Thời gian qua, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn như: giá thịt lợn hơi, thịt gia cầm xuống thấp, đặc biệt tại một số tỉnh, thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Nguồn nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, con giống bị ùn ứ, khó lưu thông tại một số địa phương.
Trong bối cảnh chỉ còn 3 tháng nữa là đến Tết nguyên đán Nhâm Dần - thời điểm nhu cầu về lương thực, thực phẩm thường tăng khoảng 10-15%, việc đảm bảo nguồn cung các sản phẩm thịt, trứng, sữa dịp cuối năm là rất cần thiết.
Trước tình hình ấy, dưới sự chủ trì của Bộ NN-PTNT, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp các đơn vị trực thuộc Bộ, và UBND 29 tỉnh, thành phố tổ chức “Diễn đàn trực tuyến chia sẻ thông tin, kết nối giao thương về sản phẩm chăn nuôi”. Đây là phiên thứ 9 của diễn đàn.
Tham dự diễn đàn sáng 30/10 tại điểm cầu Hà Nội, có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến; Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng; Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh; Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng; Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản; Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long; Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Đào Văn Hồ; cùng đại diện Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản & Thủy sản, Vụ Khoa học, Công nghệ & Môi trường; thành viên các Tổ công tác: Ban chỉ đạo 3449, Tổ 970, Tổ 3430.
Các điểm cầu tại địa phương, gồm: TP. HCM, Bình Phước, Bình Dương, Cần Thơ, Bắc Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Quảng Nam, Đắk Lắk, Bình Định, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tầu, Tây Ninh , Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.
Riêng tại điểm cầu TP. HCM, thường trực Tổ 970 gồm: ông Lê Viết Bình - Phó Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt; ông Trần Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Đào tạo & Tư vấn kinh tế hợp tác - Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp & Phát triển nông thôn II.
Diễn đàn sẽ bắt đầu từ 8h30 và kết thúc dự kiến khoảng 11h30. Với mục đích thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại giữa các địa phương, giữa bên mua và bên bán, nâng cao nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm chăn nuôi sạch, an toàn; kết nối người sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt, trứng giữa các địa phương, doanh nghiệp mua và doanh nghiệp bán, diễn đàn còn có sự góp mặt của: các hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ, kênh phân phối, doanh nghiệp chế biến – bán lẻ - xuất khẩu.
Bên cạnh đó, những nhà cung ứng nông sản, tham gia chuỗi sản xuất nông sản như: doanh nghiệp, HTX, trang trại, hộ nông dân... cũng sẽ tham dự và đóng góp ý kiến.
Mở màn từ ngày 31/8, Diễn đàn kết nối nông sản 970 dần trở thành một hoạt động định kỳ, thu hút sự chú ý của đông đảo người làm nông nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế. Qua 8 lần tổ chức trước đây, diễn đàn nhận nhiều hiệu ứng tích cực khi kết nối thành công nhiều giao thương, giúp các địa phương như TP. HCM, Tây Nguyên, Bình Dương, Cà Mau, Đồng Tháp lưu thông được hàng hóa.
Ngoài đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, các thành viên tham dự Diễn đàn kết nối nông sản 970 còn được nghe chia sẻ của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, trong việc tiếp cận cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của thị trường thế giới. Cũng từ đây, hàng chục chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững thành hình.
11h30
Sản lượng và giá trị xuất khẩu chăn nuôi sẽ vượt 1 tỷ USD
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: nhằm thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi Việt Nam, Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ phê duyệt triển khai 5 dự án lớn.
“Giống là yếu tố quan trọng vì quyết định năng suất, chất lượng”. Chúng ta phải vừa nâng cao năng suất giống, vừa phát triển những dòng đặc hữu, vừa cập nhật các dòng cao sản để đa dạng hoá sản phẩm.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, chi phí thức ăn chăn nuôi chi phối khoảng 65 – 70% giá thành sản xuất, không giải quyết được vấn đề này thì rất khó giảm giá thành và nâng cao sức cạnh tranh.
Việt Nam cũng đặt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi qua chế biến khoảng 60%. Hiện nay, tỷ lệ thịt, trứng, sữa chế biến còn rất thấp. Chúng ta cũng chưa có nhiều chủng loại sản phẩm phù hợp với từng thị trường, vùng miền. còn hạn chế; công nghệ chế biến còn hạn chế.
Thứ tư, muốn phát triển quy mô chăn nuôi bền vững, cần phải giải quyết bài toán môi trường. Chất thải rắn và chất thải lỏng từ chăn nuôi rất lớn, do đó, cần ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn để giải quyết.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: “Khoa học công nghệ được khẳng định là quốc sách hàng đầu”. Vậy khoa học công nghệ cần phải phải thể hiện được vai trò để tạo động lực.
Xu thế chuỗi khép kín là không thể đảo ngược được, chuỗi khép kín có thể vừa theo chiều dọc và vừa theo chiều ngang, trong đó hợp tác xã, doanh nghiệp rất quan trọng. Tôi rất vui khi bà Hằng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dinh dưỡng hữu cơ có chiến lược rất đúng đắn, nếu không phát triển được chế biến thì rất khó khai phá các thị trường.
Tôi tin nếu thực hiện tốt chiến lược chăn nuôi, với sự vào cuộc của cả thệ thống chính trị, chúng ta sẽ có sản lượng và giá trị xuất khẩu vượt 1 tỷ USD".
11h15
Thành bại tại nhà cung cấp
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, giá thịt lợn đã nhích lên, tập trung ở 2 phân khúc: cửa hàng bán lẻ (58.000-145.000 đ/kg); chuỗi siêu thị đang ổn định về giá.
Cũng theo thông tin cập nhật tình hình thị trường của ông Toản, ở miền Bắc, trong vài ngày qua, gà lông trắng có xu hướng giảm giá nhẹ. Biên độ từ 28.000-29.500đ/kg. Ở miền Nam, có phát sinh Covid tại Đồng Nai, Bình Dương nên giá gà có thể bị ảnh hưởng. Giá thịt gà mát ổn định.
Trên thị trường thế giới, tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, giá thịt gà, thịt lợn có tăng nhẹ. Trong khi đó, tại Mỹ, giá giao dịch theo kỳ hạn, nên giá thịt lợn giảm ở mức 37.000 VNĐ, cập nhật giá bán cho đến tháng 12.
Cục trưởng Cục chế biến cho rằng “thành hay bại” ở nhà cung cấp, song thành phần này chưa có trong các Hội, Hiệp hội chuyên ngành. Ông Toản kiến nghị các Hội nghề nghiệp nên đưa nhà cung cấp vào và có quy chế chặt chẽ.
11h00
Cần đa dạng chế biến sản phẩm chăn nuôi
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng (ảnh), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (hệ thống siêu thị Nutri Mart) cho biết, hệ thống tiêu thụ của bà đang chú trọng phát triển mặt hàng thịt mát. Với những chuỗi cung ứng có tiêu chuẩn chất lượng cao, chẳng hạn như C.P Việt Nam Meat Deli, Nutri Mart có thể vận chuyển đi 3, 4 tỉnh, thành phố.
Hiện Nutri Mart nhận được đơn hàng rất lớn từ Trung Quốc, về các mặt hàng thịt, rau củ quả tươi. Bà cũng lưu ý về mặt hàng thịt đông – đây là sản phẩm đang được Nutrimart bán chạy bởi nhiều ưu điểm như bảo quản lên tới 12 tháng.
Theo bà Hằng, các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi cũng cần đa dạng nguồn sản phẩm chăn nuôi, chẳng hạn chế biến khoảng 10.000 món ăn khác nhau từ thịt.
“Đây là hướng đi mà Nutri Mart tiên phong, và có dư địa đưa ra nước ngoài như châu Âu, UAE, Trung Quốc”, bà Hằng nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Nutri Mart sẽ tham khảo thêm nhiều công nghệ, chẳng hạn túi đựng thực phẩm. Nếu đặt thịt trong những túi này, có thể bảo quản trong 12 tháng ngay cả ở điều kiện thông thường.
“Nutri Mart đặt mục tiêu tăng số lượng điểm bán trên khắp các tỉnh thành trên cả nước. Mục tiêu, là năm 2023 công ty sẽ IPO. Năm 2025, công ty sẽ mở khoảng 10.000 điểm bán. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh nhiều công nghệ như AI, blockchain… Làm thế nào để suốt 12 tháng trong năm, công ty chúng tôi cũng có thể bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân”, bà chia sẻ.
Lãnh đạo Nutri Mart tiết lộ, công ty đang mở nhiều chuỗi cửa hàng tại Trung Quốc, Thái Lan. Bà kêu gọi, người sản xuất chăn nuôi trên cả nước hãy tích cực kết nối với Nutri Mart, với điều kiện đảm bảo chất lượng và minh bạch nguồn gốc xuất xứ, giúp nâng cao đẳng cấp, thương hiệu của chăn nuôi nước nhà.
10h50
Kiến nghị tạo điều kiện về quỹ đất để sản xuất con giống
Ông Lưu Sơn Thuỷ – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sơn Thủy Hà (ảnh), cho biết: Trong vài năm trở lại đây, chúng ta chủ yếu nhập bò sống từ Úc và Thái Lan với sản lượng rất lớn. Cụ thể, năm 2020, các cơ sở chăn nuôi, doanh nghiệp tại Việt Nam nhập 270.000 con bò từ Thái Lan và khoảng 270.000 con bò Úc để vỗ béo.
Số lượng bò thịt tại trang trại của Công ty Sơn Thủ Hà luôn có khoảng 20.000 con bò thịt, nhủ yếu nhập khẩu từ Úc nhưng những năm gần đây giá bò sống tăng rất cao vì nhiều doanh nghiệp nhập về.
“Nếu chỉ nhập bò Úc để nuôi vỗ thì doanh nghiệp không chịu nổi. Do đó, chúng tôi mong Bộ NN-PTNT tạo điều kiện để các doanh nghiệp được nhập bò từ nhiều nước khác nhau để tăng quy mô chăn nuôi. Đồng thời, mong được tạo điều kiện về quỹ đất để sản xuất con giống, từ con giống doanh nghiệp sẽ nuôi vỗ để nâng cao hiệu quả”, ông Thuỷ nói.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, hàng năm, tổng đàn bò của nước ta khoảng 6,3 – 6,3 triệu con nhưng chủ yếu là từ nguồn nhập khẩu.
Sắp tới, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng một chương trình phát triển giống, trong đó doanh nghiệp là động lực. "Chúng tôi tuyển chọn và nhập đàn nái đẹp để nhân giống, từ đó có cơ cấu đàn nái tăng lên và dùng tinh của dòng cao sản vào để chủ động được con giống", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
10h40
Cần phương án cân đối lợi nhuận cho các khâu trong chuỗi sản xuất chăn nuôi
Theo GS Lã Văn Kính, Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, hiện nay, sự phân bổ lợi ích trong chuỗi sản xuất chăn nuôi rất bất hợp lý, trong khi giá lợn hơi rất rẻ thì giá thịt lợn thành phẩm ngoài thị trường lại rất cao.
“Nếu Bộ Công thương làm tốt công tác quản lý giá thì lượng tiêu thụ sẽ nhiều hơn và giá lợn hơi sẽ tăng lên. Do đó, chúng tôi đề nghị Bộ NN-PTNT có ý kiến để Bộ Công thương làm tốt công tác quản lý giá của mình”, ông Lã Văn Kính nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Kính, trong chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi hiện nay thì người chăn nuôi là người yếu thế, dễ bị tổn thương nhất. “Đầu vào của người chăn nuôi do các công ty quyết định, còn đầu ra lại do người mua quyết định. Có thể nói, người chăn nuôi đang không có quyền gì”, Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi phân tích và cho rằng mong muốn lớn nhất của người chăn nuôi hiện nay là làm sao giá bán cao hơn giá thành để đảm bảo được lợi nhuận, trang trải cuộc sống của mình.
Do đó, ông Kính bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng cần vào cuộc để cân đối được lợi nhuận cho các khâu tham gia vào chuỗi sản xuất chăn nuôi và ví dụ ở Đài Loan, giá thức ăn chăn nuôi không phải do các công ty tự quyết mà còn có sự kiểm soát của cơ quan quản lý: “Nếu muốn tăng giá họ phải xin phép và chứng minh được giá đầu vào, chi phí tăng nên mới phải điều chỉnh giá và khi được cơ quan quản lý cho phép mới được tăng giá bán sản phẩm”.
Một vấn đề nữa mà ông Lã Văn Kính đề cập đó là các doanh nghiệp FDI có năng suất và kỹ năng quản lý rất tốt, tuy nhiên, các doanh nghiệp này có mang công nghệ đột phá đến Việt Nam hay chưa thì cần nghiên cứu thêm. Sở dĩ, nghi vấn này được ông Kính đưa ra là bởi giá thành chăn nuôi ở Việt Nam vẫn còn cao so với thế giới, điều đó cho thấy ứng dụng công nghệ vào sản xuất chưa được nhiều.
Lý giải về ý kiến chênh lệch giá xuất chuồng và giá thành phẩm mà GS Lã Văn Kính đưa ra, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, thời gian quá giá xuất chuồng giảm là do ứ đọng trong chuồng do nhu cầu tiêu thụ ở các địa phương lớn giảm mạnh. “Bên cạnh đó, giá thành phẩm tại siêu thị tăng cao cũng bao gồm nguyên nhân do khó khăn và phát sinh chi phí trong khâu vận chuyển”, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết thêm.
10h30
Thí điểm nuôi gà đẻ trứng theo mô hình không lồng chuồng
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, đơn vị chuyên về lĩnh vực trứng gia cầm, và từng tham gia chương trình bình ổn giá của TP. HCM.
Theo ông Thiện, thị trường trứng có tính cạnh tranh cao, buộc những công ty như Vĩnh Thành Đạt phải phát triển đa dạng, thậm chí đi vào thị trường ngách, chẳng hạn như các mặt hàng giàu omega, hoặc trứng chế biến.
Hiện công ty thí điểm nuôi gà đẻ trứng theo mô hình không lồng chuồng (cage free). Vĩnh Thành Đạt đã được Tổ chức HSI chứng nhận, và có tiềm năng tuyên truyền, phổ biến mô hình này tới nhiều trang trại, kể cả nông hộ nhỏ.
Nhằm phát triển hơn nữa các sản phẩm chăn nuôi, ông Thiện kiến nghị Bộ NN-PTNT có cơ chế, chính sách hỗ trợ giúp phát triển lĩnh vực sản xuất con giống ở trong nước.
10h20
Doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi khép kín đang gặp khó
Ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam cho biết hiện giá bán heo đang thấp hơn giá thành khoảng 20.000 đồng/kg. Giá bán gà lông trắng, gà lông màu đều dưới giá thành khoảng 10.000 đồng/kg. Ngay cả trứng gà, mặt hàng từng nổi lên cơn sốt giá khi TP HCM đóng cửa nay cũng rớt giá chỉ còn 1.250 đồng/quả, thấp hơn giá thành 600 đồng/quả. Những doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi khép kín như Emivest với hệ thống sản xuất cám, thuốc thú ý, giống gà, heo cũng đang rơi vào tình thế khó khăn.
“Mỗi ngày, doanh nghiệp cung cấp ra thị trường 100.000 con gà các loại, 2.000 con heo và hơn 1 triệu quả trứng. Việc tất cả các sản phẩm của ngành chăn nuôi đều đang lỗ, giá bán thấp hơn giá thành, nghĩa là doanh nghiệp đang chịu tổn thất nặng nề”, ông Phương nói.
Một loạt vấn đề được ông Phương chỉ ra như giá thức ăn gia súc tăng hơn 30%, tương lai còn có thể kéo dài tình trạng không giảm. Giá nhân công cũng tăng. Giá đầu tư an toàn sinh học, phòng dịch bệnh cũng không giảm. Giá bán không tăng được do sức mua thị trường còn yếu.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Emivest Việt Nam, người nuôi, người ăn gặp nhau qua các khâu trung gian. Việc kết nối này hình thành từ lâu, vận hành bình thường. Covid-19 làm đứt gãy lưu thông truyền thống. Việc Tổ 970 được hình thành đã giúp giao dịch tốt hơn. Tuy nhiên, cũng có những giao dịch chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, thậm chí có giao dịch chỉ diễn ra 1 lần. Điều may mắn là việc mua bán theo truyền thống đang có dấu hiệu hồi phục.
Nếu việc tiêm phòng vacxin Covid-19 diễn ra tốt, đi cùng các khâu phòng chống dịch thì lợi ích hài hòa giữa người nuôi, người ăn, người tham gia vận hành mới có thể vận hành bình thường.
10h10
Chưa thể bỏ qua nhóm chăn nuôi nông hộ
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, ngành chăn nuôi hiện có 3 xu hướng chính là: doanh nghiệp FDI, trang trại lớn, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Phát triển chăn nuôi theo hai hướng đầu tiên có nhiều lợi ích như đảm bảo an toàn sinh học, chuỗi liên kết. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi chưa thể bỏ qua nhóm nông hộ, bởi đây là phương thức giúp bà con có thu nhập, tạo công ăn việc làm.
Ủng hộ việc thúc đẩy sản xuất nông hộ, nhưng ông Công quan ngại về trình độ sản xuất của bà con nông dân. Hai dẫn chứng ông đưa ra, là báo cáo tài chính năm vừa qua của Công ty C.P Việt Nam đạt lợi nhuận 1 tỷ USD; và tỷ lệ sinh lợn thịt từ lợn nái của khối doanh nghiệp là 1:26, nhưng của phía nông hộ chỉ là 1:12.
“Ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng khoa học kỹ thuật, giúp giảm thiểu chi phí xử lý các vấn đề môi trường”, ông Công nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho rằng, Bộ NN-PTNT hiện quản lý chăn nuôi rất tốt. Tuy nhiên, để công tác điều hành hiệu quả hơn, ông Công kêu gọi thêm sự vào cuộc của Bộ Công thương, giúp kích hoạt thêm các kênh phân phối ra thị trường.
Giải pháp trước mắt, được ông Công đưa ra chia làm hai nhóm. Với gia cầm, ông đề xuất phân bổ sản lượng dựa trên nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Với lợn, ông kiến nghị Bộ NN-PTNT quản lý chặt chẽ đàn nái hiện có (khoảng 2,93 triệu con) để tính toán sản lượng thịt cung ứng.
