Cây sui trong khu chùa Tháp Bảo- đền Hắc Y. |
Cây sui cổ thụ trong khu đền, chùa Hắc Y- Đại Cại có chu vi chừng 7-8 người ôm mới kín gốc, cao trên 50m, rễ có nhiều bạnh, có bạnh cao trên 3m dây keo kín thân cây, có dây leo to bằng bắp đùi người lớn. Người dân ước cây sui này chừng 1.000 năm tuổi, gắn với một giai đoạn lịch sử của dân tộc nơi đầu nguồn sông Chảy.
Trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu có câu “Thương nhau chia củ sắn lùi/ Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”. Mãi sau này tôi mới hiểu “chăn sui” được làm từ vỏ cây sui. Người ta bóc vỏ cây sui đập giập cho mềm lấy phần tơ dùng làm chăn đắp. Huyện Lục Yên (Yên Bái) hiện còn một cây sui chừng 1.000 tuổi…
Những bạnh cây cao trên 3m. |
Năm 1995 sau khi phát hiện những di vật trên cánh đồng dưới chân núi Hắc Y, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, các nhà khảo cổ đã nhiều lần khai quật tìm thấy nhiều báu vật tại đây. Với những di vật in dấu tích văn hóa thời Lý, Trần đã khẳng định từ thế kỷ thứ X cha ông ta đã xây dựng chùa chiền, đền thờ nơi đầu nguồn sông Chảy.
Năm 2001 quần thể di tích khảo cổ Hắc Y được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ông Lý Thông Dung, nhà giáo ưu tú nguyên hiệu trưởng Trường trung học cơ sở xã Lâm Thượng kể rằng: Những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Trường phổ thông Lao động của huyện Lục Yên về sơ tán tại xã Tân lĩnh dưới chân núi Hắc Y.
Cổng vào chùa Tháp Bảo- đền Hắc Y. |
Tại đây có một khu rừng xanh tốt, nhiều cây cổ thụ 5-6 người ôm mới kín gốc, trong đó có một cây sui to chừng 8 người ôm. Nhà trường phải huy động học sinh chặt khoảng nửa tháng trời mới đổ được cây để xẻ làm bàn ghế. Người ta nhặt được rất nhiều bát hương và đồ thờ cúng trong khu rừng đó, không ai nghĩ nơi đây xưa có ngôi chùa Tháp Bảo, chỉ sau khi các nhà khảo cổ khai quật mới biết nơi đó có một ngôi chùa xây dựng từ thế kỷ thứ X. Hiện còn một cây sui cổ thụ nữa cạnh đền Đại Cại trong quần thể di tích Hắc Y.
Đền Đại Cại được người dân dựng dưới gốc cây sui cổ thụ thờ bà Vũ Thị Ngọc Anh, người cai quản quân lương của Gia quốc công Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật thế kỷ thứ XVI.
Do xây dựng thủy điện Thác Bà đã làm ngập khu Di tích lịch sử- khảo cổ Hắc Y nơi có ngôi chùa Tháp Bảo. Vì thế người ta phải di chuyển chùa Tháp Bảo dưới bờ sông Chảy lên cạnh đền Đại Cại dưới gốc cây sui.