| Hotline: 0983.970.780

Các chính sách xanh giúp Việt Nam huy động nguồn lực ứng phó thiên tai

Thứ Sáu 03/01/2025 , 10:19 (GMT+7)

Các chính sách xanh sẽ giúp Việt Nam huy động nguồn lực vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, giảm phát thải và nâng cấp hạ tầng ứng phó thiên tai.

Hiệu quả cơ chế Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai

Tháng 9/2024, bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam, ảnh hưởng đến hơn 3,6 triệu người ở 26 tỉnh, thành. Trong đó, cộng đồng người dân nông thôn hứng chịu mất mát to lớn.

Trong khoảng thời gian khó khăn chồng chất ấy, Việt Nam đã nhận được hỗ trợ kịp thời và đầy ý nghĩa từ nhiều quốc gia, các tổ chức cứu trợ thiên tai quốc tế, của Liên hợp quốc. Ngoài tổng số tiền mặt 13 triệu USD, Bộ NN-PTNT đã tiếp nhận hơn 200 tấn hàng hóa thiết yếu như thiết bị nhà bếp, y tế, trường học, nước sạch, lều bạt…

Sự đồng lòng giữa quốc tế và Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong nỗ lực giảm nhẹ thiệt hại sau thiên tai.

Bộ NN-PTNT tiếp nhận viện trợ khẩn cấp từ Liên hợp quốc, Đại sứ quán các nước nhằm hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi, ngày 18/9. Ảnh: Linh Linh. 

Bộ NN-PTNT tiếp nhận viện trợ khẩn cấp từ Liên hợp quốc, Đại sứ quán các nước nhằm hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi, ngày 18/9. Ảnh: Linh Linh. 

Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, đồng Chủ tịch Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bày tỏ ấn tượng trước khả năng phục hồi mạnh mẽ của ngành NN-PTNT.

“Bão Yagi đã để lại những tổn thất nặng nề, đặc biệt đối với các cộng đồng nông thôn, cho thấy mức độ dễ bị tổn thương của họ trước các thảm họa”, bà Pauline nói. “Chúng ta không chỉ thấy mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu mà còn cảm nhận được sự cấp bách trong việc tăng cường giảm thiểu rủi ro thiên tai”. 

Báo cáo đánh giá đa ngành của Việt Nam (VMSA) về quá trình phục hồi sau bão Yagi là kết quả quan trọng của 2 tháng phối hợp giữa Bộ NN-PTNT, các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương của Việt Nam, Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và các đối tác khác.

Báo cáo VMSA tổng hợp dữ liệu mức độ thiệt hại, tổn thất kinh tế và nhu cầu phục hồi của 14 tỉnh, thành phố phía Bắc. Thông tin thu thập được sẽ giúp Việt Nam lập kế hoạch cho quá trình tái thiết kinh tế, bên cạnh việc huy động nguồn lực tài chính, tăng cường khả năng chống chịu các hình thái khí hậu cực đoan.

Theo bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam: Một từ để tóm tắt công tác ứng phó với bão Yagi vừa qua là “sự hợp tác”.

“Chúng tôi rất vinh dự được làm việc cùng Bộ NN-PTNT dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông qua cơ chế Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Chúng ta đã cùng hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, không chỉ đáp ứng các nhu cầu cấp bách của xã hội, mà còn hướng đến nhu cầu phục hồi trung và dài hạn cho nhiều địa phương”, đại diện UNDP nói.

Về phía Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, Trưởng đại diện Silvia Danailov, tự hào về vai trò phối hợp giữa Trung ương và địa phương để kịp thời hỗ trợ trẻ em và cộng đồng bị ảnh hưởng.

Bà Silvia được bổ nhiệm vị trí ở Việt Nam chỉ một tháng trước khi bão Yagi đổ bộ. Việc hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam đã khiến bà nhận ra sứ mệnh bảo vệ trẻ em của UNICEF trong mọi tình huống, kể cả thiên tai.

Chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng với biến đổi khí hậu

Năm 2025 được coi là cột mốc quan trọng khi Liên hợp quốc sẽ đánh giá lại giai đoạn 5 năm thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và đưa ra kế hoạch hiện thực hóa các mục tiêu vào năm 2030. 

Trong thập kỷ qua, thứ hạng về kết quả thực hiện SDGs của Việt Nam liên tục tăng. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam đạt 73,32 điểm năm 2024, chỉ xếp sau Thái Lan trong khu vực Đông Nam Á.

