Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, sau khi vào Biển Đông, bão Trà Mi di chuyển ổn định theo hướng tây, hướng về quần đảo Hoàng Sa.
Theo ông Khiêm, các dự báo quốc tế cách đây 4 ngày có nhiều khác biệt nhưng đều thống nhất bão Trà Mi đi vào vùng biển miền Trung với cường độ của bão khi ở trên Biển Đông mạnh cấp 12-13.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ chiều mai (26/10), bão di chuyển đến phía bắc quần đảo Hoàng Sa đạt cường độ mạnh cấp 12, giật cấp 15. Từ gần sáng ngày 27/10, cơn bão số 6 nằm trên vùng biển Quảng Bình - Quảng Ngãi, dự báo gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14.
Về tình hình mưa, từ chiều tối và đêm 26/10 đến 28/10, khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi sẽ có lượng mưa phổ biến từ 300 đến 500 mm, một số nơi có thể đạt trên 700 mm. Tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định và Bắc Tây Nguyên, mưa sẽ phổ biến trong khoảng 100 đến 200 mm, với một số khu vực trên 300 mm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, đây là cơn bão đầu tiên ảnh hưởng đến khu vực miền Trung. Các địa phương cần lưu ý bão số 6 có thời gian lưu sóng rất lâu nên khả năng xảy ra sạt lở bờ biển lớn.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đơn vị tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão Trà Mi. Bộ trưởng đề nghị các lực lượng không bất ngờ, bị động, chủ động rà soát các điểm xung yếu, không để các tình huống lũ quét, sạt lở đất, trên đất liền gây ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 67.212 người biết diễn biến của bão, trong đó có 35 tàu hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa. Hiện tại không có phương tiện nào nằm trong vùng nguy hiểm, các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng của cơn bão số 6 đang khẩn trương di chuyển phòng tránh.
Các địa phương chủ động rà soát, có các biện pháp đảm bảo an toàn với các hoạt động du lịch, đánh bắt thủy hải sản, kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn. Đồng thời, chuẩn bị các phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động ứng phó với mọi tình huống.