Trưng hoa mai vàng ngày Tết được xem là phong tục của người miền Nam
Theo sách 100 điều nên biết về phong tục Việt Nam, trưng hoa mai vàng vào Tết Nguyên đán được xem là phong tục của người miền Nam. Trong khi đó, người miền Bắc lại chuộng hoa đào. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nguyên nhân chính của phong tục này là do thời tiết, khí hậu và quan niệm khác biệt của hai miền.
Cây hoa mai vàng dễ trồng, dễ chăm sóc, có thể sống trong chậu hoặc ngoài đất. Cây ưa đất ẩm và ánh sáng nhưng không chịu được úng. Cây mai phát triển tốt ở nhiệt độ từ 28 độ C trở lên, thích hợp thời tiết cuối năm của miền Nam và Nam Trung bộ, trong khi không khí Tết tại miền Bắc thường có nền nhiệt chỉ khoảng 20 độ C.
Hoa mai vàng gắn bó với làng quê Việt Nam từ lúc người dân biết khai hoang, lập làng để sinh sống. Dù đất có khô cằn, thiếu dinh dưỡng thì rể mai vẫn bám và đi sâu vào lòng đất mẹ, lấy nước từ nguồn để nuôi thân cây cũng như người Việt Nam yêu đất Việt và luôn gìn giữ đạo lý, cội nguồn văn hóa đẹp của dân tộc.
Cây mai phải chịu nhiều nắng, gió, mưa, bão.... nhưng vẫn vững vàng theo năm tháng, vươn sức sống để đâm chồi nảy lộc, là nét tượng trưng cho phẩm chất nhẫn nại, kiên trì và can đảm trước mọi khó khăn thử thách, phấn đấu xây dựng cuộc sống mới. Hình ảnh cây mai chịu thời tiết khắc nghiệt, để đến cuối đông trút hết những chiếc lá trên cành cho chồi non nảy lộc và hoa mai vàng nở vào đầu xuân, nói lên đức tính hi sinh cao cả của cha ông ta cho tương lai thế hệ mai sau.
Hoa mai vàng ngày Tết là biểu tượng về tri ân, báo hiếu ông bà tổ tiên. Mỗi độ xuân về, hoa mai vàng ngày Tết chớm nụ chuẩn bị kheo sắc thì cũng là lúc những thành viên trong gia đình đi làm ăn, sinh sống xa quê lại nao nức trở về quê sum họp, thăm ông bà, cha mẹ...
Hoa mai vàng là một trong tứ quý: tùng, trúc, cúc, mai
Hoa mai vàng là một trong tứ quý: tùng, trúc, cúc, mai và thường xuất hiện trong thơ ca, nghệ thuật. Theo quan niệm của người miền Nam, hoa mai vàng tượng trưng cho yếu tố thổ - trung tâm của ngũ hành, và cùng màu với kim tiền, đại diện cho sự cao sang, phú quý.
Hình ảnh cây mai sống trong sương mai nắng chiều qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông mà nở hoa đó là năng lực sống nhiệm mầu. Nó xứng đáng là biểu tượng cho trạng thái thân - tâm vô nhiễm trong cuộc đời. Thế nên, Thiền sư Mãn Giác có bài thơ “Cáo tất thị chúng” có nội dung như sau:
"Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Việc đời qua trước mắt,
Già đến trên đầu rồi!
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Ngoài sân đêm trước một cành mai.”
Những câu thơ là lời tâm sự chân tình về sự việc đến và đi trong cuộc đời ngắn ngủi của con người. Vạn vật đều chung trạng thái: thành, trụ, hoại, không và con người cũng trong quy luật: sinh, lão, bệnh, tử. Hạnh phúc thật sự của một đời người chính là sống với cái tâm chân thật, không bị vướn những cám dỗ của cuộc đời. Và Thiền sư Mãn Giác rất tinh tế khi quán chiếu hình ảnh cây mai ngày tết để thông điệp đến mọi người đang sống trong trường đời nhận thức đúng về ý nghĩa cuộc đời.
Hoa mai không ngạt ngào sắc hương như những loài hoa khác nhưng đặc tính sống của loài mai biểu trưng cho những đức tính tốt đẹp của con người. Cành mai ngày tết là hình ảnh ẩn dụ cho sức sống và trí tuệ của con người Việt Nam. Tên gọi của loài hoa này cũng chính là biểu tượng của sự mai mắn, tốt đẹp, một sự khởi đầu hoàn hảo và thịnh vượng cho một năm mới.
Hoa mai còn có ý nghĩa xua đuổi những điều xấu xa, không tốt đẹp và cầu cho một năm mới luôn được bình an, hạnh phúc và phát đạt.
Và có lẽ vì thế mà hoa mai vàng là một trong những sự lựa chọn hàng đầu của người dân Việt, đặc biệt là người miền Nam, chọn để trang trí trong nhà vào dịp Tết Nguyên Đán. Mỗi độ xuân về, hoa mai vàng ngày Tết làm sắc xuân trở nên tươi đẹp đến lạ kỳ đối với mỗi con người Việt Nam.