| Hotline: 0983.970.780

Diễn đàn Kết nối nông sản 970 - Phiên thứ VIII

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Loại bỏ những chuỗi cung ứng không đảm bảo yêu cầu

Thứ Bảy 23/10/2021 , 08:14 (GMT+7)

'Chúng ta tạo điều kiện để kết nối cung cầu nhưng cũng phải kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các chuỗi cung ứng', Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ký kết Chương trình hợp tác 'Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021- 2025'.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ký kết Chương trình hợp tác "Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021- 2025".

Nhằm thông tin và hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu, thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết nông sản bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người nông dân; xúc tiến thương mại nông sản giữa Hà Nội với các địa phương và kết nối người sản xuất nông lâm thủy sản giữa các địa phương và thị trường Hà Nội; nâng cao nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn; Bộ NN-PTNT, UBND TP. Hà Nội và UBND 40 tỉnh, thành phố phối hợp tổ chức Diễn đàn "Chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố".

Cũng tại diễn đàn này sẽ diễn ra Lễ ký kết Chương trình hợp tác “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021- 2025”.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, tại điểm cầu chính ở UBND thành phố.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, tại điểm cầu chính ở UBND thành phố.

Diễn đàn và Lễ ký kết chương trình hợp tác được tổ chức trực tuyến, diễn ra từ 8 giờ 30 – 11 giờ 30, thứ 7, ngày 23/10/2021; điểm cầu chính tại UBND TP. Hà Nội, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và UBND 40 tỉnh, thành dưới sự chủ trì của Bộ NN-PTNT và lãnh đạo UBND TP. Hà Nội.

Hình ảnh tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam (14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Hình ảnh tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam (14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Có khoảng 600 đại biểu tham dự, gồm: Đại diện lãnh đạo UBND, Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Trung tâm xúc tiến thương mại… của 41 tỉnh, thành phố; đại diện các cơ quan liên quan của Bộ NN-PTNT; các nhà mua nông sản: Hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ, kênh phân phối, doanh nghiệp chế biến – bán lẻ - xuất khẩu; các nhà cung nông sản: Các chuỗi sản xuất nông sản, doanh nghiệp, HTX, trang trại, hộ nông dân…

Diễn đàn "Chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố" là phiên thứ 8 do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản 970 thuộc Ban Chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Từ tháng 9/2021 đến nay, Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản 970 đã tổ chức được 7 diễn đàn: Kết nối tiêu thụ nông sản trong điều kiện giãn cách, Kết nối tiêu thụ nông sản tươi sống cho TP. Hồ Chí Minh trong điều kiện giãn cách, Kết nối tiêu thụ nông sản cho Tây Nguyên; Kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Bình Dương, Kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Đồng Tháp…

Từ những diễn đàn này đã có hàng trăm hợp đồng thương mại cung – cầu nông sản được ký kết. Đồng thời bước đầu hình thành hàng chục chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững.

Tất cảTổng thuật

11h50

Loại bỏ những chuỗi cung ứng không đảm bảo yêu cầu

z2870394518294_b3c0c50eb344f37945b6f2766ae4f565

Thứ trưởng Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ký kết Chương trình hợp tác "Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021- 2025".

Kết luận chương trình, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhận định, qua 8 phiên, Diễn đàn 970 đã khẳng định được vị trí trong việc kết nối giao thương nông sản giữa các tỉnh thành trong cả nước. Đây cũng là nguồn thông tin cho các cơ quan, cán bộ quản lý, chỉ đạo sản xuất của các bộ ngành cũng như các địa phương.

“Diễn đàn ngày hôm nay có 350 điểm cầu kết nối với hơn 1.000 người tham gia và đã kết nối được hơn 30 giao dịch ngay trong Diễn đàn. Ngoài ra, ngay sau Diễn đàn, Bộ NN-PTNT và TP. Hà Nội sẽ kí kết đưa ra những thỏa thuận, phối hợp triển khai những mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản”, Thứ trưởng thông tin.

Theo đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh phải coi trọng chất lượng nông sản cũng như nắm được thông tin các đầu mối cung ứng, đồng thời yêu cầu các đầu mối này đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để cung ứng cho thị trường Hà Nội.

“Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, ngoài việc biểu dương những chuỗi cung ứng đảm bảo được an toàn, chất lượng cũng cần loại bỏ những chuỗi không đảm bảo yêu cầu. Chúng ta tạo điều kiện để kết nối cung cầu nhưng cũng phải kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các chuỗi cung ứng”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

11h40

Kết quả kết nối cung – cầu nông sản ngay tại Diễn đàn

Tại Diễn đàn "Chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố" – Diễn đàn Kết nối nông sản 970, phiên thứ 8, nhiều doanh nghiệp, đơn vị thu mua nông sản, thực phẩm đã tìm được các nhà cung ứng tiềm năng.

Sau đây là một số kết quả:

  • Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam xác định nhà cung cấp tiềm năng gồm:

- HTX DVNN Mỹ Long (Đồng Tháp) cung cấp chanh xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGAP;

- Công ty TNHH Nông sản Chú Chín (Đồng Tháp), cung cấp xoài Cát chu, xoài Hòa Lộc... theo tiêu chuẩn VietGAP;

-  HTX nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (Gia Lai) cung cấp sầu riêng đóng thùng xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGAP.

-  HTX khoai lang (Đồng Tháp) cung cấp Khoai lang tím quy mô 2.000 – 3.000 tấn/năm, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

-  HTX Bắc Tây Nguyên Farm (Kon Tum) cung cấp bơ, sầu riêng, chuối tiêu hồng để xuất khẩu, riêng quy mô chuối khoảng 5.000-7.000 tấn/năm

  • Công ty Cổ phần Thực phẩm Sông Hồng Thăng Long xác định 3 nhà cung cấp tiềm năng:

- Công ty TNHH xuất nhập khẩu Cỏ May (Đồng Tháp) cung cấp cá tra nguyên liệu và chế biến sâu đạt tiêu chuẩn xuất lượng Châu Âu; Ếch thành phẩm theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

- HTX DV nông nghiệp Mỹ Long (Đồng Tháp) cung cấp ếch thành phẩm theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Công ty TNHH Hùng Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) cung cấp cá chim nguyên con.

  • Chuỗi siêu thị Nutri Mart xác định được 9 nhà cung cấp tiềm năng theo bảng danh sách sau:
  • Công ty Cổ phần Chuỗi nông sản thực phẩm Việt xác định 4 nhà cung cấp tiềm năng gồm:
  • Công ty Cổ phần Hoa Tây Bắc xác định được 4 nhà cung cấp tiềm năng theo bảng thông tin sau:
  • Công ty TNHH Toản Xuân xác định được 4 nhà cung cấp tiềm năng theo bảng sau:

11h35

Để người dân trong nước được sử dụng sản phẩm chất lượng tương đương hàng xuất khẩu

z2870394540027_a1a9dad6564f9da8eaa8f200742c10a2

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm & Thủy sản Nguyễn Như Tiệp phát biểu tại diễn đàn.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm & Thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết, ATTP là cốt lõi nâng cao giá trị, phát biển bền vững nông nghiệp.

Từ 2015, ATTP từng là vấn đề bức xúc. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT đã triển khai chương trình phối hợp, phát triển rau an toàn, chuỗi cung ứng cho Thủ đô. Hiện nay vấn đề đã phát triển rõ nét.

Theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và UBND Hà Nội, chương trình phải nâng tầm lên, vừa đảm bảo ATTP, vừa giúp nâng cao giá trị, nhằm đảm bảo những yêu cầu của cả thị trường xuất khẩu lẫn nội tiêu, tỷ trọng hàng hóa theo chuỗi cung ứng hàng hóa, an toàn được cao lên. Mục tiêu là đẩy mạnh liên kết giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận.

Chương trình sẽ được thực hiện từ giờ đến năm 2025 với 3 nội dung: duy trì kết quả, nhân rộng chuỗi cung ứng nông thủy sản an toàn, ít nhất 10% năm. Tiếp đến là nâng lên thành chuỗi giá trị, không chỉ an toàn, mà còn chất lượng, thương hiệu, bao bì, mẫu mã. Cuối là hỗ trợ chuỗi ngành hàng theo các tiêu chuẩn quốc tế.

“Lãnh đạo ngành nông nghiệp đều thống nhất, rằng làm thế nào để người dân trong nước được sử dụng hàng hóa có chất lượng tương đương hàng xuất khẩu”, ông Tiệp nhấn mạnh.

11h25

Nông sản đóng vai trò quan trọng trong thương mại song phương Việt Nam - Canada

dsq canada

Ông Brian Allemekinders, Tham tán Phát triển Đại sứ quán Canada tại Việt Nam.

Ông Brian Allemekinders, Tham tán Phát triển Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, gửi lời chúc mừng tới các lãnh đạo UBND HN Bộ NN-PTNT và các tỉnh thành cũng như các đối tác doanh nghiệp đã tổ chức một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh thành trong nước là khuôn khổ nền móng đảm bảo nguồn lương thực thực phẩm an toàn và bền vững cho nhân dân Hà Nội và các tỉnh thành trong bối cảnh “bình thường mới”.

Canada là đối tác phát triển, hợp tác nhiều năm với chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ NN-PTNT. Canada cũng hỗ trợ Việt Nam thông qua dự án mang tên “An toàn thực phẩm vì sự phát triển” như một nỗ lực cải thiện công tác an toàn thực phẩm và nâng cao tính cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường trong nước và quốc tế.

Việt Nam và Canada ngoài quan hệ hợp tác phát triển thì là đối tác thương mại lớn, cùng là thành viên của CPTPP. Ông cho rằng nông sản thực phẩm có vai trò vô cùng quan trọng trong thương mại song phương.

Dự án trên có 3 đối tác chính: Bộ NN-PTNT (cơ quan chủ quản), Bộ Y tế, Bộ Công thương. Thời gian tới, trong quá trình thực hiện dự án, Ngài Đại sứ mong rằng sẽ có thêm nhiều cơ hội để hợp tác thêm với các sở, ngành của các tỉnh tham gia dự án.

Bên Canada sẽ cố gắng hợp tác tốt nhất để hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường kết quả về an toàn thực phẩm và đảm bảo nguồn lương thực thực phẩm bền vững cho tất cả nhân dân trên cả nước.

11h20

Người dân Hà Nội sẵn sàng mua sản phẩm chất lượng tốt với giá cao

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, hiện nay, trên hệ thống phân phối của Thủ đô vẫn còn nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, tiêu chí về số lượng, sản lượng, chất lượng cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, số lượng những sản phẩm mang tính vùng miền, sản phẩm OCOP còn rất ít nên việc vận chuyển, tạo đà xuất khẩu vẫn còn bị hạn chế.

Qua đó, bà Lan đưa ra 5 ý kiến tới các địa phương và hệ thống phân phối. Thứ nhất, đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát các sản phẩm đặc sản có thế mạnh của vùng miền để gắn kết những tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng, số lượng với thị trường, phù hợp với nhu cầu thị hiếu, cân đối cung cầu trên thị trường, tránh việc sản xuất dư cung.

Thứ hai, các địa phương cần tập trung nâng cao giá trị sản phẩm. Người dân Hà Nội sẵn sàng mua đặc sản, sản phẩm chất lượng tốt với mức giá cao.

Thứ ba, đề nghị các tỉnh tiếp tục cung cấp đầu nối cung ứng nông sản để kết nối hệ thống phân phối, giảm chi phí logistics trong điều kiện dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn.

Thứ tư, đề nghị hệ thống phân phối tiếp tục công khai tiêu chuẩn, tiêu chí và hướng dẫn các doanh nghiệp và địa phương để nắm bắt, chuẩn bị đầy đủ những điều kiện gia nhập kênh phân phối, qua đó giúp tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.

Thứ năm, đề nghị các nhà phân phối tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm của các địa phương.

