| Hotline: 0983.970.780

'Cán bộ thú y tâm sáng, vững nghề, giỏi chuyên môn'

Thứ Bảy 11/07/2020 , 14:13 (GMT+7)

Sáng 11/7, Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Ngành Thú y Việt Nam đã diễn ra tại thành phố Hải Phòng.

Các đại biểu tham gia Lễ kỷ niệm. Ảnh: Đinh Mười.

Các đại biểu tham gia Lễ kỷ niệm. Ảnh: Đinh Mười.

Tham dự lễ kỷ niệm có bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; ông Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường; Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành.

Phát biểu khai mạc, thay mặt Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Ngành Thú y là một trong số ít các ngành kỹ thuật chuyên sâu được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo.

Kể từ khi được hình thành, Ngành Thú y đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển chung của ngành nông nghiệp và của đất nước. Trong công tác quản lý chuyên ngành thú y, đã xây dựng được hệ thống văn bản pháp luật khá đồng bộ, hoàn chỉnh, phù hợp với yêu cầu, thực tiễn phát triển của đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm. Ảnh: Đinh Mười.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm. Ảnh: Đinh Mười.

"Trong nuôi trồng thủy sản, đã có giải pháp chuyển từ thế bị động sang chủ động với phương châm phòng bệnh là chính; chủ động tổ chức giám sát và xây dựng các chuỗi, vùng nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh. Kết quả các loại dịch bệnh đã giảm mạnh trong nhiều năm qua, mỗi năm giảm tổn thất hàng nghìn tỷ đồng cho người nuôi trồng thủy sản, tạo thuận lợi cho thủy sản phát triển mạnh (nhất là tôm và cá tra) và tăng lượng xuất khẩu qua các năm, đạt khoảng 10 tỷ USD/năm", Bộ trưởng cho hay.

Ngành Thú y đã tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả trong việc đăng ký và giải quyết thủ tục kiểm dịch trên hệ thống hải quan một cửa quốc gia; góp phần giảm thiểu các thủ tục hành chính, thúc đẩy xuất, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật và được các bộ ngành đánh giá rất cao; tổ chức có hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới, giúp kiểm soát, ngăn chặn được nhiều loại mầm bệnh nguy hiểm xâm nhiễm vào Việt Nam như bò điên, cúm H7N9, Ebola, Nepa…

Công tác quản lý giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đã được đẩy mạnh, cả nước đã có trên 430 cơ sở giết mổ, chế biến tập trung, không để xảy ra tình trạng mất an toàn, ngộ độc thực phẩm có nguồn gốc độc vật trong những năm gần đây; các sản phẩm chăn nuôi không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước, mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước như EU, Mỹ, Nhật Bản, Canada, các nước châu Á.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trao tặng Bằng khen của Bộ NN-PTNT cho các đơn vị, cá nhân xuất sắc của ngành Thú y. Ảnh: Đinh Mười.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trao tặng Bằng khen của Bộ NN-PTNT cho các đơn vị, cá nhân xuất sắc của ngành Thú y. Ảnh: Đinh Mười.

Công tác quản lý thuốc thú y có nhiều kết quả nổi bật. Trong hợp tác quốc tế, Tổ chức Thú y thế giới (OIE) phê chuẩn Việt Nam là thành viên chính thức từ năm 1951. Từ đó đến nay, Việt Nam luôn thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của quốc gia thành viên OIE, có nhiều đóng góp quan trọng, được các tổ chức quốc tế thường xuyên lựa chọn để đăng cai tổ chức các hội nghị, sự kiện quốc tế lớn về công tác thú y… được OIE trao tặng “Kỷ niệm chương về thành tích cống hiến” cho Ngành Thú y Việt Nam. Vai trò và vị thế của Việt Nam về thú y luôn được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và chọn làm mô hình điểm trong nhiều lĩnh vực.

Trong công tác xúc tiến thương mại đạt nhiều kết quả tốt, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sang các nước trên thế giới, với tổng giá trị gần 1 tỷ USD/năm. Hiện nay đang hướng dẫn, hỗ trợ nhiều địa phương, doanh nghiệp tổ chức xây dựng các chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để xuất khẩu.

Đối với việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phát triển sản xuất, các đơn vị của Ngành Thú y đã tổ chức nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để sản xuất được nhiều loại thuốc thú y và vắc-xin phòng bệnh cho động vật. Việc tổ chức nghiên cứu đã có sự gắn kết rất hiệu quả với các doanh nghiệp, nhờ đó, đến nay chúng ta đã có 10 doanh nghiệp sản xuất vắc xin đạt tiêu chuẩn GMP-WHO đã sản xuất đăng ký lưu hành 150 sản phẩm.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng ghi nhận sự đóng góp của các cơ sở đào tạo về thú y đã đào tạo được các thế hệ đội ngũ cán bộ khoa học và những người làm công tác thú y sáng tâm đức, vững tay nghề, giỏi chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao những đóng góp của lực lượng thú y và ngành Nông nghiệp trong những năm đã qua. Ảnh: Đinh Mười.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao những đóng góp của lực lượng thú y và ngành Nông nghiệp trong những năm đã qua. Ảnh: Đinh Mười.

Thay mặt Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Cục Thú y, chúc mừng và ghi nhận những đóng góp to lớn của các thế hệ cán, bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thú y trong 70 năm qua. 

Phó Chủ tịch nước đánh giá cao sự vào cuộc, phối hợp hiệu quả, trách nhiệm của các ngành, các địa phương và các tầng lớp nhân dân đã đóng góp, đồng hành cùng ngành Thú y trên mặt trận phòng chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm soát thuốc thú y. Tăng cường xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ… đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành nông nghiệp, phát triển đất nước qua các thời kỳ.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho đại diện Cục Thú y. Ảnh: Đinh Mười.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho đại diện Cục Thú y. Ảnh: Đinh Mười.

Phó Chủ tịch nước cũng đánh giá cao Bộ NN-PTNT đã luôn giữ vững nhịp độ tăng trưởng, đạt được nhiều thành tích quan trọng trong phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Chú trọng giá trị nông sản, nhất là chế biến nông sản xuất khẩu, liên tục lập đỉnh cao mới, vươn xa chiếm lĩnh thị trường thế giới. Hạ tầng, kho bãi cũng không ngừng phát triển, hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng.

Lịch sử Thú y Việt Nam bắt đầu vào tháng 9/1894, khi Viện Pasteur Nha Trang được thành lập. Ngày 26/4/1956, liên Bộ Canh Nông - Nội Vụ - Tài Chính ký ban hành Nghị định số 3 LB/NĐ về hệ thống tổ chức thú y các cấp.

Năm 1966, sau nhiều năm phát triển với các tên gọi khác nhau và do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, Bộ Nông nghiệp quyết định thành lập Cục Thú y. Năm 1993, Pháp lệnh thú y lần đầu tiên ra đời, đánh dấu sự lớn mạnh vượt bậc của ngành Thú y Việt Nam.

Tháng 6/2015, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật thú y. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để mọi tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó Ngành Thú y đóng vai trò chính trong việc bảo vệ sức khỏe động vật, giúp duy trì và phát triển hệ động vật, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường sinh thái.

Xem thêm
Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cảnh giác với tội phạm xuyên biên giới trên không gian mạng

TP.HCM Theo Giám đốc Công an TP.HCM, tình hình tội phạm trên không gian mạng có nhiều chuyển biến phức tạp, nhất là tội phạm xuyên biên giới. Người dân cần cảnh giác, bảo vệ mình.

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.