| Hotline: 0983.970.780

Chi hơn 70 tỉ đồng làm... kỉ niệm chương!

Thứ Bảy 19/11/2016 , 13:49 (GMT+7)

Kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống thợ mỏ, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam yêu cầu các đơn vị, bỏ ra số tiền hơn 70 tỉ đồng để làm những chiếc kỉ niệm chương.

Nhiều công nhân, cán bộ Tập đoàn Than khoáng sản cho rằng đó là sự lãng phí và giá trị thực của những chiếc logo này đã bị... đội giá.
 

Gần 12 vạn logo kỉ niệm chương "ngốn" 70 tỉ đồng

Năm 2016, đánh dấu sự kiện tròn 80 năm ngày truyền thống công nhân vùng mỏ. Nhân sự kiện này, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã cho in hơn 1 vạn chiếc logo kỉ niệm chương bằng bạc tốn đến cả hơn 70 tỉ đồng trong khi cả ngành than đang phải đối mặt với thực trạng giảm sản lượng, việc làm và thu nhập bị sụt giảm.

Hàng vạn logo kỉ niệm chương trị giá hàng chục tỉ đồng.
Hàng vạn logo kỉ niệm chương trị giá hàng chục tỉ đồng.
 

Nhiều lao động, cán bộ tại Tập đoàn TKV "tố" chiếc huy hiệu logo thợ mỏ Việt Nam mà mỗi cán bộ công nhân viên lao động ngành than nhận được là sự lãng phí tiền bạc.

Anh T - một công nhân công tác tại Cty kho vận Hòn Gai chia sẻ: "Chúng tôi phải giảm ngày công vì than tồn nhiều không bán được. Thu nhập có gần 4 triệu đồng mỗi tháng nên khi cầm trên tay món quà này, lòng không thấy vui, mà nặng trĩu".

Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi chiếc logo kỉ niệm chương này được đúc bằng bạc giống như tấm huy chương (hàm lượng 92% bạc), một mặt là hình tượng thợ mỏ 80 năm, mặt kia là tên đơn vị nơi công tác được đặt trong một cái hộp và có giấy giới thiệu, thông tin sản phẩm.

“Mỗi chiếc logo kỉ niệm chương này của TKV có mức giá tới 640.000 đồng. Với thu nhập của chúng tôi thì thế là lãng phí. Cũng số tiền đó nếu thêm vào khoản thưởng kỷ niệm 80 năm ở đơn vị cho mỗi người sẽ thiết thực với đời sống hơn nhiều", anh T. cho biết.

Một vị Chủ tịch Công đoàn của đơn vị trực thuộc Tập đoàn TKV cho rằng, doanh nghiệp của ông có hơn 5.000 cán bộ công nhân viên và tất cả đều được tặng một chiếc logo thợ mỏ kỷ niệm 80 năm truyền thống. Với người có điều kiện, món quà này là một dấu ấn kỷ niệm, nhưng với phần đông người lao động còn khó khăn do công việc và thu nhập bị tiết giảm thì họ sẽ so đo bởi giá trị đó không thực sự hữu ích"

Văn bản số 4850 ngày 13/10/2016 của TKV nêu: "Để ghi dấu ấn chặng đường 80 năm truyền thống ngành, lãnh đạo tập đoàn chủ trương tặng mỗi CBCNVLĐ một sản phẩm bằng bạc do một đơn vị trong tập đoàn chế tác làm quà tặng..., với đơn giá là 640.000 đồng/sản phẩm". Theo văn bản trên, các đơn vị của TKV chi tiền mua quà tặng căn cứ theo quỹ phúc lợi và các nguồn quỹ khác từ chính DN họ. Ngoài ra, TKV cũng yêu cầu các đơn vị chi thưởng trong dịp lễ kỷ niệm mỗi lao động theo mức từ 1.000.000 - 2.000.000đ/người.

Việc chi thưởng trong dịp lễ kỷ niệm 80 năm là hết sức ý nghĩa, thiết thực với gần 12 vạn lao động trong tập đoàn. Tuy nhiên, mức thưởng trích từ các nguồn ở đơn vị sản xuất có sự khác biệt. Nhiều đơn vị do khó khăn nên chi thưởng cho người lao động bình quân 1.000.000 đồng tiền mặt, cùng quà tặng là logo thợ mỏ (tổng cộng 1.640.000 đồng), các đơn vị khá hơn thì chi thưởng 2.000.000 đồng/người và quà tặng kể trên.

Nhiều lao động ở các đơn vị phản ánh, họ cần tiền thưởng đầy đủ chứ không cần cái quà tặng đắt tiền nêu trên. Không thể đem mức tiền thưởng trong quy định của tập đoàn chi trả cho chiếc logo trị giá 640.000 đồng.

Những chiếc logo được đúc bằng bạc.
Những chiếc logo được đúc bằng bạc.
 

Liên quan đến những chiếc logo tốn kém, một giám đốc (xin được giấu tên) đơn vị thuộc tập đoàn bức xúc: "Chúng tôi bắt buộc phải mua dù không muốn chút nào. Việc này thực sự khá tốn kém, khi đơn vị tôi gần 1.500 con người phải chi ra gần 1 tỉ đồng để mua quà tặng theo chỉ đạo của tập đoàn. Đã vậy, trong dịp kỷ niệm 12/11, đơn vị sản xuất quà tặng lại không cung cấp đủ cho chúng tôi để kịp trao cho mọi người, mà hứa giao hàng sau dịp lễ 1 tuần, bởi số lượng đặt hàng trong toàn tập đoàn quá lớn nên sản xuất không kịp", vị giám đốc này cho biết.

