| Hotline: 0983.970.780

Khai phá tiềm năng miền Tây xứ Nghệ

Cần cơ chế và niềm tin cho doanh nghiệp có đủ tâm - trí - lực

Thứ Bảy 18/11/2023 , 15:42 (GMT+7)

Đối tượng phát triển nông nghiệp không chỉ gồm nông dân mà còn doanh nghiệp, chủ thể đủ sức dẫn dắt các quan hệ sản xuất, hình thành chuỗi liên kết, theo bà Thái Hương.

Tọa đàm Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An sáng 18/11. Ảnh: Tùng Đinh.

Tọa đàm Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An sáng 18/11. Ảnh: Tùng Đinh.

Tại Tọa đàm Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An, Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH cho biết, khi đặt bút xây dựng chiến lược của Tập đoàn TH, ngành chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam lúc ấy chưa thành hình. Cuộc khủng hoảng sữa nhiễm melamine có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trẻ em. 

Ngành sữa Việt Nam khi đó 92% là sữa bột nhập khẩu về pha lại, bà đã đưa ra chiến lược làm sản phẩm sữa tươi sạch và nguồn dinh dưỡng không chỉ cho giai đoạn lúc nhỏ mà là suốt cuộc đời. 

"Năm 2008, khi tôi bắt đầu dự án, tình trạng các các nông lâm trường ở miền Tây Nghệ An hoạt động không hiệu quả, nông sản không tìm được thị trường. Lúc đó cần một cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ về nguồn lực đất đai và tư duy chiến lược thương hiệu xuyên suốt. Chất lượng sản phẩm phải đi đầu, đồng thời cần có chiến lược sản phẩm ngắn hạn và dài hạn", bà nói.

Để một doanh nghiệp thành công nông nghiệp đầu tư và phát triển, lãnh đạo TH đề cao vai trò của đất đai. Bởi phải có đất đai thì mới trồng cỏ, nuôi bò và làm nông nghiệp được. Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, vai trò của chính quyền cũng đặc biệt quan trọng, nhất là người đứng đầu. Bà kêu gọi sự thông thoáng về đầu tư cũng như cơ chế chính sách thực sự thu hút được các doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là sự hỗ trợ đầu ra của sản phẩm. 

Về cơ chế chính sách, bà Thái Hương cho rằng mọi doanh nghiệp, thành phần sử dụng phải đóng thuế đất đầy đủ. Đối với những doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, trồng cây 5-10 năm mới cho trái, bởi vậy, phải có cơ chế chính sách về gói cho vay tín dụng ngắn, dài hạn.

"Khi nói về nông nghiệp thì không chỉ nói đến người nông dân mà còn phải nhắc đến doanh nghiệp. Cần rà soát lại nguồn lực đất đai, giao cho các doanh nghiệp cỏ đủ tâm - trí - lực, các doanh nghiệp này cần trở thành trụ cột và lôi kéo người nông dân đi theo, thành một mắt xích trong chuỗi liên kết sản xuất, như cách chúng tôi đã, đang làm và thành công", bà cho biết.

Tọa đàm Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An nằm trong khuôn khổ sự kiện Trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, các tiềm năng của miền Tây Nghệ An sáng 18/11, được tổ chức tại trụ sở Bộ NN-PTNT.

Tại đây, bên cạnh việc tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của xứ Nghệ, các đại biểu còn được hòa mình trong không gian ẩm thực, văn hóa đặc trưng của khu vực này, đồng thời lắng nghe những chia sẻ từ các bên liên quan về các giải pháp khai phá tiềm năng của miền Tây xứ Nghệ.

Chung quan điểm với bà Thái Hương, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế - Xã hội tỉnh Nghệ An cho rằng khu vực miền Tây Nghệ An phải nghiên cứu tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đầu vào để phát triển tập trung, nhằm tạo bước đột phá.

Theo ông Thiên, miền Tây Nghệ An là một trong những khu vực có tiềm năng, lợi thế thuộc tốp đầu cả nước. Nơi đây có điều kiện phát triển kinh tế rừng, phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, khám phá cảnh quan gắn với trải nghiệm văn hóa cộng đồng các dân tộc; có lợi thế phát triển sản xuất sản phẩm đặc sản, các nguồn gen đặc hữu và phát triển kinh tế cửa khẩu. Nhưng đây cũng là nơi đứng hàng đầu về độ khó phát triển so với cả nước. "Nếu chỉ có tháo gỡ không thôi thì liệu miền Tây Nghệ An có phát triển?", ông đặt câu hỏi.