11h10

'Cửa hàng Bác Tôm' phối hợp với Bắc Kạn xây dựng chuỗi giá trị nông sản

Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Hòn Đất đang quản lý chuỗi cửa hàng Bác Tôm – chuyên phân phối thực phẩm sạch, thuần tự nhiên và đặc sản vùng miền cho biết: “Tôi nhất trí với bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, tập trung phát triển giá trị các đặc sản và gia tăng giá trị sản phẩm”.

Tại Bắc Kạn, chúng tôi muốn xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm hồng không hạt, miến dong, bí thơm và đặc sản hồ Ba Bể - là hồ tự nhiên lớn nhất cả nước, có nhiều di sản và giá trị văn hoá để thu hút thêm khách hàng. Chúng tôi cam kết sẽ thúc đẩy chuỗi bền vững, từ xây dựng vùng nguyên liệu, quy trình trồng, chăm sóc, bảo quản, thu hoạch, sơ chế, chế biến và đưa đến tay người tiêu dùng, chứ không đơn thuần là việc kết nối nông sản ngay tại hội nghị”, ông Chiến nói.

Đồng thời, người đứng đầu Công ty Nông nghiệp Hòn Đất cung chia sẻ, tại Diễn đàn kết nối nông sản 970 tại các tỉnh Tây Nguyên vừa qua, chúng tôi cũng đã kết nối được với một số đầu mối và nhập được một số chuyến hàng.

11h00

Sản phẩm đặc sản vùng miền Việt Nam có nhiều ưu thế khi lên kệ quốc tế

diem hang

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (hệ thống siêu thị Nutri Mart).

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (hệ thống siêu thị Nutri Mart) thông tin, đến cuối năm 2021, Nutri Mart sẽ bắt đầu vận hành hệ thống siêu thị đầu tiên cung cấp mặt hàng đặc sản của 63 tỉnh thành của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Đồng thời Công ty sẽ chào bán sản phẩm Việt Nam trên gian hàng thương mại điện tử Amazon tại Mỹ.

Theo bà Hằng, với việc ứng dụng công nghệ 4.0 và công nghệ AI, người tiêu dùng trong nước cũng như trên thế giới có thể tiếp cận các sản phẩm đặc sản vùng miền của Việt Nam. Những sản phẩm đặc sản vùng miền của Việt Nam đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng có nhiều ưu thế khi xuất hiện tại thị trường quốc tế và được người tiêu dùng đón nhận.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng cho rằng hiện nay, trong công tác kết nối, tiêu thụ nông sản, công tác chỉ đạo của các cơ quan ban ngành rất "nóng" nhưng dưới các địa phương lại rất "nguội", qua đó làm chậm khâu vận chuyển, chào bán sản phẩm ra quốc tế.

“Sản phẩm của Việt Nam nhiều nhưng vẫn còn rất yếu về mẫu mã cũng như chất lượng để có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Vì vậy chúng tôi rất cần những thông tin cụ thể về số lượng hàng hóa tại các địa phương”, đại diện Công ty cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam đề xuất.

Nutri Mart - chuỗi siêu thị liên hoàn thuộc Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam – Vinanutrifood, kinh doanh, phân phối và xuất khẩu các sản phẩm “Thuần Việt” được chế biến sâu từ nông nghiệp và dược liệu Việt có chất lượng cao.

Đến hết năm 2021, dự kiến công ty sẽ đạt 1.000 siêu thị và hoàn thành mục tiêu 10.000 điểm bán trong nước đến hết năm 2025. Ngoài ra Nutri Mart còn sở hữu nền tảng bán hàng đa kênh trên 20 sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế tại nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Mỹ, EU.

Hiện chuỗi siêu thị đang có nhu cầu thu mua các sản phẩm sau:

nutrimart

10h45

Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro: Nền tảng thương mại điện tử là xu thế tất yếu

Bên lề diễn đàn, đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro chia sẻ, để các doanh nghiệp và người sản xuất sớm hồi phục, Hapro cho rằng cần tạo điều kiện vận chuyển, lưu thông hàng hóa thông suốt trong bối cảnh dịch bệnh.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác quảng bá các thương hiệu nông sản và sản phẩm OCOP; Xây dựng sàn giao dịch nông sản, hỗ trợ liên kết trao đổi thông tin, tăng tiêu thụ nông sản, thủy sản của các địa phương trên nền tảng thương mại điện tử; Các nhà phân phối, bán lẻ hiện đại xây dựng những gian hàng OCOP vùng miền đặc trưng tại các vị trí thuận lợi để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận.

Tại một số điểm bán thuộc hệ thống siêu thị BRGMart, minimart Haprofood/BRGMart hiện đã thực hiện việc này. Cần có sự liên kết, tư vấn từ nhà sản xuất với nhà bán lẻ nhằm nâng giá trị thương hiệu sản phẩm cũng như thương hiệu nhà phân phối trong lòng người tiêu dùng.

Với sức tiêu dùng lớn, hiện nay, Thủ đô có 22 trung tâm thương mại, 134 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 454 chợ (đầu mối và dân sinh), 1.800 cửa hàng tiện lợi, 141 chuỗi, trên 20.000 cửa hàng hóa, 8.355 điểm bán hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Thủ đô Hà Nội là một trong những thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trong TOP đầu của cả nước. Điều này đã được thể hiện rõ qua 4 đợt dịch Covid-19, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 vừa qua bùng phát tại Việt Nam vào đúng thời điểm nhiều địa phương thu hoạch nông sản, nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn vì không thể xuất khẩu.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt giúp tiêu thụ số lượng lớn các mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao tại thị trường nội địa như xoài, nhãn của Sơn La, Hưng Yên; vải thiều của Bắc Giang, Hưng Yên; cà rốt, su hào của Hải Dương, các sản phẩm của một số tỉnh thành miền Nam.

Thời gian qua, tại hệ thống 76 siêu thị BRGMart và minimart Haprofood/BRGMart đã triển khai tích cực hoạt động chung tay hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm gặp khó khăn về đầu ra với mức giá “phi lợi nhuận”.

10h55

Thu mua nông sản để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

Công ty Cổ phần Hoa Tây Bắc có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và phân phối nông sản, đặc biệt là hoa tươi, có kết nối và quan hệ tốt với các bạn hàng nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Hiện tại công ty đang có nhu cầu thu mua nông sản để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn nhập khẩu bên phía Trung Quốc.

10h50

Thu mua gạo, thịt, cá, giò chả, đồ chế biến

Công ty cổ phần chuỗi nông sản thực phẩm Việt đang phân phối nông sản vào thị trường nội địa với thương hiệu Ruộng Nhà Mình. Ngoài ra, công ty đang là đối tác cung cấp Gạo và thủy sản cho các bếp ăn quân đội, các cụm khu công nghiệp lớn phía Bắc, nhu cầu thu mua và liên kết chuỗi của công ty cụ thể như sau:

Ảnh chụp Màn hình 2021-10-23 lúc 10.58.07

10h40

Nhu cầu thu mua cá tra, cá chim nước ngọt, đùi ếch

Ông Lê Anh Tài, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sông Hồng – Thăng Long cho biết, có nhu cầu thu mua một số sản phẩm, số lượng và giá mong muốn như sau:

z2870246747773_94de73dc8b00e436804f1f505fed2476

10h30

Sàn Postmart.vn đồng hành cùng nông sản Việt

z2870237091873_e130d1ab912e552b47991f3a22233226

Ảnh chụp màn hình sàn thương mại điện tử postmart.vn.

Bưu điện Việt Nam thường xuyên xuất hiện ở các điểm thu mua, tiêu thụ nông sản, đặc sản và vận chuyển hàng hóa tại các tỉnh Sơn La, Hải Dương, Bắc Giang, Sóc Trăng, Quảng Bình cùng nhiều địa phương khác.

Hàng trăm tấn vải thiều, dưa hấu, dưa lê, dứa, bí xanh, hành tím… đã được Bưu điện Việt Nam vận chuyển đi khắp cả nước hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân, góp phần chung tay giúp người nông dân an tâm sản xuất, an tâm chống dịch.

Postmart có phương châm: Tích cực đưa nông sản đặc sản mùa vụ của các địa phương lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, đặc biệt các vùng có dịch như Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh...

Bằng phương pháp mới, hiệu quả, an toàn và thuận tiện cho cả người mua và người bán, thiết thực chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn và tạo thói quen tiêu dùng hiện đại trong kỷ nguyên công nghệ và bùng nổ thương mại điện tử, Bưu điện Việt Nam đã trở thành cánh tay nối dài, là người bạn của nhà Nông đồng thời tạo ra một xu thế mới trong sản xuất nông nghiệp tại nông thôn.

Sàn thương mại điện tử Postmart.vn đang tích cực xây dựng nhiều tính năng mới, kèm với đó là các chiến dịch trực tiếp đào tạo hướng dẫn người dân cả nước cách thức mở gian hàng trên sàn Postmart. Bưu điện Việt Nam tin tưởng sẽ trở thành một kênh trao đổi mua bán hữu hiệu của người Việt xây dựng, do người Việt vận hành và dành cho người Việt, đồng thời quảng bá những sản phẩm đặc trưng của mỗi vùng miền Việt Nam ra thế giới.

Thông tin chi tiết có tại website: https://postmart.vn/

10h20

Trên 300 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại đăng ký cung ứng nông sản

anh Thach

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ Điều hành Diễn Đàn kết nối nông sản 970 thông tin tới diễn đàn.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ Điều hành Diễn Đàn kết nối nông sản 970, cho biết: Đến thời điểm hiện tại, đã có trên 300 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại của 26 tỉnh, thành gửi thông tin đăng ký cung ứng nông sản.

Và hiện có 15 doanh nghiệp đăng ký tương tác với Diễn đàn; 30 doanh nghiệp đăng ký thu mua nông sản, trong đó 5 doanh nghiệp, chuỗi siêu thị, đơn vị bán hàng có nhu cầu thu mua trong tháng 11/2021.

10h00

Thanh Hóa: 9 tháng đầu năm, có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng nông sản cho Hà Nội

Theo ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, tỉnh có lượng nông sản, thực phẩm lớn, đạt 1,5 triệu tấn/năm, và 200-250 nghìn tấn gạo dùng để trao đổi với các địa phương ngoại tỉnh trong đó có Hà Nội.

Đàn trâu bò của tỉnh đạt 450.000 con, đàn lợn 1,2 triệu con, gia cầm 23 triệu con, sản lượng 210.000 tấn thịt các loại mỗi năm. Đặc biệt, tỉnh đã sản xuất được 13-14 triệu lít nước mắm mỗi năm. Tỉnh đã có 20 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 - 5 sao. Tuy nhiên, việc giao thương giữa Thanh Hóa và Hà Nội chưa được nhanh.

Đầu năm 2021, tỉnh đã cung cấp danh sách 400 doanh nghiệp gửi Sở Công thương Hà Nội tổng hợp để kết nối các doanh nghiệp trực tiếp trong hoạt động giao thương.

9 tháng đầu năm, tỉnh có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng nông sản cho thị trường Hà Nội, ví dụ Công ty Thanh Hương, Công ty Thiên Trường 36, Công ty Sao Khuê,… với các sản phẩm nước mắm, thủy sản, thịt gia súc gia cầm, rau của quả các loại.

Tuy vậy, Thanh Hóa mới có 10-15 tấn nông sản/tháng đưa ra thị trường Hà Nội, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân dân Thủ đô và các tỉnh bạn.

Tỉnh Thanh Hóa mong muốn tiếp tục tham gia giao thương trao đổi với Hà Nội và các tỉnh bạn; đồng thời kiến nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục tạo điều kiện tham gia chương trình đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông sản, giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021-2025; tiếp tục tạo thuận lợi của các doanh nghiệp Thanh Hóa, giới thiệu với các doanh nghiệp Thủ đô, đẩy mạnh giao thương.

9h50

Người Thủ đô thiệt thòi vì chưa được thưởng thức cá song Quảng Ninh

Cá giò Vân Đồn 1

Cá song, cá giò của Quảng Ninh có chất lượng rất tốt, tuy nhiên chưa vào được thị trường Hà Nội (Ảnh minh họa).

Ông Đỗ Đình Minh – Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ: “Nói đến Quảng Ninh là nói đến thuỷ sản”. Bởi sản phẩm không chỉ có sản lượng lớn mà chất lượng và giá trị dinh dưỡng rất cao.

Đối với các mặt hàng thuỷ sản chủ lực, ông Đỗ Đình Minh cho biết,  tôm sú và tôm thẻ có sản lượng khoảng 20.000 tấn/năm, sản phẩm chỉ đủ cung ứng cho thị trường của tỉnh và một phần sang Trung Quốc.

Đối với nhuyễn thể, đây là lợi thế nổi trội của Quảng Ninh, hàu Thái Bình Dương được nuôi trên diện tích khoảng 20.000ha, sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm; hàu cửa sông có 4.000 – 5.000ha, sản lượng khoảng 50.000 tấn/năm.

“Chúng tôi đã xác định được vùng nguyên liệu và sản lượng, tuy nhiên, việc cung ứng gặp khó khăn do hình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc và Đài Loan tiêu thụ khoảng 50-60% tổng sản lượng hàu của tỉnh. Các tỉnh, thành trong cả nước chỉ tiêu thụ được 30-40 tấn hàu mỗi ngày, riêng Thủ đô thì bình quân chỉ 3-4 tấn/ngày, tương đương mỗi năm từ 100 – 1.200 tấn hàu, đây là mức tiêu thụ rất khiêm tốn”, ông Minh cho biết.

Đối với ngao, tu hài thì sản lượng khoảng 50.000 tấn/năm, chủ yếu tiêu thụ ở Trung Quốc, thị trường tiêu thụ ở Hà Nội và các tỉnh rất khiêm tốn.

Còn đối với cá song, cá giò, cá vược có sản lượng khoảng 50.000 tấn/năm, nhưng cũng không vào được thị trường Hà Nội vì giá ở chợ đầu mối Hà Nội quá rẻ, chúng tôi không thể cạnh tranh được.

“Trong khi đó, cá song Quảng Ninh được nuôi ở khu vực nước trong, biển sạch, không có phù sa nên thịt cá rất thơm, ngon và chắc, đây là thiệt thòi cho người dân Thủ đô khi chưa được thưởng thức cá song ở Quảng Ninh”, ông Minh nói.

9h40

Kiên Giang rất mong kết nối với thị trường Thủ đô

khom tac cau

Dứa (khóm) là sản phẩm đặc thù của Kiên Giang, gần như sản xuất quanh năm (Ảnh minh họa).

Theo ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, tỉnh có 4 vùng sinh thái, trong đó có ngọt lợ, có lợ mặn, có phèn mặn, có vùng hải đảo. Có thể coi đây là Việt Nam thu nhỏ, tập trung trồng trọt và thủy sản. Trồng trọt có sản lượng hơn 4 triệu tấn, còn thủy sản hơn 1 triệu tấn.

Sản phẩm của Kiên Giang hiện tiêu thụ chủ yếu tại TP.HCM, chưa ra thị trường Hà Nội nhiều. Kiên Giang hiện có hơn 600ha ruộng được chứng nhận hữu cơ, xuất khẩu đi các nước. Tỉnh trông đợi các doanh nghiệp, địa phương đầu tư, kết nối, tiêu thụ.

Sản phẩm đặc thù thứ hai là cây dứa (khóm), gần như sản xuất quanh năm. Hiện có 3 vùng sản xuất tập trung, mỗi nơi diện tích khoảng 2.700ha. Đây là vùng nguyên liệu có sẵn, hiện mới chỉ có Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tham gia.

Kiên Giang mong đợi và sẵn sàng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác. Hiện có 10.000 tấn tôm càng xanh có thể vận chuyển đi cả nước. 30.000 tấn tôm sú, có thể cung cấp từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm. 50.000 tấn tôm thẻ cung cấp quanh năm. Cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng, có thể cung ứng trên 3.500 tấn mỗi năm. Hiện Kiên Giang có 75 sản phẩm OCOP, tiêu biểu như nước mắm Phú Quốc.

“Kiên Giang rất mong kết nối với thị trường Thủ đô, và kết nối với các doanh nghiệp cung ứng”, ông Toàn nói.

9h30

Lâm Đồng: Sản xuất chế biến 400.000 tấn nông sản trong 3 tháng cuối năm

ca phe lam dong

Lâm Đồng còn khoảng 150.000 tấn cà phê cần tiêu thụ (Ảnh minh họa).

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Lâm Đồng, để có thể đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương, hiện tỉnh đang có 185 chuỗi liên kết với 18.500 hộ nông dân, diện tích 2.500ha để sản xuất chế biến 400.000 tấn nông sản trong 3 tháng cuối năm.

“Tuy tỉnh đã chủ động liên kết thị trường để tiêu thụ nông sản nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Lâm Đồng còn hơn 1 triệu tấn rau củ, 12.000 tấn bơ, 20.000 tấn sầu riêng và 150.000 tấn cà phê”, ông Nguyễn Văn Hùng thông tin.

Theo đó, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ NN-PTNT tạo điều kiện thuận lợi về những chính sách cho các doanh nghiệp nhập khẩu vật tư sản xuất nông nghiệp để ổn định giá.

Thứ hai, đề nghị Bộ chỉ đạo, vận động các đơn vị tiêu thụ, phân phối duy trì tăng sản lượng thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản cho người dân.

Thứ ba, cung cấp, hỗ trợ thông tin, giải pháp về công tác logistics, vận chuyển, phân phối hàng hóa sản phẩm tại các thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời hỗ trợ thông tin thị trường cho các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh qua các chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối cung cầu trên nền tảng kỹ thuật số.

9h20

Sóc Trăng: Các đơn vị, địa phương có nhu cầu kết nối cung - cầu nông sản liên hệ 0941373939

Ông Vương Quốc Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng khẳng định: “Thị trường quyết định sản xuất”. Bởi vậy, nếu người nông dân không tiêu thụ được sản phẩm, phải phải "giải cứu" thì không phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Sóc Trăng xác định thế mạnh là nuôi trồng thuỷ sản, lúa gạo và cây ăn trái. Đặc biệt, diện tích nuôi tôm nước lợ áp dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh khoảng 51.000ha. Bên cạnh đó, Sóc Trăng có vùng lúa – tôm với diện tích khoảng 10.000ha, kết hợp nuôi tôm và trồng lúa ST24, ST25 chất lượng cao.

Diện tích trồng cây ăn trái khoảng 28.000ha, chủ yếu là xoài, nhãn và vú sữa. Có 139 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao (gạo ST24).

Do đó, ông Vương Quốc Nam đề nghị các địa phương và Hà Nội có sự liên kết, hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau để tiêu thụ nông sản cho Sóc Trăng. Đồng thời, Bộ NN-PTNT giữ vai trò điều phối, chỉ đạo để xây dựng liên kết vùng trong phát triển nông nghiệp tại ĐBSCL từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Đối với tỉnh Sóc Trăng, số điện thoại để các đơn vị, địa phương kết nối cung – cầu nông sản là 0941373939.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, việc liên kết vùng ở ĐBSCL là rất cần thiết. Quan điểm của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan là phải hình thành liên kết vùng về nông nghiệp.

Trong ngày hôm nay, Bộ NN-PTNT sẽ ký kết với Thành phố Hà Nội về Chương trình phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thuỷ sản giao thương giữa Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021 – 2025”. Đây là liên kết vùng phía Bắc về an toàn thực phẩm, xây dựng mã số vùng trồng, hỗ trợ đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…

Sắp tới, Bộ NN-PTNT cũng sẽ phối hợp với Thành phố Cần Thơ để tổ phối hợp tổ chức liên kết vùng với các tỉnh ĐBSCL. Tiếp đến, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với TP.HCM về Chương trình đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thuỷ sản giao thương giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố.

9h10

Thái Nguyên: Tạo ra vùng nông nghiệp tập trung, chất lượng cao

Theo ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, hiện tỉnh đang đẩy mạnh chăn nuôi lợn và gia cầm trong các vùng chăn nuôi tập trung áp dụng các tiêu chuẩn VietGAp, hữu cơ,… sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi, góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản hằng năm bình quân tăng trên 4,5% hằng năm.

Trong chăn nuôi đã cung ứng khoảng 40% tổng sản lượng thịt hơi với 668 trang trại chăn nuôi trong đó 225 trang trại đã được ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất Sản lượng thủy sản tăng nhanh, trong năm 2021 ước đạt 15.000 tấn.

Trong lĩnh vực trồng trọt, các cây trồng thế mạnh địa phương đã gia tăng về sản lượng. Về lương thực hằng năm tỉnh đạt trên 460.000 tấn, rau dạt 258.000 tấn, quả 96.000 tấn.

Đặc biệt cây chè chủ lực của tỉnh, trong những năm gần đây tỉnh đã tập trung phát triển cà về diện tích và cơ cấu giống mới, năng suất, chất lượng; áp dụng công nghệ trong chế biến, trong đó tỉ lệ giống mới có năng suất đạt trên 245.000 tấn hằng năm. Đây được cho là cây làm giàu của người nông dân.

Hầu hết diện tích chè của tỉnh hiện nay đã được sản xuất theo hướng an toàn, áp dụng VietGAP, gần 2% diện tích chè cho sản phẩm được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Xu hướng phổ biển là phát triển mạnh ứng dụng quy trình canh tác an toàn, tăng sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm, thuốc sinh học. 2017 đến nay Thái Nguyên đã thực hiện xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng an toàn cho 58 cơ sở và 59 chuỗi sản phẩm an toàn.

Hiện nay toàn tỉnh có 76 sản phẩm được phân hạng OCOP 3 đến 4 sao, trong đó 2 sản phẩm đã được Bộ NN-PTNT chứng nhận OCOP 5 sao. Thái Nguyên đang triển khai đầu tư khu công nghiệp công nghệ cao 154 ha mong nhận được sự quan tâm của Bộ NN-PTNT và các doanh nghiệp trong cả nước đến tìm hiểu và đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

8h45

Một số Công ty, Doanh nghiệp cần tìm đối tác

Thông qua diễn đàn, chúng tôi nhận được nhiều thông tin muốn kết nối tiêu thụ, cung cầu nông sản. Cụ thể:

- HTX Thiên Phúc ở Chợ Gạo Tiền Giang có 2200 ha/7500 ha thanh long đạt chuẩn VietGAP, dừa 30 ha/6.800 ha, gia cầm 8 triệu con, ếch thịt 5 tấn/ngày. Hân hạnh được kết nối cung cấp sản phẩm. Liên hệ: 0273.350.5099, 0918.478.864 Phúc.

- Cỏ May Group - Đồng Tháp, chuyên về thức ăn thủy sản, lúa gạo và cá tra xuất khẩu gần 30 quốc gia. Khả năng cung ứng: Gạo 120.000/tấn/năm (đã xuất khẩu đi Úc, Hongkong, Canada, Singapore... hiện cung cấp nội địa cho các bếp ăn đơn vị Bộ Quốc phòng, KCN và các nhà phân phối trên toàn quốc); Cá tra đông lạnh 20.000 tấn/năm; Thức ăn Thủy sản 240.000 tấn/năm. Thông tin liên hệ: Văn Hoàng - Trợ lý thương mại 0914.617.917; Gạo: 02773.861.135; Thức ăn Thủy sản: 02773.615.999; Essential: 02773.925.988; Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản: 02773.976.779

- Dầu dừa tinh khiết sản xuất tại HTX Nông nghiệp Ngọc An (Bình Định) sản phẩm OCOP. Web: dauduangocan.vn / Zalo: 0986.956.932.

