Kết quả toàn diện
Tại buổi Họp báo thường kỳ Bộ NN-PTNT, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Văn Việt cho biết, toàn ngành đạt được những kết quả cao, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực trong nửa đầu năm 2023.
Theo đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản (NLTS) 6 tháng đầu năm ước đạt 3,1%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14% (trồng trọt tăng 2,11%, chăn nuôi tăng 4,88%), lâm nghiệp tăng 3,43%, thủy sản tăng 2,96%. Tốc độ tăng GDP ngành NLTS 6 tháng đầu năm đạt 3,07%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14%; lâm nghiệp tăng 3,43%; thủy sản tăng 2,77%.
Về sản xuất, cả nước gieo cấy 4,98 triệu ha lúa, năng suất bình quân đạt 67 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha; sản lượng trên diện tích đã thu hoạch đạt 22,8 triệu tấn. Diện tích cây ăn quả 1,22 triệu ha, tăng 2,7%; sản lượng, như xoài 616 nghìn tấn, tăng 4,3%; cam 514,4 nghìn tấn, tăng 4,8%; vải 178,3 nghìn tấn, tăng 4,9%; sầu riêng 367,6 nghìn tấn, tăng 18,3%; chôm chôm 188,9 nghìn tấn, tăng 0,2%. Cây công nghiệp 2,2 triệu ha, tăng 0,3%; sản lượng hồ tiêu 250,1 nghìn tấn, tăng 1,7%; điều 353,2 nghìn tấn, tăng 9,7%; cao su 413,5 nghìn tấn, tăng 2,3%; chè búp 523,2 nghìn tấn, tăng 1,7%.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Đàn trâu ước giảm 1,7%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 61,2 nghìn tấn, giảm 0,9%. Đàn bò ước tăng 0,9%; sản lượng thịt 245,3 nghìn tấn, tăng 2,6%; sản lượng sữa 662,8 nghìn tấn, tăng 8,4%. Đàn lợn ước tăng 2,5%; sản lượng thịt hơi 2,33 triệu tấn, tăng 6,5%. Đàn gia cầm ước tăng 0,9%; sản lượng thịt hơi 1,04 triệu tấn, tăng 4,8% và sản lượng trứng 9,1 tỷ quả, tăng 4,2%.
Diện tích rừng trồng mới tập trung 124 nghìn ha, tăng 4,1%; trồng phân tán 45,9 triệu cây, tăng 5,1%. Công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng được đặc biệt quan tâm, cả nước phát hiện 4.456 vụ vi phạm, giảm 5%. Rừng bị tác động 1.215,9ha. Tổng số tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng khoảng 1.393,8 tỷ đồng, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2022; lũy kế đến nay diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) 433.942ha.
Tổng sản lượng thủy sản đạt 4,27 triệu tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó: Khai thác 1,93 triệu tấn, tăng 0,2%; Nuôi trồng 2,34 triệu tấn, tăng 3% (trong đó cá tra 789,3 nghìn tấn, tăng 2,2%; tôm sú 119,3 nghìn tấn, tăng 1,2%; tôm thẻ 315,2 nghìn tấn, tăng 5,2%).
Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 6 tháng đầu năm đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm nông sản chính 12,79 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng 26,5%; thuỷ sản 4,13 tỷ USD, giảm 27,4%; lâm sản chính 6,5 tỷ USD, giảm 28,2%; đầu vào sản xuất 940 triệu USD, giảm 28,9%; muối 2,4 triệu USD, giảm 14,2%.
Bảy sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ; trong đó gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu: Gạo (tăng 22,2% khối lượng, 34,7% giá trị xuất khẩu), hạt điều (tăng 10,5% khối lượng, 7,7% giá trị xuất khẩu).
Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng NLTS lớn nhất của Việt Nam; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,2%, giảm 32,9% và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%.
Trên cơ sở kết quả này, ông Việt đề ra 5 nhóm giải pháp chính cho ngành nông nghiệp 6 tháng cuối năm. Đó là: Tăng cường các biện pháp chăm sóc cây trồng, vật nuôi; phát hiện các giải pháp về kiểm soát dịch bệnh; giảm thiểu thiên tai trước mùa mưa bão; tăng giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao hoạt động tuyên truyền, truyền thông báo chí.
