Trong bối cảnh ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL đang đẩy mạnh triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, bài toán xử lý rơm rạ sau thu hoạch trở thành vấn đề cấp thiết.
Thay vì đốt đồng theo phương pháp truyền thống, gây ô nhiễm môi trường, làm đất chai cứng, nhiều nông dân đã chuyển sang sử dụng chế phẩm vi sinh để phân hủy rơm rạ.
Giải pháp này không chỉ giúp cải thiện độ màu mỡ của đất mà còn giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường. Một trong những sản phẩm đang được đánh giá cao là chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM.

Nhiều nông dân ĐBSCL đang ứng dụng chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM để xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Ảnh: Kim Anh.
Giữa đồng lúa Đài Thơm 8 rộng 2ha tại xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), nông dân Nguyễn Văn Ninh đang tỉ mỉ hướng dẫn một số bà con phương pháp ủ chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM mà ông đang sử dụng để xử lý rơm rạ.
Ông Ninh cho biết, đây là vụ đầu tiên ông thử nghiệm chế phẩm nhưng kết quả rất đáng mong đợi, bởi cây lúa ít sâu bệnh, khỏe mạnh. Đặc biệt, Bio Lacto EM giúp xử lý lúa cỏ đạt hiệu quả khoảng 80% so với những năm trước. Đất đai cũng được cải tạo tơi xốp hơn, tăng hàm lượng hữu cơ, giúp giảm chi phí canh tác cho vụ sau.
Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Thành Huệ - Người rất tâm huyết với canh tác bền vững, luôn tìm cách hạn chế sử dụng phân bón hóa học bày tỏ sự hài lòng: “Trước đây, tôi quen sử dụng phân bón hữu cơ, bây giờ kết hợp thêm chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM, thấy lúa phát triển khỏe, ít sâu bệnh hơn hẳn. Trà lúa năm nay tôi rất ưng ý”.
Tâm đắc với quan điểm “hãy trả lại cho đất những gì lấy từ đất”, ông Huệ không còn đốt rơm như trước mà chọn cách cuộn rơm bán cho hộ trồng nấm. Phần còn lại, ông dùng chế phẩm vi sinh phun trên ruộng để phân hủy rơm rạ thành phân hữu cơ. Cứ như vậy, vụ sau lại đỡ tốn phân bón hóa học hơn vụ trước, mà lúa vẫn phát triển tốt.

Trà lúa sử dụng chế phẩm vi sinh phát triển tốt, hạt chắc, tỷ lệ vô gạo cao. Ảnh: Kim Anh.
Còn tại ấp Phú Bình, xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long), nông dân Bùi Thanh Tuấn bộc bạch, trước đây ông có thói quen đốt rơm rạ sau khi thu hoạch. Tuy nhiên, đến giai đoạn làm đất, nhiều rơm rạ chưa được phân hủy còn sót lại, ảnh hưởng đến cây lúa.
Trăn trở muốn tìm cách xử lý rơm rạ hiệu quả hơn, ông Tuấn quyết định dùng thử nghiệm chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM. Trải qua 3 lần phun, trà lúa phát triển tốt, hạt chắc, tỷ lệ vô gạo cao. Đặc biệt, nếu như trước đây ông sạ 12 – 15kg giống/công, nay chỉ còn 10kg/công nhưng lúa vẫn đạt năng suất tương đương.
Cùng với ông Tuấn, ông Nguyễn Hữu Ái, Trưởng ấp Phú Bình cũng đang khuyến khích bà con sử dụng chế phẩm vi sinh để phân hủy rơm rạ.
“Ngày xưa đốt đồng không chỉ gây ô nhiễm mà còn làm đất chai cứng. Giờ tôi dùng chế phẩm vi sinh, phun 3 lần trong vụ đông xuân: lần đầu khi xới đất, lần hai sau khi sạ 14 – 15 ngày, lần ba khi lúa đỏ đuôi. Kết quả, lúa phát triển tốt, lượng phân bón hóa học giảm so với vụ trước khoảng 10kg/công”, ông Ái đánh giá.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần hữu cơ sinh học Phương Đông và HTX Sản xuất nông nghiệp dược liệu Organic Cửu Long tìm giải pháp nhân rộng mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM trong thời gian tới. Ảnh: Kim Anh.
Không chỉ nông dân riêng lẻ, HTX Sản xuất nông nghiệp dược liệu Organic Cửu Long (huyện Long Mỹ) cũng đang thử nghiệm chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM trên quy mô lớn.
Dẫn chúng tôi đi quanh những cánh đồng đang triển khai thử nghiệm, ông Nguyễn Thành Luân, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX chia sẻ, trước đây sau khi thu hoạch lúa, xã viên lại loay hoay với việc xử lý rơm rạ.
Vì canh tác liên tục 3 vụ/năm, nên bà con thường chọn cách đốt đồng để rơm nhanh phân hủy. Nhưng từ khi dùng chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM, rơm rạ chỉ mất khoảng 7 ngày để phân hủy, rất phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.
Ngoài hiệu quả xử lý rơm rạ, chế phẩm này còn giúp giảm sâu bệnh đáng kể. Những loại bệnh phổ biến như muỗi hành, sâu hại, đạo ôn xuất hiện ít hơn hẳn so với ruộng đối chứng. Điều này giúp HTX tự tin khi đăng ký 50ha tham gia canh tác theo quy trình của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
HTX Organic Cửu Long hiện có 22 thành viên chính thức, 76 thành viên liên kết, tổng diện tích 80ha và dự kiến mở rộng lên 150ha trong vụ tiếp theo. Với Bio Lacto EM, không chỉ giúp cải tạo đất bạc màu do sản xuất quanh năm mà còn giúp xã viên giảm đáng kể chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận nhờ hạn chế sử dụng phân bón hóa học.

Chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM được đóng gói nhỏ tiện lợi cho bà con nông dân. Ảnh: Kim Anh.
Đặc biệt, khi rơm rạ vụ đông xuân được xử lý tốt, bà con sẽ tiết kiệm chi phí phân bón cho vụ sau, đất ngày càng tơi xốp, màu mỡ hơn.
Với nguồn kinh phí từ chương trình khuyến nông của huyện Long Mỹ, HTX đang được đầu tư 1 máy bay phun thuốc, 1 máy cuộn rơm, 2 máy cấy. Những thiết bị này giúp nông dân tiếp cận công nghệ mới, canh tác theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm chi phí sản xuất thay vì phải đi thuê bên ngoài.
Thay vì loay hoay với bài toán xử lý rơm rạ sau thu hoạch, nông dân ĐBSCL đã có thêm một lựa chọn hiệu quả, bền vững và kinh tế hơn là sử dụng chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM.
Giải pháp này không chỉ giúp cải tạo đất, giảm chi phí sản xuất mà còn mở ra hướng đi bền vững cho nền nông nghiệp ĐBSCL trong quá trình thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.