Đặc biệt, Việt Nam được điểm số tốt nhất ở SDG1 (chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi), SDG4 (đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện), SDG11 (phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu), SDG12 (đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững) và SDG13 (ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai).

Đại diện Liên hợp quốc đánh giá cao sự lãnh đạo của Bộ NN-PTNT với nhiều sáng kiến gắn với tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nổi bật trong số đó là Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng ĐBSCL đến năm 2030.

Liên hợp quốc đánh giá cao sự lãnh đạo của Bộ NN-PTNT với nhiều sáng kiến gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Ảnh: Kiều Chi. 

Liên hợp quốc đánh giá cao sự lãnh đạo của Bộ NN-PTNT với nhiều sáng kiến gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Ảnh: Kiều Chi. 

Tính đến nay, Việt Nam đã hoàn thành 2 trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững. Để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đạt 90% SDGs vào năm 2027, đại diện Liên hợp quốc đưa một số khuyến nghị.

Bà Pauline nhấn mạnh, Việt Nam cần cải thiện các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, sử dụng cơ sở dữ liệu để hoạch định chính sách, theo dõi tiến độ phát triển. Đồng thời, tích cực khai thác tiềm năng của mô hình kinh tế tuần hoàn, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên thiên nhiên và gia tăng giá trị kinh tế. Sản xuất nông nghiệp phát thải thấp được xem như "chìa khóa" để đạt SDGs, đồng thời bảo vệ hệ sinh thái và môi trường

“Các chính sách xanh sẽ giúp Việt Nam huy động nguồn lực vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, giảm phát thải và nâng cấp hạ tầng ứng phó thiên tai. Do đó, việc lồng ghép SDGs vào kế hoạch quốc gia sẽ thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu toàn cầu”, bà Pauline Tamesis nhận xét. 

Sẵn sàng cho những ‘cú sốc’ tiếp theo

Dù việc hoàn thiện báo cáo VMSA được coi là bước tiến lớn, vẫn còn khoảng trống lớn cần tiếp tục giải quyết. Để giải quyết thách thức về nhà ở và công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai, UNDP phối hợp với Bộ NN-PTNT xây dựng khoảng 5.000 ngôi nhà kiên cố ở các khu vực dễ bị lũ lụt.

“Chúng tôi đồng tình với thông điệp của Việt Nam, rằng ngôi nhà và tổ ấm chính là nền tảng của mọi sự phát triển bền vững. Hy vọng những ngôi nhà phù hợp sẽ tiếp tục được xây lên, vừa tăng cường sự tham gia của cộng đồng, vừa tạo việc làm tại địa phương”, đại diện UNDP Việt Nam nói.

Trong khi đó, năm 2025 sẽ đánh dấu kỷ niệm 50 năm UNICEF hiện diện tại Việt Nam. Với sự hỗ trợ của UNICEF, 140.000 người Việt Nam đã được tiếp cận với nước sạch, 78.000 trẻ em dưới 5 tuổi được sàng lọc suy dinh dưỡng và 22.000 trẻ em được hỗ trợ dụng cụ học tập.

Phương pháp tiếp cận đa ngành của UNICEF tập trung vào việc đầu tư vào khả năng phục hồi của cộng đồng, đồng thời đảm bảo rằng các dịch vụ thiết yếu như giáo dục, y tế, dinh dưỡng có thể giúp trẻ em đối phó với mọi tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai và khủng hoảng, tiếp tục cung cấp những dịch vụ mà trẻ em cần.

“Trang bị cho trẻ em những công cụ và phương pháp tự bảo vệ mình là rất quan trọng”, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam nhận xét. “Chúng tôi đầu tư mạnh mẽ vào tái thiết, củng cố các dịch vụ, đặc biệt là trường học, để có thể chống chọi với những cú sốc tiếp theo”.

Liên Hợp Quốc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam ứng phó với các thách thức toàn cầu, huy động nguồn lực từ các bên liên quan để hiện thực hóa tầm nhìn về sự phát triển bền vững vào năm 2030.

Xem thêm
Đoàn Thanh niên là hình ảnh đẹp của tuổi trẻ ngành nông nghiệp

Đó là khẳng định đầy tự hào của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp về vai trò tiên phong của thanh niên ngành NN-PTNT trong các phong trào tình nguyện, xung kích, sáng tạo.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2024 đạt hơn 533 triệu USD

Chiều 3/1, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giá vé máy bay Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%

Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận giá vé máy bay dịp Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%, vé phổ thông chặng TP.HCM - Hà Nội khoảng 2,9 triệu đồng.