| Hotline: 0983.970.780

Kỳ tôm, giống vật nuôi mới đa sắc màu

Thứ Ba 16/07/2024 , 06:00 (GMT+7)

KIÊN GIANG Kỳ tôm là giống vật nuôi mới, vừa có thể nuôi cảnh, vừa có thể bán giống và làm thực phẩm, hứa hẹn mang lại kinh tế đa giá trị cho người nuôi.

Từ nghiên cứu bảo tồn...

Những con “rồng đất” được nhốt trong lồng có hình thù lạ mắt với bộ da màu lam ngọc, xanh lá cây hoặc nâu xám, điểm xuyến những hạt sặc sỡ, trên sống lưng có một hàng gai nhọn hoắt, chạy dài từ đầu tới đuôi, khiến không ít người tò mò tìm hiểu.

Hỏi ra, mới biết đây là giống kỳ tôm (Physignathus cocincinus), vốn có nhiều ngoài tự nhiên tại các khu rừng trên đảo Phú Quốc, Kiên Giang. Tuy nhiên, do bị săn bắt quá mức, dẫn đến suy giảm bày đàn nhanh chóng và có nguy cơ cạn kiệt.

Nuôi thành công kỳ tôm thương phẩm sẽ góp phần giảm áp lực khai thác trong tự nhiên, mở ra hướng phát triển vật nuôi mới hấp dẫn nông dân đầu tư chăn nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Nuôi thành công kỳ tôm thương phẩm sẽ góp phần giảm áp lực khai thác trong tự nhiên, mở ra hướng phát triển vật nuôi mới hấp dẫn nông dân đầu tư chăn nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Đây là những con kỳ tôm được sinh sản và nuôi thương phẩm từ Đề tài khoa học “Dự án Nghiên cứu khai thác, phát triển bảo tồn nguồn gen kỳ tôm tại tỉnh Kiên Giang” do ThS. Ngô Văn Thống, Phó trưởng Bộ môn Khoa học vật nuôi, Trường Đại học Kiên Giang làm chủ nhiệm.

ThS. Ngô Văn Thống cho biết, kỳ tôm là loài thằn lằn phân bố khá rộng ở các khu rừng nhiệt đới. Riêng tại Việt Nam, kỳ tôm được tìm thấy hầu như khắp các vùng rừng núi miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Riêng ở Tây Nam Bộ ghi nhận có nhiều ở các khu rừng đảo Phú Quốc.

Cùng với sự phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, cộng với việc săn bắt kỳ tôm phục vụ nhu cầu thực phẩm và nuôi làm cảnh, đã dẫn đến nguy cơ cạn kiệt.

Nhằm giải quyết các vấn đề trên, việc bảo tồn và phát triển nuôi thương phẩm kỳ tôm tại Kiên Giang không chỉ giúp bảo vệ đa dạng sinh học mà còn mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho cộng đồng địa phương

... Đến nuôi thương phẩm

Một trong những mục tiêu chính của Dự án "Nghiên cứu khai thác, phát triển bảo tồn nguồn gen kỳ tôm tại tỉnh Kiên Giang" giai đoạn 2 là triển khai mô hình nuôi thương phẩm kỳ tôm từ nguồn con giống sinh sản trong môi trường nuôi nhốt.

Việc nuôi thương phẩm kỳ tôm sẽ đáp ứng nhu cầu của kinh tế thị trường, giảm áp lực săn bắt từ thiên nhiên. Ảnh: Trung Chánh.

Việc nuôi thương phẩm kỳ tôm sẽ đáp ứng nhu cầu của kinh tế thị trường, giảm áp lực săn bắt từ thiên nhiên. Ảnh: Trung Chánh.

Theo đó, chi phí đầu tư nuôi kỳ tôm không quá lớn. Chuồng nuôi làm bằng cột bê tông và rào bằng lưới sắt (lưới B40), bên trong được dựng bằng tôn, chôn âm xuống đất khoảng 0,5 m, cao trên mặt đất 1m, để kỳ tôm không thoát ra ngoài.

Trên mái được lợp tôn khoảng 1/3 diện tích để kỳ tôm có nơi trú mưa, trú nắng. Nền chuồng 1/3 được tráng xi măng làm nơi cho kỳ tôm ăn, uống và thuận tiện cho việc vệ sinh, còn lại là nền đất được đổ cát lên trên, thêm những cành cây khô để kỳ tôm leo trèo, nằm nghỉ. Trong khu vực nuôi bố trí 1 hồ nước nhỏ cho kỳ tôm tắm, bơi lội.

Thức ăn của kỳ tôm ngoài tự nhiên chủ yếu là côn trùng như sâu, dế, trong quá trình nuôi nên tập cho kỳ tôm ăn thêm sâu superworm, trùn quế, tôm, cá, rau củ để dễ kiếm nguồn thức ăn. Cho kỳ tôm ăn 1 lần/ngày vào buổi sáng, với lượng thức ăn tương đương khoảng 2-3% trọng lượng cơ thể.

Kết quả, sau gần năm nuôi kỳ tôm thương phẩm tại Gò Quao cho thấy, kỳ tôm thích nghi, sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện nuôi nhốt. Thành công của dự án không chỉ góp phần bảo tồn bền vững nguồn gen kỳ tôm tại Kiên Giang, giảm áp lực khai thác trong tự nhiên, mở ra hướng phát triển vật nuôi mới hấp dẫn nông dân đầu tư sản xuất.

Theo ThS. Ngô Văn Thống, nếu nông dân có nhu cầu nuôi kỳ tôm thương phẩm sẽ được tập huấn kỹ thuật nuôi tại Trường Đại học Kiên Giang. Khi nuôi thực tế sẽ có cán bộ tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tại cơ sở, giúp nông dân phát triển chăn nuôi bền vững.

Việc nuôi thương phẩm kỳ tôm sẽ đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm áp lực săn bắt từ thiên nhiên, bảo vệ các quần thể kỳ tôm hoang dã khỏi nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời tạo ra nguồn thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế bền vững.

Xem thêm
Từ vụ hổ, báo, sư tử bị chết do cúm gia cầm A/H5N1: [Bài 1] Đồng Nai vá lỗ hổng

Vụ hổ, báo, sư tử bị chết vì cúm A/H5N1 tại Khu du lịch Vườn Xoài và Vườn thú Mỹ Quỳnh buộc ngành thú y Đồng Nai phải thay đổi chiến lược ứng phó.

Giảng viên TOT-IPM được tập huấn lên TOT-IPMH

Tham gia khóa tập huấn, học viên sẽ được tham quan, học tập tại các mô hình tiêu biểu về IPHM như sản xuất rau an toàn, VietGAP, Global GAP trên địa bàn Hà Nội.

Giống sắn xua tan nỗi ám ảnh bệnh khảm lá

Giống sắn HN1 cho năng suất củ tươi đạt trên 34 tấn/ha, hàm lượng tinh bột tối thiểu 25%, đặc biệt giống sắn này có khả năng kháng bệnh khảm lá vượt trội.