Không chỉ phát triển những vấn đề lịch sử để lại, Nghệ An còn phải chuẩn bị cho một "tương lai", trên cơ sở mà Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về phát triển tỉnh. Ông nhìn nhận, nếu bây giờ Kỳ Sơn, Tương Dương hay Quế Phong tiếp tục trồng rừng thì không có chỗ vì rừng vẫn bị mất đi do xói mòn, mưa, bão và nhiều nguyên nhân khách quan khác.

Anh hùng lao động Thái Hương, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Tùng Đinh.

Anh hùng lao động Thái Hương, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Tùng Đinh.

Đề ra giải pháp, PGS.TS Trần Đình Thiên khuyến nghị Nghệ An có thể học hỏi từ cách làm của tỉnh Sơn La. Cụ thể, định vị lại các tài nguyên, lợi thế hiện có của miền Tây từ đó lựa chọn hướng phát triển. Khi đã có tầm nhìn chiến lược, các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư sẽ sát thực tiễn hơn.

"Nghị quyết của Bộ Chính trị đã chỉ rõ, Nghệ An không chỉ là mong muốn xóa đói giảm nghèo, vượt khó mà còn là một Nghệ An khác, vì vậy những giải pháp và cơ chế chính sách hỗ trợ phải làm thế nào để tận dụng tối đa tiềm năng, dư địa của khu vực", ông bày tỏ.

Một số dư địa được ông Thiên đưa ra trong tương lai có thị trường carbon. Tại khu vực Bắc Trung bộ, trong đó có miền Tây Nghệ An, đang thực hiện chi trả dịch vụ tín chỉ carbon. Đây là nguồn lực bền vững, có thể giúp người dân hưởng lợi lâu dài.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên Quốc gia, Chương trình tài trợ nhỏ, Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đề nghị tỉnh Nghệ An tiếp tục quan tâm vấn đề trồng dược liệu dưới tán rừng; gắn phát triển sinh kế với bảo tồn một số loại cây như mét, dược liệu.

Đồng thời quan tâm đầu tư phát triển du lịch cộng đồng bền vững tại một số điểm tiềm năng như Rừng săng lẻ Tam Đình; Bản Xiềng, Khe Cớ (huyện Tương Dương) các xã Mường Lống, Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn)…

Đại diện UNDP đề nghị địa phương quan tâm chỉ đạo các chủ rừng phối hợp, xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích với cộng đồng, người dân nhằm quản lý và sử dụng rừng bền vững, xây dựng các vùng nguyên liệu chuẩn, tiến tới nâng cao giá trị sản phẩm và cuộc sống cho người dân.

PGS.TS Trần Đình Thiên: 'Chỉ tháo gỡ chung chung, miền Tây Nghệ An liệu có phát triển?'. Ảnh: Tùng Đinh.

PGS.TS Trần Đình Thiên: "Chỉ tháo gỡ chung chung, miền Tây Nghệ An liệu có phát triển?". Ảnh: Tùng Đinh.

Tiếp thu các ý kiến tại tọa đàm, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An sẽ lắng nghe, nghiên cứu để từ đó đề ra được những giải pháp, chính sách cụ thể, đặc thù, thậm chí có những chính sách đột phá.

"Nghệ An đang có sự quan tâm rất lớn của Trung ương. Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", ông chia sẻ.

Trên cơ sở đó, ông Trung tin toàn tỉnh Nghệ An, trong đó có khu vực miền Tây, sẽ phát triển nhanh, bền vững, phát huy tối đa lợi thế về kinh tế rừng, cửa khẩu; các giá trị lịch sử, văn hóa; ứng phó hiệu quả với phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Miền Tây Nghệ An bao gồm 11 huyện, thị; trong đó có 5 huyện vùng cao gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu và 6 huyện, thị miền núi là: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương.

Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận vào năm 2007, là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới trên cạn lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích gần 1,3 triệu ha, dân số khoảng trên 1 triệu người, với 6 dân tộc sinh sống.

Những năm qua, kết quả giảm nghèo của Nghệ An đạt tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; đến hết năm 2021 còn khoảng 2,74%. Tuy nhiên ở một số huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn ở khu vực miền Tây, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Xem thêm
Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...