| Hotline: 0983.970.780

Cấp mã số cơ sở nuôi tôm mới đạt... 0,4%

Chủ Nhật 27/09/2020 , 15:09 (GMT+7)

Kết quả này đang thách thức việc khai thác các thị trường như EU, Trung Quốc, Mỹ, Nhật vì yêu cầu truy xuất nguồn gốc đòi hỏi các cơ sở nuôi phải có mã số.

Tại Hội nghị “Bàn giải pháp thực hiện đăng ký nuôi trồng thủy sản” do Tổng cục Thủy sản tổ chức tại Cần Thơ mới đây cho biết, cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ mới đạt 0,4% yêu cầu.

Các đại biểu tâm tư về việc cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ đạt quá thấp.

Các đại biểu tâm tư về việc cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ đạt quá thấp.

Các tỉnh thực hiện từ 0 đến 3,8%

Số liệu của Tổng cục Thủy sản, ĐBSCL có khoảng 494.635 cơ sở nuôi tôm nước lợ phải thực hiện đăng ký và cấp giấy xác nhận mã số. Đến nay 8 tỉnh có nuôi tôm nước lợ mới cấp được 1.790 cơ sở (đạt khoảng 0,4%). Trong đó nhiều nhất là Sóc Trăng đã cấp cho 1.502/39.990 cơ sở (đạt gần 3,8%) tiếp đến Kiên Giang 210 cơ sở; Bến Tre 42 cơ sở; Tiền Giang 16 cơ sở; Cà Mau 12 cơ sở; Bạc Liêu 7 cơ sở; Trà Vinh 1 cơ sở; Long An chưa cấp được cơ sở nào.

Điển hình tỉnh Sóc Trăng, Chi cục Thủy sản cho biết, tổ chức các đội công tác xuống từng xã để làm việc trực tiếp với dân. Kết quả đã cấp cho 1.502 cơ sở với tổng cộng 7.047 ao nuôi, diện tích 1.773ha. Trong đó, có 16 doanh nghiệp với khoảng 500 ha, còn lại 1.509 hộ nuôi nhỏ lẻ với 1.273 ha. Tính ra một hộ nuôi không đến 1 ha. Còn diện tích thả giống nuôi tôm nước lợ của Sóc Trăng đến ngày 15/9/2020 là 46.374 ha, như thế diện tích cần được cấp mã số còn lại 44.601 ha, hầu hết của hộ dân nhỏ lẻ.

Còn tỉnh Long An, diện tích thả nuôi tôm nước lợ đến nay là 4.599 ha, chưa cấp được mã số cho cơ sở nào. Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản cho biết lý do: “UBND tỉnh đã ban hành và công bố thủ tục hành chính “Cấp, cấp lại giấy xác nhận đăng ký nuôi thủy sản lồng, bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực”, tuy nhiên người dân nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng chưa thực hiện đăng ký nên chưa thực hiện được”.

Ngoài 2 tỉnh điển hình trên, ĐBSCL còn 6 tỉnh khác có nuôi tôm nước lợ đều đạt tỷ lệ cấp mã số cơ sở nuôi rất thấp. Tính theo diện tích từ trên xuống, tỉnh Cà Mau nuôi khoảng 284.670 ha, lớn nhất nước ta, mới cấp mã số cho 12/160.082 cơ sở, đạt 0,007% yêu cầu. Tỉnh Bạc Liêu nuôi hơn 130.000 ha, mới cấp mã số cho 7/120.000 cơ sở, đạt 0,005% yêu cầu. Tỉnh Kiên Giang nuôi 129.364 ha, mới cấp mã số cho 210/80.000 cơ sở, đạt 0,2%. Tỉnh Bến Tre nuôi 33.662 ha, mới cấp mã số cho 42/36.000 cơ sở, đạt 0,12% yêu cầu. Tỉnh Trà Vinh nuôi 30.650 ha, mới cấp mã số cho 1/45.000 cơ sở, đạt 0,002% yêu cầu. Tỉnh Tiền Giang nuôi 4.385 ha, mới cấp mã số cho 16/3.653 cơ sở, đạt 0,4% yêu cầu.

Yêu cầu truy xuất nguồn gốc đòi hỏi các cơ sở nuôi phải có mã số. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Yêu cầu truy xuất nguồn gốc đòi hỏi các cơ sở nuôi phải có mã số. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vướng mắc về đất nuôi tôm

Chi cục Thủy sản Cà Mau giải thích nguyên nhân đạt thấp: Rất nhiều tổ chức, cá nhân đang nuôi tôm trong vùng được phép chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang đất nuôi trồng thủy sản nhưng chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng. Cà Mau đã chuyển đổi hơn 130.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản với gần 85.000 hộ nhưng đến nay, tỷ lệ hiệu chỉnh, chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất thấp.