- Công ty Hồng Tân (HONGTANFOOD) chuyên sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu các sản phẩm gạo và sau gạo đạt chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe. Công ty được cấp chứng nhận ATTP, gạo ST24 Organic đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu với 600 thành phần dinh dưỡng được kiểm nghiệm đạt và sản phẩm này đã được bán tại Pháp từ 2019 đến nay; gạo Ngọc Đỏ Hương Dứa đạt OCOP... Công ty rất mong muốn hợp tác, kết nối với các doanh nghiệp, các đối tác trong chuỗi cung ứng ngành lúa gạo. Thông tin liên hệ: hongtanfood.com; Email: hongtanfood@honhtanfood.com.

- Tập đoàn Tân Long - chuỗi cửa hàng SIBA FOOD đang hiện diện tại Hà Nội - Hồ Chí Minh - Nghệ An và tỉnh thành khác. Đang tìm nhà cung cấp các ngành hàng: tươi sống, đặc sản vùng miền, trái cây, rau củ quả. Liên hệ: Vũ Khánh Duy (0945.547.775).

- Công ty Đông trùng Hạ thảo Thiên Ân, cung cấp các sản phẩm chế biến từ đông trùng hạ thảo, sản phẩm OCOP 4 sao tại Tiền Giang. Xin kết nối với chuỗi cung cầu hàng hóa. Liên hệ: 0919.872.743.

- Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên – Kon Tum, chuyên sản xuất các loại trà dược liệu, đặc sản Kon Tum như Trà Sâm dây Ngọc Linh DATO, Trà khổ qua rừng DATO. Sản phẩm được bán tại hệ thống siêu thị AEON và Co.op mart. Sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Liên hệ: 0985.797.368 – 0962.250.987.

- Công ty CP đặc sản Quảng Tín (Quảng Ngãi) chuyên phân phối nông sản OCOP, VietGAP…. Đặc sản Quảng Ngãi , tỏi Lý Sơn, hành Lý Sơn, quế Trà Bồng, thịt heo mọi, heo rừng, gà đen, ớt xiêm… chuối Nam Mỹ xuất khẩu. Liên hệ: 0919.402.403 (Ms Hường).

- Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp thu mua nông sản Thanh Hải (Ninh Thuận) chuyên cung cấp hành và tỏi tươi khô, giống các loại... Liên hệ Thương: 0374644266

- Công ty Phúc Bảo Ngọc, chuyên đóng gói tiêu thụ rau củ quả sạch tại TP.HCM và xuất khẩu trái cây tươi, các loai gia vị: Tiêu, quế, hồi. Tìm nguồn hợp tác các HTX để bao tiêu nông sản. Zalo: 0968288539.

- Công ty CP Nông sản Phú Gia, chuỗi 5F cung ứng ra thị trường 120 tấn thịt gà/tháng, thịt lợn 50 tấn/tháng, có 80 ha trồng trái cây: bưởi da xanh, bưởi Hoàng, bưởi Diễn, cam Vinh, cam Canh, dừa. Có 38 ha trồng: Rau xà lách, bắp cải, hành, khoai tây, cải ngọt. Thủy sản: Cá thu, cá nục , Mực một nắng, Tôm thẻ trắng. Liên hệ: 0962.391.999.

- HTX OCOP Quế Thanh (Na Rì, Bắc Kạn, ĐT: 0972.014.960) hiện đang thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu 100 ha cây thạch đen sương sáo, sản lượng tương ứng 700 - 800 tấn/năm (tiềm năng mở rộng vùng nguyên liệu còn rất lớn). Rất mong nhận được sự hợp tác của các đơn vị quan tâm để cùng tiến hành chế biến sâu các sản phẩm từ cây sương sáo của tỉnh Bắc Kạn.

- Long An có nhu cầu kết nối để tiêu thụ: Trứng và thịt gà ri (gà ác) được sản xuất theo quy trình kiểm soát nghiêm ngặt từ con giống, thức ăn và sản phẩm đầu ra. Gà nuôi trong môi trường kiểm soát ở nhiệt độ 23 – 25 độ C. Khả năng cung ứng 500.000 trứng/ngày; gà thịt làm sẵn hút chân không khả năng cung ứng 1.000 con/ngày. Thông tin liên hệ: Công ty TNHH Chăn nuôi công nghệ cao Hoàn Hảo Vina. Hotline: 0903.888.395; 0912.090.302 / www.hoanhaovina.com.

- Yến Sào Nha Trang có nhà yến trên 10 năm. Chuyên cung cấp yến sào các loại: nguyên tổ rút lông, yến tinh chế đắp tổ, yến sơ mướp, yến thô, yến thiên nhiên. Rất mong được kết nối với các nhà phân phối, người tiêu dùng. Có combo quà tặng kết hợp Đông trùng hạ thảo Đà Lạt sang trọng, tốt cho sức khoẻ. Liên hệ: Cửa hàng Yến sào Nha Trang. ĐT: 0907.920.900.

8h50

Bắc Kạn: 25.000 tấn cam quýt, 2.000 tấn miến dong cần tiêu thụ

bac kan

Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết tỉnh đang thúc đẩy tiêu thụ nông sản thông qua thương mại điện tử.

Theo bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, thời gian qua, công tác giao thương kết nối nông lâm thủy sản giữa Bắc Kạn với TP. Hà Nội đã được duy trì liên tục. Trong 3 năm qua, Bắc Kạn đã tổ chức những chương trình tuần lễ quảng bá giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tại Hà Nội.

Từ năm 2016, tỉnh Bắc Kạn đã chính thức xác định chuyển dịch cơ cấu sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp, qua đó tỉnh đã có 131 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao trở lên và một sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.

9 tháng đầu năm 2021, tỉnh Bắc Kạn đã sản xuất số lượng lớn nông sản đặc sản địa phương như bí xanh, măng khô, miến dong… TP. Hà Nội đã hỗ trợ Bắc Kạn tiêu thụ gần 700 tấn bí xanh thơm.

