| Hotline: 0983.970.780

Chồng chéo đối tượng, cơ chế làm giảm hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia

Chủ Nhật 04/06/2023 , 19:25 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, điều người dân đang mong muốn là có cơ chế lồng ghép nguồn lực của các Chương trình mục tiêu quốc gia thành một nguồn vốn đồng nhất.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT khảo sát tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bễn vững tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT khảo sát tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bễn vững tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ngày 4/6, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đã tới khảo sát tình hình thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Báo cáo Bộ trưởng một số kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn cho biết, đến nay, toàn huyện có 16/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Dự kiến đến hết năm 2025, huyện sẽ có 19/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7/28 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, 20 thôn kiểu mẫu.

Tại huyện Lục Ngạn, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã triển khai thực hiện 9/10 dự án trên địa bàn 9 xã đặc biệt khó khăn và 6 xã có thôn đặc biệt khó khăn. Tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách là gần 94 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được hơn 24,6 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đang có sự chồng chéo về đối tượng hưởng thụ và cơ chế hỗ trợ bà con trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Lục Ngạn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đang có sự chồng chéo về đối tượng hưởng thụ và cơ chế hỗ trợ bà con trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Lục Ngạn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được thực hiện trên toàn bộ các xã của huyện Lục Ngạn với tổng nguồn lực gần 25 tỷ đồng. Theo đó, Chương trình đã đăng ký xây dựng mô hình đa dạng hoá sinh kế, hỗ trợ việc làm cho gần 2.900 người; đào tạo nghề cho hơn 500 học viên; hỗ trợ 7 cụm loa phát sóng; tổ chức thông tin tuyên truyền, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình thường xuyên, liên tục.

Tại buổi làm việc, người dân và chính quyền địa phương huyện Lục Ngạn cho biết, việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc đến từ việc địa bàn rộng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn tập trung khá cao ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế tuy được cải thiện song vẫn thiếu đồng bộ, chưa được khai thông thuận lợi để mở rộng kết nối vùng miền.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình vườn vải du lịch sinh thái tại xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình vườn vải du lịch sinh thái tại xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới có nhiều chỉ tiêu nâng cao hơn trước, nhiều chỉ tiêu khó thực hiện đối với đặc thù huyện miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

Nguồn lực ngân sách của địa phương hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư, hỗ trợ cho các Chương trình mục tiêu quốc gia. Việc huy động nguồn lực xã hội từ nhân dân để thực hiện các Chương trình còn hạn chế do đời sống kinh tế người dân ở nhiều địa phương còn nhiều khó khăn.

Đặc biệt, một số văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình còn thiếu hoặc viện dẫn nhiều văn bản để thực hiện một nội dung. Một số nội dung hướng dẫn chưa đồng bộ, thiếu cụ thể. Một số dự án khó triển khai thực hiện...

Điều người dân đang mong muốn là có cơ chế lồng ghép nguồn lực của các Chương trình mục tiêu quốc gia thành một nguồn vốn đồng nhất. Ảnh: TL.

Điều người dân đang mong muốn là có cơ chế lồng ghép nguồn lực của các Chương trình mục tiêu quốc gia thành một nguồn vốn đồng nhất. Ảnh: TL.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của người dân và cán bộ chính quyền địa phương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra rằng, hiện nay, để hỗ trợ sản xuất, sinh kế, giảm nghèo cho người dân, Nhà nước đã có 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, đang có sự chồng chéo về đối tượng hưởng thụ và cơ chế hỗ trợ bà con trong 3 Chương trình đó. Do vậy hiệu quả của các Chương trình không cao khi nguồn vốn để hỗ trợ người dân không được thống nhất. Điều bà con mong muốn là có cơ chế lồng ghép thành 1 nguồn vốn đồng nhất, từ đó nâng cao hiệu quả của các Chương trình.

Theo đó, Bộ trưởng cho rằng, chính những cán bộ cấp xã là những người gần bà con nhất, sẽ thấy rõ nhất những bấp cập trong chính sách. Những cán bộ cấp xã cần là những người lên tiếng, thông tin kịp thời tới chính quyền địa phương, trung ương để gỡ khó, giải bài toán hỗ trợ sản xuất, nâng cao đời sống cho bà con, để những chính sách thực sự hiệu quả.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, để giải quyết những vướng mắc về phân bổ nguồn vốn hỗ trợ bà con, thay vì mỗi Bộ ngành có một văn bản hướng dẫn thì nên để địa phương có cơ chế tự quyết định và hướng dẫn trực tiếp cho bà con tại những địa phương thuộc đối tượng hưởng thụ hỗ trợ từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Xem thêm
Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.