Dù U23 Malaysia được đánh giá là khó chơi, đội quân của Gong Oh-kyun chỉ cần 28 phút để cởi được nút thắt trận đấu. Từ đường treo bóng bổng bên cánh trái, Nhâm Mạnh Dũng chọn đúng điểm rơi, ập vào đánh đầu căng cận thành, tung lưới đối phương.
Đây không phải lần đầu tiên trong năm 2022, bóng đá Việt Nam phá thế bí bằng một tình huống không chiến. Trước đó, tại SEA Games 31, Tiến Linh cũng làm điều tương tự trước người Mã tại bán kết. Để rồi sau đó, ở chung kết, tới lượt Mạnh Dũng tiếp tục ghi bàn bằng đầu, giúp chúng ta đánh bại Thái Lan để giữ lại tấm HCV.
Từ ngày trở lại hội nhập với bóng đá khu vực và quốc tế, Việt Nam thường tự tin là chơi kỹ thuật. Một đặc điểm chung của các cầu thủ chúng ta trong nhiều năm là nhỏ bé, chơi lắt léo, và giàu tính đột biến. Những ví dụ điển hình có thể kể tới như Văn Sỹ Hùng, Văn Quyến, hay gần đây là Quang Hải, Công Phượng.
Nhưng nếu chỉ dựa vào nhóm cầu thủ "quen thuộc" này, Việt Nam không thể tạo ra được kỳ tích, như đã làm xuyên suốt từ U19 châu Á 2016, U23 châu Á 2018 hay Asiad 2018. Bóng đá, suy cho cùng, vẫn là một môn thể thao đối kháng, nơi cầu thủ phải va chạm liên tục. Đó là lý do mà các thế hệ trước đây hầu hết chỉ đặt mục tiêu gói gọn trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, từ U23 châu Á 2016, chiều cao của các cầu thủ Việt Nam bắt đầu được cải thiện. Từ 1m70, 1m73, nay chiều cao trung bình của chúng ta luôn nằm trong ngưỡng từ 1m75 trở lên. Đặc biệt, với đội hình ra sân đá chính, con số này thậm chí còn cao hơn. Đơn cử như giải U23 châu Á 2022, U23 Việt Nam có tới 10 cầu thủ cao từ 1m80 trở lên.
Sự cải thiện về chiều cao tỷ lệ thuận với thành tích của bóng đá Việt Nam. Từ chỗ chật vật vào chung kết SEA Games, nay Việt Nam đã có 2 HCV liên tiếp tại đấu trường này, đồng thời vừa giành vé lọt vào tứ kết U23 châu Á 2022. Sự thay đổi ấy hiện rõ qua những cuộc tranh chấp tay đôi giữa cầu thủ chúng ta với U23 Malaysia tối 8/6. Các cầu thủ áo đỏ luôn tỏ ra thắng thế và rất chủ động khi lao vào, khiến những người Mã nổi tiếng đá rắn cũng phải chùn bước.
BLV Quang Huy từng phân tích: "Để chơi bóng bổng tốt, chiều cao phải lý tưởng, bên cạnh sức bật, khả năng tổ chức, và sự tập trung. Hiện chúng ta có một dàn cầu thủ to cao, nên việc chống bóng bổng rất yên tâm. Không những vậy, Việt Nam hiện còn sử dụng bóng bổng làm một vũ khí lợi hại. Qua từng giải, chiều cao của chúng ta được tận dụng và rèn kỹ, để mang tới những bàn thắng".
Hồi thập niên 1990, bóng đá Việt Nam chỉ có duy nhất Lê Huỳnh Đức đạt chiều cao lý tưởng 1m78. Nay, "tiêu chuẩn" ấy trở thành điều bình thường, thậm chí nghiễm nhiên với cầu thủ nếu họ muốn có suất lên tuyển ở những vị trí cần nhiều sức mạnh như tiền đạo hay trung vệ.
Chiến thắng 2-0 trước U23 Malaysia tối 8/6 nhìn có vẻ nhẹ nhàng, nhưng để có sự đơn giản ấy, chúng ta đã phải trải qua cả một quá trình.