| Hotline: 0983.970.780

Ngành hàng cây tre - giấc mơ tỷ đô

Thứ Năm 04/08/2022 , 19:15 (GMT+7)

Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định cây tre là mặt hàng nhiều tiềm năng, vừa phục vụ sản xuất công nghiệp vừa phát triển kinh tế nông thôn từ các làng nghề truyền thống.

Hội thảo 'Vai trò của tre nguyên liệu đối với sự phát triển của chuỗi giá trị sản phẩm tre Việt Nam' được tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Tùng Đinh.

Hội thảo “Vai trò của tre nguyên liệu đối với sự phát triển của chuỗi giá trị sản phẩm tre Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngày 4/8, hội thảo “Vai trò của tre nguyên liệu đối với sự phát triển của chuỗi giá trị sản phẩm tre Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội, đây là hội thảo chuyên sâu đầu tiên của ngành hàng này.

Chủ trì hội thảo là Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Văn Phòng. Ngoài ra có sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, VCCI, một số doanh nghiệp và đại diện các địa phương có vùng trồng tre, luồng lớn ở phía Bắc.

Nguồn nguyên liệu quan trọng

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu rõ, tre là loài cây đã gắn liền với đời sống của người dân nông thôn Việt Nam từ ngàn đời. Tre xuất hiện trong văn hóa, đời sống và còn góp phần vào quá trình đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc của người Việt.

Hiện nay, tre là nguyên liệu quan trọng trong các chuỗi sản xuất sản phẩm phục vụ nhu cầu cả trong nước lẫn xuất khẩu.

“Theo thống kê, hiện nay cả nước có hơn 1,5 triệu ha tre với hơn 200 giống khác nhau. Với sản lượng hơn 3 tỷ tấn mỗi năm, giá trị xuất khẩu của tre hiện nay đã đạt trên 300 triệu USD/năm”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết thêm.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng thừa nhận ngành hàng tre đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó không chỉ là thách thức của thị trường, thách thức về biến đổi khí hậu mà còn thách thức lớn nhất về nhận thức về giá trị của loại cây này.

Làm rõ hơn vấn đề này, Thứ trưởng nói tre không chỉ là nguyên liệu cho nhiều nhà máy sản xuất bột, sợi hay là vật liệu trong xây dựng mà còn là nguyên liệu sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ cho nhiều làng nghề ở Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh tiềm năng phát triển kinh tế nông thôn của cây tre. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh tiềm năng phát triển kinh tế nông thôn của cây tre. Ảnh: Tùng Đinh.

“Hiện nay, có hơn 600 làng nghề làm các sản phẩm từ tre. Với những chủ trương, chiến lược của Chính phủ đưa ra thời gian qua, chúng ta cần có giải pháp hỗ trợ, xây dựng các vùng nguyên liệu đặc biệt là gắn được người sản xuất với doanh nghiệp. Khi đó sẽ hình thành các chuỗi sản xuất để tạo ra giá trị cho cả nông dân và doanh nghiệp”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Trần Thanh Nam cũng lưu ý về việc phát triển các ngành nghề gắn với nguyên liệu từ cây tre: “Ngoài cung cấp cho các nhà máy, cần xây dựng hệ thống làng nghề, HTX đồ thủ công mỹ nghệ từ tre để phát triển kinh tế ở vùng nông thôn”.

Một vấn đề nữa mà ngành sản xuất sản phẩm từ tre đang gặp phải là về cơ chế, chính sách. Để giải quyết được, ông Trần Thanh Nam khẳng định Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để rà soát hệ thống chính sách trước khi có những triển khai cụ thể, tạo điều kiện cho ngành hàng tre phát triển.

Một vấn đề nữa để cây tre có thể phát triển xứng tầm với tiềm năng đó là sự vào cuộc của địa phương. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam: “Các địa phương cần có sự quan tâm, hỗ trợ xây dựng các HTX từ đó nhân rộng mô hình hiệu quả cho các sản phẩm từ tre”.

Liên kết chặt chẽ

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Văn Phòng cho rằng, để người trồng tre thực sự được hưởng lợi từ loại cây này, cần có sự liên kết chặt chẽ và thực chất giữa người trồng, nhà khoa học và doanh nghiệp thu mua, sản xuất.

“Trong liên kết đó, các bên phải có trách nhiệm chung để cùng xây dựng và phát triển, để cây tre phát huy được giá trị của mình”, ông Hoàng Văn Phòng nêu rõ.

Lãnh đạo VCCI khẳng định, đơn vị này đã và đang đồng hành cùng với các doanh nghiệp để xây dựng được thị trường ổn định cho các sản phẩm của cây tre.