Như vậy, với gần 12 vạn lao động trong Tập đoàn TKV, hộp logo thợ mỏ Việt Nam là quà tặng biểu trưng cho CBCNVLĐ trong Tập đoàn TKV sẽ có số tiền chi ra... trên 70 tỉ đồng.
 

Logo kỉ niệm chương bị đội giá?

Ngay sau khi đươc nhận kỷ niệm chương là một logo bằng bạc, nhiều công nhân đã đem ra các cửa hàng vàng bạc tại TP Hạ Long, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh), để bán với giá chỉ từ 150 ngàn đến 200 ngàn/chiếc.

Còn theo khảo sát tại một số cửa hàng vàng bạc trên địa bàn tỉnh, phóng viên được cửa hàng cho biết những logo công nhân đem bán qua thử đều có khoảng 90% thành phần bạc. Một số chủ cửa hàng vàng bạc cho hay, những chiếc logo kỉ niệm chương này có giá trị khoảng 200 nghìn đồng/1 chiếc. Nếu tính theo giá này, với việc có hơn 12 vạn lao động thì Tập đoàn TKV chỉ phải bỏ ra khoảng hơn 20 tỉ đồng. Từ đó, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu có việc “gửi giá” hàng chục tỉ đồng vào đơn vị sản xuất logo kỉ niệm chương hay không?

Ông Mai Lê Thành, Phó bí thư thường trực Đảng bộ than Quảng Ninh cho biết, năm 2016, là thời điểm ngành than đang rất khó khăn nhưng chủ trương tổ chức lễ kỷ niệm được ngành xác định là cần thiết phải làm. Chủ chương này không chỉ riêng của ngành than mà còn được sự đồng ý của tỉnh ủy Quảng Ninh và được xây dựng từ đầu năm 2016

Theo ông Thành, đã gọi là lễ kỷ niệm thì cùng phải có gì đó để lưu lại nên tập đoàn đã chủ trương có một chút kinh phí cho những người công nhân, cán bộ ngành than. Nguồn chi tùy theo quĩ phúc lợi của từng đơn vị và tập đoàn cũng định hướng mỗi công nhân nên có quà lưu niệm vì 80 năm chỉ có một lần.

Nhiều công nhân mang những chiếc logo này ra cửa hàng vàng bạc để bán có giá trị kinh tế thấp bằng 1/3 giá trị mà họ đã bỏ tiền ra cho TKV đúc tặng.
Nhiều công nhân mang những chiếc logo này ra cửa hàng vàng bạc để bán có giá trị kinh tế thấp bằng 1/3 giá trị mà họ đã bỏ tiền ra cho TKV đúc tặng.
 

Từ chủ trương này Tập đoàn định hướng, nhân dịp kỷ niệm mỗi công nhân sẽ có một khoản tiền thưởng (tùy nguồn từng đơn vị và tùy vào kết quả đóng góp của công nhân theo kết quả của công ty) nhưng không vượt quá 2 triệu đồng/người, đồng thời sẽ có thêm một món quà lưu niệm là một logo bằng bạc in hình người thợ mỏ.

Đối với khách sẽ in thêm dòng chữ Vinacomin trên logo, còn với công nhân thì in tên từng công ty riêng. Như vậy tiền thưởng riêng và quà lưu niệm riêng. Lúc đầu cũng có đơn vị có ý định gộp chung thành một khoản nhưng Tập đoàn yêu cầu phải tách bạch giữa 2 vấn đề.

Logo bạc này được Tập đoàn thông qua sau khi tính toán kỹ lưỡng với giá 640 ngàn đồng/1 chiếc và do một doanh nghiệp Tổng công ty Khoáng sản cũng nằm trong Tập đoàn chế tác. Tập đoàn cũng chỉ định hướng chứ các Công ty trực tiếp đăng ký với công ty chế tác. Tập đoàn chỉ đăng ký số lượng logo để tặng khách.

Theo Tập đoàn, khi định hướng như trên có hai ý: một là tiền bạc có bao nhiêu tiêu cũng hết nên cần có chút quà lưu niệm. Hai là, logo bằng bạc còn kỵ gió, có thể cạo gió khi cảm mạo theo cách dân gian vẫn làm xưa nay.

Trong quá trình triển khai, có đơn vị công nhân được thưởng tới 2 triệu đồng/ công nhân kèm logo, nhưng có đơn vị chỉ thưởng cho công nhân được 5 đến 6 trăm ngàn đồng/công nhân cùng logo…

Về việc công nhân đem bán logo cho các hàng vàng với giá 150 đến 200 ngàn đồng/1 chiếc, Tập đoàn cho rằng, do một số công nhân đã không hiểu hết giá trị tinh thần của món quà lưu niệm này nên đã đem bán. Bên cạnh đó cũng là do công tác tuyên truyền của một số đơn vị chưa được tốt nên công nhân không hiểu rõ về chủ trương của Tập đoàn cũng như giá trị tinh thần của món quà!

Dân trí

Xem thêm
Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao

TP.HCM Ngày 15/11, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM, Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ tổ chức gặp mặt kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.