Phấn đấu đạt các mục tiêu Chính phủ giao
Một trong những nội dung được các cơ quan báo chí quan tâm, là giá trị xuất khẩu rau quả và lúa gạo những tháng đầu năm, lần lượt đạt 2,75 tỉ USD và 2,3 tỉ USD.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, với tiềm năng và dư địa hiện tại, ngành hàng rau quả hoàn toàn có thể đạt giá trị 10 tỉ USD trong thời gian tới, bởi hiện nước ta chủ yếu xuất khẩu dạng quả tươi, ít chế biến sâu.
Với lúa gạo, Thứ trưởng đánh giá, dù là mặt hàng chịu tác động nhiều nhất của quá trình đô thị hóa, diện tích gieo trồng liên tục giảm, nhưng năng suất, chất lượng và giá trị xuất khẩu sản phẩm này được duy trì. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhìn nhận, ngành hàng lúa gạo không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước, mà còn là khu vực, quốc tế.
Trước thực tế, rằng một số ngành hàng có giá trị xuất khẩu cao như gỗ và thủy sản đang thiếu đơn hàng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khuyên doanh nghiệp cần quan tâm đặc biệt tới "sức khỏe" của khối G7, những quốc gia phát triển.
Đồng thời, ông chỉ đạo các Cục, Vụ trực thuộc Bộ NN-PTNT quan tâm, hướng dòng vốn vào khu vực sản xuất để tăng tốc cho nửa cuối năm 2023. Riêng với Cục Lâm nghiệp, Thứ trưởng yêu cầu Cục Lâm nghiệp tập trung xử lý dứt điểm việc hoàn thuế cho doanh nghiệp ngành gỗ.
Tại buổi họp sáng 3/7, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ, các vùng nuôi hiện tập trung vào tăng năng suất thông qua thâm canh mà chưa thực sự chú trọng đến việc kiểm soát môi trường. Đặc biệt, những dự báo về môi trường còn đang bị bỏ ngỏ.
"Các cơ quan chuyên môn tại địa phương cần nắm sát tình hình và thực hiện các biện pháp ngắt vụ, rải vụ, tránh tình trạng ô nhiễm ao nuôi", ông Luân nói.
Lãnh đạo Cục Thủy sản cho biết thêm, rằng ngoài các mặt hàng truyền thông, ngành thủy sản còn nhiều mặt hàng như rong sụn, nhuyễn thể 2 mảnh... đã và có thể đạt giá trị xuất khẩu hàng trăm triệu USD.
Ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư thông báo, Trung ương và địa phương đã tăng cường kiểm tra, rà soát các vấn đề liên quan tới chống khai thác IUU như lắp đặt giám sát hành trình, kiểm tra nhật ký ghi chép, phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá tại 28 tỉnh, thành phố ven biển.
"Tình trạng mất kết nối, trốn tránh kiểm soát của tàu cá còn phổ biến nhưng chưa thể xác minh, xử lý triệt để. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ địa phương để có giải pháp giám sát tàu cập cảng, bao gồm cả cảng cá tư nhân. Đây là bước quan trọng trong việc truy xuất nguồn gốc hải sản và sản lượng bốc dỡ qua cảng", ông Cường bày tỏ.
Kết luận buổi họp báo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo các Cục như Bảo vệ thực vật, Thú y, Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường giúp đỡ doanh nghiệp, giảm thời gian thông quan cũng như hướng dẫn nhanh chóng, kịp thời các thay đổi của thị trường nhập khẩu.
Ông cho biết, hiện không chỉ EU, một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng đã nêu ý kiến về các lô hàng của Việt Nam. Mới nhất, EU thông qua luật thương mại quốc tế, trong đó yêu cầu nông sản chỉ được nhập vào EU nếu toàn bộ quy trình không diễn ra trên diện tích rừng bị chặt phá.
Coi những quy định mới này giống như một cuộc "chống khai thác IUU trên rừng", Thứ trưởng nêu cao tinh thần giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất cho đến tận khi hàng xuất bến. "Giờ chúng ta không chỉ chống IUU trên biển mà còn phải phòng, chống trên cả đất liền", ông chia sẻ.
Về nhiệm vụ các tháng cuối năm, Thứ trưởng tin tưởng ngành nông nghiệp sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3 - 3,5%; kim ngạch xuất khẩu NLTS khoảng 54 - 55 tỉ USD, trong đó nhóm nông sản chính 25 tỉ USD; lâm sản và đồ gỗ 17 tỉ USD; thủy sản 10 tỉ USD.