Một giải pháp mà ông Phòng đưa ra đó là các bên cùng nhau nghiên cứu, tìm ra những sản phẩm mới, phong phú hóa các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ cây tre để tăng giá trị vì bản chất những sản phẩm từ tre có vòng đời cao, có thể giữ được từ 10 - 15 năm.

Trong khi đó, để tăng cường hiệu quả trong liên kết sản xuất, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng sự ra đời của Hiệp hội ngành tre Việt Nam là cần thiết. “Nếu hiệp hội ra đời, đó sẽ là tổ chức liên kết được cả những người sản xuất lẫn doanh nghiệp tiêu thụ. Cùng làm việc với nhau để có thể đưa ra những kiến nghị phù hợp cho cơ quan quản lý nhằm phát triển ngành hàng”, ông Trần Thanh Nam phân tích thêm.

Thiếu chính sách hỗ trợ phát triển

Tổng quan về cây tre Việt Nam, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện tổng diện tích tre Việt Nam khoảng 1.592.205 ha phân bố hầu hết tại các tỉnh trên cả nước, có 37/63 tỉnh có diện tích trên 10.000 ha.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn chia sẻ thông tin về ngành hàng tre ở Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn chia sẻ thông tin về ngành hàng tre ở Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Với 6,5 tỷ cây, hàng năm khai thác 500 - 600 triệu cây, khoảng 2,5 - 3 triệu tấn. Sản phẩm chính gồm nguyên liệu thô/vật liệu xây dựng; chiếu/mành; tre đan; dụng cụ gia đình… Hiện, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sản phẩm từ tre khoảng 300 - 400 triệu USD, trong đó, thị trường xuất khẩu chính gồm EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc…

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, hiện nay có rất ít nguồn giống tốt và đang có dấu hiệu suy thoái giống. Diện tích đang bị thu hẹp, trình độ canh tác thấp, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; hạ tầng phục vụ sản xuất chưa được đầu tư; công nghệ chế biến lạc hậu so với thế giới; thiếu chính sách hỗ trợ phát triển và sản xuất kinh doanh; vốn đầu tư ban đầu cao, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, sản phẩm lưu thông, tiêu thụ trên thị trường nội địa chủ yếu là sản phẩm thô, tươi; sản phẩm còn chưa đa dạng, chưa quan tâm đến quản lý chất lượng; thiếu sự gắn kết giữa các tác nhân trong chuỗi cả về chiều dọc và chiều ngang; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu tre còn yếu và thiếu thông tin thị trường.

Có thể vươn lên thành ngành hàng tỷ USD

Ông Đỗ Quốc Thái, Chủ tịch Công ty Bamboo King Vina tại Thanh Hóa chia sẻ, dù diện tích tre của Việt Nam bằng khoảng 25% của Trung Quốc nhưng giá trị xuất khẩu còn kém xa: “Nếu Trung Quốc mỗi năm xuất khẩu được khoảng 50 tỷ USD thì ngành tre của chúng ta mới đạt mức 300 - 400 triệu USD. Do đó, đây là ngành nghề rất tiềm năng, có thể vươn lên thành ngành hàng tỷ USD trong tương lai”.

Mặc dù vậy, ông Thái cũng nêu ra một số vướng mắc hiện nay với ngành sản xuất sản phẩm từ tre. Đầu tiên là chưa có quy chuẩn trong phát triển vùng nguyên liệu, sau đó là hạn chế trong công nghệ sản xuất và chưa hình thành được chuỗi kinh tế tuần hoàn.

Ngành tre rất tiềm năng, có thể vươn lên thành ngành hàng tỷ USD trong tương lai.

Ngành tre rất tiềm năng, có thể vươn lên thành ngành hàng tỷ USD trong tương lai.

Do đó, lãnh đạo Bamboo King Vina cho rằng trước mắt cần xây dựng quy chuẩn cho vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, với đặc thù về các sản phẩm lâm sản, ông Đỗ Quốc Thái nhấn mạnh việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa HTX, doanh nghiệp và người dân với sự hỗ trợ của chính quyền và tổ chức tài chính mới có thể phát huy được thế mạnh.

Liên quan đến vấn đề thành lập Hiệp hội ngành tre Việt Nam, Chủ tịch Công ty Bamboo King Vina cho rằng nếu ra đời, hiệp hội sẽ có vai trò rất quan trọng, gắn kết các thành viên với cơ quan quản lý, với thị trường.

Từ đó, cùng nhau đưa ra định hướng phát triển cụ thể cũng như đóng góp, kiến nghị các chính sách phù hợp với cơ quan quản lý.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Việt Nam - Nhật Bản tăng cường kết nối chuỗi cung ứng nông sản

Ngày 22/11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH AEON TOPVALU Việt Nam.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…