| Hotline: 0983.970.780

70 năm xây dựng và phát triển ngành Thú y Việt Nam

Đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành và của đất nước

Thứ Năm 09/07/2020 , 15:05 (GMT+7)

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Thú y Việt Nam luôn có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển của ngành NN-PTNT và của đất nước.

Lãnh đạo Cục Thú y, công chức, viên chức và người lao động Cục Thú y. Ảnh: Lăng Trần.

Lãnh đạo Cục Thú y, công chức, viên chức và người lao động Cục Thú y. Ảnh: Lăng Trần.

Ngành Thú y đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản theo cách tiếp cận Một sức khỏe (One Health).

Các thành tựu tiêu biểu là đã loại trừ và kiểm soát tốt nhiều dịch bệnh nguy hiểm, bệnh truyền lây từ động vật sang người; nghiên cứu thành công và sản xuất được hầu hết các sản phẩm thuốc, vắc xin thú y để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong nước và phục vụ xuất khẩu; công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho cộng đồng ngày càng được cải tiến rõ rệt.

Trong công tác phòng chống dịch bệnh, toàn ngành đã thay đổi tư duy, cách tiếp cận, chuyển từ thế bị động chống dịch sang chủ động phòng dịch, do đó bệnh Dịch tả trâu bò đã được thanh toán, loại trừ hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam; tổ chức kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm, truyền lây giữa động vật và người, đặc biệt như bệnh Nhiệt thán; bệnh Cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, bệnh Dại ở động vật; ngăn ngừa bệnh Cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam; đồng thời kiểm soát tốt được nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh Tai xanh, Dịch tả lợn cổ điển, Tụ huyết trùng, Đóng dấu, Niu-cát-xơn, Gum-bô-rô…

Đặc biệt, năm 2019, khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam, ngành Thú y đã nỗ lực, góp phần trực tiếp để khống chế và kiểm soát thành công Dịch tả lợn Châu Phi vào cuối năm 2019, tạo điều kiện cho nuôi tái đàn lợn, tăng đàn từ đầu năm 2020, đảm bảo nguồn cung trong nước, góp phần kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra và chỉ đạo công tác chẩn đoán, xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương. Ảnh: Lăng Trần.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra và chỉ đạo công tác chẩn đoán, xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương. Ảnh: Lăng Trần.

Với sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực chẩn đoán, xét nghiệm động vật,thể hiện năng lực, đạt trình độ khoa học, kỹ thuật ngang tầm khu vực và trên thế giới, đến nay, Cục Thú y có 8 phòng thí nghiệm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có 01 phòng thí nghiệm trung tâm, Viện Thú y Quốc gia, Phân viện Thú y miền Trung có các phòng thí nghiệm với cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn sâu, có đủ kiến thức, kinh nghiệm để chẩn đoán được tất cả các bệnh quan trọng, kể cả các bệnh có nguy cơ lây sang người như Cúm gia cầm, Dại, Nhiệt thán, Corona,.. bằng các kỹ thuật hiện đại như PCR, Real-time PCR, giải trình tự gien.

Cục Thú y Việt Nam là một trong số rất ít cơ quan thú y của các nước trên thế giới được CDC Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm, hỗ trợ. Ảnh: Lăng Trần.

Cục Thú y Việt Nam là một trong số rất ít cơ quan thú y của các nước trên thế giới được CDC Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm, hỗ trợ. Ảnh: Lăng Trần.

Tất cả các phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y đều đạt tiêu chuẩn ISO 17025, đạt mức an toàn sinh học cấp độ II+, trong đó đã có phòng thí nghiệm thuộc Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương và Chi cục Thú y vùng VI được đầu tư, nâng cấp để hướng tới đạt an toàn sinh học cấp độ III.

Ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 125 - SL: Ấn định luật lệ bài trừ bệnh truyền nhiễm gia súc. Ðây là văn bản pháp luật đầu tiên của nước ta về công tác thú y, đánh dấu mốc lịch sử phá triển của Ngành Thú y Việt Nam và cũng là nền tảng của hệ thống pháp luật về thú y hiện nay.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam đã và đang phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.