10h05
‘Đánh giá Việt Nam là bếp ăn của thế giới là có tính khả thi’
Bổ sung thêm ý kiến của ông Đinh Minh Hiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong chiến lược phát triển chăn nuôi tại Quyết định 1520, Bộ NN-PTNT đang hoàn thiện 5 đề án để có không gian, đường truyền và nguồn lực cho phát triển chăn nuôi bền vững, vừa đảm bảo cung cấp trong nước, vừa đảm bảo xuất khẩu.
“Việt Nam trong những năm gần đây có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ USD vào chuỗi các sản phẩm chăn nuôi và đã đi vào hoạt động. Ví dụ Công ty C.P đã hoạt động dây chuyền giết mổ 250 triệu USD, sắp tới đây nếu đoàn chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam để thẩm định được điều kiện xuất khẩu, thì chắc chắn lượng xuất khẩu sẽ rất lớn”, Thứ trưởng nói.
Và như ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y vừa báo cáo thì thị trường Hàn Quốc đã nhập thịt của ta.2 nhà máy của Masan ở Hà Nam và Long An (tổng vốn đầu tư 4.400 tỷ đồng cũng đang hoạt động được khoảng 70% công suất. Do vậy, đánh giá Việt Nam là bếp ăn của thế giới là có tính khả thi và chúng ta sẽ hướng tới xuất thịt đi nhiều thị trường.
10h00
Tiêm chủng đầy đủ, 14/14 cơ sở giết mổ TP. HCM được mở cửa
Ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở NN-PTNT TP. HCM chia sẻ: Giá heo hơi dao động từ 39 – 42 nghìn đồng/kg, thấp hơn hoặc bằng so với giá thành sản xuất, gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi, trong khi giá thịt heo tại siêu thị như thịt ba rọi, thịt đùi hay sườn non dao động từ 130 – 210 nghìn đồng/kg.
Số lượng heo hơi nhập về thành phố để giết mổ qua các trạm kiểm dịch bình quân là 3.341 con, giảm 17%. Đồng thời, lượng heo giết mổ từ các tỉnh sau đó nhập về Thành phố là 364.000 con, giảm 46%. Các cơ sở giết mổ đã được tạo điều kiện tiêm chủng, do đó 14/14 cơ sở giết mổ cũng được mở cửa và đang dần dần nâng tỷ lệ giết mổ.
Cũng theo ông Hiệp, một số siêu thị Co.op Mart, BigC và các cửa hàng của CP, Vissan, Greenfood,... đã giảm giá niêm yết các sản phẩm thịt heo, lý do là Thành phố thực hiện chương trình bình ổn giá và yêu cầu giảm từ 8-23% so với giá bán trước đó. Nếu tính bình quân so với cuối tháng 9 vừa qua, giá thịt heo giảm tới 30%.
9h50
Tập đoàn Hùng Nhơn kiến nghị xây dựng các vùng chăn nuôi công nghiệp
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn giới thiệu, doanh nghiệp có lịch sử hoạt động hơn 20 năm, có thế mạnh trong chăn nuôi quy mô lớn. Các trang trại của Tập đoàn Hùng Nhơn đều áp dụng công nghệ tiên tiến với quy trình khép kín từ con giống, thức ăn, đến chế biến giết mổ theo tiêu chuẩn ISO, GlobalGAP...
Hiện Tập đoàn Hùng Nhơn sở hữu 14 công ty thành viên và hệ thống chuỗi DHN với 1.000ha trang trại tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Trong đó, các trại gà thịt cung cấp cho thị trường hơn 3 triệu con gà/năm. Hệ thống trang trại gà đẻ cung cấp hơn 130 triệu quả trứng/năm, các trang trại heo cụ kỵ, ông bà, cung cấp cho thị trường 14.000 heo bố mẹ và 375.000 heo thương phẩm mỗi năm.
Tháng 05/2019, Hùng Nhơn bắt tay Tập đoàn De Heus của Hà Lan xây dựng Tổ hợp khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk, quy mô 200ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó dự án trang trại heo giống cao sản Đăk Lăk đã hoàn thiện, với công suất chăn nuôi 2.400 con heo cụ kỵ và ông bà.
Tập đoàn Hùng Nhơn kiến nghị Bộ NN-PTNT xây dựng các vùng chăn nuôi công nghiệp để phát triển hơn nữa tiềm năng vốn có của Tây Nguyên và Nam bộ.
9h35
Bình Dương chú trọng công nghệ cao và chăn nuôi tập trung
Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương cho biết, trong năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nhưng tình hình chăn nuôi của Bình Dương vẫn được duy trì ổn định. Đến nay, ngành chăn nuôi của tỉnh thực hiện theo hướng công nghệ cao và chăn nuôi tập trung. Tỉnh cũng tập trung thực hành nông nghiệp tốt, đảm bảo chất lượng theo các tiêu chuẩn GAP và khuyến khích chăn nuôi hữu cơ.
