| Hotline: 0983.970.780

Chương trình nông thôn mới hướng đến hạnh phúc của người dân

Thứ Năm 09/02/2023 , 08:42 (GMT+7)

Đó là lời khẳng định của ông Hầu A Lềnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, Phó trưởng Ban chỉ đạo các chương trình MTQG Trung ương.

Nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Quảng Ninh được triển khai đồng bộ ở 125/125 xã, 13 đơn vị cấp huyện, chứ không làm điểm, làm nhỏ lẻ như tại các địa phương khác. Vì triển khai đồng loạt nên đã xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức cho tỉnh, nhất là nguồn lực thực hiện.

z4093818769537_7dd3265d15f7fb3738fa752e76c62c9a

Huyện Ba Chẽ bê tông hóa những con đường phục vụ hoạt động sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thành.

Để tháo gỡ, Quảng Ninh đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách riêng để tạo hành lang pháp lý phục vụ cho chương trình đạt hiệu quả. Trong đó, phải kể đến chính sách hỗ trợ nguyên vật liệu đầu tư các công trình hạ tầng; hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất; hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn...

Quảng Ninh cũng cũng ban hành các tiêu chí riêng về nông thôn mới; phê duyệt các đề án, dự án, kế hoạch cụ thể thực hiện lộ trình xây dựng NTM trên địa bàn; chính sách ưu tiên triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình 135, Đề án 196; cơ chế, chính sách phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và giảm nghèo bền vững.

Đáng chú ý, Quảng Ninh đã giảm dần đầu tư từ ngân sách, huy động các nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Nhờ đó, cả giai đoạn 2010-2022, tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đạt trên 233.600 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2010-2020 là gần 173.000 tỷ đồng (bình quân ngân sách tỉnh hỗ trợ 357,8 tỷ đồng/năm); giai đoạn 2021-2022 là trên 60.800 tỷ đồng (bình quân ngân sách tỉnh hỗ trợ 703 tỷ đồng/năm).

Huyện Ba Chẽ trước đây là một trong những địa phương khó khăn nhất tỉnh, nhưng nay đã khoác lên mình tấm áo mới. Diện mạo nông thôn “thay da đổi thịt”. Hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng mới khang trang phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân. Kinh tế phát triển, tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

Năm 2011, khi mới bắt đầu xây dựng NTM, thu nhập bình quân của người dân xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) chỉ đạt 4,68 triệu đồng/người, đến nay đã đạt 60 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 77,17% (năm 2010) xuống còn 0,95% (năm 2022). 

Bước vào quá trình xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, nhưng Quảng Ninh đã tạo đột phá lớn, đạt những kết quả quan trọng. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, đời sống người dân được cải thiện, văn hóa xã hội và môi trường khu vực nông thôn có nhiều khởi sắc, sản xuất nông nghiệp phát triển, đời sống người dân ngày càng nâng cao. 

Đến nay, Quảng Ninh có 98/98 xã đạt chuẩn NTM, 54/98 xã đạt chuẩn nâng cao; 26/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 13 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 2/7 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.

Tỉnh Quảng Ninh hoàn thành công cuộc xây dựng NTM, về đích sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Cùng với đó, tỉnh cũng hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Năm 2022, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo là 0,34%, toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,06% tổng số hộ dân trong tỉnh. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của miền Bắc có huyện đạt chuẩn NTM (Đông Triều); huyện đảo đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM (Cô Tô); xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước (xã Việt Dân).

Quảng Ninh sẽ nghiên cứu, nâng mức chuẩn nghèo và cận nghèo của tỉnh giai đoạn 2023-2025. Theo đó, khu vực thành thị đối với hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.800.000 đồng và khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.300.000 đồng.

Hướng đến hạnh phúc của người dân

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị tổng kết kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2022; triển khai nhiệm vụ 2023 -2025.

z4012655237274_ea93f5c39332c46377613e9f740bb735

Người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hạnh phúc khi gặt hái trái ngọt trong quá trình xây dựng NTM. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hội nghị có sự tham dự của ông Hầu A Lềnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, Phó Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia Trung ương; ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh. 

Trong năm 2023 – 2025, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu mục tiêu 5/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 3 huyện so với năm 2022 là Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà); 58/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 4 xã so với năm 2022); 32/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 6 xã so với năm 2022); thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020 (tương đương 92,2 triệu đồng/người/năm)…

Phát biểu tại hội nghị, ông Hầu A Lềnh đánh giá cao kết quả tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong thời gian qua, cách làm sáng tạo, năng động, quyết tâm, quyết liệt, không phải địa phương nào cũng thực hiện toàn diện các giải pháp, cách làm đó. Nổi bật là các nghị quyết, chuyên đề chuyên sâu, tập trung, các cơ chế chính sách phù hợp từng vùng, từng địa bàn, phù hợp nguyện vọng người dân.

Ông Hầu A Lềnh nhấn mạnh, người dân Quảng Ninh biết tự vươn lên, xây dựng các mô hình nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Hiện nay, Quảng Ninh là hình mẫu để cả nước học theo khi có những đột phá, sáng tạo trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai chương trình mục tiêu quốc gia ở các địa bàn có đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung ở các địa bàn khó khăn. Có thể nói, tỉnh đã áp dụng đúng chính sách, đúng địa bàn, đúng đối tượng. 

"Mục tiêu cốt lõi của chương trình mục tiêu quốc gia là hướng đến hạnh phúc của người dân", Phó Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia Trung ương khẳng định.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, Quảng Ninh vẫn còn tồn tại những hạn chế. Đơn cử như kết quả xây dựng nông thôn mới trong tỉnh có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương, các xã (khu vực miền đông và miền tây; xã đồng bằng và xã miền núi, hải đảo); Một số địa phương có tư tưởng bằng lòng, thỏa mãn với kết quả đã đạt được; Kết quả xây dựng nông thôn mới ở một số vùng khó khăn chưa thật sự bền vững; cơ chế chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã cơ bản đầy đủ nhưng chưa hấp dẫn để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.

Vẫn còn địa phương nặng về hình thức, mới quan tâm đến việc đạt được các mục tiêu, chưa quan tâm đến chất lượng của việc đạt chuẩn nông thôn mới; nhiều tiêu chí đạt được nhưng chưa bền vững, xây dựng nông thôn mới nâng cao mới chỉ tập trung ở những xã đăng ký; vấn đề ô nhiễm môi trường sống vùng nông thôn đang là vấn đề cấp bách, nhưng chưa được quan tâm đúng mức, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện tại các địa phương để xử lý.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Có gì ở 'Lễ hội nông sản'?

TP.HCM 60 gian hàng nông sản, sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao của các tỉnh thành trên cả nước quy tụ tại sự kiện 'Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP.HCM'.