| Hotline: 0983.970.780

Nhớ về anh Tạn

Thứ Sáu 24/01/2025 , 06:59 (GMT+7)

Anh Nguyễn Công Tạn sinh năm Giáp Tuất. Tôi sinh năm Ất Hợi. 2 người chỉ chênh nhau 1 tuổi. Kinh nghiệm 8 năm làm Thứ trưởng Bộ Thủy lợi đã dạy tôi những bài học cách đi tháp tùng những lãnh đạo cấp trên.

Chuyến đi công tác đầu tiên với Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn là vào một tỉnh Tây Nguyên.

Trong chiếc xe con, 2 anh em cùng ngồi hàng ghế sau để chuyện trò thoải mái. Cả đoàn đi chung trong một chiếc xe ca. Chắc chắn anh Tạn sẽ kiểm tra tôi xem những hiểu biết gì về ngành mới. Trong đầu tôi đang hồi tưởng lại những kinh nghiệm đã qua. Bất chợt anh Tạn  lại hỏi tôi về công nghệ “bê tông dự ứng lực”. Kiến thức này là quá chuyên sâu trong ngành xây dựng, đặc biệt là trong ngành cầu, đường, bởi phải nắm được công nghệ tạo ra ứng suất trước. Anh chăm chú nghe tôi giải thích hàng giờ đồng hồ. “Cậu giỏi thật!. Mình từng nghe chúng nói giải thích dài dòng mà chẳng hiểu gì cả”. Tôi hơi giật mình. Hóa ra anh Tạn đang kiểm tra trình độ tôi.

Đến tỉnh, trời bắt đầu tối. Chủ tịch tỉnh chiêu đãi đoàn một chầu rượu “quốc lủi”. Anh Tạn lấy lý do mệt nên không uống và nhường lại cho tôi, bởi anh biết tôi tửu lượng khá. Tiệc xong đã 10 giờ đêm. Anh Tạn yêu cầu đi thăm rừng tre Đài Loan mà anh đã tặng giống cho tỉnh. Chủ tịch xin phép không đi được vì say quá. Lúc ô tô đến cửa rừng, anh Tạn yêu cầu xe dừng lại. Tự anh lững thững đi về phía bụi tre, Một lúc sau lên xe, anh nói luôn: "Cậu chủ tịch láo thật! không trồng giống tre Đài Loan, mà lại trồng giống tre Việt Nam”. Tôi hỏi “Sao anh biết?” - “Có gì đâu! Tre Việt Nam có gai, còn tre Đài Loan không gai”. Đó là bài học đầu tiên tôi học được ở anh Tạn.

Sau này anh Tạn đi công tác nước ngoài, thấy giống cây nào thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Việt Nam, có giá trị cao, anh đều mua về tặng bà con nông dân. Điển hình là quả mắc ca đã được nhân rộng ở nhiều vùng.

Khi anh Tạn đi công tác nước ngoài, thấy giống cây nào thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Việt Nam, có giá trị cao, anh đều mua về tặng bà con nông dân. Ảnh: Vũ Trọng Hồng.

Khi anh Tạn đi công tác nước ngoài, thấy giống cây nào thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Việt Nam, có giá trị cao, anh đều mua về tặng bà con nông dân. Ảnh: Vũ Trọng Hồng.

Chuyến đi thứ hai với anh Tạn là vảo một tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Đầu tiên là huyện Thạnh Phú thuộc tỉnh Bến Tre. Khi tiếp xúc với người dân địa phương, thỉnh thoảng anh lại ghé sát tôi hỏi nội dung họ nói là gì mà mình không nghe rõ?. Tôi nói lại những ý kiến của dân và giải thích, đây là hiện tượng giọng nói bị “đớt”. Nguyên nhân là bị sống chung với nước mặn vì ở đây về mùa khô là không có nước ngọt.

Khi gặp lãnh đạo tỉnh, anh hứa sẽ về trung ương, xin kinh phí để làm công trình dẫn nước ngọt từ sông Tiền về Bến Tre. Anh bàn với tôi phải về làm việc với Quỹ UNICEF của Liên hợp quốc, xin hỗ trợ kinh phí đưa nước ngọt về các vùng xa sông, đảm bảo các trẻ em sinh ra không phải uống lẫn nước mặn, sẽ làm bộ não không phát triển được. Sau này tôi được biết nhà nước đã đầu tư công trình đường ống dẫn nước đó.

Sau này, nhiều lần làm việc với Bộ trưởng, tôi nhận ra con người anh rất thương dân. Mỗi lần lên gặp anh, các địa phương thường trình bày những thắc mắc, nào là trồng mía nhưng không phát triển được, nào là địa phương bị hạn nhưng không có trạm bơm, nào là nước mặn hay tràn vào làm chết hết lúa đang xanh… Anh trực tiếp đến phòng tôi và giao cho tôi đi giải quyết. Anh nói với tôi: "Nhiệm vụ là phải giải quyết được những  cho dân . Đừng sợ ai thắc mắc. Việc trả lời là của Bộ trưởng”. Hạnh phúc biết bao khi có một Bộ trưởng dám nhận trách nhiệm về mình.