Năm 2020, Bình Dương có chủ trương di dời các hộ chăn nuôi nhỏ ra khỏi các khu đô thị, đến các khu vực lân cận để hình thành vùng chăn nuôi tập trung và được các hộ chăn nuôi, các trang trại ủng hộ và thực hiện tốt.
Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, chuỗi cung ứng của tỉnh có bị đứt gãy cục bộ, kèm theo đó là giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá bán giảm gây ra không ít khó khăn đến người chăn nuôi của tỉnh. Tuy nhiên, qua quá trình kết nối của Diễn đàn kết nối nông sản 970, áp lực tiêu thụ của tỉnh phần nào được giảm tải, nhìn chung khả năng cung ứng sản phẩm chăn nuôi ra thị trường của Bình Dương đang phục hồi và ổn định trở lại.
“Dự kiến đến Tết nguyên đán, nguồn cung ứng thịt sẽ được đảm bảo do tỉnh đã có những chính sách khuyến khích người chăn nuôi từ bây giờ”, ông Phạm Văn Bông khẳng định và cho biết thêm, giá thịt lợn hơi tại địa phương đã tăng trở lại và nếu duy trì được sẽ đảm bảo được lợi ích cho người chăn nuôi.
Về kiến nghị, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương mong muốn Bộ NN-PTNT sẽ có thêm hỗ trợ về chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các khu giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi để phục vụ xuất khẩu. Từ đó, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai chủ trương phát triển chăn nuôi tập trung để phát triển tốt về quy mô và đảm bảo được cả vấn đề môi trường trong chăn nuôi.
“Bình Dương cũng mong muốn các cấp, ngành quan tâm đến vấn đề quản lý thị trường để kiểm tra về giá nguyên liệu đầu vào, đảm bảo duy trì ổn định chuỗi cung cứng chăn nuôi của tỉnh”, ông Phạm Văn Bông cho biết thêm.
9h25
Bắc Giang cần xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang cho biết, tăng trưởng nông nghiệp tỉnh đạt khoảng 5,1%. Riêng về ngành chăn nuôi, đàn trâu 40.000 con, bò 132.000 con, đàn lợn 972.000 con, đàn gia cầm 19,5 triệu con (trong đó gà là 16,6 triệu).
Bắc Giang là một trong số những địa phương phát triển mạnh về chăn nuôi thời gian qua, trong đó có thế mạnh về đàn lợn và bò thịt. Tuy nhiên, việc tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi hiện gặp khó khăn, nhất là lợn.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp Bắc Giang cho biết thêm, giá thịt lợn hơi đang nhích lên và chạm ngưỡng 50.000 đ/kg. Giá thịt gà khoảng 55.000 đ/kg. Ông cũng dự báo, giá thịt sẽ có xu hướng tăng bởi số lượng công nhân trong các khu công nghiệp đã tăng từ 170.000 trước dịch lên 200.000 hiện tại. Công suất hoạt động luôn đạt trên 100%.
Về dịch bệnh, công tác tiêm phòng được Bắc Giang tổ chức tốt. Hàng năm, tỉnh tập trung tiêu trùng, khử độc hai lần, vào tháng 4 và tháng 10. Mục tiêu là để phòng ngừa dịch bệnh tại các chợ, khu giết mổ, trang trại.
“Công tác giám sát dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm. Những dịch bệnh nguy hiểm như lợn tai xanh, tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục… không xảy ra với số lượng lớn trên địa bàn”, ông Thành cho biết.
Về sản lượng, ông Thành cho biết, Bắc Giang có khoảng 150.000 tấn thịt lợn, 1.826 tấn thịt trâu, 5.600 tấn thịt bò, 415 tấn thịt dê, và 50.000 tấn gia cầm. Từ giờ đến cuối năm, sản lượng của tỉnh là khoảng 26.000 tấn thịt lợn, hơn 1.100 tấn thịt bò, hơn 8.700 tấn gia cầm. Điểm sáng của Bắc Giang, là nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh chỉ chiếm khoảng 46% sản lượng. Tỷ lệ cung cấp cho các tỉnh khác là 54%.
Tuy nhiên, ông Thành cũng thừa nhận, Bắc Giang cần cải thiện hai vấn đề. Một, là sản xuất giống, hiện tỉnh mới đáp ứng được 60% nhu cầu. Hai, là tỉnh hiện chủ yếu tiêu thụ vật nuôi sống. Bắc Giang có 7 cơ sở giết mổ nhưng hầu hết là tự phát và nhỏ lẻ.
“Bắc Giang kiến nghị Bộ NN-PTNT và các địa phương lân cận tạo cơ chế hỗ trợ tiêu thụ để tỉnh có thể phát triển các chuỗi chế biến sâu về chăn nuôi”, ông Thành bày tỏ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý, tỉnh Bắc Giang cần xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là có cơ sở chế biến, hướng tới xoá bỏ tình trạng bán động vật sống, vì giá trị gia tăng không cao.
