp, dẫn đến nhiều hợp đồng bị phá vỡ do máy không về kịp thời", theo phòng NN-PTNT huyện chia sẻ.
Ngoài ra, số lượng nông hộ đầu tư máy cấy còn khiêm tốn so với nhu cầu. Điều này xuất phát từ việc nhiều hộ chưa thể tự đầu tư hoặc liên kết được với các trung tâm cung cấp mạ khay. Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế từ việc sử dụng máy cấy chưa thực sự hấp dẫn so với số vốn đầu tư ban đầu (thường tiêu tốn cả tỷ đồng), trong khi vẫn tiềm ẩn rủi ro như gặp khó khăn ở khâu gieo mạ hoặc không kịp đáp ứng thời vụ.
Là một huyện phát triển khá mạnh các cụm, khu công nghiệp, Bình Giang hiện tập trung chủ yếu vào hai vụ lúa chính, trong khi diện tích rau màu vụ xuân chỉ hơn 300ha, chủ yếu là chuyển đổi từ đất lúa. Con số này tương đối khiêm tốn so với các địa phương lân cận như Kim Thành, Kinh Môn, với diện tích lên tới hàng nghìn hecta.

Bên cạnh lợi ích giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế, cơ giới hóa đồng bộ còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp. Ảnh: Linh Linh.
“Chúng tôi tập trung vào chuyển đổi các giống lúa chất lượng. Hiện địa phương có hơn 90% diện tích là các giống chất lượng cao, đồng thời hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung”, ông Vũ Văn Luyện, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Giang bày tỏ.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, lãnh đạo phòng NN-PTNT huyện Bình Giang nhìn nhận, việc áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất là hướng đi tất yếu. Bên cạnh lợi ích giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế, cơ giới hóa đồng bộ còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp sang làm công nghiệp và dịch vụ, giúp cải thiện hơn nữa mức sống và thu nhập cho người dân.
Theo quy luật hàng năm, nguồn nước các sông ở thời kỳ đầu vụ sẽ ở mức thấp nên khó khăn cho công tác đổ ải, ngay cả khi đã xả nước đổ ải đợt 1. Huyện xác định, công tác đổ ải trong vụ đông xuân sẽ kéo dài, như năm nay thời gian giữa 2 đợt đổ ải tập trung lên đến gần 1 tháng. Cùng với đó, nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở các sông và các kênh đang bị ô nhiễm, đặc biệt là từ nguồn nước hệ thống sông Bắc Hưng Hải, nên việc lấy nước, giữ nước càng phải được quan tâm, chủ động từ sớm, từ xa.
Áp lực từ khung thời vụ và chi phí đầu tư
Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương thông tin, đến nay toàn tỉnh đã gieo cấy hơn 26.600ha lúa vụ đông xuân, đạt trên 50% kế hoạch cả vụ. Trong đó, khoảng 15% diện tích được gieo cấy bằng máy (tăng 3% so với cùng kỳ năm trước). Ngoài ra, nhiều diện tích còn được cấy bằng dụng cụ máy cầm tay.
Nhiều huyện trên địa bàn như Bình Giang, Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ ngày càng mở rộng diện tích lúa được cấy bằng máy và dụng cụ cầm tay.
Sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, người dân Hải Dương đã mạnh dạn thuê hoặc mượn thêm ruộng để sản xuất trên những cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện cho áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có việc sử dụng máy cấy nhằm nâng cao hiệu quả canh tác.

Trong số 10 huyện, thị xã, thành phố của Hải Dương, hiện mới có Bình Giang và Thanh Miện là có số lượng cơ sở sản xuất mạ khay tương đối lớn. Ảnh: Bảo Thắng.
Thực tế qua một số vụ sản xuất cho thấy, việc cấy lúa bằng máy hoặc sử dụng dụng cụ cấy cầm tay mang lại nhiều lợi ích rõ rệt. So với phương pháp cấy thủ công, cấy bằng máy giúp tiết kiệm giống do lúa được cấy hàng thưa hơn, tạo điều kiện cho cây phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh, trong khi năng suất vẫn đảm bảo, thậm chí có thể cao hơn so với phương pháp cấy truyền thống. Trung bình, mỗi sào (Bắc bộ) ruộng khi cấy bằng máy chỉ cần khoảng 1,4kg thóc giống, trong khi cấy thủ công tiêu tốn từ 2-2,4 kg.
Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật nhận xét, hiệu quả kinh tế của người dân sử dụng mạ khay, máy cấy sẽ cao hơn từ 20-30% so với gieo cấy thủ công, tương đương với khoảng 2 - 8 triệu đồng/ha, tùy từng chân đất. Đây cũng là giải pháp tốt nhất để sản xuất vùng lúa hàng hóa tập trung, hạn chế nông dân bỏ ruộng.
Từ năm 2022, Chi cục phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện triển khai Đề án “Phát triển diện tích cấy máy giai đoạn 2020-2025”. Qua 3 năm thực hiện, hiệu quả là điều ai cũng nhìn thấy nhưng việc mở rộng hơn nữa ra địa bàn cả tỉnh vẫn còn gặp thách thức.
Nguyên nhân là do sản xuất mạ khay đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, bao gồm kho bãi, nhà xưởng (chứa máy móc, giá thể) và diện tích đất tập kết khay mạ. Chưa kể, phần lớn cơ sở sản xuất mạ khay trên địa bàn Hải Dương còn phải mua giá thể, chưa tự sản xuất dẫn đến chi phí đầu vào tương đối cao. Số lượng cơ sở dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị nông nghiệp hiện mới phổ biến tại một số khu dân cư tập trung.
Một nguyên nhân nữa là do tập quán cấy tay của người dân còn phổ biến và kỹ thuật gieo cấy chưa thật đảm bảo. Cụ thể, môi trường để cây lúa cấy máy phát triển tương đối khác khi chiều dài chỉ cần 10cm (so với 20cm của cấy tay). Từ đó, dẫn đến việc ruộng cấy máy phải thật phẳng, nước không bị ngập thì cây lúa lúc cấy xuống mới sinh trưởng, phát triển bình thường.
Trong số 10 huyện, thị xã, thành phố của Hải Dương, hiện mới có Bình Giang và Thanh Miện là có số lượng cơ sở sản xuất mạ khay tương đối lớn, đáp ứng cơ bản nhu cầu. Vì vậy, cần nhiều hơn sự hỗ trợ để người dân nâng cao nhận thức và chuyển đổi mô hình sản xuất.