Đây cũng là vướng mắc chung của các tỉnh ĐBSCL trong cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ. Tỉnh Sóc Trăng tích cực cấp mã số cơ sở nuôi tôm nhưng cũng mới đạt gần 3,8% và còn 38.488 cơ sở nữa. Chi cục Thủy sản Sóc Trăng bày tỏ: “Số lượng cơ sở nuôi trên địa bàn tỉnh nhiều và nhất là đa số cơ sở nuôi nhỏ lẻ. Trong khi hồ sơ đăng ký mã số cơ sở vùng nuôi mà hơn 60% các hộ nuôi nhỏ lẻ đang gặp phải là không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lưu tại nhà, không chính chủ và số còn lại thì không có hợp đồng thuê đất dài hạn”.

Trong lúc quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 36 Nghị định 26/2019/NĐ-CP về hồ sơ đăng ký của các tổ chức, cá nhân phải có “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản”. Công văn số 1946/TCTS-PCTTr ngày 3/9/2019 của Tổng cục Thủy sản giải thích: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê nhưng chưa chuyển mục đích sang đất nuôi trồng thủy sản là không hợp lệ”.

Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết, tổ chức 3 đoàn công tác đến trực tiếp người nuôi tôm ở các huyện Giang Thành, Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh, Kiên Lương, Hòn Đất và TP Hà Tiên. Quá trình làm việc với 394 hộ, ghi nhận chỉ 212 hộ (53,8%) có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phù hợp với hồ sơ đăng ký, còn lại 99 hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất trồng cây lâu năm, đất trồng lúa, đất vườn và 83 hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng do gửi vay vốn ngân hàng nên chưa xác định được mục đích sử dụng.

Ở tỉnh Cà Mau còn gặp tình trạng nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh trong đất rừng ngập mặn ven biển, riêng huyện Ngọc Hiển là 224,7 ha/135 cơ sở, có cả 6 công ty nuôi với quy mô lớn. Hiện trạng quy hoạch đất tôm rừng, sinh thái và đối chiếu với Công văn số 3279/BNN-TCTS ngày 19/3/2017 của Bộ NN-PTNT thì không được nuôi tôm công nghiệp trong rừng ngập mặn, sinh thái. Cho nên, chưa thể cấp mã số cho các cơ sở.

Phải nghiêm chỉnh chấp hành luật

Ngành nuôi tôm phải thay đổi, sản phẩm có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngành nuôi tôm phải thay đổi, sản phẩm có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Dù có nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng Luật Thủy sản đã quy định nên đại diện các địa phương tham dự hội nghị cũng bày tỏ sẽ nỗ lực thực hiện việc cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ. Nhất là yêu cầu về truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thủy sản nuôi của các thị trường EU, Trung Quốc, Mỹ, v.v, ngày càng rõ ràng, dứt khoát và việc cấp mã số cơ sở nuôi là điều kiện bắt buộc nếu thủy sản Việt Nam muốn xuất khẩu.

Tổng cục Thủy sản trong giải pháp trọng tâm các tháng cuối năm 2020 nêu những nội dung cụ thể. Với các địa phương “triển khai nghiêm việc thực hiện đăng ký cấp giấy xác nhận (mã số) đối tượng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, đặc biệt cơ sở nuôi tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng). Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị chức năng triển khai nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất sang đất nuôi trồng thủy sản và các vướng mắc liên quan”.

Còn VASEP và cộng đồng doanh nghiệp đề nghị “tích cực phối hợp, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở nuôi tôm, cá tra xuất khẩu thực hiện nghiêm việc đăng ký, cấp mã số theo quy định tại Luật Thủy sản, các văn bản quy định chi tiết và đáp ứng yêu cầu từ thị trường nhập khẩu”. Với các doanh nghiệp và người nuôi tôm “thực hiện nghiêm việc đăng ký, cấp mã số theo quy định tại Luật Thủy sản”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh: “Nuôi trồng thủy sản phải chấp hành quy định của Luật Thủy sản, quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc bàn giải pháp tháo gỡ. Trước tiên, những cơ sở nuôi trong quy hoạch, có giấy tờ đất hợp lệ là phải đăng ký và được cấp mã số”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất