| Hotline: 0983.970.780

Đổi thay tại xã anh hùng Tân Lập

Thứ Năm 22/04/2021 , 09:36 (GMT+7)

Xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Tân Lập, một trong 20 xã biên giới Tây Ninh đang làm thay đổi đời sống người dân vùng căn cứ cách mạng Trung ương Cục miền Nam.

Hầu hết các tuyến đường nông thôn tại xã Tân Lập được bê tông hóa thuận tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa. Ảnh: Trần Trung.

Hầu hết các tuyến đường nông thôn tại xã Tân Lập được bê tông hóa thuận tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa. Ảnh: Trần Trung.

“Áo mới” vùng căn cứ cách mạng

Xã Tân Lập, huyện Tân Biên là một trong 20 xã biên giới của tỉnh Tây Ninh được công nhận là xã anh hùng lực lượng vũ trang vào năm 2012. Trước đây, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, cuộc sống khó khăn. Thế nhưng, với sự đồng lòng, quyết tâm của người dân, cùng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, trong đó có chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi cuộc sống của người dân trên quê hương vùng căn cứ cách mạng Trung ương Cục miền Nam năm xưa.

Là một trong những người từng tham gia chiến đấu bảo vệ vùng căn cứ địa cách mạng Trung ương Cục miền Nam và chung tay góp sức xây dựng địa phương ngay khi hòa bình lập lại, cựu chiến binh Đàm Tuy (SN 1946) ngụ ấp Tân Tiến, xã Tân Lập thấy được sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong công cuộc xây dựng và phát triển Tân Lập ngày càng đẹp giàu.

Ông Đàm Tuy vốn quê ở Lương Sơn, Hòa Bình. Năm 1966, ông nhập ngũ vào đơn vị tiểu đoàn quân y thuộc Sư đoàn 1 và tham gia chiến đấu trên tất cả các mặt trận từ Tây Nguyên đến Đông Nam bộ. Trong đó, tiêu điểm là bảo vệ căn cứ Miền từ năm 1969 đến năm 1972. Sau khi bị thương, ông được điều động về giảng dạy tại trường quân sự. Năm 1980, chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, nhận thấy người dân Tân Lập nặng tình, đất Tân Lập màu mỡ, ông đưa cả gia đình trở lại xã Tân Lập để lập nghiệp.

Nhớ lại những ngày đầu khai hoang mở đất, ông Tuy rùng mình cho biết, thời điểm ấy Tân Lập bị tàn phá nặng nề do chiến tranh để lại. Toàn xã chỉ có duy nhất tuyến đường Quốc lộ 22 do thời Pháp xây dựng nhưng bị bom đạn cày xới đến nỗi xe đạp còn khó di chuyển. Về đất canh tác, tàn dư bom đạn rơi vãi khắp nơi, phương tiện cơ giới hóa chưa có, trâu, bò không dám xuống cày.

Sau năm 1986, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, phương tiện cơ giới hóa ra đời, với sự hỗ trợ của nhà nước và giống, kỹ thuật canh tác, người dân dần chuyển đổi từ cây lương thực sang các loại cây công nghiệp dài ngày đem lại hiệu quả kinh tế. Từ 1 ha đất ban đầu, đến nay ông đã sở hữu hơn 12 ha đất trồng cao su, 1 ao cá rộng hơn 1 ha, 1 nhà dẫn dụ chim yến mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Ông Tuy cho biết thêm, đặc biệt, từ khi có chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn Tân Lập ngày càng thay đổi tích cực. Bản than ông, nhận thức rõ về mục đích ý nghĩa chương trình này, ông đã vận động bà con trong ấp cùng chung sức, ai có đất hiến đất làm đường, có tiền góp tiền, có ngày công thì bỏ ngày công góp sức. Minh chứng là con đường mòn đất đỏ nhỏ hẹp, nắng bụi, mưa lầy dẫn vào ấp trước đây đã được thay bằng con đường nhựa hóa rộng hơn 4 mét, ô tô có thể chạy thẳng đến cổng; 100 % người dân trong ấp đều có điện lưới quốc gia sử dụng. “Khi đời sống người dân nâng lên thì mọi chủ trương về xây dựng NTM đều được họ đồng tình ủng hộ”, ông Tuy khẳng định.

Ông Đào Văn Sớt - Chủ tịch UBND xã Tân Lập chia sẻ, xã có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng nông thôn còn yếu kém, kinh tế còn chậm phát triển, trình độ dân trí chưa cao, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2010, xã Tân Lập được huyện ủy Tân Biên chọn là xã điểm xây dựng NTM. Qua thời gian thực hiện, xã Tân Lập nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, đầu tư đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực của tỉnh, huyện, cùng sự đồng thuận của nhân dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, tác động tích cực đến quá trình xây dựng NTM. Năm 2016, xã Tân Lập chính thức về đích NTM và hiện nay, xã tiếp tục nâng cao các tiêu chí phấn đấu sớm đưa xã trở thành xã NTM nâng cao.

Vườn cao su kết hợp ao cá rộng hơn chục ha của ông Đàm Tuy. Ảnh: Trần Trung.

Vườn cao su kết hợp ao cá rộng hơn chục ha của ông Đàm Tuy. Ảnh: Trần Trung.

Những con số biết nói 

Sự đổi thay đáng kinh ngạc tại xã anh hùng Tân Lập đã góp phần, chung sức tạo nên những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng NTM trên toàn tỉnh Tây Ninh.

Điểm nổi bật nhất sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM (giai đoạn 2010-2020) của tỉnh Tây Ninh là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Cụ thể, có trên 2.200 km đường giao thông nông thôn được đầu tư; vận động nhân dân hiến trên 122.000 m2 đất; đóng góp trên 110.000 ngày công làm 58 km đường giao thông nông thôn; đóng góp tiền mặt để mua đất, đá nhằm tu sửa, nâng cấp 321 tuyến đường giao thông với chiều dài 327 km; gắn trên 8.000 bóng đèn thắp sáng đường quê trị giá trên 2,4 tỷ đồng; trồng 7.300 cây xanh; khai thông 26 km kênh mương nội đồng; kiên cố hóa 239 km kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các xã. 

Đến nay, toàn tỉnh Tây Ninh có 278 trường học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất; xây dựng mới và nâng cấp 36 trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng xã; 255 nhà văn hóa đạt chuẩn; cải tạo, nâng cấp 15 chợ nông thôn; 80/80 xã đảm bảo cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông, có phủ sóng hoặc mạng để truy cập internet cho người dân khu vực nông thôn; toàn tỉnh có 69 mô hình toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường; trên 98% gia đình đăng ký gia đình văn hóa và 100% cơ sở tôn giáo đăng ký cơ sở tín ngưỡng tôn giáo văn minh.

Thông qua Quỹ “Vì người nghèo” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, đã có trên 22.800 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ với tổng số tiền trên 300 tỷ đồng; hỗ trợ gần 24 tỷ đồng cho trên 1.120 lượt người mua cây con giống, vốn sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm ổn định; hỗ trợ hơn 1.000 con trâu, bò sinh sản cho hộ nghèo và cận nghèo; xây và bàn giao trên 1.800 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trị giá gần 125 tỷ đồng và đến nay Tây Ninh cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 – 2025, Tây Ninh phấn đấu có 26 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 2 xã biên giới); 36 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao (trong đó có 10 xã biên giới); phấn đấu có 12 xã đạt NTM kiểu mẫu (trong đó có 2 xã biên giới); 6 huyện: Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành, Gò Dầu, Bến Cầu đạt chuẩn NTM; thị xã Trảng Bàng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Chợ Tân Lập xây dựng ngay đường lớn, thuận lợi cho người dân giao thương. Ảnh: Trần Trung.

Chợ Tân Lập xây dựng ngay đường lớn, thuận lợi cho người dân giao thương. Ảnh: Trần Trung.

Điểm ấn tượng nhất khi chúng tôi có dịp đến nơi đây chính là hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ. Xã Tân Lập giờ đây đã không còn cảnh bụi đường mù mịt, thay vào đó hầu hết các con đường đã được trải nhựa, bê tông hóa, tạo điều kiện đi lại cho người dân cũng như lưu thông hàng hóa. Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ rộng khắp đáp ứng nhu cầu đời sống, văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết: “Qua 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tỉnh phát động phong trào Tây Ninh chung sức xây dựng NTM đã được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia. Mỗi cấp, ngành đã xác định rõ cách làm, lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, phát huy vai trò của Chi bộ Đảng từ các ấp, khu dân cư và vai trò chủ thể trực tiếp của từng hộ dân; góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt”.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.