| Hotline: 0983.970.780

Cây trong làng

Thứ Sáu 23/10/2020 , 13:56 (GMT+7)

Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) được Nhà nước quyết định công nhận 'Di tích kiến trúc nghệ thuật' năm 2005.

Cổng vào làng Đường Lâm

Cổng vào làng Đường Lâm

Nơi đây, rất nhiều công trình văn hóa có niên đại hàng trăm năm được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Cây cối cũng vậy, cây trong làng cổ là một nét văn hóa qua thời gian gợi cho ta nhiều suy nghĩ…

Cây cối vườn tược vốn gắn liền với làng quê thôn dã. Dân trong làng bao nhiêu đời nay nếu ai đó vô tình có thể cho cây cối, vườn tược là một sự ngẫu nhiên.

Cách đây không lâu, khoảng trước những năm 1975, mọi gia đình trong làng, trong xã hầu như nhà nào cũng có một vài cây, đa phần là cây ăn quả. Nhà thì cây bưởi cây bòng, nhà thì cây cam sành cam ngô. Rất nhiều cây độc và lạ, cho quả ngon nhưng cũng chỉ là phục vụ gia đình và thỏa mãn đam mê của mỗi cá nhân…

Đến năm 1980, cả xã Đường Lâm được sáp nhập thành một HTX lớn. Những khu vườn trong xã được thu hồi để lấy đất giãn dân… Sau “đổi mới” (1990) xã Đường Lâm không một gia đình nào còn diện tích vườn. Cây cối biến mất, cho đến hiện nay số cây cổ thụ ở Đường Lâm đếm không đủ số ngón của hai bàn tay.

Có thể kể ra: Xưa nhất là rặng duối voi (tục truyền Ngô vương Quyền đã buộc voi ở đây), cây đa chùa Mía, cây đa cổng làng cổ Mông Phụ, cội đa gươm, cây đa đầu cầu Vang, cây đa đầu cầu Cam Lâm, cây đa suối Me. Cả một làng quê cổ chỉ còn có bấy nhiêu cây, có làng không còn một cây nào!

Có thể làm một thống kê, trong số 9 làng của xã Đường Lâm, mỗi làng chỉ có một vài cây cổ thụ. Gần đây do đời sống phát triển (mở rộng đường), do quan niệm hạn hẹp, một số cây đã bị chặt hạ.

Có thể kể ra như hai cây gạo đầu làng Cam Thịnh và Đông Sàng, lịch sử mấy trăm năm tồn tại của hai làng chỉ có hai cây này. Cho đến tận bây giờ, những người đã từng chứng kiến tháng ba hoa gạo đỏ một góc trời… thì mỗi lần qua đây, vẫn thấy sự trống vắng hoang hoảng trong lòng.

Cổng làng Mông Phụ có niên đại từ đời vua Minh Mạng triều Nguyễn. Cho đến tận bây giờ địa điểm này cũng chỉ duy nhất có một cây đa. Song, nhìn ngắm cảnh quan, suy ngẫm thế sự xoay vần vẫn thấy… như thế cũng là vừa đủ!

Nói vậy nhưng ở làng Mông Phụ có hai cây đa mọi người nhớ được lai lịch.

Một là cây đa đầu cầu Vang, cây cầu bắc qua sông Tích sang làng Phụ Khang (một làng được tách ra từ Mông Phụ). Đầu thế kỷ trước có một gia đình trong làng Mông Phụ (xin miễn nêu tên) vì hiếm muộn nên đã thưa với làng: Chúng tôi đức kém, phận mỏng… xin với làng cho phép tôi được trồng một cây ở đầu cầu làng mới (khi ấy mới lập làng Phụ Khang) lấy chỗ cho dân làng đi làm đồng về nghỉ chân!

Mấy năm sau nhà này sinh hạ được con trai, đến nay đã vài đời, đời nào cũng “độc đinh” (một con trai) nhưng đến bây giờ vẫn không tắt nghỉ. Thủa tôi còn thơ ấu hay ngồi câu ở đây mỗi khi mùa nước về, mỗi năm mỗi khác, cây đa đã thành cổ thụ.

Bẵng đi vài năm, cây cầu đá ong này (cầu Vang cũ) không được dùng đến, đường sang làng Phụ Khang được bắc một cây cầu bê tông hiện đại hơn (cầu Vang mới).

