Sáng 8/1, Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã trình bày Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá thực hiện Kế hoạch kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát các Nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội để chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, khoa học, linh hoạt với phương châm "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững".
Nhờ đó, tình hình KTXH nước ta tiếp tục phục hồi rất tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, năm 2024 đạt nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực và tốt hơn năm 2023.
Từ thực tiễn chỉ đạo, điều hành trong thời gian qua chúng ta đã đúc rút được 5 bài học kinh nghiệm quý. Trong đó, quan trọng nhất là bài học phải đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế và bài học nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, năm 2025 có ý nghĩa vô cùng quan trọng và là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề. Chúng ta phải "tăng tốc và bứt phá" để đạt mục tiêu phát triển KTXH của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021-2025, tạo tiền đề thực hiện kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2026-2030.
Năm 2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nghị quyết, kết luận của Đảng và Quốc hội, tập trung vào 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm giải pháp chủ yếu và 185 nhiệm vụ cụ thể để hướng đến các mục tiêu, chỉ tiêu.
Cụ thể, mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hoàn thiện thể chế, pháp luật; phát triển hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế; nâng cao uy tín, vị thế nước ta trên trường quốc tế.
Các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra là: phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao hơn 8%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân khoảng 4,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8-1% và 71 chỉ tiêu khác.
8 trọng tâm, đột phá của năm 2025
Từ mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã nêu lên 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá năm 2025.
Cụ thể, một là, hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá"; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; tổ chức thành công Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" gắn với phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường của các cấp; xóa bỏ cơ chế "xin - cho". Hoàn thành việc sắp xếp bộ máy các cơ quan của Chính phủ trong tháng 2 năm 2025.
Triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, chế độ trong sắp xếp tổ chức bộ máy, đồng thời thực hiện thu hút, trọng dụng nhân tài; xây dựng và bảo vệ đội ngũ cán bộ, công chức có chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Ban hành và triển khai hiệu quả Chương trình cắt giảm giấy phép tại các bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, công dân; đổi mới toàn diện việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên nền tảng số và không phụ thuộc địa giới hành chính.
Hai là, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trog đó, tập trung xây dựng ngay kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 của cả nước và từng địa phương với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đột phá, khả thi, hiệu quả.
Trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt trên 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi, tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030.
Ba là, huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp Nhà nước, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân. Triển khai quyết liệt các giải pháp để huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn vay trong và ngoài nước, nguồn lực hợp tác công tư và các nguồn hợp pháp khác để đẩy nhanh đầu tư các dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa. Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để khơi thông hiệu quả các nguồn lực từ thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia. Phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc và trên 1.000km đường bộ ven biển. Đầu tư toàn diện hạ tầng số, hạ tầng nghiên cứu phát triển (R&D), nâng cấp hạ tầng trục viễn thông quốc gia, cáp quang biển; đẩy mạnh thương mại hóa 5G, nghiên cứu 6G, ứng dụng các loại dịch vụ vệ tinh...
Năm là, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tập trung rà soát, tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc của các dự án, nhất là các dự án năng lượng tái tạo đã đầu tư, các dự án BOT, bất động sản... tồn đọng, kéo dài. Giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện các dự án để không xảy ra tham nhũng, thất thoát, lãng phí.
Sáu là, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đầu tư, phát triển văn hóa hài hòa với KTXH.
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển xanh. Xây dựng, triển khai hiệu quả 3 đề án: (1) Đề án Phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long; (2) Đề án Phòng, chống sạt lở, lũ ống, lũ quét miền Trung và miền núi phía Bắc; (3) Đề án Khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị.
Bảy là, bảo đảm ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Cuối cùng, chủ động thông tin tuyên truyền, tạo động lực và đồng thuận xã hội. Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, phản ánh đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuyên truyền sinh động, hấp dẫn, đa nền tảng về các sự kiện lớn, quan trọng của đất nước năm 2025; lan tỏa các mô hình, điển hình "người tốt, việc tốt", tạo khí thế thi đua sôi nổi, động viên và khích lệ cộng đồng, người dân và doanh nghiệp vươn lên, cống hiến cho đất nước.