| Hotline: 0983.970.780

Quốc hội quyết đầu tư 67 tỷ USD cho đường sắt tốc độ cao Bắc Nam

Thứ Bảy 30/11/2024 , 16:07 (GMT+7)

Chiều 30/11, với tỷ lệ 92,48% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng mức đầu tư 67,3 tỷ USD.

Dự kiến hướng tuyến và 23 ga hành khách của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: Đăng Hiếu.

Dự kiến hướng tuyến và 23 ga hành khách của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: Đăng Hiếu.

Đường sắt tốc độ cao đi qua 20 tỉnh thành

Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM.

Quy mô đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827ha, gồm: đất trồng lúa khoảng 3.655ha, đất lâm nghiệp khoảng 2.567ha và các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 4.605ha. Số dân tái định cư dự kiến khoảng 120.836 người.

Tổng mức đầu tư sơ bộ là 1,71 triệu tỷ đồng (tương ứng 67,3 tỷ USD) từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.

Quốc hội quyết nghị, lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2035.

Thường vụ Quốc hội cho biết Chính phủ đã tính toán các lợi ích kinh tế trực tiếp và gián tiếp rất lớn, song không tính vào nguồn thu và hiệu quả tài chính dự án. Doanh thu tính toán hoàn vốn chủ yếu từ nguồn thu vận tải, khai thác thương mại để cân đối cho chi phí vận hành, bảo dưỡng phương tiện, bảo trì kết cấu hạ tầng và trả phí hạ tầng cho Nhà nước.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: VGP.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: VGP.

Nhiều cơ chế đặc thù cho dự án

Dự án được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù, trong đó Thủ tướng được phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hàng năm cho dự án trong trường hợp ngân sách không đáp ứng tiến độ; huy động vốn phát triển chính thức ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài mà không phải lập đề xuất; áp dụng theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định hoặc quy định khác.

Quốc hội cho phép Chính phủ quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc doanh nghiệp Việt Nam khác được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ.

Thủ tướng quyết định danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp nhà nước hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam ảnh vẽ Al.

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam ảnh vẽ Al.

Thủ tướng cũng được sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương hằng năm và nguồn khác cho dự án; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bố trí vốn cho dự án. Dự án không phải thẩm định khả năng cân đối vốn theo Luật Đầu tư công.

Quốc hội cho phép UBND cấp tỉnh lập, điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết vùng phụ cận ga đường sắt để xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi. Trong vùng phụ cận, UBND cấp tỉnh được điều chỉnh chức năng sử dụng các khu đất trong vùng phụ cận ga đường sắt để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất.

HĐND cấp tỉnh quyết định dùng ngân sách địa phương để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy hoạch vùng phụ cận ga đường sắt để tạo quỹ đất đấu giá nhằm phát triển đô thị theo quy định. Tiền thu được từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao, sau khi trừ chi phí, địa phương được giữ lại 50% và nộp 50% vào ngân sách trung ương.

Các tỉnh cũng được điều chỉnh trữ lượng khai thác, kéo dài thời hạn khai thác mỏ, nâng công suất mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thương theo nhu cầu dự án mà không phải làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch tỉnh, không phải lập dự án, không phải thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Quy định này áp dụng với các mỏ khoáng sản đã được cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác hoặc đã hết thời hạn nhưng còn trữ lượng và chưa đóng cửa mỏ.

Nghị quyết cho phép tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phục vụ dự án không phải làm thủ tục cấp giấy phép khai thác với cả mỏ nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản và báo cáo đánh giá tác động môi trường mà thực hiện cam kết bảo vệ môi trường.

Với các mỏ đã khai thác hết trữ lượng, chủ đầu tư đề xuất UBND cấp tỉnh bổ sung mới các mỏ vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.

Xem thêm
Quốc hội nhất trí Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng

Với 454/459 đại biểu tán thành (chiếm 94,78% tổng số đại biểu), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.

Nông nghiệp Hà Nội đứng tốp đầu các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng

Tối 29/11 tại Mailand Hoài Đức, Hà Nội diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Sở NN-PTNT Hà Nội, Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ 3.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

​Dùng búa đập bom, 2 người thương vong

Kon Tum Ngày 30/11, ông Nguyễn Minh Bình, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ nổ bom mìn khiến một người tử vong, một người bị thương.