| Hotline: 0983.970.780

Nhiều câu chuyện về công tác hộ đê bộc lộ từ siêu bão Yagi

Thứ Sáu 22/11/2024 , 15:17 (GMT+7)

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, cơn bão Yagi đã làm bộc lộ nhiều câu chuyện để trong tương lai có những giải pháp tốt hơn trong công tác hộ đê, xử lý sự cố.

Sáng 22/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì Hội nghị Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh, thành phố có đê điều từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2024.

Hội nghị tập trung đánh giá về diễn biến của trận lũ đặc biệt lớn sau cơn bão số 3, thực trạng hệ thống đê điều, bãi sông, lòng dẫn; nhìn nhận vai trò, trách nhiệm của các Chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác ứng phó, hộ đê. Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp cần triển khai thực hiện trong thời gian tới để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trước mắt cũng như lâu dài.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Kiều Chi.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Kiều Chi.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp ghi nhận công tác ứng phó, hộ đê có nhiều nỗ lực, cố gắng trong đợt lũ lịch sử vừa qua; đã phát hiện, xử lý kịp thời hơn 800 sự cố đê điều, giữ vững an toàn cho hệ thống đê, nhất là các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, ứng phó lũ lớn theo phương châm "4 tại chỗ" ngay từ giờ đầu khi sự cố xảy ra để giảm thiểu thiệt hại.

"Cơn bão Yagi đã làm bộc lộ nhiều câu chuyện để trong tương lai có những giải pháp tốt hơn trong công tác hộ đê, xử lý sự cố, khi đó đất nước sẽ đỡ thiệt hại hơn, người dân sẽ đỡ khổ hơn", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, từ đợt mưa lũ khốc liệt do ảnh hưởng của bão Yagi, các tỉnh sẽ cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng; ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững, tăng cường phòng, chống thiên tai và giảm thiệt hại; tập trung giải quyết các vấn đề về quản lý trọng điểm đê điều xung yếu, nguồn lực, nhân lực trong công tác phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực ứng phó của hệ thống phòng, chống thiên tai thông qua diễn tập, thử nghiệm.

Theo ông Phạm Đức Luận, trong thời gian qua đã xảy ra 805 sự cố về đê điều, trong đó nhiều sự cố gây nguy cơ vỡ đê.

Theo ông Phạm Đức Luận, trong thời gian qua đã xảy ra 805 sự cố về đê điều, trong đó nhiều sự cố gây nguy cơ vỡ đê.

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, cho biết, trong thời gian qua đã xảy ra 805 sự cố về đê điều, gây nguy hiểm đến an toàn đê, 99 sự cố cống, 205 sự cố rò rỉ tại vị trí qua thân đê, mái đê và 186 sự cố thẩm lậu, trong đó có nhiều sự cố đặc biệt nguy hiểm và gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 80 nghìn tỷ đồng.

Từ đó, cần thẳng thắn nhìn nhận những bất cập trong hệ thống đê điều hiện nay, như tình trạng xuống cấp nhanh, công tác rà soát hiện trạng và xác định trọng điểm đê xung yếu ở một số địa phương chưa được chú trọng đúng mức, chưa bám sát thực tế.

Ngoài ra, công tác tuần tra canh gác đê, hộ đê còn chưa nghiêm túc, chủ quan, còn lúng túng, bị động trong khâu chỉ đạo nhân lực, chuẩn bị vật tư để triển khai cụ thể. Một số địa phương chưa xây dựng lực lượng quản lý đê theo Thông tư 01, tại đây xác định rõ ràng trách nhiệm chủ tịch UBND cấp huyện trên địa bàn.

Hơn nữa, việc phát quang mái đê, chân đê cũng chưa được quan tâm sát, dù đã có sự đôn đốc bằng văn bản từ Bộ NN-PTNT. Thông tin liên lạc trong tình huống nguy cấp vẫn còn chậm trễ, gây khó khăn trước nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra rất mong manh. Đặc biệt, nhiều địa phương chưa có kịch bản rõ ràng để chuẩn bị công tác hậu cần, đảm bảo chăm lo đời sống người dân trong và sau các đợt bão, lũ, dẫn đến việc ứng phó còn nhiều hạn chế.

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, 50km đê chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động xả lũ của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, trong đó có 3 tuyến đê cấp III. Theo kế hoạch điều tiết lũ, việc xả lũ sẽ đi kèm với tăng cường lực lượng tuần tra, giám sát và thông báo kịp thời đến các địa phương. Điều này không chỉ nhằm đảm bảo an toàn đê điều mà còn bảo vệ sinh kế và tính mạng của người dân, đặc biệt tại khu vực hạ lưu sông Đà. Biên độ dao động nước lớn do xả lũ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của hai bên bờ sông, đòi hỏi các biện pháp ứng phó và triển khai dự án phòng, chống lũ một cách hiệu quả.

Để chuẩn bị ứng phó với bão, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, nhận định rằng từ cuối năm 2024 đến năm 2025, khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có khả năng tiếp tục xảy ra mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và các nhiễu động gây mưa, với lượng mưa dự báo từ 200-500mm. 

Xem thêm
Trưởng ban Nội chính Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre

Bến Tre Đến nay, có 8/17 chỉ tiêu đạt trên 80% so với mục tiêu Nghị quyết, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 4,97%, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,8 triệu người/năm.

Lễ hội quế lớn nhất nước giới thiệu hơn 50 sản phẩm từ quế

Yên Bái Ngày 5/1, huyện Văn Yên tổ chức Lễ hội quế lần thứ 5 với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc nhằm quảng bá, giới thiệu vùng quế lớn nhất cả nước.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giá vé máy bay Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%

Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận giá vé máy bay dịp Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%, vé phổ thông chặng TP.HCM - Hà Nội khoảng 2,9 triệu đồng.