Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, những năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của các địa phương, sự quan tâm, giúp đỡ quan trọng của Trung ương miền Tây Nghệ An đã có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 7,5%, đóng góp giá trị tăng thêm vào mức chung của toàn tỉnh từ 26-28%.
Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp phát triển tương đối mạnh, đã hình thành một số vùng sản xuất cây nguyên liệu chăn nuôi tập trung quy mô lớn là người chế biến công nghiệp, dịch vụ có bước chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn và miền núi có nhiều khởi sắc.
"Nhiệm vụ phát triển miền Tây Nghệ An vững mạnh toàn diện, làm sao để đồng bào các dân tộc ở miền Tây thoát đói, giảm nghèo có cuộc sống ngày càng tốt hơn, luôn là trăn trở lớn của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Nghệ An suốt nhiều năm qua", ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An chia sẻ.
Theo ông, sự kiện tại Bộ NN-PTNT hôm nay là cơ hội rất quan trọng để bàn luận, trao đổi, đánh giá, phân tích sau khi cụ thể những vấn đề trọng tâm, cốt lõi để giúp miền Tây Nghệ An phát triển bền vững theo định hướng.
Qua những ý kiến tại sự kiện, tỉnh Nghệ An sẽ nhận diện rõ hơn những tiềm năng, lợi thế, cơ hội, những khó khăn, thách thức, những nút thắt cần tháo gỡ. Từ đó, xác lập cách tiếp cận, phát triển mới, tầm nhìn chiến lược mới và các giải pháp đột phá phát triển miền Tây của Nghệ An trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhấn mạnh.
Theo ông Quý, miền Tây xứ Nghệ có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn và là vùng đa dạng về đất đai có đất phù sa, đất vàng, đất Feralit. Khu vực này có nhiều tiểu vùng khí hậu ôn đới đặc thù như Na Ngoi, Mường Lống, Tây Sơn (Kỳ Sơn), Tam Hợp (Tương Dương). Thích hợp phát triển các nông sản đặc trưng ôn đới.
Đây cũng là địa phương có lợi thế phát triển kinh tế rừng (cây lâm nghiệp phục vụ chế biến gỗ, đồ gỗ...) và đã hình thành một số vùng diện tích tập trung phát triển các loài cây có thế mạnh như cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, cây ăn quả; cây dược liệu; chăn nuôi đại gia súc.
Ngoài ra, đây là vùng có nhiều đặc sản như trà hoa vàng, cam Con Cuông, cam Phủ Quỳ, xoài Tương Dương, mận Tam hoa Mường Lống cùng các lợi thế phát triển sản xuất sản phẩm đặc sản và các loại dược liệu đặc hữu.
Trên hết, miền Tây Nghệ An có kết nối các tuyến đường giao thông thuận lợi với 5 cửa khẩu, là tiềm năng trong phát triển kinh tế cửa khẩu, thuận lợi cho giao thương nông sản giữ 2 nước.
Tuy nhiên, miền Tây Nghệ An vẫn là địa bàn còn nhiều khó khăn, kinh tế phát triển còn chậm, quy mô còn nhỏ, tính liên kết thấp, một số tiềm năng, thế mạnh nổi trội chưa được phát huy hiệu quả và hạ tầng kinh tế xã hội còn hạn chế.
Để phát huy được những lợi thế này, góp phần nâng cao kinh tế địa phương, chính quyền tỉnh Nghệ An xác định sẽ tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế so sánh gắn với các cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, phát huy lợi thế, khai thác có hiệu quả tài nguyên rừng, cảnh quan thiên nhiên (hệ sinh thái) và giá trị thương hiệu của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Về lâm nghiệp, rà soát đất lâm nghiệp để phát huy hiệu quả kinh tế rừng gắn với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học. Ngoài ra, xây dựng chương trình phát triển dược liệu vùng, nghiên cứu xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ lâm sản ngoài gỗ gắn với doanh nghiệp như chuỗi giá trị dược liệu.
Tỉnh Nghệ An cũng xác định sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực, chính sách và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Những mô hình hiệu quả sẽ được lan tỏa, nhân rộng cùng với đó là đẩy mạnh kinh tế hợp tác và tăng cường liên kết với các đối tác quốc tế tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc...