Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) sẽ phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Diễn đàn trực tuyến "Kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Đồng Tháp năm 2021”. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ Công tác 970 chủ trì Diễn đàn.
Diễn đàn sẽ diễn ra trong 2 phiên cùng ngày 16/10: Phiên toàn thể từ 8h - 11h. Phiên giao thương do Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp chủ trì diễn ra từ 14h - 17h.
Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ NN-PTNT; Tổ Công tác 970 (Bộ NN-PTNT); đại diện Tổ Điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970.
Tại điểm cầu UBND tỉnh Đồng Tháp có sự tham dự của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp; Sở NN-PTNT; Sở Công thương; Hội Nông dân; Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh.
Điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Đồng Tháp có đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố ở Đồng Tháp.
Diễn đàn cũng có sự tham gia của đại diện các hiệp hội, nhà thu mua, siêu thị, doanh nghiệp phân phối, xuất nhập khẩu, logistic trong và ngoài nước, doanh nghiệp thương mại điện tử và các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất nông sản trong tỉnh.
Đây là phiên thứ 7 của Diễn đàn Kết nối nông sản 970. Diễn đàn được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chỉ đạo thành lập, trên tinh thần kế thừa hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản của Tổ công tác 970. Mục đích là để hình thành, kết nối các khâu sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản... Qua đó, tạo mối "liên kết - hợp tác" chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và bà con nông dân.
11h20
Chuẩn bị tổ chức Lễ hội Xoài và Diễn đàn các sản phẩm OCOP ĐBSCL
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, diễn đàn "Kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Đồng Tháp" thu hút được rất nhiều ý kiến đóng góp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Qua diễn đàn hôm nay, có thể thấy Đồng Tháp còn có nhiều thế mạnh như du lịch cộng đồng, các sản phẩm OCOP bên cạnh lúa, trái cây, cá tra là những sản phẩm truyền thống. Theo Thứ trưởng, điều này cho thấy tỉnh có rất nhiều tiềm năng về phát triển nông sản trong thời gian tới, từ nay đến cuối năm các doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ sẽ có nhiều cơ hội để kết nối với đơn vị sản xuất để nâng cao giá trị cho chuỗi sản xuất.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, Thứ trưởng đề nghị Sở NN-PTNT quan tâm chỉ đạo sản xuất các sản phẩm nông nghiệp từ nay đến cuối năm vì thời gian qua chất lượng nông sản có giảm. Bên cạnh đó, Thứ trưởng nhắc lại gợi ý về tổ chức Lễ hội Xoài Đồng Tháp trong cuối năm nay và tìm phương án đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, trong đó tập trung vào mô hình du lịch ở làng hoa Sa Đéc.
Riêng với các sản phẩm OCOP, Đồng Tháp có nhiều sản phẩm hấp dẫn nên Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn tiếp tục đẩy mạnh chương trình này tại địa phương và chuẩn bị cho Diễn đàn các sản phẩm OCOP ĐBSCL trong thời gian tới.
“Chúng ta tiếp tục nâng cao chất lượng, phát triển các sản phẩm OCOP”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh và cho biết Bộ NN-PTNT đã làm việc với Bộ Ngoại giao để phối hợp, đưa các sản phẩm OCOP tiếp cận các thị trường nước ngoài, có thể làm quà tặng trong các chuyến công tác quốc tế.
Thông tin với các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết sắp tới sẽ tổ chức diễn đàn quốc gia về sử dụng nguyên liệu phụ phẩm nông nghiệp để đẩy mạnh giá trị kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, một diễn đàn nữa cũng được tổ chức trong thời gian tới là kết nối nông sản toàn cầu, để đưa nông sản Việt tiếp cận rộng rãi hơn với người tiêu dùng quốc tế thông qua các doanh nghiệp có uy tín toàn cầu của Việt Nam, diễn đàn này sẽ có sự phối hợp với Bộ Công thương.
“Do đó, chúng tôi mong muốn các HTX, cơ sở sản xuất cùng các doanh nghiệp, nhà bán lẻ phải đồng lòng để vừa nâng cao được chất lượng vừa quảng bá được thương hiệu cho nông sản Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh và cho biết thêm, Bộ NN-PTNT đã làm việc với Đại sứ quán Nga và Trung Quốc để thúc đẩy thương mại và tháo gỡ các khó khăn trong xuất nhập khẩu nông sản với 2 quốc gia này thông qua các diễn đàn.
Liên quan đến tổ chức các diễn đàn trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng cần kết nối rộng hơn, tăng cường các điểm cầu ở các HTX, các cơ sở sản xuất, các nông dân để tăng cường hiệu quả kết nối cho diễn đàn.
11h10
Đồng Tháp sớm lên kế hoạch tổ chức diễn đàn OCOP
Phó Chủ tịch UBND Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn hứa phối hợp chặt chẽ quản lý sản xuất, kinh doanh nông sản, kết nối chặt chẽ đầu vào – đầu ra, giúp bà con nông dân, HTX tăng nguồn thu.
Ông Tuấn cảm ơn những ý kiến của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, và cam kết sẽ chỉ đạo sâu sát khi thực hiện trong thực tế.
Lãnh đạo Đồng Tháp cho biết, tỉnh sẽ lên kế hoạch và tổ chức diễn đàn OCOP trong tuần cuối tháng 11 đầu tháng 12, đồng thời có những chính sách phát huy tối đa lợi thế của những sản phẩm chất lượng này.
11h00
Ông Nguyễn Ngọc Thạch – Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 cho biết: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, trong phiên thứ 8, Diễn đàn kết nối nông sản 970 sẽ kết nối Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc với sự tham gia của nhiều đơn vị, hợp tác xã, chủ trang trại, các địa phương và doanh nghiệp lớn.
Bên cạnh đó, trong kế hoạch, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Văn phòng SPS Việt Nam dự kiến tổ chức Diễn đàn Phổ biến Lệnh số 248 và số 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc cùng các quy định mới đối với thị trường Trung Quốc.
10h45
Ông Huỳnh Văn Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Huy, Đồng Tháp cho biết, công ty có nhiều nông sản chế biến như mít sấy, hạt sen sấy, củ sen sấy, chuối sấy, khoai lang sấy… Quy mô hàng tháng là sản xuất được 60 tấn thành phẩm. Nhu cầu về nguồn nguyên liệu của Nam Huy rất lớn.
Cụ thể, mít trái khoảng 600 tấn/tháng, khoai lang 42 tấn/tháng, hạt sen 20 tấn/ tháng, khoai môn 13 tấn/tháng, chuối 42 tấn/tháng… Các sản phẩm của Nam Huy đạt được nhiều tiêu chuẩn như HALAL, OCOP 4 sao, hiện xuất sang nhiều thị trường như Trung Quốc,Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia và Mỹ.
Về thị trường, tỷ lệ của Nam Huy hiện là 60% trong nước, và xuất khẩu gần 40%. Song song với đó, công ty đã đưa sản phẩm vào nhiều hệ thống siêu thị lớn, cũng như các sàn thương mại điện tử.
Trong thời gian tới, Nam Huy mong kết nối với nhiều kênh siêu thị, bên cạnh những phương pháp bán hàng truyền thống.
10h40
Hồng Tân Food mong muốn được kết nối
Bà Lưu Thị Yến Hằng – Công ty TNHH MTV Lương thực Hồng Tân, cho biết, Công ty hiện đang chế biến một số mặt hàng như gạo thơm ST24, Hương Lài..., bún tráng gạo, gạo sấy ăn liền xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Phi.
Năm 2020, Công ty đã có sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP và năm 2021 sẽ đẩy mạnh liên kết canh tác lúa an toàn, phát triển các dòng sản phẩm lúa dược liệu, lúa dinh dưỡng.
Do đó, rất mong các đơn vị thu mua, chuỗi siêu thị nghiên cứu năng lực của Hồng Tân Food để kết nối tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam.
10h35
Tạo các mã số vùng trồng để mở rộng vùng nguyên liệu
Fruit Republic là công ty chuyên thu mua các sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, châu Á, đặc biệt là chanh không hạt. Trong giai đoạn dịch vừa qua, công ty vẫn đảm bảo tiêu thụ được chanh không hạt cho bà còn, đáp ứng cho nhu cầu các siêu thị trong nước và duy trì hoạt động 3 tại chỗ để hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu.
Trong thời gian tới, bà Mỹ Hiệp, đại diện công ty mong muốn các đơn vị chức năng ở Đồng Tháp hỗ trợ tạo các mã số vùng trồng cho nông sản để mở rộng vùng nguyên liệu cho Fruit Republic tại địa phương, không dừng lại ở chanh không hạt mà còn mở rộng ra các sản phẩm thế mạnh khác của tỉnh như xoài, thanh long…
10h25
Vai trò quan trọng của các HTX và địa phương trong chuỗi liên kết
Bà Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ: Trước đây chúng tôi đã nghiên cứu về mô hình xây dựng sản phẩm du lịch từ sen gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó gắn kết giữa doanh nghiệp (là Công ty Đại Việt) và HTX trồng sen. Tuy nhiên sau đó, mô hình này đã thất bại.
Đại diện Công ty Đại Việt chia sẻ, ban đầu doanh nghiệp cùng HTX sen ở Tháp Mười để phát triển nguồn nguyên liệu sen. Nếu HTX đảm bảo cung ứng đủ sản phẩm thì Ban chủ nhiệm HTX sẽ được trả thêm 2.000 đồng/kg sen, nhưng do năng lực quản trị của Hợp tác xã không đáp ứng được yêu cầu, nên không đảm bảo số lượng đầu ra theo cam kết, dẫn đến Công ty Đại Việt bị “gãy” hợp đồng với đối tác.
Do đó, TS. Ngô Thị Thu Trang cho rằng, trong mối liên kết này, vai trò của HTX là rất quan trọng. Thứ hai, nếu địa phương tham gia sự liên kết thì kết quả khả quan hơn nhiều.
10h10
Ông Nguyễn Trí Hải, Giám đốc Nhà máy sản xuất mắm Trí Hải cho biết, công ty có nhu cầu lớn về các sản phẩm đầu vào sản xuất mắm ruốc, mắm tôm, ruốc khô. Ngoài ra, Trí Hải còn nhu cầu lớn về cá nục tươi; mực khô, tôm khô, cá khô để sản xuất, xuất khẩu.
Bên cạnh đó, công ty Trí Hải còn nhu cầu lớn về trái cây, và có nhu cầu hợp tác cùng địa phương, trong đó có Đồng Tháp.
Hiện công ty có 3 trạm dừng chân lớn ở Bà Rịa – Vũng Tàu, và có nhu cầu thành lập chuỗi nhà hành. Do đó, ông Hải có nhu cầu kết nối với các đơn vị sản xuất trái cây, hoặc nước trái cây để trưng bày sản phẩm.
10h00
Khách du lịch ngày càng hướng về nông dân, nông thôn
Bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho biết, khách du lịch thời gian qua luôn tỏ ra thích thú, gắn bó sau khi trực tiếp trải nghiệm cuộc sống nông thôn. "Rất nhiều khách của chúng tôi nói rằng họ thực sự muốn được sống cùng người dân ở vùng đồng quê. Họ vừa được biết đến từng nông sản, vừa được khám phá cuộc sống ngoài thành thị".
Theo bà Uyên, Đồng Tháp là tỉnh có nhiều phong cảnh đẹp, thiên nhiên hữu tình, nhiều nét văn hóa dân gian độc đáo. Tuy nhiên, lượng khách du lịch đến Đồng Tháp còn chưa tương xứng với tiềm năng địa phương. Lượng khách du lịch có tăng, song không đều và thời gian lưu lại còn ngắn. Để giải quyết vấn đề này, bà Uyên đề xuất các sở, ngành và từng địa phương của Đồng Tháp nên liên kết với nhau và liên kết mở rộng sang các tỉnh khác để tạo thành tour, tuyến du lịch đặc thù.
Nếu như trước kia, trong ấn tượng của nhiều người, thường thì khách nước ngoài sẽ thích kiểu trải nghiệm ăn, ở cùng dân địa phương, song hiện tại khách nội địa cũng quan tâm.
"Nhiều du khách cho biết họ muốn mang theo con trẻ đến để chúng được sống trong không gian đồng quê. Những khách du lịch trẻ thì cũng thích được khám phá hơn là chỉ ở trong khách sạn, ăn uống rồi đi ngắm cảnh qua loa", bà Uyên nói.
Song để tận dụng được thế mạnh của Đồng Tháp nói riêng và Nam Bộ nói chung, bà Uyên cho rằng vẫn cần có chiến lược phát triển tương xứng. "Diễn đàn lần này hoàn toàn có thể là cơ hội để người dân, chính quyền, doanh nghiệp cùng ngồi lại với nhau, bàn cách thu hút khách du lịch sao cho tương xứng với tầm vóc Đồng Tháp", bà Uyên nhận xét.
9h40
Hai nhiệm vụ của Tổ điều hành Diễn đàn kết nối 970
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam giao hai việc cho báo Nông nghiệp Việt Nam.
Một, là kết hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức Lễ hội Xoài tại Đồng Tháp, hoặc một số tỉnh ĐBSCL vào tháng 12/2021.
Hai, là kiểm tra việc kết nối tiêu thụ nông sản trong thực tế, khi diễn đàn kết thúc.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu, cần có kết quả cụ thể qua từng phiên, đồng thời gợi mở ý tưởng về việc lập các đầu mối để kết nối giữa người bán và người mua, tổng hợp, trước khi báo cáo lại thành viên diễn đàn.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Thành Nam cũng đồng ý với đề xuất của Công ty Chánh Thu, về việc thành lập một mô hình điểm, gắn với chuỗi giá trị xuất khẩu. Bộ NN-PTNT cam kết hỗ trợ hạ tầng, trước khi nhân rộng mô hình ở 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang.
Thứ trưởng đề nghị Công ty Chánh Thu đưa những thông tin về thị trường xuất khẩu một cách cụ thể, đồng thời đề nghị UBND Đồng Tháp ủng hộ kế hoạch này.
9h25
Tập trung quy trình canh tác chuẩn, hướng tới các thị trường cao cấp
Theo bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu, trong thời gian tới công ty muốn xây dựng các HTX liên kết với bà con để xây dựng mô hình liên kết bền vững, những HTX này sẽ trở thành những chi nhánh của Chánh Thu tại Đồng Tháp.
Do đó, Chánh Thu rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để củng cố mối liên kết này. Ngoài ra, sắp tới Công ty Chánh Thu sẽ cùng các bạn hàng Trung Quốc đến Đồng Tháp để tìm hiểu về 2 loại nông sản tiềm năng cho thị trường này đó là sầu riêng và mít.
Theo bà Ngô Tường Vy, mít của Đồng Tháp được khách hành Trung Quốc đánh giá rất cao. Trong kế hoạch của mình, Công ty Chánh Thu sẽ xây dựng điểm thu mua tại Đồng Tháp cho 3 sản phẩm chính là xoài, sầu riêng và mít, trong đó xoài sẽ phục vụ cho các thị trường Mỹ và Australia.
Tuy nhiên, đại diện Công ty Chánh Thu cho biết thêm, các khó khăn đang gặp phải là cách đưa các nông dân vào quy trình canh tác chuẩn, theo tiêu chuẩn cao để công ty có thể giúp bà con đưa nông sản đến với các thị trường cao cấp hơn như châu Âu.
“Hiện nay, điều chúng tôi lo ngại và vùng nguyên liệu và chất lượng sản phẩm chứ không phải đầu ra cho nông sản”, bà Ngô Tường Vy khẳng định.
9h10
Xây dựng kênh thương mại điện tử chuyên biệt để tiêu thụ sản phẩm OCOP
Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương chia sẻ, Đồng Tháp có 167 sản phẩm OCOP (xếp thứ 5 cả nước). Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, dự kiến tháng 12/2021, Bộ NN-PTNT sẽ cùng tỉnh Đồng Tháp tổ chức chương trình kết nối OCOP vùng ĐBSCL tại Đồng Tháp gắn với Lễ hội Xoài (là sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp). Qua đó tạo ra sức hút đối với các doanh nghiệp cung ứng, tiêu thụ và người dân tham gia.
Bên cạnh việc tổ chức các hội chợ, kết nối với các doanh nghiệp, chuỗi siêu thị, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cũng đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị ứng dụng hệ thống thương mại điện tử để hình thành cơ sở dữ liệu cho hơn 2.700 chủ thể OCOP với 5.012 sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, "chúng tôi cũng tiến tới xây dựng kênh thương mại điện tử chuyên biệt để tiêu thụ sản phẩm OCOP cho vùng ĐBSCL cũng như tỉnh Đồng Tháp nói riêng để tạo điều kiện cho người tiêu dùng dễ tìm, dễ mua và dễ tiếp cận với sản phẩm OCOP", ông Tiến phát biểu.
9h00
Một số Doanh nghiệp, HTX cần tìm đối tác
Thông qua diễn đàn, một số Doanh nghiệp, Công ty, HTX muốn tìm đối tác. Cụ thể:
- Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Hòa Hưng chuyên sản xuất Hủ tiếu, phở, bún sấy khô... đạt chứng nhận ISO 22000 vào năm 2020 do tổ chức SGS đánh giá, khả năng sản xuất từ 200 tấn đến hơn 300 tấn sản phẩm/tháng. Email liên hệ kết nối: congtyhoahung.sadec@gmail.com, dthuylik@gmail.com. ĐT 0914270228 (Đoan Thùy)
- Công ty Tây Cát tại Lai Vung - Đồng Tháp sản xuất các loại bánh trái cây cuộn bánh phồng, sản lượng tầm 8-10 tấn/tháng; www.taycat.com.vn; 0907391389 Thủy; cacthuy@gmail.com.
- Hợp tác xã nông sản Chợ Mới tỉnh An Giang chuyên cải tùa xại, dưa leo, rau củ quả các loại mong được hợp tác với các công ty, siêu thị. Liên hệ: Út Dứt 0987007882, Zalo 0832359248.
- Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Khải Minh Food. Địa chỉ: Số 51, Đường Số 2, KDC Him Lam, Tân Hưng, Quận 7, TP.HCM. Nhà máy: Ấp 2, Sơn Phú, Giồng Trôm, Bến Tre. Công ty cần thu mua các sản phẩm phục vụ xuất khẩu: trái cây tươi, sấy, cấp đông: Sầu riêng, Xoài, Thanh long, Cam, Ổi, Chuối, Mít, Dưa lưới, Khoai, Ớt, Dừa gọt, Bưởi Da xanh, Bưởi 5 Roi. Liên hệ: Lý Ngọc Châu - 0878588889 khaiminhfood.vn@gmail.com.
- Công ty MISO ELECTRIC GROUP LLC (USA) đang cần thu mua các sản phẩm bột trái cây, trái cây tươi, sấy, cấp đông: Sầu riêng, Xoài, Bưởi Da xanh, Thanh long, Bưởi Năm roi… để xuất khẩu EU, Mỹ… Mọi chi tiết liên hệ: Email: helenmiso@gmail.com / WhatsApp: +84934167188.
- Công ty CP Gạo Ông Thọ chuyên về gạo thực dưỡng, gạo đặc sản, đóng túi hút chân không định hình vuông. Công ty rất mong được hợp tác kết nối cùng các đơn vị phân phối sản phẩm trong cả nước sau diễn đàn. Số ĐT: 0966811811 (Thảo).
- Công ty Nông Sản Chú Chín cung cấp trái cây tươi Xoài, Dưa hấu,… cho các hệ thống siêu thị, thực phẩm sạch, mong được kết nối với các nhà mua qua Email: chuchin@nsc9.vn hoặc SDT: 0907 966 988.
- Công ty E&CVN đang phối hợp cùng Trung tâm phát triển Phụ nữ ĐBCL để thực hiện Chương trình phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp an toàn và chuẩn OCOP tại Cần Thơ, gồm hai hoạt động tiêu biểu là: Cửa hàng trưng bày bán lẻ và Sàn dịch vụ Thương mại điện tử chuyên ngành hàng Nông nghiệp. Công ty rất mong được sự ủng hộ để cùng góp sức phát triển đầu ra sản phẩm OCOP. Liên hệ: 09819 67 918 (Nhân - Phụ trách Chương trình).
8h45
Sài Gòn Co.op ưu tiên hợp tác xã, đơn vị có xác nhận OCOP
Đại diện Sài Gòn Co.op, ông Âu Hoàng Hải – Giám đốc phụ trách thu mua sản phẩm, cho biết đơn vị này đã mua và trưng bày nông sản Đồng Tháp từ nhiều năm nay. Trong tình hình hiện tại ông Hải cho biết ngoài các tiêu chí pháp lý bắt buộc mà các nhà cung cấp đã nắm rõ, cần có thêm những chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP, OCOP hay mã xác nhận vùng trồng.
“Với từng sản phẩm sẽ có tiêu chí cụ thể, ví dụ như với xoài loại 1 là trọng lượng trên 400g. Nhãn, ổi, cũng có tiêu chí riêng. Các chi tiết này được chúng tôi công khai trên trang web của đơn vị”, ông Hải nói.
Đại diện Sài Gòn Co.op bày tỏ mong muốn tiếp cận vùng trồng với các sản phẩm đặc hữu. Đơn vị này đang tìm kiếm sản phẩm để tiêu thụ ở Singapore, Thái Lan. Ông Hải mong muốn Đồng Tháp và các địa phương có những sản phẩm đáp ứng.
Nhấn mạnh đến việc ưu tiên các hợp tác xã nông nghiệp, ông Hải cho biết OCOP cũng là “một trong các tiêu chí để ưu tiên”. Nhà thu mua này hy vọng Bộ NN-PTNT cung cấp thêm đầu mối về sản phẩm địa phương để bộ phận thu mua chủ động liên lạc.
8h35
4 khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản Đồng Tháp
Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của công ty là trái cây tươi. Đó là lý do Vina T&T sớm hợp tác và đẩy mạnh liên kết với Đồng Tháp – địa phương có thế mạnh về xoài, nhãn, sầu riêng và một số nông sản khác.
Lãnh đạo Vina T&T nêu 4 khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản. Thứ nhất, là thời gian vận chuyển. Ví dụ, hàng xuất Mỹ, vận chuyển hơn 3 tuần, nhưng mất thêm khoảng 3 tuần nữa để nhập kho do hải quan chỉ làm việc 50%. Hàng đi Trung Quốc, trước là từ 4-5 ngày, nhưng giờ tăng thành 7-8 ngày do chậm thông quan.
Thứ hai, ông Tùng nhận xét, chất lượng trái cây năm nay của Đồng Tháp không bằng mọi năm, người dân không đảm bảo được khâu chăm sóc, và có thể dẫn tới thiếu hàng xuất khẩu thời gian tới.
Thứ ba, Đồng Tháp đang tái cơ cấu cây trồng, từ nhãn sang sầu riêng, nhưng hiện sầu riêng chưa xuất được chính ngạch sang Trung Quốc.
Thứ tư, người dân chưa có nhiều thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước. Ông Tùng lấy ví dụ, châu Âu ưa chuộng thanh long dưới 300g, còn Mỹ lại trên 450g, nhưng không phải đơn vị nào cũng biết điều này.
Để tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản Đồng Tháp, ông Tùng đưa một số kiến nghị. Một, là tích cực đàm phán để sầu riêng xuất chính ngạch vào Trung Quốc.
Hai, là địa phương cần tìm hiểu kỹ thị trường xuất khẩu. Về phía Vina T&T, với lợi thế về hệ thống logistics, kho bãi, công ty sẵn sàng làm cầu nối giúp nông dân, HTX đưa hàng vào siêu thị, giúp giảm chi phí, cũng như giảm thất thoát ở các khâu sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch, đảm bảo cả nội tiêu lẫn xuất khẩu. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đàm phán để đưa nông sản vào các siêu thị lớn.
Ngoài ra, Vina T&T đang dự định kết hợp đưa các đoàn khách quốc tế du lịch, tham quan vườn trồng, đặc sản vùng miền tại Đồng Tháp. Đây là chương trình được công ty lên ý tưởng từ 2 năm trước, và đã quảng bá tại Mỹ, Australia. Mục đích là kích hoạt nhu cầu tìm hiểu văn hóa Việt Nam của khách nước ngoài, sau khi thưởng thức trái cây, giúp tăng giá trị thặng dư cho ngành nông nghiệp.
Ông Tùng cũng cam kết, gửi thông tin về các đơn vị thu mua, tiêu chuẩn kỹ thuật cho các huyện, các vựa trái cây của Đồng Tháp trong thời gian tới.
8h25
Sẵn sàng mở lễ hội về xoài Đồng Tháp
Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Group Việt Nam, cho biết, doanh nghiệp có hệ thống siêu thị trải dài trên toàn quốc và trong thời gian dịch vừa qua, tập đoàn đã tăng được lượng mua từ 20-30%. Trong thời gian tới, Central Group sẽ tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao, trong đó ở Đồng Tháp có các sản phẩm như xoài, cá ba sa, gạo… Do đó, Central Group sẽ đưa ra những yêu cầu về sản lượng để có thể cung cấp cho hệ thống siêu thị của Central Group cả trong nước và ở thị trường nước ngoài.
“Vài tháng trước, Central Group đã đến Đồng Tháp và cảm thấy chưa hài lòng khi sản phẩm trong siêu thị chất lượng không cao như trong các nhà vườn và từ đó tôi quyết tâm tìm phương án nâng cao chất lượng cho xoài trong siêu thị của Central Group”, ông Paul Le nói.
Ngoài ra, Central Group cũng nghĩ đến việc tổ chức lễ hội riêng về xoài Đồng Tháp, vừa để kết nối với người tiêu dùng vừa quảng báo thương hiệu cho nông sản hấp dẫn này. Về ý tưởng này của ông Paul Le, qua gợi ý của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn và Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho biết sẵn sàng phối hợp với Bộ NN-PTNT để tổ chức Lễ hội Xoài tại Đồng Tháp vào cuối năm nay.
8h15
Những sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của Đồng Tháp
Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, chia sẻ: So với các tỉnh, thành khác tổ chức Diễn đàn kết nối nông sản 970, thì UBND tỉnh Đồng Tháp mời ít đơn vị (các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán, trang trại, doanh nghiệp) tham gia hơn. “Chúng tôi chỉ mời các đơn vị có đủ khả năng và cam kết sẽ liên kết tham gia với doanh nghiệp trong cung ứng sản phẩm, đảm bảo chất lượng để đưa vào các chuỗi siêu thị và xuất khẩu”.
Cũng theo ông Huỳnh Tất Đạt, Đồng Tháp có thế mạnh nhất là lúa gạo và thủy sản. Trong đó sản lượng lúa hàng năm trên 3,37 triệu tấn, chủ yếu là lúa chất lượng, lúa đặc sản, lúa nếp giá trị cao. Ngoài ra, trong 3 tháng cuối năm 2021, Đồng Tháp có khoảng 21.000 tấn xoài được sản xuất theo quy trình VietGAP, GobalGAP,...
Ngoài ra, tổng đàn vịt hiện nay có khoảng 5 triệu con, lượng trứng từ nay đến cuối năm khoảng 120 triệu quả.
Hoa kiểng cũng là “đặc sản” của Đồng Tháp với truyền thống sản xuất 300 năm, mỗi năm cung cấp trên 2.500 loài hoa, đây là chuỗi mang lại thu nhập tương đối lớn cho bà con, sản phẩm phục vụ chủ yếu vào dịp tết.
Bên cạnh đó, diện tích nhãn toàn tỉnh khoảng 5.600ha, sản lượng từ nay đến cuối năm khoảng 600.000 tấn. Sen cũng là sản phẩm đặc trưng của Đồng Tháp với sản lượng tương đối lớn, từ cây sen đã chế biến được ra hơn 20 sản phẩm.
Đối với lĩnh vực du lịch, Đồng Tháp đang tập trung phát triển mô hình homestay và du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, làng hoa Sa Đéc có 4 HTX, 10 hội quán, 2.500 hộ tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh hoa kiểng, 1 Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và 1 Trung tâm thương mại hoa kiểng đã đưa vào hoạt động.
Làng hoa Sa Đéc hàng năm đón khoảng 3 triệu lượt khách tham quan, trong đó có hơn 170.000 lượt khách quốc tế, ngoài ra tỉnh còn có 51 điểm du lịch cộng đồng...
8h10
Đồng Tháp còn tồn 30.000 tấn thủy sản
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết địa phương hiện còn tồn 30.000 tấn thủy sản, cụ thể là hơn 20 ngàn tấn cá tra, còn lại là cá lồng bè.
“Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở ĐBSCL, Đông Nam bộ, TP.HCM... với thời gian kéo dài nhiều tháng, làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa đến các thị trường”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết với sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, các hợp tác xã, đặc biệt là sự giúp đỡ của Tổ 970 đã khiến hàng hóa trên địa bàn tỉnh đến được tay người tiêu dùng. Nông thủy sản lưu thông, song còn đó những trở ngại.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp gửi lời cảm ơn Tổ 970 cùng cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hội quán nông dân. Về tình hình trong thời gian tới, ông Tuấn cho biết do đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 nên việc sản xuất đã có khởi sắc.
Qua diễn đàn, ông Tuấn kỳ vọng nông dân, doanh nghiệp tìm thấy nhau, góp phần tiêu thụ hàng hóa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng đây là cơ hội để Bộ NN-PTNT cùng các sở, ngành của tỉnh tìm hiểu những khó khăn trong thực tế hiện nay và bàn giải pháp tháo gỡ.
8h05
Góp phần tạo không gian để các bên cung - cầu gặp gỡ
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Diễn đàn kết nối Nông sản 970 được Bộ NN-PTNT thành lập và hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo Phát triển Thị trường nông sản Bộ NN-PTNT.
“Từ thực tiễn yêu cầu hoạt động kết nối sản xuất tiêu thụ nông sản cũng như nhằm hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản trong đại dịch Covid, thời gian vừa qua, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 đã tổ chức nhiều phiên Diễn đàn kết nối với các địa phương, vùng miền trong cả nước”, ông Nguyễn Ngọc Thạch nói.
Theo ông, các phiên diễn đàn với sự tham gia của lãnh đạo chính quyền địa phương, các sở ban ngành, đặc biệt là sự tham gia của các cơ sở, đơn vị sản xuất với các DN chế biến, tiêu thụ nông sản, các hiệp hội, DN ngành hàng, hệ thống các chuỗi siêu thị bán sỉ bán lẻ lớn trên cả nước đã góp phần tạo không gian để các bên cung - cầu gặp gỡ, trao đổi kí kết hợp tác.
Qua đó, góp phần hạn chế được những tổn thương, đứt gãy trong chuỗi sản xuất tiêu thụ; góp phần đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì hoạt động kinh tế của các địa phương, cũng như các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Phiên Diễn đàn thứ 7 lần này, xuất phát từ nhu cầu địa phương và các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, được sự chỉ đạo, định hướng từ lãnh đạo Bộ NN-PTNT, của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 đã phối hợp với các cơ quan của tỉnh và thống nhất tổ chức phiên Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Đồng Tháp.
Theo Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam: “Đồng Tháp là một tỉnh ĐBSCL với nhiều nông đặc sản nổi tiếng như hoa trái, gạo, thủy sản; nhiều sản vật nổi tiếng được định danh thương hiệu như Xoài Cao Lãnh; Bánh phồng tôm Sa Giang; Nem, Quýt hồng Lai Vung. Đặc biệt nơi đây nổi danh là xứ sở của sen hồng Tháp Mười”.
Đặc biệt, Đồng Tháp là tỉnh liên tục nằm trong nhóm tốp đầu về chỉ số năng lực canh tranh (PCI) cấp tỉnh, với 3 năm liên tục (2018, 2019, 2020) giữ vị trí thứ 2 trên trên 63 tỉnh thành và là năm thứ 13 liên tiếp trong Top 5 của cả nước.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp cũng được biết đến với các hoạt động kinh tế tập thể, cộng đồng sôi động với trên 100 hội quán và 200 HTX trong đó có 180 HTX nông nghiệp; trên 900 tổ hợp tác nông nghiệp (THT) với hàng chục nghìn tổ viên.
“Những hạt nhân này cũng là nơi khởi tạo, dẫn dắt và trực tiếp tạo ra lượng nông đặc sản phong phú, đa dạng, có giá trị kinh tế cao cho tỉnh Đồng Tháp”, ông Nguyễn Ngọc Thạch nhấn mạnh và thông tin thêm, phiên Diễn đàn hôm nay được Báo Nông nghiệp Việt Nam tường thuật trực tiếp trên trang nongnghiep.vn; hệ thống thông tin trên các trang Fanpage Facebook, YouTube và cả nhóm zalo của Diễn đàn.