Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì buổi lễ.
Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành: Ban Tổ chức Trung ương; Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Ban Dân vận Trung ương; Đại diện Thường trực và Lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh thành trong khu vực và Đại tướng Ung Mony, Phó Quốc vụ Bộ Quốc phòng Campuchia cùng Đoàn cán bộ của Đảng Nhân dân Campuchia.
Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng, xúc động, các đại biểu, khách mời tham dự đã cùng ôn lại những đóng góp to lớn mang tính quyết định của Trung ương Cục miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam.
Chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi đau thương, mất mát vẫn còn đọng lại trong những gia đình có người hy sinh, trong trái tim những người con đất Việt. Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, hơn 500 cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã anh dũng hy sinh.
Địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (1962-1975) là nơi ghi dấu sự ra đời và phát triển của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Đây là nơi các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã chiến đấu, hy sinh trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Vì thế, Di tích có tên gọi: Địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (1962-1975).
Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam từ sau khi ra đời (1961) cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ (1975) đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển về bộ máy tổ chức, thay đổi về chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Có thể khẳng định, tầm quan trọng và những đóng góp to lớn của Ban Tuyên huấn trong cuộc kháng chiến cứu nước là một phần lịch sử tất yếu và quan trọng của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Quá trình hình thành, xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức Ban Tuyên huấn trong thời kỳ kháng chiến cứu nước đã để lại nhiều bài học quý giá cho công tác tuyên giáo ngày nay.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1962-1975 là nơi ghi dấu sự kiện mang nhiều giá trị lịch sử, góp phần tích cực giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho mỗi người Việt Nam.
Để bảo tồn, lưu giữ giá trị lịch sử của Di tích, cấp ủy, chính quyền tỉnh Tây Ninh và các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân về nội dung của Luật Di sản văn hóa, để Nhân dân cùng tham gia bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích; phối hợp với ngành du lịch, với các cơ quan thông tin truyền thông kết nối di tích với các di tích khác trong tỉnh, trong vùng nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới; nâng cao chất lượng hướng dẫn tham quan để du khách và Nhân dân hiểu thẩm thấu sâu sắc hơn giá trị truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc.
"Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia hôm nay, trong niềm tự hào về truyền thống 94 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của ngành. Thời gian tới, toàn ngành Tuyên giáo cần chủ động, tích cực hơn nữa trong tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy đảng các cấp các giải pháp về công tác tuyên giáo; làm cho công tác tuyên giáo gắn chặt và bám chắc với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, với phong trào cách mạng của quần chúng, kịp thời giải đáp đúng và trúng những vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội; lan tỏa và nhân rộng những gương điển hình tiên tiến; bồi dưỡng niềm tin của Nhân dân vào mục tiêu, lý tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.