Do đó, ngành Thú y có sứ mệnh quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe động vật và sức khỏe cộng đồng thông qua các hoạt động: Quản lý bệnh truyền lây giữa người và động vật; Phát triển chăn nuôi, giảm đói nghèo; Quản lý dịch bệnh trong buôn bán động vật, sản phẩm động vật, thủy sản trong nước và quốc tế; Sản xuất thuốc, vắc xin thú y phục vụ phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản; Bảo đảm an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Từ năm 2008 ngành Thú y tiếp quản, thực hiện công tác thú y thủy sản. Từ đó, công tác thú y thủy sản đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm  trên động vật thủy sản như bệnh Đốm trắng, Vi bào tử trùng trên tôm nước lợ; bệnh Gan thận mủ, bệnh Xuất huyết trên cá tra, bệnh Sữa trên tôm hùm nuôi… đã được khống chế và kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho nuôi trồng thủy sản (nhất là tôm và cá tra) tăng trưởng vượt bậc, cung cấp các sản phẩm thủy sản có chất lượng cao, xuất khẩu tăng mạnh trong những năm gần đây.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Cục Thú y thường xuyên chỉ đạo tại cơ sở đã giúp công tác thú y thủy sản hoạt động có hiệu quả. Ảnh: Lăng Trần.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Cục Thú y thường xuyên chỉ đạo tại cơ sở đã giúp công tác thú y thủy sản hoạt động có hiệu quả. Ảnh: Lăng Trần.

Ngành Thú y Việt Nam cũng đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc ngăn chặn dịch bệnh động vật từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam, cũng như ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong nước, thể hiện năng lực tốt của một hệ thống kiểm dịch tương đối hoàn chỉnh.

Đến nay, hệ thống đơn vị kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật đã được xây dựng, phát triển thành 7 Chi cục Thú y vùng và 3 Chi cục Kiểm dịch động vật vùng với hệ thống các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 17025, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch xuất khẩu sản phẩm động vật sang cả những thị trường khắt khe nhất như EU,Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... đồng thời bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, an toàn đối với động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu.

Công tác kiểm soát giết mổ gia súc tập trung, kiểm soát chất lượng thịt tiêu thụ trên thị trường đã được thực hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đến nay, cả nước có 434 cơ sở giết mổ tập trung, bao gồm: 342 cơ sở giết mổ lợn, 79 cơ sở giết mổ gia cầm và 13 cơ sở giết mổ trâu bò.

Kiểm dịch và kiểm soát giết mổ đã và đang bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Lăng Trần.

Kiểm dịch và kiểm soát giết mổ đã và đang bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Lăng Trần.

Tiêu biểu, có 24 cơ sở giết mổ công nghiệp, có dây chuyền giết mổ công nghiệp được các doanh nghiệp đầu tư bài bản, có quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến bảo đảm ATTP, có hệ thống kho lạnh để bảo quản sản phẩm động vật sau khi giết mổ trong cùng một khu vực sản xuất đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Đối với động vật và sản phẩm động vật tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, hằng năm, Cục Thú y thực hiện tốt chương trình giám sát vệ sinh thú y, ATTP. Năm 2012, EU đã mở cửa trở lại đối với việc nhập khẩu mật ong từ Việt Nam.

Ngoài ra, Cục Thú y còn xây dựng và triển khai Chương trình giám sát vệ sinh thú y và ATTP đối với thịt gà và sản phẩm thịt gà, lợn sữa và trứng vịt muối xuất khẩu. Tháng 10/2019, sản phẩm sữa của Việt Nam cũng đã có mặt tại thị trường lớn nhất thế giới Trung Quốc. Đây là dấu mốc quan trọng và là cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi bò sữa và sản xuất, chế biến sữa của Việt Nam cũng như đánh dấu thành công mới của Cục Thú y trên con đường hội nhập và phát triển.

