| Hotline: 0983.970.780

Cơ giới hóa sản xuất mía, nhìn từ An Khê

Thứ Năm 17/11/2016 , 13:15 (GMT+7)

Theo ông Phước, trước đây, với phương pháp sản xuất thủ công, năng suất mía ở vùng Đông Gia Lai gồm các huyện Đăkpơ, Kbang, Kông Chro và thị xã An Khê chỉ đạt chừng 50 tấn/ha. Sau khi áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, năng suất mía ở đây tăng đến 80 tấn/ha.

Để khôi phục lại vùng nguyên liệu mía trong những năm tới, Sở NN-PTNT Bình Định vừa cử đoàn công tác đi tham quan những cánh đồng lớn sản xuất cây mía được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ của Nhà máy Đường An Khê nhằm rút ra những kinh nghiệm mang về triển khai trên địa bàn. Ai nấy đều choáng ngợp được tận mắt chứng kiến những ruộng mía sung mãn…
 

Mía phủ xanh đất trống đồi trọc

Theo chân ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai), chúng tôi đi vòng quanh thung lũng mía qua các huyện Kbang, Kông Chro và thị xã An Khê, ai nấy đều ngỡ ngàng trước những vùng đồi bạt ngàn mía. Ruộng mía nào trông cũng rất sung mãn với những cây mía to, khỏe.

14-10-35_1
Bạt ngàn cánh đồng mía sung mãn trong vùng nguyên liệu Nhà máy Đường An Khê
 

“Trước đây, những vùng đất này nhiều nơi còn trồng cây lâm nghiệp. Sau khi Nhà máy Đường An Khê đi vào hoạt động, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, năng suất mía tăng vượt trội, cây mía mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên bà con ở đây đồng loạt phủ xanh đất trồng đồi trọc bằng cây mía”, anh Phước nói.

Cũng theo ông Phước, trước đây, với phương pháp sản xuất thủ công, năng suất mía ở vùng Đông Gia Lai gồm các huyện Đăkpơ, Kbang, Kông Chro và thị xã An Khê chỉ đạt chừng 50 tấn/ha. Sau khi áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, năng suất mía ở đây tăng đến 80 tấn/ha. Riêng 2.000ha mía ở những cánh đồng lớn năng suất đạt đến 120 tấn/ha. Trong khi đó, năng suất mía bình quân ở Bình Định hiện nay năm nào mưa thuận gió hòa mới đạt năng suất bình quân 55 tấn/ha, năm nào thời tiết bất thuận thì còn tệ hơn nữa.

“Những diện tích đạt 80 tấn/ha sau khi trừ chi phí người trồng mía còn lãi ròng hơn 30 triệu đồng/ha, mía trong cánh đồng lớn đạt 120 tấn/ha có lãi ròng 50 triệu đồng/ha. Những hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm mía phần đông mua được xe tải để chở mía, có hộ xây dựng nhà đến 2 tỷ đồng. Do đó, nếu trước đây họ cho người kinh thuê đất canh tác thì giờ đã họ thu hồi lại hết để trồng mía. Hộ trồng ít nhất cũng 1,5 ha, người trồng nhiều có đến hàng trăm ha nhờ tích tụ đất nhiều năm”, ông Phước cho hay.
 

Hy vọng của người trồng mía

Trước đề xuất được đầu tư vùng nguyên liệu mía trên địa bàn Bình Định của Nhà máy Đường An Khê với những cơ chế, chính sách thông thoáng, các thành viên trong đoàn công tác của Sở NN-PTNT Bình Định nhận ra rằng, nếu được đầu tư cơ giới hóa chắc chắn năng suất mía của tỉnh cũng chẳng thua kém. Tuy nhiên, người trồng mía ở Bình Định đã quá nản loại cây trồng này, giờ động viên họ quay lại với cây mía là điều không dễ.

14-10-35_2
Những chiếc máy thu hoạch (bìa phải) và máy cày hiện đại (bìa trái) để Nhà máy Đường An Khê cơ giới hóa SX mía
 

Ông Đoàn Tuấn Sỹ, Phó phòng Kinh tế thị xã An Nhơn bày tỏ: “Trước khi được UBND tỉnh Bình Định đồng ý cho chủ trương Nhà máy Đường An Khê đầu tư vùng nguyên liệu trên địa bàn, nhà máy cần về làm việc cụ thể với người dân ở những địa phương trọng điểm trồng mía ở Bình Định về chính sách đầu tư, nhất là về chính sách thu mua để tái tạo lại niềm tin đối với cây mía trong họ. Có như thế mới có thể khôi phục vùng nguyên liệu mía...”.

Ông Nguyễn Hữu Xuân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thạnh góp ý thêm: “Muốn xây dựng lại vùng nguyên liệu mía trên địa bàn, ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng cần vận động người dân, tuyên truyền cho họ biết với chính sách đầu tư và thu mua của Nhà máy Đường An Khê sẽ giúp cho cây mía mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Phó viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ thì cho rằng: “So sánh 2 chính sách đầu tư của Cty CP Đường Bình Định và Nhà máy Đường An Khê trình cùng lúc cho Sở NN-PTNT Bình Định, rõ ràng chính sách đầu tư của An Khê phù hợp hơn, nhất là về vấn đề có giới hóa sản xuất để giảm chi phí và tăng năng suất”.

Ông Nguyễn Văn Trượng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết: “Những đồng mía được đầu tư cơ giới của nhà máy cho hiệu quả rất thuyết phục. Thực tế nắm được trong chuyến đi thăm vùng nguyên liệu của Nhà máy Đường An Khê lần này là cơ sở để chúng tôi tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các địa phương, sau đó trình lãnh đạo để Sở NN-PTNT tham mưu cho UBND tỉnh cho chủ trương cụ thể”.

“Nếu chính sách đầu tư và chính sách thu mua mía nguyên liệu trên địa bàn Bình Định của Nhà máy Đường An Khê phù hợp, mang lại lợi ích cho người dân đồng thời được người dân ủng hộ thì UBND tỉnh sẽ đồng ý ngay”, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.