| Hotline: 0983.970.780

Công ty nông nghiệp toàn hộ tỷ phú

Thứ Ba 02/12/2014 , 08:38 (GMT+7)

Tới Cty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành (trụ sở đóng tại xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An), chúng tôi từ ngỡ ngàng đến khâm phục, khi hầu như tất cả nông hộ ở đây đều đã thành tỷ phú./ Thị trấn nơi đếm không xuể tỷ phú

HÀNG TRĂM HỘ THU TIỀN TỶ

Còn nhớ vào dịp đầu xuân năm mới Tết Canh Dần (2010), anh Hoàng Minh - Giám đốc Cty điện thoại chúc sức khỏe tôi và khoe rằng vụ cam này ở Cty đã có hàng trăm nông hộ thu hoạch cam đạt gần một tỷ đồng trên một héc ta.

Mừng, nên chuyến xuất hành đầu năm ấy tôi đã phóng xe đến Cty Nông nghiệp Xuân Thành. Tại vườn cam của ông Hồ Minh Toản ở đội 4 lúc bấy giờ khách đến mua cam đang tấp nập lắm, nhưng ông vẫn tiếp chuyện tôi.

Ông Toản bảo: Thường thì người ta chú tâm vào trồng cam chính vụ để cho chắc ăn, còn cam V2 chín muộn, năng suất thấp thua hơn, nhưng có lợi thế thu hoạch bán vào Tết Nguyên đán và Rằm tháng giêng nên giá cả bao giờ cũng cao hơn cam chính vụ tới hai, ba lần.

Đầu năm 2004 ông Toản nhận giống tại Cty để trồng 1 ha. Sau 3 năm chăm bón, cam V2 đã cho thu bói được 8 tấn, trừ chi phí cho cả kỳ kiến thiết cơ bản, vườn cam đã cho thu lãi 70 triệu đồng. Sau đó, năm nào vườn cam này cũng cho thu hoạch từ 15-18 tấn, bán được 700-800 triệu đồng.

Đến vườn cam của anh Võ, chị Huệ, chị Ngân… ai cũng bảo cam V2 ở đây chí ít mỗi vụ cũng cho thu lãi từ 500-600 triệu đồng/ha, riêng nhà anh Hùng Nguyên, năm nào cũng vậy, 1 ha thu lãi ròng đến trên 800 triệu đồng…

Lần này tôi đến Cty Nông nghiệp Xuân Thành vào mùa cam chính vụ bắt đầu thu hoạch. Tiếp tôi tại Cty vào sáng chủ nhật (30/11/2014), chỉ có mỗi Giám đốc Hoàng Minh. Hoàng Minh bảo: Hôm nay ngày nghỉ nên tất cả anh em văn phòng đều đi lao động ở các lô vườn hết cả.

Anh mở cửa xe ô tô bóng lộn bảy chỗ ngồi mời tôi cùng đi thăm các vườn cam. Vừa đi, Hoàng Minh vừa bảo: Hiện Cty đã có 730 ha cam, phân bổ cho 680 nông hộ nhận khoán. Tất cả anh em trong văn phòng Cty, ngoài làm việc hành chính, chỉ đạo sản xuất, họ cũng là hộ nhận khoán với mức bình quân mỗi người được 1 ha, bản thân Giám đốc cũng nhận hơn 1 ha.

Mấy năm nay Cty đã và đang thu hoạch 320 ha cam, sản lượng vụ này qua kiểm định đạt trên 4.000 tấn quả. Trong đó cam Vân Du chiếm 70%, cam Xã Đoài 20%, còn cam V2 và quýt PQ 10%.

MUA Ô TÔ, CHUYỆN VẶT!

Tới vườn cam của Hoàng Minh, thấy tư thương, khách khứa đến đặt hàng đang say mê ngắm những cây cam chi chít quả, anh con trai của Giám đốc bảo: Hiện cam loại 1 ở tất cả các vườn của Cty bán với giá 55.000 đồng/kg, loại 2 giá 45 nghìn, còn lại là giá 35.000 đ/kg. Tuy nhiên vườn cam này loại 3 may chăng chỉ có 10%.