Ông nhấn mạnh thêm, dư địa phát triển đàn bò của Bắc Giang còn rất lớn, bộ sẽ vận động doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Những năm qua, nhu cầu tiêu thụ thịt bò tại Việt Nam rất lớn, tốc độ tăng tỷ trọng thịt bò cũng rất đều đặn trong nhiều năm qua.
“Mỗi năm, chúng ta phải nhập hàng trăm nghìn con bò thịt từ Úc, Brazil, chưa kể nhập từ Lào và Campuchia”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
9h10
Ngành chăn nuôi có những khởi sắc trong xuất khẩu
Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cơ bản các loại dịch bệnh trên vật nuôi được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, vẫn có những loại bệnh gây nguy hiểm, làm thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng, chết 42 người.
Ông Long cho biết theo thống kê của Cục Thú y, từ đầu năm tới nay dịch cúm gia cầm xảy ra ở 31 tỉnh, tiêu hủy hơn 400.000 con gia cầm, chiếm 0,07% trên tổng đàn 523 triệu con. “Cơ bản 99% gia cầm đang an toàn với dịch cúm, nên người tiêu dùng có thể yên tâm”.
Ngành chức năng cho biết đã phát hiện chủng virus mới H5N8, H5N6 xâm nhiễm từ Trung Quốc, có thể lây bệnh sang người. Hiện trên cả nước còn 3 ổ dịch chưa qua được mốc 21 ngày là Ninh Bình, Bình Phước và Tây Ninh. Tuyệt đại đa số 63 tỉnh thành không có cúm gia cầm.
Về dịch tả lợn Châu Phi, xảy ra ở 2.000 xã ở 57 tỉnh, thành phố. Do chưa có vacxin nên các địa phương đã phải tiêu hủy 170.000 con lợn. Từ tháng 7, dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng tăng. Ví dụ vào tháng 7 có khoảng 9.000 con lợn mắc, đến tháng 10 có 29.000 con lợn mắc.
Dịch lở mồm long móng giảm mạnh, từ sau khi Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo nhập vacxin kháng nguyên cao về nước từ 2019.
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bỏ xâm nhiễm vào Việt Nam từ tháng 9 năm ngoái, đến nay đã lây lan đến hơn 4.300 xã, tương đương 50% số xã của cả nước, buộc phải tiêu hủy 29.000 con. Ông Long cảnh báo đây là chủng virus mới gây thiệt hại lớn. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam khẩn trương tiêm vacxin thì tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát. Từ việc tháng 3/2021 có hơn 6.000 con trâu bò phải tiêu hủy, thì đến tháng 10 chỉ còn phải tiêu hủy 71 con, giảm 90 lần.
Bên cạnh tình hình dịch bệnh, lãnh đạo Cục Thú y cho biết thêm những khởi sắc trong xuất khẩu. Cụ thể là sữa đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Thịt gà chế biến lúc trước mới xuất khẩu sang Nhật Bản, nay đã xuất sang được 7 nước, gồm cả một số nước hâu Âu.
9h00
Xây dựng chính sách dự trữ sản phẩm chăn nuôi khi ứ đọng, tiêu thụ chậm
Ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, 9 tháng năm 2021 giá thịt lợn xuất chuồng cao nhất 75.000 đồng/kg, vừa qua nhu cầu giảm, lợn thịt quá tuổi xuất chuồng ứ đọng nên giá còn 30.000 – 35.000 đồng/kg.
Mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các cửa hàng bán thịt, các chợ và các siêu thị khu vực nội thành của 2 thành phố Hà Nội và TP. HCM vẫn ở mức cao (110.000 – 200.000 đồng/kg tùy theo loại thịt, có loại như thịt nọng tới 415.000 đồng/kg), tăng cao do khâu lưu thông phân phối.
Còn tại các sạp thịt lợn ở các chợ truyền thống vùng nông thôn (không phải vận chuyển đi xa) giá thịt lợn từ 80.000 - 90.000 đồng/kg (giá này là hài hòa lợi ích 3 khâu sản xuất - lưu thông phân phối - tiêu dùng).
Giá gà công nghiệp lông trắng giai đoạn tháng 7, 8 các tỉnh phía Bắc khoảng 15.000 – 20.000 đồng/kg; các tỉnh phía nam 6.000 – 10.000 đồng/kg.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Trọng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã chỉ đạo tổ chức hội nghị với các địa phương, với các doanh nghiệp và thành lập nhiều đoàn công tác đến các địa phương chỉ đạo sản xuất, tháo gỡ khó khăn. Đồng thời phối hợp với Bộ Công an ngăn chặn kịp thời việc nhập lậu giống và sản phẩm chăn nuôi.
