| Hotline: 0983.970.780

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực TƯ Hội Nhà báo Việt Nam:

Chính trực, nhân văn là cốt lõi của đạo đức báo chí

Thứ Tư 21/06/2017 , 13:10 (GMT+7)

Đạo đức nhà báo là nền tảng, cốt lõi của hoạt động báo chí. Giá trị thông tin và vai trò của báo chí chỉ được khẳng định khi báo chí khách quan, công tâm và trung thực.

Ngòi bút chính trực sẽ góp phần xây đắp nền tảng đạo đức, tinh thần của xã hội. Cho dù trên báo chí hay mạng xã hội thì vẫn là con người đó với trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân.

Phó Chủ tịch Thường trực TƯ Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đã nói như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo NNVN nhân dịp 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.

Nhà báo Hồ Quang Lợi

Nói về vai trò của mạng xã hội (MXH) trong đời sống hiện nay, ông Hồ Quang Lợi cho biết, MXH đang phát triển với một tốc độ cực nhanh và không thể thiếu trong đời sống xã hội, trong đó có cả báo chí. Đó là nguồn thông tin phong phú, đa dạng tạo môi trường giao tiếp chia sẻ thông tin làm cho con người gần lại với nhau hơn, giúp cho biên giới các quốc gia không còn xa xôi như trước. Thế giới mênh mông trở nên ngôi làng toàn cầu gắn kết với nhau.

Việt Nam có 59 triệu người sử dụng internet, chiếm 62% dân số, trong đó có 36 triệu người dùng Facebook. 36 triệu người đó có thể trở thành “người đưa tin”. Mỗi tài khoản Facebook có thể trở thành một kiểu "tòa soạn" và mỗi người dùng Facebook đều có thể tham gia dạng báo chí công dân. Tự do đưa tin, thoải mái bình luận, chia sẻ nỗi niềm, viết, nói trên chính “tòa soạn” của mình.

Cho thấy MXH phát triển và có một tiện ích lớn là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên MXH cũng đang đem lại nhiều bất cập trong đời sống, có lúc làm cho chúng ta rối trí, bấn loạn, dư luận xã hội nhiều phen chao đảo.

Đối với báo chí, MXH vừa có tính tương tác vừa có một sức ép rất lớn. Nếu không có một phương thức quản trị tốt thì báo chí sẽ bị dẫn dắt bởi MXH và dần dần bị mất vai trò, MXH sẽ làm nhiệm vụ thay cho báo chí là cung cấp thông tin cho xã hội. Như thế sẽ rất nguy hiểm.
 

Đừng nghĩ mạng xã hội là bóng đêm

Hiện nay có nhiều người tham gia MXH với một tinh thần tích cực, chuyển tải thông tin bổ ích, kết nối được mọi tấm lòng song cũng có những tài khoản ảo, viết bài, bình luận thiếu chuẩn mực, làm phương hại đến nhiều người, nhất là những thông tin thất thiệt. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Thưa ông, 21/6 năm nay chúng ta kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Nhân dịp này, ông có thông điệp gì gửi đến đội ngũ những người làm báo Việt Nam?

Qua Báo NNVN, cho tôi gửi đến toàn thể đội ngũ những người làm báo, cán bộ quản lý báo chí đã nghỉ hưu và đang làm việc trong các cơ quan báo chí lời chúc mừng nồng nhiệt nhất!
Suốt chiều dài lịch sử, báo chí Cách mạng đã đồng hành cùng với dân tộc, với sự lớn mạnh của đất nước.
Báo chí đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN cũng như hội nhập quốc tế. Chúng ta biết rằng hoạt động của báo chí không thể thiếu trong đời sống xã hội hiện nay.
Chúng ta cùng nhau đoàn kết nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.

Có nhiều người tham gia MXH với một tinh thần trách nhiệm, thái độ chuẩn mực. Có những vấn đề được họ thảo luận, tranh luận rất sôi nổi với những ý kiến rất xác đáng, tâm huyết, xây dựng.

Song cũng có nhiều người nghĩ rằng MXH là một cái gì đó “rất ảo” nên họ lẩn tránh bằng các nickname ảo, ảnh ảo để tung lên mạng những gì thỏa thích cá nhân. Họ không hiểu rằng, tác hại của MXH hoàn toàn không ảo chút nào. Đặc biệt những thông tin ác độc trên MXH lan truyền nhanh như sóng dữ, có khả năng “sát thương” rất cao, thậm chí có người đã tìm đến cái chết.

Cộng đồng thế giới nói chung, cũng như từng quốc gia nói riêng đang tìm các biện pháp cả về kỹ thuật pháp lý và đạo đức để ứng phó.

Đừng nghĩ rằng MXH là bóng đêm, xuất hiện rồi lẩn tránh được. Không phải thế, dấu vết và hậu quả gây ra vẫn còn đó. Đáng tiếc trong số những người tham gia MXH thiếu chuẩn mực đó có cả một số người làm báo. Trên tờ báo của mình, họ thể hiện khác nhưng trên MXH thì lại bày tỏ những chính kiến thiếu chuẩn mực. Điều này, thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với Hội nhà báo đã xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp như thế.

Đạo đức nhà báo là nền tảng, cốt lõi hoạt động của báo chí. Giá trị và vai trò của báo chí chỉ được khẳng định khi báo chí khách quan, công tâm và trung thực. Chỉ ngòi bút chính trực thì mới góp phần xây đắp nền tảng, đạo đức tinh thần của xã hội. Cho dù trên báo chí hay MXH thì vẫn là con người đó với trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo.

Rất đồng tình với chia sẻ này của ông. Trước bối cảnh hiện nay, theo ông, báo chí chính thống phải làm thế nào để định hướng đúng, định hướng được hàng triệu người làm báo như vậy?

Chúng ta không nên đối lập giữa MXH và báo chí. MXH là biển thông tin rất phong phú. Vấn đề là báo chí sử dụng như thế nào? Dứt khoát không thể sử dụng thông tin trên MXH thiếu kiểm chứng. Kiểm chứng bằng nhiều kênh, nhiều nguồn. Có những việc phải đến trực tiếp để tận mắt thấy, tận tai nghe để thấy tính xác thực của thông tin.

Một tờ báo sử dụng thông tin thiếu kiểm chứng bị sai rồi các báo khác dẫn nguồn. Thế là một người sai kéo theo nhiều người sai gây tác hại lớn cho xã hội.

Tại sao như vậy? Hình như, tất cả đều bị chạy đua bởi sự hối thúc, phải trở thành người đầu tiên, người số 1 đưa tin. Người số 1 đó mà đưa tin không chính xác thì thật là tai hại. Cho nên mới có nhắn nhủ “sự thật ư, hãy chờ thêm 15 phút nữa”.

15 phút đó là để xem lại, kiểm chứng thêm thông tin. Đừng vội vàng, bỏ qua các nguyên tắc làm nghề để trở thành người  số 1 đưa tin.

Trong thời buổi công nghệ số, công năng của báo chí không chỉ đưa tin kịp thời. Một người dân bình thường cũng có thể đưa tin nhanh rồi. Có trong tay chiếc điện thoại thông minh là có thể đưa được tin lên MXH. Nhưng nhà báo khác ở chỗ có trách nhiệm khẳng định thông tin nhà báo đưa ra là chính xác, nhà báo là người cung cấp thông tin cho xã hội đáng tin cậy nhất.

Như vậy, ở đây không phải tốc độ đưa tin quyết định mà độ tin cậy mới quyết định giá trị thông tin. Điều đó phải trở thành nguyên tắc hành nghề trong thời đại thông tin kỹ thuật số. Dĩ nhiên, cùng với độ tin cậy thì tính kịp thời sẽ làm tăng cao giá trị của thông tin.
 

Có thể chưa giỏi nghề nhưng cái tâm phải trong sáng

Xã hội từng chứng kiến những sự việc đau lòng từ chính cách tác nghiệp của một số nhà báo, không ít sự việc được nhà báo dựng chuyện hoặc lái sự việc theo một chiều hướng khác làm cho tình hình rối ren. Hậu quả là bạn đọc và người dân gánh chịu. Chuyện chổi quét rau, túi lạ bọc xoài, vải thiều nhuộm lưu huỳnh… đều là những thông tin thất thiệt. Ông có suy nghĩ gì về những sự việc đó. Ở góc độ nghề nghiệp, ông có lời khuyên gì với đồng nghiệp?

Đối với người làm báo, điều đầu tiên là phải trung thực, anh có thể chưa giỏi nghề nhưng cái tâm của anh phải trong sáng. Đó là cốt lõi của đạo đức nghề nghiệp. Tiến tới phải vững vàng nghiệp vụ để tránh những sai sót, làm chủ được thông tin để không gây hậu quả xấu cho xã hội. Rèn luyện cả phẩm chất và năng lực là cả một quá trình liên tục từ được đào tạo ở nhà trường và rèn luyện, bồi dưỡng, không ngừng trong môi trường tòa soạn.

