Ngày 15/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, tại 2 huyện Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ).
Tại buổi tiếp xúc cử tri ở huyện Cờ Đỏ, cử tri Nguyễn Tuấn Sang (ở ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp) đề xuất, kiến nghị một số vấn đề liên quan đến đầu tư, xây dựng các tuyến cao tốc, đường sắt tốc độ cao.
Theo ông Sang, kỳ họp vừa qua Quốc hội đã thống nhất thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, điểm đầu tại Thủ đô Hà Nội và điểm cuối tại TP Hồ Chí Minh.
Do đó, ông mong muốn được Thủ tướng Chính phủ và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ quan tâm, đề xuất đầu tư đồng bộ tuyến đường sắt này. Không chỉ đến TP Hồ Chí Minh mà cần đầu tư thông suốt đến TP Cần Thơ, nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
Trả lời ý kiến cử tri Cần Thơ liên quan dự án này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh. Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ và kéo dài đến Cà Mau. Bởi theo lãnh đạo Chính phủ, tuyến đường sắt tốc độ cao đoạn TP Hồ Chí Minh xuống TP Cần Thơ sẽ thuận lợi khi triển khai vì giải phóng mặt bằng ít, đường thẳng. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh phải phân bổ, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
Trước đó, ngày 30/11,Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua địa phận 20 tỉnh, thành: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh.
Nguồn vốn dành cho dự án đường sắt tốc độ cao Hà Nội - TP Hồ Chí Minh khoảng 67 tỷ USD, đầu tư toàn tuyến khoảng 1.435km, tốc độ 350km/giờ. Rút ngắn khoảng cách từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh chỉ trong vòng 5 giờ.
Cục Đường sắt Việt Nam đang phối hợp với Ban Quản lý dự án Đường sắt hoàn thiện hồ sơ đề án chủ trương đầu tư gửi Bộ Giao thông vận tải trong tháng 12/2024 để lấy ý kiến các cơ quan liên quan và phấn đấu báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 3/2025.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg định hướng quy hoạch tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ.
Dự án Đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ thuộc danh mục các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn trước năm 2030. Bộ Giao thông vận tải đang lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Đồng thời, đề xuất phương án, hình thức đầu tư và cơ chế, chính sách đặc thù của dự án trình Quốc hội, Chính phủ phê duyệt để làm cơ sở huy động các nguồn vốn triển khai đầu tư dự án trước năm 2030.
Dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ có tổng chiều dài khoảng 175km, đi qua địa bàn 6 tỉnh, thành phố là: Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ. Trong đó, đoạn đi qua địa bàn TP Cần Thơ dài khoảng 7,69km, nằm trên địa bàn phường Tân Phú và phường Phú Thứ của quận Cái Răng. Dự kiến, nhà ga Cần Thơ đặt tại phường Phú Thứ có diện tích khoảng 60ha, với chức năng là nhà ga hàng hóa và hành khách. Tổng mức đầu tư dự án trên 205 nghìn tỷ đồng.