“Thời gian tới, để giữ mối liên hệ giao thương nông sản với Hà Nội, Bắc Kạn đã đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản qua các sàn giao dịch điện tử và các trang web, qua đó kết nối tiêu thụ với 56/63 tỉnh thành trên cả nước. TP. HCM và TP. Hà Nội đã hỗ trợ tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm miến dong, măng, tinh bột nghệ… của Bắc Kạn”, bà Đỗ Thị Minh Hoa thông tin.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, sắp tới địa phương này có 25.000 tấn cam quýt và 2.000 tấn miến dong cần tiêu thụ từ hiện tại cho đến Tết Nguyên đán.

Vì vậy, thông qua Diễn đàn này tỉnh Bắc Kạn mong muốn có những chương trình làm việc cụ thể với Hà Nội để trao đổi thông tin yêu cầu cụ thể về sản phẩm để mở rộng thị trường.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao những sản phẩm đặc sản, đặc hữu của tỉnh Bắc Kạn, qua đó đề nghị tỉnh chỉ đạo các đầu mối cũng ứng cung cấp những thông tin cụ thể số lượng hàng hóa tới các tỉnh cũng như Hà Nội, đồng thời kết nối thông tin với bộ phận kết nối của báo Nông nghiệp Việt Nam để liên kết các đầu mối cung cầu.

Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng yêu cầu tỉnh Bắc Kạn phải đảm bảo chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của biên bản kí kết giữa Hà Nội và Bộ NN-PTNT.

8h40

Nguồn cung nông sản thiết yếu cho Hà Nội sẽ khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán

so ct hn

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội thông tin về nhu cầu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của người dân Thủ đô.

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu phục vụ 10,3 triệu người dân sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn Thành phố một tháng như sau: Gạo 92.970 tấn (khả năng tự cung ứng 56.338 tấn, đáp ứng 65,6% nhu cầu); thịt lợn hơi: 18.594 tấn (khả năng tự cung ứng 17.500 tấn, đáp ứng 94,1% nhu cầu); thịt bò 5.350 tấn (khả năng tự cung ứng 1.032 tấn, đáp ứng 19,3% nhu cầu); thịt gia cầm 6.198 tấn (khả năng tự cung ứng 10.671 tấn).

Bên cạnh đó, người dân Thủ đô có nhu cầu sử dụng khoảng 5.350 tấn thủy hải sản (khả năng tự cung ứng 10.350 tấn, chủ yếu là thủy sản nước ngọt, các mặt hàng thủy sản nước lợ và nước mặn nhập từ các tỉnh 2.000 tấn/tháng); thực phẩm chế biến 5.165 tấn (khả năng tự cung ứng 1.000 tấn, đáp ứng 19% nhu cầu); rau củ 103.300 tấn (khả năng tự cung ứng 67.299 tấn, đáp ứng 65,1% nhu cầu); trái cây: 52.000 tấn (khả năng tự cung ứng 15.000 tấn, đáp ứng 28,8% nhu cầu); trứng gia cầm 123,9 triệu quả (khả năng tự cung ứng 117 triệu quả, đáp ứng 94,2% nhu cầu).

Bà Trần Thị Phương Lan cũng cho biết, một số mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, gia cầm, thuỷ cầm, thuỷ hải sản hiện nay giá xuống quá thấp, người dân không mặn mà tái đàn, do đó Sở Công thương Hà Nội dự báo nguồn cung các sản phẩm này sẽ khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Hà Nội mong muốn Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phối hợp để triển khai kế hoạch phục vụ Tết và triển khai kết nối cung cầu nông sản; giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn để đưa vào các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội.

“Hà Nội cũng sẵn sàng phối hợp để kết nối nông sản của các tỉnh, thành phố trên cả nước với các kênh siêu thị nước ngoài như MM Mega Maket, BigC, Aeon Mail... Đồng thời, quảng bá nông sản, thực phẩm an toàn trên 600 trang website thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu”, bà Lan chia sẻ.

8h30

Hà Nội tự sản xuất, cung ứng được 30-65% nhu cầu nông sản

ong Quyen

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu tại diễn đàn.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Thủ đô Hà Nội có vị trí địa lý, chính trị quan trọng, là trung tâm lớn nhất ở Bắc bộ, là thị trường tiêu thụ hàng hóa với mạng lưới phân phối lớn, thúc đẩy sự phát triển sản xuất, kinh doanh của vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng, miền trong cả nước.

Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp khoảng 189 nghìn ha, chiếm 56% tổng diện tích đất tự nhiên, tuy nhiên nhiều sản phẩm hàng hóa thiết yếu Hà Nội tự sản xuất và cung ứng chỉ đáp ứng từ 30-65% nhu cầu.

Lượng hàng hóa còn thiếu được doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm, thương lái... kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành phố thông qua hoạt động giới thiệu kết nối nguồn hàng nông, lâm, thủy sản, trái cây an toàn...

Trong 10 tháng đầu năm 2021, kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội hỗ trợ kết nối tiêu thụ lượng hàng từ các tỉnh, thành phố trên 220.000 tấn. Nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, Thành phố đã được kết nối đưa vào 35 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP của Thành phố Hà Nội; các đơn vị đẩy mạnh bán hàng hóa thiết yếu qua các website thương mại điện tử, hotline doanh nghiệp...

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ quảng bá, kết nối - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn các tỉnh, thành phố tại thị trường Hà Nội, thành phố sẽ nghiên cứu, triển khai các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố...

Xem thêm
Đoàn Thanh niên là hình ảnh đẹp của tuổi trẻ ngành nông nghiệp

Đó là khẳng định đầy tự hào của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp về vai trò tiên phong của thanh niên ngành NN-PTNT trong các phong trào tình nguyện, xung kích, sáng tạo.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2024 đạt hơn 533 triệu USD

Chiều 3/1, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Sơn La hỗ trợ hơn 1.500 hộ nghèo, cận nghèo có nơi ở mới

Công tác hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong các năm vừa qua tại tỉnh Sơn La từng bước tháo gỡ khó khăn trong đời sống của nhân dân...