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, trong 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam có một điều quy định rất rõ, người làm báo phải tham gia MXH chuẩn mực và có trách nhiệm. Thấy cái đúng phải bảo vệ, thấy cái sai phải đấu tranh. Góp phần hình thành nên môi trường thông tin lành mạnh trong xã hội. Không để MXH cho một số nhóm người nào đó, thế lực nào đó tung ra xã hội những thông tin, bình luận kiểu như thác đổ gây phản cảm, tác hại lớn.

Chúng ta thường nhắc tới câu nói của cố nhà báo Hữu Thọ: “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”. Mắt sáng là biết phát hiện vấn đề trong cuộc sống. Lòng trong là đạo đức nghề nghiệp, sự trung thực. Bút sắc là nghiệp vụ vững vàng, chuyên nghiệp, sự cao nghề thể hiện trong chất lượng tác phẩm.

Ngoài tự rèn luyện của các nhà báo thì sự quản lý của các cơ quan báo chí cũng rất quan trọng. Xây dựng một môi trường báo chí dân chủ, kỷ cương, lành mạnh, trong đó sự nêu gương của người đứng đầu cơ quan báo chí là không thể thiếu. Bản thân người đứng đầu cơ quan báo chí là tấm gương, là ngọn cờ cho tập thể. Môi trường nào thì con người và sản phẩm ấy.

Trong môi trường làm báo vừa dân chủ, vừa kỷ cương và người đứng đầu làm nghề nghiêm ngắn, nghiêm túc, làm nghề tử tế thì rất khó có thể có những hành động sai phạm. Còn trong một môi trường trật tự kỷ cương sập sệ, người đứng đầu không gương mẫu thì đó là “mảnh đất tốt” để phát sinh ra sai phạm.

Thời gian gần đây xuất hiện sự can thiệp báo chí có phần thô bạo. Cơ quan báo chí nhận được tin nhắn, điện thoại đề nghị gỡ bài, dừng đăng. Có địa phương ban hành văn bản đề nghị báo chí không đăng bài. Cứ đà này báo chí chính thống sẽ mất vai trò trước sức mạnh của MXH và phần nào làm cho phóng viên nhụt chí. Từng ở vai trò một phóng viên rồi đứng đầu cơ quan báo chí đến trực tiếp làm quản lý báo chí về tư tưởng và nay là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông chia sẻ gì với báo chí và đồng nghiệp trong câu chuyện này?

Chúng ta đã có Luật Báo chí năm 2016, kèm theo đó các Nghị định của Chính phủ quy định quyền được thông tin của báo chí, trách nhiệm thông tin của các cơ quan, đơn vị; có cả quy chế người phát ngôn trước vấn đề báo chí và dư luận quan tâm, trong đó có chế tài xử lý người lẩn tránh cung cấp thông tin. Tóm lại hành lang pháp lý để bảo vệ nhà báo và cung cấp thông tin cho báo chí là khá đầy đủ. Phải theo tinh thần đó để báo chí và cơ quan nhà nước làm đúng chức năng của mình.

Cá nhân tôi cho rằng, trừ những sự việc quá nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc phòng, đối ngoại thì cần có những chỉ đạo phù hợp. Còn lại các vấn đề liên quan đến đời sống, quyền lợi của người dân thì càng phải minh bạch thông tin. Đó là cách chúng ta trân trọng nhân dân, tôn trọng bạn đọc, xây dựng xã hội thông tin lành mạnh, đảm bảo dân chủ. Báo chí là phương tiện đắc hiệu để thể hiện quyền dân chủ đó trong xã hội.

Việc thông tin kịp thời chính xác có trách nhiệm sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, bức xúc trong đời sống xã hội, giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp được thông suốt. Cái quan trọng nhất là các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin phải với một thái độ cởi mở, còn báo chí phải có trách nhiệm trong xử lý thông tin. Hết sức tránh đưa những thông tin thất thiệt, suy diễn làm phức tạp thêm tình hình.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

“Báo chí phải phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc. Báo chí chỉ làm tốt vai trò khi vừa làm tốt tính chiến đấu, thấy cái tốt phải bảo vệ, thấy cái xấu, cái ác thì phải đấu tranh; đồng thời đề cao tính nhân văn, tôn trọng con người, vì con người. Nêu cao tính chiến đấu và tính nhân văn đó là điều cao quý trong bảo vệ công lý, vì lợi ích của đất nước và nhân dân là sứ mệnh cao quý của báo chí”, ông Lợi nói.

 

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.