Cây đa và cây cầu chìm vào quên lãng. Một hôm nghe tin cây đa bị xét đánh gãy một cành to, tôi đến tận nơi xem thực hư thế nào. Đúng là như thế, sét đã “đánh” cây đa vào một đêm dông gió mù mịt. Mấy năm sau đi qua, cây đa hầu như không phát triển mặc dù đất rất tốt và không gian rất thoáng đãng.

Cứ thế, cây cầu và cây đa chìm vào quên lãng. Cây cầu đá ong không còn lan can, chỉ còn mặt cầu, hai mố và hai trụ cầu xây bằng đá ong hoang hủy nhưng… đẹp kỳ lạ. Bên dưới là dòng sông Tích chảy như ngàn đời nay vẫn thế… Mỗi lần đến đây tôi vẫn thấy câu chuyện về cây cầu và cây đa như thủa nào nhộn nhịp người qua lại...

Tôi để tâm tìm hiểu xem vì sao cây đa đầu cầu Vang không lớn được. Không ai có câu trả lời thỏa đáng, tôi đành chấp nhận câu trả lời của một người già trong làng Mông Phụ: Cây cầu không có người qua lại, vì thiếu vắng “hơi người” nên cây đa không thể lớn được!

Còn một cây đa nữa nay cũng to lớn như một cổ thụ là cây đa suối Me. Cây đa này do ông Hoa Sen người làng Mông Phụ trồng. Năm 1947, lệnh “tiêu thổ kháng chiến”, nhà ông Hoa Sen gần đường nên bị du kích đốt cháy để ngăn bước quân thù. Nghèo quá, ông Hoa sen không túp nổi một mái lều tranh đành phải vào nhà thờ họ Hà ở nhờ.

Cũng may, sau “hòa bình lập lại” những công trình này đều coi là di sản của đế quốc, phong kiến… nên cả họ Hà không ai dám lên tiếng. Gia đình ông Hoa Sen cứ ở cho đến năm 2003, tình hình có nhiều cởi mở... Ngôi nhà thờ họ đã xuống cấp, cả họ quyết định chữa.

Ông trưởng họ bảo: Trong “cải cách ruộng đất” ông Hoa Sen “tự báo” ngôi nhà này là của mình thì coi là của gia đình ông ấy. Pháp luật đã thừa nhận những ngôi nhà vắng chủ (chủ nhà đi Nam sau 1954) đều là sở hữu của các gia đình tự báo.

Thật là quý hóa, khi họ Hà đặt vấn đề, ông Hoa Sen đã mất, nhưng người con trai ông Hoa Sen bảo: Bố tôi dặn ngôi nhà này là của họ Hà, chúng tôi được ở nhờ đến nay là may lắm rồi. Khoan khoan cho chúng tôi để tìm địa điểm chuyển đi…

Ai đó bảo: Sinh thời ông Hoa Sen thấy gia cảnh bấn bí, con cháu lưu tán… đã lặng lẽ ra suối Me trồng cây đa. Sâu thẳm trong lòng ông muốn những thế hệ sau vợi bớt gian khó mà gia đình ông đang phải gánh chịu.

Mỗi lần đi ngang qua tôi thấy cây đã suối Me xanh tốt và lực lưỡng. Nghe tiếng lá cây như reo trong gió mà lòng nhớ đến người xưa. Mong cho gia đình ông thêm phúc đức để vững vàng trong cuộc đời này!

Nay, ruộng đất đã được trao quyền đến từng gia đình. “Tấc đất, tấc vàng” lấy đâu chỗ cho cây tồn tại dọc bờ kênh mương. Đường xsá hiện đại, trồng cây cũng phải được tính toán chi li, tỉ mỉ đến từng m2… Mỗi lần tham gia trên đường lại bùi ngùi nhớ đến những hàng cây xưa!

Xem thêm
Diễn viên Bình An thoát nạn khỏi đám cháy

Tối 17/5, đám cháy bùng phát tại toà nhà ở số 1174 Đường Láng(Hà Nội) khiến nhiều người bị mắc kẹt, trong đó có diễn viên nổi tiếng Bình An

Pháp công bố danh sách dự EURO 2024: Kante trở lại

Tối 16/5, HLV Didier Deschamps công bố danh sách chính thức 25 cầu thủ tuyển Pháp tham dự EURO 2024. Tiền vệ Kante có tên trong danh sách sau 2 năm vắng mặt.

Quang Hải sang Nhật Bản?

Tiền vệ Quang Hải sẽ rời CLB CAHN vào cuối mùa giải này khi hợp đồng đôi bên đáo hạn, nhằm chuẩn bị cho bước tiếp theo trong sự nghiệp.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.