Xây dựng chuỗi ngành hàng bài bản cho cây tre. Khoa học công nghệ là chỉ tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Chuẩn bị công bố hệ thống thông tin và dữ liệu vùng trồng thanh long. Giá hoa cúc Đà Lạt tăng đột biến.
XÂY DỰNG CHUỖI NGÀNH HÀNG BÀI BẢN CHO CÂY TRE
Sáng 4/8, Bộ NN-PTNT phối hợp Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “vai trò của tre nguyên liệu đối với sự phát triển của các chuỗi giá trị sản phẩm tre Việt Nam”. Cả nước hiện có 1,5 triệu ha tre với 33 triệu tấn tre được đưa vào chế biến cho kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt 300 triệu USD. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhận định, tiềm năng, giá trị của cây tre tại Việt Nam là rất lớn, nhất là trong việc tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường và đóng góp lớn vào nền kinh tế nông nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cần gia tăng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tre với người dân. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựn vùng nguyên liệu lớn để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, các ngành chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân cần xác định rõ giá trị của cây tre, từ đó xây dựng chuôi giá trị ngành hàng cho nông sản này.
KHOA HỌC CÔNG NGHỆ LÀ CHỈ TIÊU QUAN TRỌNG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Nhằm kịp thời ứng dụng thành tựu khoa học vào công cuộc xây dựng và phát triển nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình đặt mục tiêu xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thônphù hợp với điều kiện đặc thù, phát huy được thế mạnh của từng địa phương trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ. Chương trình cũng đề ra một số chỉ tiêu và sản phẩm như: Các giải pháp khoa học, ứng dụng công nghệ đảm bảo tăng hiệu quả kinh tế tối thiểu 15%, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; ít nhất 70% mô hình triển khai trong Chương trình được các địa phương tiếp tục triển khai, nhân rộng. Tối thiểu 80% mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn được triển khai trong Chương trình có sự liên kết đa ngành, liên kết theo chuỗi giá trị và hợp tác công tư.
SẮP CÔNG BỐ HỆ THỐNG THÔNG TIN VÙNG TRỒNG THANH LONG VÀ LÚA GẠO
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ NN-PTNT, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về cấp, quản lý mã số vùng trồng với cây thanh long và lúa gạo nhằm nâng cao hiệu quả giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp và người trồng thanh long trong việc tổ chức sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu. Thông tin về kế hoạch trong thời gian sắp tới, bà Trần Thị Hòa, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt cho biết, dự kiến ngày 19/8 tới đây, Hệ thống thông tin và dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng đối với cây thanh long sẽ được công bố.
GIÁ HOA CÚC ĐÀ LẠT TĂNG ĐỘT BIẾN
Giá hoa Đà Lạt đang tăng khá cao, và biến động liên tục do sắp đến rằm tháng 7. Theo các nhà vườn, thời tiết năm nay mưa nhiều nên sản lượng hao hụt, nhu cầu mua hoa lại lớn nên một số chủ vườn không kịp cung cấp. Hiện cúc là mặt hàng đang được tiêu thụ và hỏi mua nhiều nhất. Cụ thể, cúc kim cương lớn có giá 60.000 đồng/chục, kim cương trung 55.000 đồng/chục, cúc cánh dài: 30.000 đồng/chục,cúc họa mi : 30.000 đồng/chậu, tăng khoảng 2.000 đồng/bông. Giá hoa hồng cũng tăng nhẹ, hồng ngoại ở mức 5.200 đồng/bông, hồng nội 3.500 đồng/bông. Tại các chợ truyền thống tại TP. HCM, giá các loại hoa cũng tăng cao tương ứng. Cụ thể: giá hoa cúc từ 100.000 - 120.000 đồng/bó, hoa hồng khoảng 10.000 - 12.000 đồng/bông... Một số cửa hàng nhận định giá hoa tươi sẽ còn tăng cao khi gần đến lễ Vu lan vì nhu cầu mua hoa để thờ tăng mạnh.