Hội thảo “Sáng tạo ẩm thực đường phố tại gia” là sự kiện hưởng ứng không khí thi đua của cả nước chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2024), kỷ niệm 1984 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; chào mừng thành công Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội VI Công đoàn Bộ NN-PTNT nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Lịch sử ngày 8/3 bắt đầu từ phong trào của nữ công nhân ngành dệt nước Mỹ vào cuối thế kỳ XIX đấu tranh, giành quyền lợi cho Phụ nữ. Đến ngày 8/3/1910, tại Hội nghị phụ nữ do Quốc tế Xã hội chủ nghĩa tổ chức, các đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chủ tịch Hội nghị Clara Zetkin đã đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới. Hội nghị đã quyết định chọn ngày 8/3 là Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.
Từ đó, ngày 8/3 hàng năm trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Vũ Thị Phương Lan, Chủ tịch Công đoàn Bộ NN-PTNT nhắc lại lịch sử hào hùng của phụ nữ Việt Nam: “Ở nước ta, ngày 8/3 còn là dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ nguyên bờ cõi, giang sơn đất Việt. Thắng lợi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà trưng được đánh giá là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập và niềm tự hào dân tộc. Công đoàn Bộ NN-PTNT tự hào về các phong trào của phụ nữ thế giới, càng tự hào hơn về truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam”.
Năm 2024, Công đoàn Bộ NN-PTNT đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 02 của Trung ương về đổi mới hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, trong đó có đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nữ công công đoàn các cấp.
Theo đó, Hội thảo “Sáng tạo ẩm thực đường phố tại gia” là một trong những cách làm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nữ công công đoàn. Qua đó nhằm giáo dục truyền thống tốt đẹp của Phụ nữ Việt Nam đến toàn thể nữ cán bộ công chức, viên chức, lao động khối cơ quan Bộ.
Với sự điều phối của Viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học công nghệ và Đào tạo Mekong Nguyễn Thị Thúy Phượng, Hội thảo diễn ra sôi nổi, trở thành diễn đàn học tập, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm đầy ý nghĩa.
Thông qua câu chuyện giản dị của pani puri, một món ăn vặt phổ biến có xuất xứ từ Ấn Độ, bà Phượng chia sẻ về niềm yêu thích ẩm thực đường phố của người Việt, cũng như cách những món ăn kết nối văn hóa các quốc gia.
“Bánh phồng pani puri gồm 2 lớp: một mỏng, một dày. Sau khi chiên bánh lên, ta bóp vỡ lớp mỏng bên trên rồi chan nước sốt vào. Lớp dày bên dưới sẽ giúp giữ nước sốt bên trong mà không khiến vỏ bánh bị nhũn hay vỡ ra. Công thức làm phồng được giới thiệu tại Hội thảo đã được các nhà sản xuất Việt Nam biến tấu lại, phù hợp với khẩu vị người Việt. Phần nhân gồm khoai tây nghiền ướp theo công thức của đầu bếp Việt Nam với củ dền, tôm, dưa chuột, thêm nước sốt mayonnaise,...
“Bánh có kích thước nhỏ, dễ ăn. Vị chua ngọt của rau của, thêm vị béo của sốt mayonnaise, vị cay sốt tabasco hòa quyện rất đậm đà”, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) bày tỏ.
Hội thảo "Sáng tạo ẩm thực đường phố tại gia" không chỉ hưởng ứng các sự kiện lịch sử quan trọng mà còn là bước tiến mới trong hoạt động của Công đoàn Bộ NN-PTNT và Công đoàn Việt Nam nói chung. Sự kết hợp giữa lịch sử văn hóa và đổi mới trong nội dung, phương thức hoạt động tạo nên diễn đàn ý nghĩa, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi văn hóa ẩm thực, từ đó giáo dục và tôn vinh truyền thống của phụ nữ Việt Nam.