Trong công tác quản lý thuốc thú y, hiện nay tất cả các cơ sở sản xuất thuốc thú y dạng dược phẩm, vắc xin đã áp dụng và được cấp giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) theo nguyên tắc, quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO-GMP).

Đến nay, đã có 78 cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt GMP và 100% cơ sở sản xuất dược phẩm, vắc xin thú y đều đạt GMP. Đây là một trong những thành tựu nổi bật nhất của Ngành Thú y Việt Nam, điều mà không phải nước nào trong khu vực ASEAN và trên thế giới cũng đạt được.

Đến nay, đã có 78 cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt GMP và 100% cơ sở sản xuất dược phẩm, vắc xin thú y đều đạt GMP. Ảnh: Lăng Trần.

Đến nay, đã có 78 cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt GMP và 100% cơ sở sản xuất dược phẩm, vắc xin thú y đều đạt GMP. Ảnh: Lăng Trần.

Tổng số sản phẩm thuốc thú y đăng ký lưu hành tại Việt Nam là 12.501 sản phẩm (9.154 sản phẩm thuốc sản xuất; 3.347 sản phẩm thuốc thú y nhập khẩu); thuốc thú y thủy sản là 1.592 sản phẩm (1.468 sản phẩm thuốc sản xuất trong nước; 124 sản phẩm thuốc nhập khẩu) đáp ứng trên 80% nhu cầu thuốc thú y dùng để phòng chống dịch bệnh trong nước;các cơ sở sản sản xuất vắc xin đã sản xuất được hầu hết các loại vắn xin phòng các bệnh thông thường cũng như vắc xin quan trọng như : Cúm gia cầm, Tai xanh, Lở mồm long móng, Dại….và đã xuất khẩu đi trên 40 quốc gia trên thế giới, giá trị hàng chục triệu đô la Mỹ.

Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong thú y được đặc biệt chú trọng. Một hệ thống nghiên cứu khoa học thú y được xây dựng mà nòng cốt là Viện Thú y quốc gia, cùng với Phân viện Thú y miền Trung và các trung tâm kỹ thuật thuộc Cục Thú y, các phòng nghiên cứu của các khoa chăn nuôi thú y, trong các trường đại học nông nghiệp trên cả nước.

 Nhiều đề tài nghiên cứu đã được thực hiện và ứng dụng có hiệu quả, nhiều vắc-xin mới được đưa vào sản xuất, rất nhiều công nghệ đã và đang chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất. Bằng các kết quả này, ngành đã đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Tổ chức Thú y thế giới hỗ trợ Việt Nam tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn. Ảnh: Lăng Trần.

Tổ chức Thú y thế giới hỗ trợ Việt Nam tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn. Ảnh: Lăng Trần.

Những thành tựu nổi bật của ngành thú y trong 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là trong những năm trở lại đây đã có những đóng góp rất tích cực đối với sự phát triển vượt bậc của ngành NN-PTNT, đặc biệt là ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông – lâm – thủy sản đạt 41,3 tỷ USD năm 2019, đưa Việt Nam từng bước khẳng định là cường quốc về xuất khẩu nông – lâm – thủy sản.

Với những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của ngành và đất nước, Ngành Thú y Việt Nam đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý:

Các cơ quan quản lý nhà nước về Thú y: Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2016, Huân chương Lao động hạng Nhì các năm 2010, 2014, Huân chương Lao động hạng Ba các năm 2009, 2005 và 2004; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2004.

Các cơ quan nghiên cứu về Thú y: Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba; Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2015 và Giải thưởng Kovalevskaia cho các nhà khoa học nữ.

Các cơ quan đào tạo về Thú y: Huân chương Hồ Chí Minh năm 2001& 2016; Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2014; Danh hiệu Anh hùng lao động năm 2005; Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1996; Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 1991; Huân chương kháng chiến hạng Ba năm 1986; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1981; Huân chương Lao động hạng hai năm 1962, 1965, 1977; Huân chương Lao động hạng Ba các năm 1960, 1973, 1996; Huân chương Kháng chiến hạng Ba năm 1973.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.