Nghe vậy mấy người khách bảo: Chúng em ở Diễn Châu đến đây mua cam loại 3 để bán trong huyện, chứ loại 1 dân lao động nông thôn ai mà ăn được. Cuộc ngã giá không thành bởi người bán không cắt tỉa, mà buộc người mua phải mua hết cả vườn hoặc từng hàng cây, sau đó mới phân loại.

Hoàng Minh bảo tôi: Năm ngoái vườn cam này, sau 3 năm trồng (500 cây/ha) đã bán được 1,5 triệu/cây, còn vụ này chí ít cũng được gần 2 triệu đồng/cây. Nghe vậy, tôi ngỡ ngàng hỏi: Thế 1 ha cam ở đây cho thu đến 1 tỷ đồng? Hoàng Minh cười: Đó là chuyện thường ở Cty đã có từ nhiều năm nay, và nông hộ nào cũng đã thành tỷ phú.

Đến lô vườn của Giản Minh Hải, Trưởng phòng Tổ chức- Hành chính của Cty tôi thấy rực rỡ một màu cam chín óng vàng lúc lỉu quả vít hết các cành.

Anh Hải bảo: Vườn cam Vân Du của nhà em 1 ha đã kinh doanh từ 8 năm nay, năm nào cũng cho thu trên 800 triệu đồng, riêng niên vụ này có nhiều thương lái đến đăng ký mua với giá 60.000 đ/kg loại 1. Như vậy 1 ha này có 20 tấn chắc chắn sẽ cho thu lãi đến 1 tỷ đồng, bởi cam nhà em năm nào cũng chín đều và hầu như chỉ có cùng một loại.


Cam Vinh ở Cty NN Xuân Thành luôn được khách hàng đăng ký mua tại vườn

Để có được yếu tố đó, anh Hải cho biết: Giống do Cty cung cấp, đã được tuyển chọn rất chặt chẽ từ khu vườn ươm. Đây là kết quả của sự liên kết nghiên cứu lựa chọn mắt ghép giữa Cty và các cơ quan: Viện BVTV, Viện Di truyền Nông nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây có múi thuộc Viện Nghiên cứu rau quả (gốc ghép là cây chấp, bưởi chua, chúng có bộ rễ khỏe, thân chắc, chống chịu rét và hạn).

Sau khâu giống, đến chỉ tiêu chăm bón cho cam cũng phải được thực hiện đúng bài bản, trong đó 1 ha bình quân mỗi năm phải bón 50 tấn phân hữu cơ hoai mục, 2 tấn phân vô cơ gồm có đạm 1 tấn, kali và lân 1 tấn, vôi bột 250 kg, ngoài ra còn hệ thống tưới bằng khoan đào giếng, bơm điện, thuốc BVTV bảo vệ cây trồng. Đến thời kỳ cây ra quả phải theo dõi cắt tỉa cành ngọn và loại bỏ hết những quả non èo uột.

Rời vườn cam của nhà mình, Hải còn dẫn tôi đến nhiều nông hộ khác. Đến đâu tôi cũng thấy một màu cam chín rộm bạt ngàn, chen lẫn trong các vườn cam quả trĩu cành là dập dìu thương lái từ mọi miền đi ô tô, xe máy đến tận nơi đặt tiền cọc mua cam.


Cam Vinh được gắn tem trên quả và đóng gói

Tại vườn của ông Kiều Quang Vinh ở đội 3, khách đang trả giá 45 ngìn đồng/kg nhưng chủ vườn chưa chịu bán. Ông Vinh bảo tôi: Vườn cam 0,75 ha này tôi nhận khoán đất của Cty, năm ngoái sản lượng thu được trên 40 tấn, giá bán bình quân 30 ngàn đồng/kg, như vậy đã đạt 1,2 tỷ đồng. Năm nay năng suất không bằng năm ngoái, nhưng giá cao hơn, chắc chắn tôi cũng sẽ bán được trên 1 tỷ đồng.

Trưởng phòng Hải cho biết, từ nhiều năm nay tất cả các nông hộ nhận khoán đất của Cty để trồng cam đều đã thu hoạch được từ 1 tỷ đồng trở lên. Ví như hộ ông Lê Văn Minh ở đội 3 trồng gần 4 ha năm nào cũng thu lãi được trên 3 tỷ đồng, riêng năm nay ước lãi đến 4 tỷ; hộ chị Nguyễn Thị Huyền trồng 5 ha, mới kinh doanh chưa đến 3 ha, nhưng năm nào cũng thu được trên 2 tỷ đồng.

Rồi hộ anh Lê Viết Minh là Phó GĐ Cty nhận khoán gần 3 ha, các năm trước mỗi năm đều thu lãi được hơn 2 tỷ đồng, năm nay tuy năng suất cam có thấp thua hơn (chỉ đạt 20-25 tấn/ha), nhưng giá cả lại cao nên nhà anh Minh chắc sẽ thu được trên 3 tỷ đồng…


Hầu hết cán bộ Cty NN Xuân Thành đi làm bằng ô tô

Trong điều kiện Cty chưa thể độc quyền đứng ra bao tiêu hết cam trong vùng, thì nhiều nông hộ ở Xuân Thành vẫn xuất hàng tuy không có nhãn mác, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cao. Vì vậy để có độ tin cậy, khách hàng nên mua cam ở những đại lý mà có người thân từ Xuân Thành (Quỳ Hợp - Nghệ An) gửi tới.

Trở lại Cty, GĐ Hoàng Minh thừa nhận đây là vùng đất tính hiệu quả kinh tế phải nói rất cao. Các nông hộ nhận khoán trồng cam, năm nào cũng thu về tiền tỷ, trong khi đó chi phí sản xuất lớn nhất cũng chỉ hết 20-30%.

Bởi vậy mức sống của nông hộ ở đây là hơn cả đô thị. Hiện số hộ xây nhà tầng và mua sắm ô tô tiền tỷ đã chiếm tới trên 30%, số còn lại họ chưa muốn sắm xe con bởi chưa có nhu cầu, chứ thực ra chỉ một vụ cam thôi là ai cũng có thể sắm được cả.

SỰ CHUẨN BỊ HƠN 10 NĂM TRƯỚC

Giám đốc Minh cho biết: Xuân Thành thành vùng quê trù phú hôm nay phải kể đến những ngày gian khó của nông trường trước đây. Ngày ấy đã hơn 10 năm rồi, tập thể ban lãnh đạo chúng tôi luôn trăn trở tìm hướng đi mới cho nông trường viên làm giàu. Cây cam trở thành chí nguyện lớn.

Đơn vị chúng tôi vô cùng cảm ơn sự hợp tác nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất của các nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu nông nghiệp đã dày công giúp Cty lựa chọn được các giống cam thích hợp cho vùng đất đỏ Xuân Thành.


Anh Giản Viết Hoàn, 40 tuổi, công nhân đội 3, Cty NN Xuân Thành nhận khoán 2 ha đất trồng cam, đã thu hoạch 1,5 ha, mỗi năm lãi 1-1,2 tỷ đồng, anh xây nhà sàn trên 5 tỷ và sắm ô tô đắt tiền

Trong quá trình SX cam ở Cty Nông nghiệp Xuân Thành, do có tính đặc trưng về năng suất, chất lượng cao nên ngày 17/11/2010 Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp Bằng Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả của tỉnh Nghệ An. Cũng từ đấy đến nay thương hiệu Cam Vinh SX tại Xuân Thành nổi tiếng khắp mọi miền đất nước.

Cam Vinh có trọng lượng 4-5 quả/kg, vỏ mỏng, màu xanh vàng. Bổ đôi quả cam có múi vàng óng tựa mật ong, hạt ít, mọng nước, mùi thơm và có vị ngọt pha chút chua thanh đầy hấp dẫn. Để tránh mua nhầm, Cty khuyến cáo người tiêu dùng nên mua những lô hàng đã có tem nhãn đã được dán trên các quả cam và hộp gói.

Xem thêm
Xuất khẩu chè của Việt Nam 11 tháng đạt gần 235 triệu USD

Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam sang các thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2023.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Tập đoàn Mavin 20 năm 'Kiến tạo - Nâng tầm - Bứt phá'

HÀ NỘI Đây là dịp đặc biệt và ý nghĩa để nhìn lại hành trình phát triển vinh quang của Mavin trong 2 thập kỷ qua, khơi dậy niềm tự hào, động lực hướng tới tương lai.