Đến thời điểm hiện tại, giá lợn hơi dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, có nơi 52.000 - 53.000 đồng/kg tùy từng vùng.
Giá gà công nghiệp lông trắng đã tăng trở lại với 27.000 – 30.000 đồng/kg. Giá sẽ ổn định trở lại để hào hóa 3 khâu: sản xuất - lưu thông phân phối - tiêu dùng.
Bộ NN-PTNT đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, kịp thời đề xuất những khó khăn vướng mắc với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo sản xuất, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm.
Thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng quy định và chính sách về việc thu mua, giết mổ, chế biến và dự trữ sản phẩm chăn nuôi khi ứ đọng, chậm tiêu thụ do cung vượt cầu, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…
Bộ NN-PTNT cũng kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ để khôi phục sản xuất; có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết nguyên đán.
8h50
Bình Phước: Lượng tiêu thụ sản phẩm nông sản tăng 20% so với tháng 9
Ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, trong tháng 10/2021 sau khi dịch dần được kiểm soát, lượng tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh đã tăng 20% so với tháng 9/2021. “Đến tháng 10, tỉnh đã xuất được 3,2 triệu con lợn, hơn 48 triệu con gà và nhiều sản phẩm chăn nuôi khác”, ông Huỳnh Anh Minh cho biết.
Thời gian qua, Bình Phước gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nhưng chuỗi cung ứng vẫn được ổn định. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tình Bình Phước mong muốn nhận thêm được sự hỗ trợ từ Bộ NN-PTNT để xây dựng các chuỗi chăn nuôi an toàn ở địa phương, hỗ trợ thủ tục để chuyên gia nước ngoài của CP có thể sang Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ.
“Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT có thể giúp đỡ Bình Phước xây dựng các sàn thương mại điện tử để tăng cường hiệu quả tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi”, ông Huỳnh Anh Minh kiến nghị thêm.
Trước đó, đại diện Bình Phước cho biết, trong vài năm vừa qua, ngành chăn nuôi tỉnh có nhiều phát triển, được nhiều công ty, tập đoàn lớn đầu tư các hệ thống chăn nuôi, tạo ra khối lượng lớn phục vụ trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, tỉnh đang tập trung xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh với lợn và gà, trong đó có hệ thống chăn nuôi gà sạch với sản lượng 50-100 triệu con gà/năm của CP.
8h40
Tập trung tái đàn, chuẩn bị lương thực cho Tết nguyên đán
Phát biểu mở màn Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 9 vào sáng 30/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguy cơ xuất hiện trở lại của dịch tả lợn châu Phi. Dịch bệnh này từng khiến Việt Nam tiêu hủy 6 triệu con lợn, đồng thời đẩy giá thịt lợn hơi có lúc lên hơn 100.000 đồng/kg. Ngoài dịch bệnh, ngành còn gặp thách thức ở việc giá trị sản phẩm hiện bị tồn đọng nhiều tại vật nuôi.
Theo Thứ trưởng, trong thời gian các tỉnh, thành phố phía Nam giãn cách, năng lực sản xuất tại chỗ về thịt của TP. HCM chỉ chiếm khoảng 5-10%, khiến thành phố bị thiếu hụt cục bộ lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, con giống bị ùn ứ, khó lưu thông tại một số địa phương.
Dù gặp nhiều khó khăn khách quan, báo cáo của Cục Chăn nuôi cho thấy, sản lượng thịt, trứng, sữa rất lớn. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cam kết, mục tiêu 5,8 triệu tấn thịt các loại, 1,2 triệu tấn sữa và 16 tỷ quả trứng sẽ đạt được.
“Chúng ta đang gặp nhiều thách thức. Vì thế, việc tổ chức những diễn đàn như này là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh Tết nguyên đán đến gần. Qua diễn đàn, tôi rất mong người bán, người mua gặp nhau, giúp nâng cao giá trị ngành chăn nuôi, đồng thời giảm áp lực dư thừa cục bộ trong thời gian vừa rồi”, Thứ trưởng chia sẻ.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp cho rằng, hình thức kết nối người bán – người mua cho thấy sự hiệu quả trong thời gian qua. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nhiệm vụ trước mắt của ngành chăn nuôi là tập trung tái đàn, sớm ngăn chặn xu hướng giảm của đàn lợn, đàn gia cầm khi các tỉnh, thành phố mở cửa trở lại sau giãn cách.
“Giá thịt lợn ảnh hưởng vào rổ hàng hóa CPI rất lớn. Đó là lý do, ngành nông nghiệp cần tập trung trí tuệ, nguồn lực để đảm bảo nguồn cung chăn nuôi, đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô”, Thứ trưởng khẳng định.