Tôi xuống địa phương và tìm ngay cán bộ sở thủy lợi cùng chính quyền địa phương giải quyết. Việc trồng mía không thu hoạch được là vì chọn ngay đất ruộng vốn trồng lúa còn bị hạn thì sao mía lên được. Cây mía nhu cầu nước gấp nhiều lần so với cây lúa. Còn việc không có trạm bơm tưới là do trước đây khi mở công trường, gặp hòn đá tảng to bằng cả một gian nhà, mà thiết bị khoan chỉ có loại khoan tay thì bao giờ mới phá được. Bây giờ đang có thiết kế và thiết bị khoan nên chuẩn bị mở công trường. Còn việc nước mặn tràn vào thì phải khảo sát, thiết kế đầu tư đắp đê bao để bảo vệ cánh đồng.

Phong cách lãnh đạo của anh Tạn luôn lắng nghe và thận trọng khi quyết định. Đối với Bộ NN-PTNT thì phong cách đó lại là cần thiết. Ảnh: Vũ Trọng Hồng.

Phong cách lãnh đạo của anh Tạn luôn lắng nghe và thận trọng khi quyết định. Đối với Bộ NN-PTNT thì phong cách đó lại là cần thiết. Ảnh: Vũ Trọng Hồng.

Lần thứ ba tôi lại được anh Tạn giao nhiệm vụ đi cứu dân đang bị lũ bao vây. Đó chính là trận lũ quét của huyện Mường Lay, mà thời gian đó còn thuộc về tỉnh Điện Biên. Anh kể với tôi vào lúc nửa đêm, có một cú điện thoại từ Mường Lay gọi trực tiếp cho anh Tạn, nói rằng lũ đã bao vây hơn nửa tháng trời, vẫn chưa rút. Cả huyện lỵ đang cạn kiệt lương thực.

Sáng hôm sau, anh mời Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Phan văn Khải, Trưởng ban chống lụt bão Nguyễn Cảnh Dinh và tôi phó ban thường trực Ban chống lụt bão. Cuộc họp diễn ra rất nhanh. Giải pháp là giao cho tôi lên Mường Lay tìm cách đưa được những chiếc xe chở lương thực quần áo, chăn màn, thuộc men… vào được để trao cho những người dân trong đó. Thủ tướng Phan Văn Khải đã trực tiếp bay trực thăng lên để thả lương thực cho người dân trong huyện lỵ, song người dân không nhận được bao nhiêu. Phần lớn bị rơi ra ngoài, bởi địa hình huyện lỵ rất hẹp, xung quanh núi cao, máy bay không dám xuống thấp. Trước khi đi, anh Tạn hỏi tôi có cần bộ đội đi cùng không? Tôi chỉ yêu cầu có một cán bộ của Cục Đê điều vốn quen đi chống lụt bão sẽ cùng đi. Sau 1 tuần nhiệm vụ được hoàn thành, tôi lại có nhiệm vụ di toàn bộ dân lên huyện mới, cách huyện lỵ cũ khoảng gần một ngày đường đi bộ.

Khi gặp lạị tôi ở Bộ, anh rất mừng, bởi người dân trong huyện lỵ không bị đói ngày nào. Tôi cũng rất tự hào có một người thủ trưởng như anh Tạn, mạnh dạn tin cấp dưới. Có lần anh Tạn tâm sự với tôi: “Mỗi lần tôi cử anh đi tháp tùng lãnh đạo cao cấp nhà nước, lúc về các anh đó rất hài lòng. Kiến thức rộng và kinh nghiệm từng trải dày dạn”.

Phong cách lãnh đạo của anh Tạn luôn lắng nghe và thận trọng khi quyết định. Đối với Bộ NN-PTNT thì phong cách đó lại là cần thiết. Sự hợp nhất các Bộ quá nhanh. Tôi nhớ mỗi lần Ban cán sự họp để đề bạt đồng chí cấp trưởng. Anh Tạn chăm chú nghe Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ trình bày. Khi quyết định anh Tạn lấy ý kiến từng người. Vì buổi đó đề bạt cán bộ Bộ Thủy lợi nên anh chỉ định tôi phát biểu trước. Ý kiến tôi không nhất trí với đề nghị của tổ chức. Tại sao đồng chí cấp phó đã có kinh nghiệm làm việc với đồng chí cấp trưởng nhiều năm, nay lại đề nghị một đồng chí mới chỉ với tiêu chuẩn là trẻ hơn và có xu hướng phát triển nhanh hơn. Tôi còn nói thêm: "Phục vụ thủ trưởng nhiều năm không khuyết điểm gì nay lại không được đề bạt". Anh Tạn không hỏi thêm và nói: "Anh Hồng là đại diện cho Thủy lợi đã có ý kiến, tôi đồng ý".   

Tuy chỉ có ít năm làm việc với anh Tạn, bởi sau đó anh lên nhận nhiệm vụ Phó Thủ tướng, tôi đã học được ở anh rất nhiều.

Anh Tạn đã đi xa 10 năm rồi. Những đêm trời đầy sao, tôi vẫn hình dung được 1 ngôi sao sáng như đang nhấp nháy với tôi. Đó là anh - người Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn kính mến của tôi.

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Thêm 3 CLB bị loại khỏi Champions League

Ở lượt đấu mới nhất của vòng phân hạng Champions League 2024-2025 vào rạng sáng 23/1, thêm 3 CLB chắc chắn bị loại sau vòng này là Sparta Prague, Girona và Salzburg.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất